Quần áo chống tia UV là gì: Hiểu về tính chất đánh bật tia cực tím của vải vóc

Đang băn khoăn có nên đầu tư mua quần áo chống tia cực tím? Sau đây là tất cả những gì bạn cần biết về trang phục chống tia UV

Quần áo chống tia UV là từ khóa ngày càng thịnh hành trong mùa hè.  Ảnh: FreeFly Apparel

Thời gian gần đây, hàng loạt thương hiệu quảng bá sản phẩm mùa hè với mỹ từ “quần áo chống tia UV” hay “quần áo chống tia cực tím”. Thông tin này khiến người tiêu dùng hoang mang rằng những gì mình đang có sẵn trong tủ đồ không phù hợp để bảo vệ da trước tia cực tím, do đó không ngại mở hầu bao mua sắm những vật phẩm được quảng bá.

Tuy nhiên, nếu đang chuẩn bị đi biển và hoang mang trước thông tin phải bảo vệ da với trang phục chống tia cực tím, bạn đừng lo. Trang phục hàng ngày của bạn cũng có độ chống nắng nhất định.

Hãy cùng Harper’s Bazaar tham khảo những điều bạn cần biết về quần áo chống tia cực tím, cũng như cách chọn thời trang mùa hè bảo vệ da hiệu quả.

Quần áo chống tia UV là gì? Trang phục bình thường có chống tia cực tím không?

Ảnh: Lululemon

Các chất liệu vải đều có khả năng chống tia UV, ít hoặc nhiều. Do đó, bạn không nhất thiết phải mua trang phục chống tia cực tím cho hoạt động hàng ngày.

Tuy nhiên, cho các hoạt động dưới nước, hoặc tập thể thao ngoài trời với cường độ cao khiến bạn ra nhiều mồ hôi, thì bạn nên sắm sửa trang thiết bị chuyên biệt. Lý do vì vải khi ướt trở nên xuyên thấu và bị giảm khả năng bảo vệ da. Harper’s Bazaar sẽ giải thích thêm ở phần “Chất liệu vải” của bài viết này.

UPF, đơn vị đo lường khả năng chống tia UV của trang phục

Khả năng chống nắng của chất liệu vải được đo lường qua thang độ UPF, như cách kem chống nắng có chỉ số SPF vậy.

Sự khác biệt giữa hai chỉ số nằm ở cách đọc số liệu. SPF tính thời lượng kem chống nắng có thể bảo vệ được làn da, trước khi da trở nên mẩn đỏ vì cháy nắng. Còn UPF thì tính hàm lượng tia UV quần áo có thể lọc được. Ví dụ, chỉ số UPF 50 có nghĩa rằng trang phục sẽ chống được 98% tia cực tím, chỉ để lọt 2%.

Có 3 loại tia cực tím: UVA, UVB và UVC. Tia UVC có bước sóng khá ngắn, khó mà làm hại da. UVA có bước sóng dài nhất, dễ thâm nhập sâu vào da và gây chảy xệ, lão hóa. Còn UVB, với bước sóng trung bình, là thủ phạm gây cháy da, dẫn đến nám da về lâu dài. Trang phục có độ UPF tốt có thể chống lại cả tia UVA và UVB.

Chất liệu vải: Loại vải nào chống tia cực tím tốt nhất?

Trang phục lướt sóng của dân chuyên nghiệp luôn thuộc dạng dài tay và có tính năng chống tia UV để bảo vệ các vận động viên trong nhiều giờ thi đấu liên tiếp. Ảnh: Instagram @45surf

Những loại vải tốt nhất để bảo vệ da trong ngày hè phải có khả năng hoặc hấp thụ tia UV, ngăn ngừa không cho nó xuyên qua và chạm vào da, hoặc có thuộc tính phản quang và đẩy bật tia cực tím.

Nói để thấy một số loại vải vóc có khả năng bảo vệ da trước tia cực tím tốt hơn các loại chất liệu khác. Cụ thể:

Về màu sắc: Vải màu đậm có khả năng hấp thụ tia cực tím tốt hơn là những màu trắng sáng. Ví dụ, loại áo thun trắng tuy mát mẻ ngày hè lại chỉ có độ UPF 5. Do đó bạn vẫn có thể cháy nắng nếu diện áo thun trắng ngoài bãi biển trong thời gian dài.

Về cách dệt và kết cấu: Những chất liệu dệt kín, dày dặn có khả năng chống tia cực tím tốt nhất. Ví dụ như vải denim – độ UPF của nó lên đến tận 1700! Vải corduroy dày dặn cũng là lựa chọn tốt.

Đồ bơi của LULULEMON được làm từ vải Lycra. Cách dệt dày dặn chống nắng, tia UV, và ngăn ngừa hư tổn từ nước biển.

Về sợi vải: Thể loại sợi làm nên trang phục của bạn cũng quan trọng. Sợi cotton chưa tẩy (ví dụ như raw denim) vô cùng hiệu quả, vì trong tế bào cotton có hợp chất lignin giúp hấp thụ tia cực tím. Vải sợi tre cũng được chứng minh có độ UPF 50+ tự nhiên. Các loại sợi tổng hợp hoặc lụa tơ tằm sáng bóng cũng giúp phản xạ ánh sáng, đẩy bật các tia cực tím.

Vải denim và corduroy có tính năng chống tia UV siêu việt, nhưng lại không thoáng khí cho hè. Ảnh: Mũ Bucket bằng denim và nylon, PATAGONIA

Các yếu tố làm giảm đi độ chống tia cực tím của trang phục:

Độ ướt của vải: Khi ướt, chất vải có thể trở nên xuyên thấu và kém hiệu quả trong việc chống tia UV. Ví dụ, chiếc áo thun trắng vốn có độ UPF khoảng 5, khi bị ướt sẽ giảm xuống chỉ còn 3! Vì lý do này, bạn nên chọn mua trang phục bơi lội, lặn biển từ các thương hiệu chuyên nghiệp có ghi rõ độ UPF để bảo vệ làn da tốt hơn.

Độ cũ của trang phục: Những món đồ cũ, sờn, có chất vải mỏng đi trông thấy, sẽ không hiệu quả bằng trang phục mới. Ngoài ra, những trang phục được phủ lớp UPF đặc biệt (thay vì sử dụng chất liệu vốn có tính năng hấp thụ tia UV cao) sẽ cũng mất dần hiệu nghiệm sau khoảng 40 đến 50 lần giặt. Việc giặt quá thường xuyên, hoặc giặt ở nước nóng, có thể làm hư hại đến lớp chống tia cực tím này.

Độ co giãn của trang phục: Việc mặc đồ quá chật sẽ khiến vải bị dãn. Điều này cho phép tia cực tím lọt qua lớp vải dễ dàng hơn. Đây là lý do vì sao bạn nên ưu tiên trang phục rộng rãi thay vì bó sát trong ngày hè. Cũng vì lý do đó, những chiếc mũ rơm đan không chặt tay sẽ không tốt bằng mũ denim rộng vành trong việc bảo vệ đầu tóc và da mặt.

Áo khoác rộng tốt hơn là áo chật trong việc chống tia cực tím. Ảnh: UNIQLO x MARIMEKKO

Khi nào nên mua trang phục chống tia cực tím chuyên biệt?

Công bằng mà nói, một số trang phục hàng ngày của chúng ta, tuy không có chỉ số UPF, không có nghĩa là chúng kém tác dụng trong việc bảo vệ làn da. Thực chất, vải vóc bình thường đều có khả năng ít hoặc nhiều chống tia cực tím.

Harper’s Bazaar khuyên bạn chỉ nên đầu tư cho trang phục chống tia cực tím chuyên nghiệp khi tham gia các hoạt động thể thao ngày hè. Chúng được thiết kế bằng chất liệu đặc thù để vừa thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, lại có chỉ số UPF cao.

Những trang phục này thường được chế tác đặc biệt. Có thể chúng làm từ chất liệu vải có đặc tính hấp thụ tia cực tím tốt. Hoặc được làm từ vải có kèm một lớp kẽm hay titanium – các nguyên liệu thường thấy trong kem chống nắng vật lý – để chống tia cực tím hiệu quả. Nhưng chúng vẫn đảm bảo thoáng mát và hấp mồ hôi tốt cho các hoạt động ngoài trời.

Nên đầu tư cho trang phục có độ UPF cao khi đi biển. Ảnh: FreeFly Apparel

Một số các trang phục bạn nên đầu tư: Đồ bơi tay dài với độ UPF từ 40 trở lên sẽ giúp bảo vệ da bạn tốt hơn việc bôi kem chống nắng, mà không hạn chế việc vui chơi bên bờ biển. Người thích đi chạy marathon, đạp xe đạp đường dài, chơi tennis, đánh golf hay trekking cũng nên đầu tư cho trang phục chuyên nghiệp.

Quần áo chống tia UV có thực sự hiệu quả?

Theo lời tiến sỹ da liễu Mary Stevenson tại trường đại học New York University, cho biết chúng chắc chắn có hiệu quả. “Có thể bạn bôi lớp kem chống nắng không đủ dày. Hoặc bạn quên sử dụng lại sau 2 tiếng đồng hồ. Hoặc nó bị trôi khi bạn đi bơi hay ra mồ hôi. Nhưng trang phục thì khác. Chúng không mất đi độ chống tia cực tím sau nhiều giờ”.

TÌM HIỂU THÊM:

Trích dẫn SkinCancer.org
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm