Nhiều người trong giới thới trang vừa dành cuối tuần qua ngồi luyện bộ phim thời trang mới trên Netflix, Halston. Nó là đề tài được bàn tán sôi nổi trên các nhóm yêu thời trang khắp nơi. Từ phong cách tương đồng giữa nhà thiết kế Halston và Tom Ford (sẽ được thảo luận trong một bài viết khác); cho đến lối sống xa xỉ của giới thời trang; và những cuộc chơi phóng túng của giới đồng tính trong những thập niên 1970. Tất cả về bộ phim này đều gây tranh cãi.
Tuy nhiên, chúng ta đều cần nhớ một điểm: Đây không phải là phim tài liệu! Điều này có nghĩa rằng, bộ phim Halston trên Netflix ít nhiều sẽ có chút hư cấu, phóng đại. Gia đình Halston thậm chí còn công khai tỏ thái độ bất mãn trước dự án điện ảnh này. “Nó hoàn toàn sai sự thật!”, theo lời cháu gái nhà thiết kế quá cố.
Vậy, bộ phim này đúng, khác thế nào so với lịch sử thật? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.
>>> Xem thêm: NHÀ THIẾT KẾ ROY HALSTON LÀ AI MÀ NETFLIX PHẢI LÀM PHIM VỀ ÔNG?
1. Về tuổi thơ Halston
Bộ phim Halston trên Netflix mở màn với một ký ức tuổi thơ của cậu bé Roy Halston Frowick ở miền quê Mỹ. Cậu thấy mẹ mình bị tra tấn tinh thần bởi người bố vũ phu. Và cậu tìm cách giúp mẹ vui khi thiết kế mũ đính lông vũ cho mẹ. Sau đó người mẹ lại bị người bố mắng vì “dám dạy dỗ con thành một kẻ nhu nhược”, khi thích thú vui yểu điệu thục nữ là may vá.
Thật hay giả: Hư cấu. Bố Halston, ông James Edward Frowick, là một nhân viên kế toán. Ông nổi tiếng nóng tính, nhưng chuyện đánh mắng vợ con có lẽ là hư cấu. Chí ít, Halston chưa từng chạy trốn khỏi nhà, và có thể theo học ngành thiết kế thời trang như mong muốn.
2. Về việc nổi tiếng sau khi thiết kế mũ cho Jacqueline Kennedy
Ngay sau cảnh về ký ức tuổi thơ Halston, bộ phim chuyển sang cảnh kế tiếp là một Halston đã lớn đang xem TV về ngày đăng quang của tân tổng thống Mỹ, ông John F. Kennedy. Bên cạnh ông, đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy đội chiếc nón pillbox do Halston thiết kế. Ngay lập tức, hàng tá khách hàng tràn vào gian hàng Halston để hỏi mua mũ.
Thật hay giả: Thật. Năm 1961, lúc làm nên chiếc mũ pillbox cho Jackie O’, Halston đã là nhà tạo kiểu mũ nón của trung tâm mua sắm thời trang hạng sang Bergdorf Goodman ở New York. Nhưng mãi đến khi Jackie O’ đội nón của Halston thì cái tên của ông mới được công chúng biết đến rộng rãi.
Vui vui: Quý bà Jackie Kennedy phối nón Halston cùng trang phục của stylist cá nhân Oleg Cassini. Oleg Cassini quả quyết là mình mới là người thiết kế nên chiếc mũ pillbox, còn Halston chỉ đơn giản là thực hiện nó mà thôi.
3. Về việc gần như phá sản sau khi thực hiện bộ sưu tập thời trang đầu tay
Về những năm cuối thập niên 1960, xu hướng làm tóc phồng to trở nên thịnh hành. Các quý bà ngừng đội mũ nón để tránh làm hỏng kiểu tóc. “Quỷ tha ma bắt Jacqueline Kennedy”, Halston đã thốt lên câu thoại này trong phim, khi cho rằng bà đã từ bỏ mũ của mình để chuyển sang ưu ái mốt tóc phồng.
Halston phải tìm ra một hướng đi mới để không bị đào thải. Ông quyết định ra mắt bộ sưu tập thời trang mặc sẵn đầu tiên.
Theo bộ phim Halston trên Netflix, việc thực hiện bộ sưu tập thời trang đầu tay khiến ông rơi vào cảnh nợ nần, với mức nợ lên đến 200.000 đô-la Mỹ. May mắn thay, quý bà Babe Paley (vợ của người đã sáng lập đài truyền hình SBS) đã đặt hàng loạt mẫu đầm Ultrasuede của Halston. Nhờ sức ảnh hưởng của Babe Paley, hàng loạt người học theo và đặt mua chiếc đầm này, cứu nhà mốt khỏi bờ vực phá sản.
Thật hay giả: Hư cấu, một phần. Đúng là Halston đã gần như sạt nghiệp sau khi tung ra bộ sưu tập đầu tay. Nhưng không chỉ Babe Paley, mà hàng loạt những khách hàng cũ từ thuở còn thiết kế mũ nón của Halston – như Catherine Deneuve, Lauren Bacall, và cả Jackie Kennedy – đều chung tay ủng hộ ông. Họ đặt hàng rất nhiều mẫu đầm khác nhau, chứ không chỉ riêng mẫu đầm Ultrasuede.
4. Về việc thần tượng Cristóbal Balenciaga
Trong hai tập đầu của bộ phim Halston trên Netflix, nhà thiết kế thường xuyên nhắc đến Cristóbal Balenciaga như một nguồn truyền cảm hứng cho mình. Dễ thấy sự tương đồng giữa hai nhà thiết kế này. Họ cùng đam mê sự tinh giản trong thời trang. Họ không thích trang phục có quá nhiều chi tiết đính kết rườm rà, mà chất liệu vải phải đủ sang đẹp để tôn vinh đường cong của người mặc.
Thật hay giả: Thật, nhưng có thiếu sót. So với Cristóbal Balenciaga, người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến Halston chính là Charles James. Charles James có thể được xem là nhà thiết kế haute couture đầu tiên của nước Mỹ. Sau khi gặp mặt Charles James năm 1957, Halston thường xuyên đi ăn cùng ông. Công việc thiết kế mũ nón ở Bergdorf Goodman của Roy Halston cũng do Charles James giới thiệu. Bông hoa lan mà Halston tiêu tốn hơn trăm nghìn đô-la Mỹ/tháng để đặt mua, thực chất là một loài hoa yêu thích của Charles James.
Lịch sử không được đưa lên phim: Hậu năm 1969, khi Halston đã khởi nghiệp thành công, Charles James rơi vào túng quẫn. Halston đã thậm chí trả lương cho Charles James để thiết kế thời trang. Tuy nhiên, lúc này Charles James thường xuyên nghiện ngập và trầm cảm. Mối quan hệ của cả hai trở nên tệ đến mức, cho đến ngày qua đời, Charles James luôn miệng nguyền rủa Halston vì cho rằng nhà thiết kế trẻ đã ăn cắp ý tưởng của mình.
5. Về việc Halston chơi thân với Liza Minnelli cho đến ngày qua đời
Xuyên suốt bộ phim Halston trên Netflix, từ khi thành công cho đến lúc rơi xuống đáy vực, nhà thiết kế cãi cọ với rất nhiều người. Duy chỉ có Liza Minnelli, con gái của danh ca Judy Garland, là ở bên Halston cho đến tận những giây phút chót.
Thật hay giả: Thật. Liza Minnelli mãi mãi là fan trung thành của Halston. Ông đã thiết kế rất nhiều trang phục cho cô, kể cả trang phục nhận giải thưởng Oscar năm 1973. Hậu cái chết của nhà thiết kế, Liza Minnelli đã tài trợ một buổi triển lãm để tưởng niệm Halston.
Lịch sử khác với phim: Bộ phim Halston trên Netflix cho rằng Halston đã gặp Liza Minnelli tại một hậu trường một buổi biểu diễn. Thực chất, qua lời kể của nữ ca sỹ, thì cách họ gặp nhau lại bình thường hơn rất nhiều. Liza Minnelli vốn rất thích thiết kế của Halston, và bạn của cô đã đặt lịch để Minnelli gặp gỡ Halston trực tiếp. “Chúng tôi ngay lập tức hợp nhau”, cô nhớ lại.
7. Về người bạn thân Elsa Peretti
Bộ phim Halston trên Netflix đề cập đến Elsa Peretti như một người trong hội bạn của Halston. Ban đầu là người mẫu và tay chạy vặt, sau đó mới trở thành bạn thân của Halston khi bà trở thành một nhà thiết kế trang sức cho thương hiệu Tiffany & Co. Elsa Peretti cũng thiết kế lọ nước hoa cho Halston. Về những năm sau, khi Halston bắt đầu rơi vào túng quẫn, sự thành công của Elsa Peretti khiến ông tức giận và ngừng giao thiệp với bà.
Thật hay giả: Thật, nhưng có thiếu sót. Elsa Peretti là một người mẫu thuộc nhóm Halstonettes. Đây là những “gương mặt đại diện” cho nhà thiết kế Halston. Ông là người tiên phong sử dụng người mẫu da màu (ví dụ Iman), người mẫu ngoại cỡ (như Pat Ast)… một điều rất lạ thời bấy giờ. Halston cũng thường xuyên đi chơi với các người mẫu Halstonettes của mình, một điều không xuất hiện trên phim Netflix.
Lịch sử khác với phim: Việc Elsa Peretti và Halston tuyệt giao cũng có thật. Đúng như phim Halston trên Netflix mô tả, ông đã mua tặng cho bà một chiếc áo khoác lông chồn trị giá 25.000 đô-la Mỹ. Khi Elsa phát hiện ra mình được trả một khoản tiền quá nhỏ cho lọ nước hoa của mình, bà đã ném thẳng tay chiếc áo này vào lò lửa. Còn trong phim, Elsa Peretti chưa một lần chất vấn Halston về giá thành lọ nước hoa; bà cũng không thiêu trụi chiếc áo lông thú đắt đỏ.
8. Về mối quan hệ với Victor Hugo, và Andy Warhol
Theo phim Halston trên Netflix ghi nhận, nhà thiết kế có một mối tình dai dẳng và đầy mâu thuẫn với Victor Hugo, một “nghệ thuật gia” tự nhận đến từ Venezuela. Vừa là người tình, vừa là nhà trang trí cửa kính của cửa hàng, vừa là kẻ giới thiệu Halston đến với lối sống trụy lạc. Họ chia tay khi Victor Hugo quay trộm phim làm tình của hai người, tống tiền nhà thiết kế, đồng thời ăn cắp tranh Andy Warhol trong căn hộ của Halston.
Thật hay giả: Thật, nhưng sự thật tồi tệ hơn trên phim nhiều. Khi Victor Hugo tống tiền Roy Halston, anh chàng này không chỉ tung tin cho nhật báo The Post, mà còn trả lời phỏng vấn cho hàng loạt ký giả khác. Cuối cùng, Halston đồng ý trả tiền bịt miệng Victor Hugo. Hai bên ký hợp đồng thỏa thuận đàng hoàng. Nhưng tất nhiên là Victor Hugo không tuân thủ và tiếp tục làm tiền dựa trên mối quan hệ (một thời) giữa mình và nhà thiết kế.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Roy Halston và Victor Hugo thêm lằng nhằng vì một nhân vật hoàn toàn không xuất hiện trên phim. Đó chính là Andy Warhol.
Tranh của Andy Warhol xuất hiện loáng thoáng trên tường căn hộ của Roy Halston và Liza Minnelli trong phim Netflix. Nhưng trong lịch sử thì hai nhà nghệ thuật gia này lại là bạn cực thân. “Khi nào H mở tiệc là Andy phải có mặt”, Liza Minnelli kể lại. Cả hai cũng nhiều lần bắt tay hợp tác.
Cuối phim, Halston ẩn náu trong một căn nhà ở Montauk, thuộc bang New York. Dù phim ẩn dụ rằng đây là biệt thự riêng của nhà thiết kế, thực chất, nó thuộc sở hữu của Andy Warhol. Roy Halston chỉ đơn giản là thuê nó mà thôi.
