Vừa giới thiệu thương hiệu thời trang cá nhân ZES vào cuối tháng 6/2020, Châu Bùi bỗng nhiên đăng tải một thông tin gây sốc trên trang mạng xã hội: Thương hiệu ZES đã bị đối tác chiếm đoạt.
“ZES – đứa con tinh thần của Châu đang bị partner chiếm dụng và cướp quyền kiểm soát. Hình ảnh của Châu cùng bạn bè mình đã và đang bị tự ý sử dụng cho mục đích thương mại hoặc những mục đích khác. Châu hoàn toàn bị tước mất quyền kiểm soát về hệ thống vận hành, sản phẩm cũng như hình ảnh. Những nội dung và hoạt động trên trang mạng xã hội chính thức của ZES trong những ngày gần đây được đăng tải cũng không hề được thông qua hay có sự đồng ý của Châu. Về phần cá nhân Châu không thể liên lạc với partner trong công ty của mình.”
Tình huống Châu Bùi đang mắc phải không hiếm. Vấn đề hoạt động kinh doanh bị chiếm đoạt là chuyện “như cơm bữa” ở cả Việt Nam và trên thế giới.
Nếu bạn đang có ý định kinh doanh thời trang nói riêng, hay kinh doanh nói chung, thì vấn đề quản lý doanh nghiệp luôn là một vấn đề gây đau đầu. Làm sao để tránh những tình huống bất trắc này? Harper’s Bazaar đã có cuộc trò chuyện độc quyền với nữ doanh nhân Đường Thu Hương, để nghe chị tư vấn.
ĐÔI NÉT VỀ NỮ DOANH NHÂN ĐƯỜNG THU HƯƠNGChị tốt nghiệp Cử nhân quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính của Đại học North Carolina. Chị từng đảm nhận chức vụ Giám đốc đối ngoại và điều hành Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam, CEO trang webtretho, thành viên hội đồng quản trị của Forbes VN… vì vậy vô cùng giàu kinh nghiệm trong các trường hợp hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam. |
Trường hợp 1: Cân nhắc khi đăng ký bản quyền thương hiệu
Khi nói về thương hiệu, ngay lập tức chúng ta nghĩ đến vấn đề logo và biểu tượng thương hiệu. Chị Đường Thu Hương cho biết, bảo hộ thương hiệu thông minh là một bước giúp ngăn ngừa tình huống chiếm đoạt thương hiệu.
Chị lấy ví dụ là trường hợp của một chuỗi quán ăn nổi tiếng. Chủ đầu tư của chuỗi quán ăn này bắt tay với một đối tác để điều hành kinh doanh. Đối tác sau đó lừa chủ đầu tư cắt hợp đồng với bên thuê nhà. Chủ đầu tư vừa kết thúc hợp đồng thuê nhà, thì đối tác này nhảy vào, ngay lập tức lấy lại địa điểm, mở ra một quán ăn na ná từ thương hiệu đến cách phục vụ.
Tuy chủ đầu tư đã tìm cách kiện đối tác cũ, nhưng mọi công sức đều trôi sông đổ biển. Lý do vì khi đăng ký bản quyền thương hiệu, chủ đầu tư đã chọn một font chữ và cách tạo hình logo rất độc đáo. Khi đối tác mô phỏng thì không dùng logo y hệt. Vì vậy, toà án phán rằng chị không có đủ thẩm quyền để ngăn cản đối phương kinh doanh. Logo được thiết kế độc đáo lại chính là hòn đá níu chân chủ đầu tư!
CHỊ ĐƯỜNG THU HƯƠNG TƯ VẤNHãy tìm đến một luật sư sành sỏi vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu, hiểu về những bất trắc có thể xảy ra trong kinh doanh – đặc biệt là vấn đề đạo nhái thương hiệu và logo – để có thể bảo vệ đứa con tinh thần tốt nhất. Khi tự đăng ký bản quyền, bạn có thể gặp trường hợp sơ suất như trên, không thể bảo vệ cho thương hiệu cá nhân trong mọi tình huống. |
Trường hợp 2: Giới hạn thẩm quyền của nhân viên và đối tác
Cách công ty Việt Nam và công ty thế giới vận hành có đôi chút khác nhau. Công ty thế giới làm việc dựa trên chữ ký và người đứng tên. Không có chữ ký của người đại diện hợp pháp, các vấn đề kinh doanh, tài chính, luật pháp sẽ bị ngưng đọng.
Tại Việt Nam thì ngược lại. Mọi hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào con dấu. Ai sở hữu con dấu, người ấy nắm toàn quyền pháp lý – cho dù không đứng tên trên giấy tờ kinh doanh!
Chị Đường Thu Hương kể lại trường hợp của một tờ tạp chí thời trang thuần Việt rất nổi tiếng. Thuở khai sinh, tạp chí này do hai người bạn đầu tư góp vốn. Nhưng do họ không có chuyên môn, nên đã thuê một nhân viên được cho là có kinh nghiệm làm báo để điều hành. Quá tin tưởng vào nhân viên này, chủ đầu tư giao tất cả giấy tờ pháp lý, kể cả con dấu cho người ấy. Khi đã sở hữu con dấu công ty, nhân viên này âm thầm chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh và giấy phép về công ty riêng. Một màn chiếm đoạt thương hiệu quá thượng thừa, khiến chủ đầu tư không kịp trở tay!
CHỊ ĐƯỜNG THU HƯƠNG TƯ VẤNKhi vận hành một công ty, bạn cần thiết lập chế độ kiểm tra chéo. Bên điều hành doanh nghiệp không được phép nắm giấy tờ, hồ sơ pháp lý và con dấu công ty. Ngược lại, bên quản lý vấn đề pháp lý không được nắm quyền quyết định kinh doanh. Mỗi khi có quyết định lớn liên quan đến hoạt động của công ty, hai bên phải tìm đến nhau thương lượng, ký giấy tờ và đóng mộc chung. Tất cả mọi vấn đề thương thảo đều phải được ghi chú lại bằng văn bản, hồ sơ để dễ truy cứu. Nhìn chung, hạn chế giao hết toàn bộ quyền hành vào tay chỉ một bên. Chị Đường Thu Hường cười: “Một người vừa lo điều hành công ty, vừa lo giấy tờ hành chính, chẳng phải là…thánh sao? Nếu mình có thể quản hết mọi công việc rồi, cần gì đến đối tác nữa?!” Và đây chính là suy nghĩ dẫn đến nhiều vụ chiếm đoạt thương hiệu kinh điển. |
Trường hợp 3: Tình cảm và tiền bạc khó đi đôi
Xuyên suốt cuộc trò chuyện của chúng tôi, chị Đường Thu Hương luôn nhấn mạnh câu: “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”.
Chị Đường Thu Hương nói, ái tình ở đây có thể là tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình hay tình đồng nghiệp. Để một thương hiệu thành công thì các đối tác phải yêu thích và tin tưởng nhau.
Lúc này, Harper’s Bazaar không khỏi nhớ đến trường hợp của cà phê Trung Nguyên, hay thương hiệu thời trang LAMGIAKHANG. Đây là những thương hiệu khởi nguồn từ tình cảm của một cặp đôi tâm đầu ý hợp. Chính sự tin tưởng dành cho nhau đã làm nên thành công của các thương hiệu này; khi hai con người bổ khuyết cho nhau để hoạt động kinh doanh thêm tròn vẹn.
Tuy nhiên, khi cặp đôi “đường ai nấy đi”, người tổn thương nặng nhất cũng là đứa con tinh thần của họ. Trung Nguyên, thay vì nổi tiếng là thương hiệu cà phê Việt được xuất khẩu đi toàn cầu, lại trở nên đồng nghĩa với những vụ kiện tụng tốn giấy mực báo chí. Còn LAMGIAKHANG, từ một thương hiệu thời trang thành công nhất nhì Việt Nam, lại rơi vào quên lãng sau khi hai “cha đẻ” chia tay; và bị thương hiệu mới GIA STUDIOS by Lâm Gia Khang “soán ngôi”.
CHỊ ĐƯỜNG THU HƯƠNG TƯ VẤNCái khó nhất trong việc kinh doanh là giữ cái tâm nóng, cái đầu lạnh. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, các đối tác phải ngồi lại với nhau để thương thảo cổ phần. Cần ghi chú rất rõ ai góp vốn bao nhiêu, được hưởng bao nhiêu phần trăm trong công ty. Khi tình cảm không còn, có những đối tác vẫn duy trì công việc với nhau rất bình đẳng và phân minh. Đây là trường hợp tốt nhất. Nhưng khi một trong hai không còn có ý định tiếp tục cộng tác chung, thì phải giải quyết một cách rạch ròi theo mặt pháp lý để người còn lại có thể tiếp tục kinh doanh. Phương án lúc này là mua lại cổ phần của nhau. Nếu không đạt được thỏa thuận, nên cân nhắc việc giải thể. |
Lời ngỏ
Harper’s Bazaar rất hy vọng rằng Châu Bùi sẽ tìm được cách giải quyết hợp lý và giành lại quyền điều hành thương hiệu cá nhân.
Nhưng, cho dù nếu không thành công, Harper’s Bazaar thiết nghĩ, Châu cũng đừng nên quá buồn. Vì thương hiệu ZES còn rất non trẻ, chưa debut được lâu. Nó chưa tiêu tốn của Châu hàng chục năm công sức và mô hôi nước mắt như những ví dụ mà Harper’s Bazaar đã nêu ở trên.
Cú vấp này chắc chắn sẽ giúp Châu Bùi có thêm kinh nghiệm trong khía cạnh quản lý doanh nghiệp, mà lại không mất quá lâu. Vì vậy, đừng buồn Châu nhé!
>>> Xem thêm: VÌ SAO PHỤ NỮ DỄ TỔN THƯƠNG TRONG CON ĐƯỜNG THĂNG TIẾN SỰ NGHIỆP?
Harper’s Bazaar Việt Nam