Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, mẹ hay lấy đầu dừa ủ tóc và chải mi cho tôi. Mỗi cuối tuần, tôi được tắm cám gạo trộn với sữa tươi không đường. Làn da và mái tóc luôn khiến tôi luôn nổi bật nhất so với bạn bè trang lứa lúc ấy.
Các phương pháp làm đẹp của người châu Á vô cùng độc đáo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vào những năm 2000, làn sóng mỹ phẩm từ các nước Hàn, Nhật du nhập vào Việt Nam. Các sản phẩm dầu gội đầu, sữa rửa mặt, hay kem dưỡng thể được đánh giá thân thuộc với làn da phụ nữ Việt hơn là thương hiệu Tây Âu.
Khoảng dịp cuối 2019, đầu 2020, nhiều phương pháp dưỡng da bí truyền Á Đông được giới làm đẹp Tây phương đón nhận. Khi cả thế giới đảo lộn vì đại dịch toàn cầu, những quá trình chăm sóc da như một liệu pháp thiền định trở nên được đón nhận hơn bao giờ hết.
Sau đây là 8 bí quyết dưỡng da cổ truyền của phụ nữ Á Đông, nay đã phổ biến toàn cầu. Danh sách các nguyên liệu và công cụ làm đẹp phổ biến nhất có nguồn gốc từ Châu Á này hẳn sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
1. Dưỡng da cổ truyền với thanh lăn đá quý
Để nói về phương pháp làm đẹp Á Đông, tất nhiên phải kế đến bí quyết dưỡng nhan từ các loại thanh lăngđá quý. Thanh lăn ngọc bích được phụ nữ Trung Hoa sử dụng trong nhiều thế kỷ. Loại đá quý này chứa magie, sắt và canxi cần thiết cho làn da. Tính mát từ đá còn giúp thải độc tố bên trong cơ thể, và kích hoạt lại nhịp điệu của các tế bào da.
Kết hợp sử dụng thanh lăn với sản phẩm dưỡng da giúp da hấp thu hiệu quả dưỡng chất hơn, nhờ vào động tác massage giúp kích thích tuần hoàn máu trên da mặt. Bạn cũng có thể đặt thanh lăn ngọc trong tủ lạnh để tạo độ mát lành, giúp giảm sưng, phù nề khi mát-xa mặt.
>>> Xem thêm: CÂY LĂN MASSAGE MẶT CÓ THẬT SỰ HIỆU QUẢ KHÔNG?
2. Phương pháp mát-xa Gua Sha
Xuất phát từ thời Trung Quốc cổ đại, Gua Sha là một dụng cụ massage được cắt từ một loại đá, điển hình là đá ngọc bích. Gua Sha cũng sử dụng đá quý thiên nhiên. Nhưng phương thức dưỡng da cổ truyền này dựa trên thủ thuật xoa bóp các cơ mặt nhằm giảm căng thẳng, và cải thiện hệ thống dẫn lưu bạch huyết.
Bằng cách kéo dụng cụ massage trên khuôn mặt, từ xương hàm đi lên hai gò má, sẽ kích thích tái sinh năng lượng và giảm viêm. Hơn nữa, hệ thống bạch huyết thải độc tố, làm giảm sự xuất hiện bọng mắt.
3. Mặt nạ giấy, phương pháp dưỡng da cổ truyền Nhật Bản
Người ta thường đánh đồng mặt nạ giấy thấm dưỡng chất với trào lưu dưỡng da Hàn Quốc K-Beauty. Nhưng thực chất, nó có lịch sử lâu đời hơn như vậy.
Các biến thể đầu tiên của mặt nạ giấy được sử dụng bởi các Geisha Nhật Bản. Trong một cuốn sổ tay hướng dẫn cách chăm sóc da và trang điểm vào năm 1813 cho các Geisha đã xuất hiện những mô tả về những chiếc mặt nạ giấy đầu tiên. Các Geisha được hướng dẫn làm ẩm một miếng lụa kimono bằng nước cất và đắp lên mặt.
Ngày nay, với sự phát triển của ngành làm đẹp, mặt nạ giấy có những bước thay đổi đa dạng hơn trong chất liệu như cao su, giấy bạc, tơ tằm cùng vô số thành phần dưỡng nhan mới lạ.
4. Củ nghệ, phương pháp chống viêm và dưỡng da trắng sáng cổ truyền
Không chỉ là một thực phẩm thiết yếu trong nhà bếp, nghệ ngày nay còn là nguyên liệu làm đẹp được nhiều hãng dưỡng da ưu ái sử dụng. Loại gia vị có màu vàng Ayurvedic có nguồn gốc từ Nam Á đã được sử dụng trong hơn 6 thiên niên kỷ bởi đặc tính chống viêm và khử trùng.