Andy Warhol qua đời trước Roy Halston. Những năm cuối cuộc đời mình, Andy Warhol chuyển thái độ, căm ghét Halston vì những thành tựu của nhà thiết kế. Những điều kỳ dị mà Victor Hugo thực hiện trong phim do một tay Andy Warhol điều khiển.
Victor Hugo cũng có mối quen biết sâu sắc với Andy Warhol, khi nhiều lần làm mẫu nuy cho ông. Biên tập viên Bob Colacello, một người làm việc cùng Andy Warhol nhiều năm, viết trong nhật ký rằng, “Victor đã bảo tôi rằng Andy đã trả tiền để làm xấu mặt Halston trước công chúng. Ví dụ như mặc đầm cho nữ đến các buổi tiệc do Halston tài trợ”.
Sau khi Andy Warhol qua đời, năm 1989, ông đã để lại chỉ thị cho xuất bản quyển nhật ký của mình. Trong quyển nhật ký ấy ghi lại toàn bộ những buổi party trụy lạc của Halston, cũng như việc nhà thiết kế đã kéo theo Liza Minnelli như thế nào trong những cơn nghiện ngập của mình. Điều này khiến Roy Halston vô cùng tức giận. Từ đó, Halston cắt toàn bộ mối quan hệ với gia đình Warhol và chuyển sang sinh sống ở bờ Tây của Mỹ.
9. Về việc mất kiểm soát quyền điều hành thương hiệu
Bộ phim Halston trên Netflix chủ yếu tập trung vào quá trình từ từ mất kiểm soát của nhà thiết kế tại thương hiệu riêng. Người đỡ đầu về mặt tài chính của Halston, Norton Simon, bị thua trước công ty Esmark. Khi nhân viên kiểm toán của Esmark bắt đầu tra sổ sách của Halston, họ bị sốc trước những chi phí trên trời của thương hiệu. Cuối cùng, họ chào thua trước việc Halston không chịu thỏa hiệp với các điều kiện làm việc tại thương hiệu, nên đã đá ông ra khỏi công ty.
Thật hay giả: Thật, nhưng có thiếu sót. Thực chất, sau khi Esmark mua lại Norton Simon, thì chính Esmark cũng bị mua lại bởi một công ty khác – Beatrice Foods. Roy Halston đã cố hết sức để mua lại thương hiệu cá nhân, chứ không hề buông lơi như trên phim. Nhưng khi bị từ chối vào tháng 10/1984, ông mới buông bỏ tất cả và bị loại trừ. Sau đó, thương hiệu Halston được Beatrice Foods bán lại cho Revlon năm 1986.
10. Về cái chết trong cô độc của Roy Halston
Những cảnh cuối show Halston trên Netflix cho thấy nhà thiết kế đã bình tâm, hưởng thụ một cuộc sống an yên trước khi mất năm 1990. Ông hoàn toàn cô độc, ngoại trừ có một tài xế đi kèm.
Thật hay giả: Hư cấu. Thực chất, Roy Halston vẫn còn gia đình. Ông chuyển sang bờ Tây nước Mỹ sinh sống vì anh trai Bob Frowick và chị gái Sue Hopkins. Cả đại gia đình Frowick đã định cư tại thành phố Santa Rosa (thuộc Los Angeles). Roy Halston cũng có nhiều cháu chắt, và đặc biệt thân cận với cháu gái Lesley Frowick. Khi ông qua đời, Lesley Frowick trở thành người quản lý tất cả những hồ sơ về cuộc đời của nhà thiết kế.
Mâu thuẫn với nhà làm phim: Nhà sản xuất phim Halston trên Netflix Ryan Murphy và đạo diễn Daniel Minahan đã tham khảo thông tin từ bạn bè của nhà thiết kế và thương hiệu Halston – mảng nước hoa vẫn thuộc Revlon, mảng thời trang trực thuộc Hico Consumer Capital. Trong khi đó, gia đình Frowick lại bất mãn là nhóm làm phim không hề hỏi ý kiến họ. Gia đình Frowick đề nghị khán giả hãy xem phim tài liệu Halston do họ sản xuất năm 2019, có thể xem trực tuyến qua nền tảng Amazon Video.
Trích dẫn Slate, Oprah Magazine, AP
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam