
Mâm cơm Việt. Ảnh: SH Garden
Tự cổ chí kim, mâm cơm gia đình luôn là biểu tượng của bữa ăn trong văn hóa Việt. Bữa ăn không chỉ để no bụng mà còn là dịp để các thành viên sum họp, thể hiện sự hiếu khách và tôn trọng lẫn nhau.
Ngoài ra, mâm cơm còn là nơi để trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau. Qua bữa ăn, con cháu được học hỏi về cách ứng xử, lễ phép và lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ. Câu tục ngữ “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” chính là đúc kết những kinh nghiệm quý báu về cách ứng xử trên mâm cơm, góp phần hình thành nên những quy tắc sắp xếp bàn ăn đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
Cách sắp xếp mâm cơm Việt
Hầu hết các bữa ăn chính của người Việt đều diễn ra trong không khí gia đình ấm cúng trên cùng một mâm cơm. Nhà giàu thì mâm ăn bằng đồng, nhà không mấy dư giả thì thay bằng cái mẹt tre. Tề tựu cùng bên mâm cơm là cách thể hiện sự đùm bọc, trên dưới một lòng trong gia phả nên tất cả mọi thứ đều hình tròn, từ cái mâm đến cái bát, đến “củ ấu cũng phải tròn”.
Không có một quy chuẩn chung về cách thức sắp đặt các món ăn hay dụng cụ mà chủ yếu tùy thuộc vào mỗi gia đình. Tựu trung, các món ăn thường được sắp xếp theo hình tròn và bung ra như bông hoa, món chính như thịt hay cá sẽ đặt vào giữa, xung quanh là các món rau, xào, dưa, canh hay nước chấm.
Dọn mâm và mời cơm
Trước khi dọn mâm thì chồng chén và đũa sẽ được mang ra trước. Người nhỏ tuổi có trách nhiệm so và đưa đũa cho người lớn tuổi nhất, sau đó lần lượt theo thứ tự tuổi tác cho đến người cuối cùng. Tương tự, cơm cũng được xới và đưa mời người lớn trước. Người phụ nữ trong gia đình thường ngồi sát nồi để thuận tiện xới cơm cho mọi người.
Trước khi dùng bữa, gia đình Phật tử thuần thành thì tạ ơn, gia đình theo Công giáo thì cầu nguyện. Trẻ con trong nhà không được ăn trước khi người lớn tuổi chưa động đũa và phải mời cả nhà cùng ăn theo luật lệ bất di bất dịch “lớn trước nhỏ sau”.
Ăn trông nồi

Đối với những món chính, việc nhắm chừng để chia phần là điều bắt buộc. Ảnh: SH Garden
Vế đầu tiên của câu tục ngữ nhắc chúng ta về quy tắc xử sự trên bàn ăn sao cho phép tắc. Mỗi người phải có cách cư xử đúng mực trong ăn uống. Trước khi gắp phải ước lượng bao nhiêu cho vừa đủ khẩu phần. Lấy ví dụ, nhà có bảy thành viên thì bạn phải chia bằng mắt sao cho đủ các phần bằng nhau rồi mới lấy một phần trong đó. Việc phân chia như vậy trong bữa ăn phản ánh ý thức nhường nhịn quan tâm đến gia đình trong văn hóa Việt.
Khi dùng bữa thì một tay cầm đũa còn tay kia bưng bát cơm để ăn. Đây là điển tích du nhập từ thời Nam Tống vào Việt Nam. Chuyện kể rằng giữa thời loạn lạc, Hoàng đế lúc lánh nạn thì thiếu lương thực. Nhưng may mắn được kẻ ăn mày tên Cao Quân chia nửa cái màn thầu giúp ông vượt qua cơn đói. Sau này Hoàng đế đưa ông vào cung sống cuộc đời sung túc. Thế nhưng, vì không quen phép tắc trong cung cấm nên Cao Quân xin vua “thả” mình trở về cuộc sống như xưa. Hoàng đế sau đó ban cho Cao Quân “bát cơm vàng” để ăn xin. Vua truyền thánh chỉ, tất cả những ai thấy đều phải từ thiện, nếu không sẽ bị quy vào tội bất kính. Dựa vào “bát cơm vàng”, ông sống cuộc đời được chăm sóc đặc biệt trong nhiều năm liền. Sau đó, Cao Quân đã vô tình làm vỡ “bát cơm vàng” quý giá vì không cầm bát bằng tay khi ăn. Ông đã trở lại những ngày ăn xin khổ cực.
Việc nâng bát cơm khi ăn là biểu hiện của sự trân trọng đối với thành quả lao động, cũng là yếu tố quan trọng để có cuộc sống sung túc. Ngược lại, người ăn uống lỗ mãng, không coi trọng bát cơm, thường được dự đoán là sẽ gặp phải cảnh nghèo, khó mà ngóc đầu lên.
Từ đấy, nhiều bậc phụ huynh dạy con khi ăn phải cầm chén cơm cẩn thận, ăn uống từ tốn, đưa chén đến gần miệng để tránh làm rơi vãi thức ăn ra ngoài. Trong suốt bữa ăn, cố gắng không để cơm và thức ăn rơi ra khỏi chén. Sau khi dùng xong, chén cần phải sạch cơm và không còn thức ăn thừa. Cuối bữa, hãy đặt chén và đũa gọn gàng trên bàn và đợi mọi người ăn xong trước khi rời khỏi mâm cơm.
Ngồi trông hướng

Lựa chọn chỗ ngồi. Ảnh: SH Garden
“Ngồi trông hướng” nhắc chúng ta trong lúc ngồi ăn cần xem lại đã ngồi ở vị trí có phù hợp hay chưa, đặc biệt khi có người lớn tuổi. Không chỉ trong mâm cơm, ở những nơi khác như chốn đông người, trên các phương tiện công cộng hay nơi làm việc… đều cần tự nhắc về ý thức trong việc đi, đứng, ngồi tùy vào vị trí và vị thế của mình.
Còn hàng loạt quy tắc mà bạn phải tuân theo khi ngồi vào bàn ăn. Chắc hẳn đứa trẻ nào cũng từng bị mắng vì rung chân trên bàn ăn. Cổ nhân dạy: “Ăn cơm, tay không bưng bát, nghèo một đời. Quen thói rung chân, xui xẻo ba kiếp”. Không chỉ gây khó chịu cho người ngồi cùng, hành động cấm kỵ này bắt nguồn từ điển cố ở Trung Quốc.
Vào thời nhà Minh, Tạ Trùng Khánh, một thần đồng 6 tuổi đã thuộc lòng Tứ thư và Ngũ kinh. Năm 20 tuổi, anh chuẩn bị lên kinh để tham gia kỳ thi quan trọng do Hoàng đế chủ trì. Trước khi đi, người cố vấn đã nhắc nhở anh bỏ tật rung chân. Kết quả, dù câu trả lời của Trùng Khánh rất tốt và Hoàng đế chọn là người chiến thắng, nhưng chính thói quen rung chân, nhún vai đã khiến anh mất đi danh vọng và không thể làm quan. Nguyên nhân là do Hoàng đế Hồng Hi bị bệnh ở chân và liệt nửa người. Hành động rung chân, nhún vai của Trùng Khánh bị coi là mỉa mai và châm biếm bệnh tật của Hoàng đế.
Vì thế, rung chân được cho là thể hiện sự tự mãn, thiếu chí tiến thủ, tiêu tan vận khí, tài lộc và gây ấn tượng xấu. Rung chân bị coi là biểu hiện của bất cẩn, thiếu nghiêm túc và giảm phúc khí, nên cả trẻ con và người lớn tuyệt đối không rung chân, đặc biệt khi nhà có khách.

Những bữa cơm gia đình đóng vai trò như những lớp học quy tắc, nghi lễ của người Việt. Ảnh: Unsplash
Tổng hòa những quy tắc trên không đơn thuần là sắp xếp mang tính hình thức, mà còn là hiện thân của tôn ti trật tự trong đời sống, yếu tố then chốt để tạo nên xã hội hài hòa. Trong văn hóa Việt, những yếu tố này thể hiện qua các mối quan hệ gia đình, xã hội, từ cách xưng hô giao tiếp đến hành động thường ngày. Bữa cơm gia đình là nơi giá trị này thể hiện rõ ràng nhất. Việc sắp xếp chỗ ngồi, thứ tự gắp thức ăn, cách mời cơm… đều thể hiện sự tôn trọng dành cho người lớn tuổi, người có địa vị cao hơn trong gia đình và xã hội. Đồng thời, những quy tắc này giúp giáo dục con cháu về lòng biết ơn, sự hiếu thảo và ý thức về vị trí của mình trong gia đình, là nền tảng đối nhân xử thế trong tương lai.
THẾ GIỚI ẨM THỰC:
NHỮNG MÓN NGON NHẤT MÙA THU NHẬT BẢN BẠN NÊN MỘT LẦN ĂN THỬ
THƯỞNG THỨC TRỨNG CÁ TẦM MUỐI CAVIAR SAO CHO ĐÚNG CÁCH
CÁCH CHỌN TRÀ NGON LÀM QUÀ TẶNG THEO TỪNG CÁ TÍNH
Harper’s Bazaar Việt Nam