Ngoài ra, hoạt chất Curcumin trong nghệ là một polyphenol giúp giảm sự xuất hiện của các đốm nâu và bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Nghệ còn có công dụng trị những nốt mụn cứng đầu. Vì vậy mà chị họ tôi thời xưa hay lấy nghệ thoa mặt mỗi khi bị nổi mụn.
Bổ sung nghệ trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày giúp cải thiện tình trạng nám, sạm da và tốt cho đường ruột.
>>> Xem thêm: CÔNG DỤNG CỦA CỦ NGHỆ TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ LÀM ĐẸP
5. Trà xanh, hoạt chất dưỡng da thiên nhiên nghìn năm tuổi
Trà xanh là một thành phần làm đẹp có lịch sử kéo dài hàng thiên niên kỷ. Loại cây trà được Hoàng đế Thần Nông của Trung Quốc tình cờ phát hiện ra cách đây 5000 năm. Rửa mặt bằng nước trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe làn da. Các polyphenol trong trà xanh trung hòa các gốc tự do; và giúp giải độc cho cơ thể và làn da.
6. Chăm sóc da và tóc với gạo
Xu hướng chăm sóc tóc và da từ nước vo gạo đang khuấy đảo mạng xã hội TikTok. Tuy vậy, gạo đã là một nguyên liệu dưỡng da cổ truyền tại Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, những quốc gia sử dụng gạo như lương thực chính.
Nước vo gạo đã được các cung nữ sử dụng để dưỡng tóc từ thời Heian cổ đại của Nhật Bản. Phụ nữ Nhật đã tắm nước vo gạo trong nhiều thế kỷ. Bởi thế, làn da của phụ nữ Nhật Bản luôn mịn màng, trắng trẻo.
Nước vo gạo là một chất tẩy rửa nhẹ nhàng, lành tính và dễ sử dụng. Theo Healthline, nước gạo lên men; hoặc rượu gạo giúp da cải thiện tác hại của ánh nắng mặt trời lên da. Hơn nữa, nó còn kích thích da sản sinh collagen.
Ngoài ra, cám gạo là thành phần dưỡng trắng da tuyệt vời. Tôi thường xuyên sử dụng cám gạo để tẩy da chết. Pha cám gạo với sữa chua hoặc sữa tươi không đường và thoa lên da trong 20 phút. Sau khi tắm sạch, bạn sẽ cảm thấy làn da mịn màng rõ rệt.
>>> Xem thêm: GỘI ĐẦU BẰNG NƯỚC VO GẠO GIÚP TÓC CHẮC KHỎE VÀ BÓNG MƯỢT
7. Nhân sâm, vị thuốc quý trong Đông Y
Nhân sâm có nguồn gốc ở Hàn Quốc và miền bắc Trung Quốc. Đây là thần dược quý, cực kỳ đắt tiền được giới quý tộc và hoàng gia yêu thích.
Nhân sâm là một loại thuốc bổ cho cơ thể để khôi phục lại chức năng cho các cơ quan. Sâm rất giàu phytoestrogen, được gọi là ginsenosides, một chất chống oxy hóa mạnh.
Nếu bạn đang muốn dưỡng sáng da, bổ sung nhân sâm sẽ giúp cơ thể ngăn chặn sản xuất melanin. Cùng với đặc tính chống viêm, nhân sâm dễ dàng làm dịu vết mẩn đỏ và sưng tấy. Ngoài ra, thành phần này còn thúc đẩy sự lưu thông của mạch máu và kích hoạt tăng sinh collagen.
>>> Xem thêm: TÌM HIỂU VỀ NẤM LINH CHI, BÍ MẬT CỦA NGHI THỨC LÀM ĐẸP TRONG CUNG ĐÌNH XƯA
8. Dừa, nguyên liệu chăm da dưỡng dáng toàn vẹn
Dừa được cho là có 2 nơi xuất xứ: Các nước Đông Nam Á và Nam Á. Không có gì ngạc nhiên khi các nền văn hóa tại đây đã lưu truyền các nghi lễ làm đẹp cổ truyền lấy dừa làm trung tâm. Nhất là vì không có phần nào của loại trái cây này bị lãng phí trong công cuộc làm đẹp!
Dầu dừa được sử dụng để ủ tóc, làm bóng và kích thích mọc tóc. Nước dừa, ngoài việc giải khát còn có tác dụng chống oxy hóa và chất điện giải có trong nước dừa rất tốt cho tóc và da đầu. Sữa dừa kết hợp với bã cà phê là thành phần cực tốt trong việc cấp ẩm và tẩy da chết cho làn da cơ thể.
Bạn đã trải nghiệm bao nhiêu thành phần làm đẹp, dưỡng da cổ truyền được liệt kệ trên đây rồi?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam