Rolex, Patek Philippe, Chopard, Tudor, và tập đoàn LVMH rời bỏ Baselworld

Tương lai của hội chợ triển lãm đồng hồ Baselworld mông lung khi hàng loạt thương hiệu đồng hồ và trang sức lớn xa rời nó

Gian hàng Rolex tại hội chợ Baselworld 2018. Ảnh: Getty Images

Khi Baselworld kết thúc hồi tháng 3/2018, giám đốc điều hành Rolex, Jean-Frédéric Dufour, đã hết lời khen ngợi triển lãm. “Không thể bỏ lỡ sự kiện thường niên này! Sự phát triển và năng lượng mà Baselworld mang đến rất quan trọng với ngành kim hoàn và đồng hồ Thụy Sỹ”, ông phát biểu.

Nhưng chỉ hai năm sau, mọi thứ đã thay đổi.

Rolex đã quyết định rời bỏ hội chợ triển lãm này. Theo sát nút là Patek Philippe, Tudor, Chanel, Chopard và các thương hiệu dưới trướng tập đoàn LVMH (gồm Tag Heuer, Hublot và Zenith).

“Chúng tôi đã tham dự Baselworld từ 1939. Tuy nhiên, vì những thay đổi dưới sự điều hành của nhóm MCH, dù nuối tiếc nhưng chúng tôi đã quyết định sẽ rời bỏ hội chợ này”.

– Giám đốc điều hành Rolex, ông Jean-Frederic Dufour –

Năm công ty lớn của ngành đồng hồ sẽ tham dự một hiệp hội khác: Fondation de la Haute Horlogerie (FHH). FHH cũng là nhà tổ chức hội chợ SIHH (nay đổi tên thành Watches & Wonders). Dự kiến, show Watches & Wonders kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 4/2021, cũng tại Geneva.

Hội chợ SIHH đã đổi tên thành Watches & Wonders và đang thu hút nhiều cái tên lớn trong ngành kim hoàn. Ảnh: Reuters

Đây là cú sốc lớn với Baselworld, cùng một lúc mất đi cả hai thương hiệu mạnh là Rolex và Patek Philippe. Nhất là vì Swatch cũng đã chia tay Baselworld từ năm 2018.

Giám đốc điều hành tập đoàn Swatch Nick Hayek Jr. từng phát biểu, “Khi nhìn lại những hội chợ cũ kỹ này, bạn sẽ thấy rằng nó không còn giá trị. Chúng ta đang sống ở một thế giới mới, gần gũi hơn với các nhà bán lẻ và khách hàng. Chúng ta nên thử sức làm điều gì đó sáng tạo hơn để kết nối với những đối tác quan trọng”.

Kết quả là tập đoàn Swatch tổ chức hội chợ mini của riêng họ tại Zurich, ở cùng thời điểm Baselworld diễn ra. Tập đoàn Swatch sở hữu một loạt thương hiệu lớn như Longines, Omega và Tissot.

Vì sao Baselworld bị hắt hủi?

Gian hàng Patek Philippe năm 2015 ở Baselworld. Ảnh: Getty Images

Năm nay, vì dịch cúm corona, sự kiện Baselworld vốn diễn ra vào tháng Năm hàng năm bị đẩy lùi xuống tháng Giêng năm sau. Ban tổ chức và các thương hiệu tham gia đã cãi nhau gay gắt về vấn đề tiền bạc xung quanh sự thay đổi này. Các thương hiệu yêu cầu ban tổ chức hoàn trả tiền đặt cọc hoặc có ưu đãi tài chính. Tuy nhiên, vấn đề tài chính không được giải quyết, dẫn đến tình huống hiện tại.

Để tham gia Baselworld rất đắt đỏ. Các thương hiệu phải chi ra từ 300,000 đến 600,000 đô-la Mỹ cho sự kiện kéo dài cả tuần này.

Một số nguồn tin nội bộ còn cho biết, ban tổ chức Baselworld rất thờ ơ với khách hàng. Họ không hề tôn trọng đối tác như một số hội chợ khác. Chuyên gia thẩm định trang sức, Marion Fasel, kể lại: “Gian hàng của bạn tôi, một nhà chế tác kim hoàn nhỏ, ở vị trí khá xấu. Khi anh phàn nàn, nhà tổ chức bảo, ‘không vui thì năm sau đừng quay lại’!”.

Chủ tịch Patek Philippe Thierry Stern nói, “Quyết định rời bỏ Baselworld không dễ dàng. Tôi là thế hệ thứ tư của gia tộc Stern tham gia sự kiện này. Nhưng cuộc sống thay đổi. Ngày hôm nay, viễn tưởng của Patek Philippe không còn trùng lặp với viễn tưởng của Baselworld. Có quá nhiều vấn đề không được giải quyết… Chính vì vậy, sau một hồi thương thảo với Rolex và các thương hiệu khác, chúng tôi quyết định sẽ cùng chung tay xây dựng một sự kiện tốt hơn cho ngành đồng hồ Thụy Sỹ”.

Những thay đổi trong ngành đồng hồ

Từ lâu, hội chợ Baselworld đã bị xem là không còn phù hợp với những thay đổi của ngành đồng hồ hiện đại.

Một phần vì các thương hiệu đã bắt đầu tự mở cửa hàng riêng nhiều hơn, chứ không còn cần phải bán vào những chuỗi đa thương hiệu như trước. Ông Cedric Weisse của công ty tư vấn Euro Luxury Group cho biết, “Khoảng 20 năm trước, các thương hiệu bán sỉ khoảng 70% và bán lẻ khoảng 30%. Bây giờ con số này là 50-50”. Nếu không còn bán sỉ, thì những hội chợ như Baselworld đã kém phần quan trọng.

Một lý do khác là từ năm 2015, doanh thu của khối đồng hồ đã sụt giảm. Ví dụ, tập đoàn Swatch, chỉ từ 2015 đến 2016, đã có lượng doanh thu giảm sút gần 50%. Một phần vì sự ra đời của những đồng hồ điện tử thông minh, như Apple Watch. Như vậy, các thương hiệu phải linh động hơn trong chuyện chi tiêu cho các hoạt động.

>>> Xem thêm: NGỠ NGÀNG TRƯỚC KỸ THUẬT CẨN ĐÁ QUÝ TỈ MỈ CỦA ĐỒNG HỒ ROLEX

Theo Hodinkee, Forbes
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm