Nay bạn có thể mua vải thừa (deadstock) trực tiếp từ tập đoàn LVMH

Những nhà thiết kế trẻ đi tìm nguồn vải chất lượng tốt, có thể mua với số lượng ít, đã tìm được giải pháp từ tập đoàn LVMH: Nona Source

Tập đoàn đa quốc gia dẫn đầu thị trường xa xỉ phẩm LVMH vừa tuyên bố một dự án mới thuộc phạm vi phát triển bền vững. Đó là Nona Source, dự án bán vải thừa (deadstock) cho các nhà thiết kế và boutique nhỏ, trực tiếp từ các nhà kho của những thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH.

Đôi nét về dự án Nona Source

Tại kho của những thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH, Nona Source sẽ tìm ra những thớ vải thừa (mà họ gọi dí dỏm là “nàng công chúa ngủ quên”) chất lượng đủ tốt để may thành hàng thời trang mới.

Sau đó, Nona Source sẽ liệt kê các chất liệu này trên website, số lượng còn thừa trong kho, và giá thành theo mét vải. Nona Source cũng ghi chú rất kỹ lưỡng khổ vải, thậm chí chụp hình sản phẩm mẫu để nhà thiết kế có thể mường tượng ra chất liệu thực tế.

Để đặt mua hàng, bạn phải là một nhà thiết kế thời trang hoặc có shop với mã số thuế của Liên minh châu Âu. Bạn có thể đặt gửi hàng qua bưu điện, hoặc đến tận nhà kho nằm rải rác châu Âu để nhận hàng.

Được biết, Nona Source sẽ chỉ hoạt động tại châu Âu, nơi tập đoàn LVMH lắp đặt các nhà xưởng; và sẽ không mở rộng sang hoặc ship hàng sang một châu lục khác.

Một số chất liệu vải có hàng sẵn, kèm chú thích về số lượng tồn và giá thành. Ảnh: Nona Source

Sức hấp dẫn của vải thừa đóng nhãn mác LVMH

Việc đưa Nona Source vào hoạt động là một động thái cực kỳ khôn ngoan từ tập đoàn LVMH.

1. Nó giúp giảm thiểu phí phạm chất liệu vải còn tốt tại các xưởng và kho của tập đoàn. Thay vì phải hủy vải vóc, bán đi chất liệu này vừa giúp lấy lại một phần chi phí, vừa tạo “tiếng thơm” là hoạt động thân thiện hơn với môi trường.

2. Theo lời xác nhận từ đại diện LVMH, tất cả các thương hiệu thời trang dưới quyền quản lý của tập đoàn – ví dụ Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy, Stella McCartney, Celine – đều sẽ tham gia vào việc bán vải thừa qua website Nona Source*. Các nhà thiết kế trẻ sẽ gây được lòng tin tốt hơn ở khách hàng khi ghi chú rằng, “Thiết kế này được làm từ vải thừa của thương hiệu cao cấp thuộc tập đoàn LVMH”. Quả là một cách để bảo chứng cho chất lượng sản phẩm.

*Tất nhiên, bạn không thể mua chất liệu vải in họa tiết monogram độc quyền.

3. Các mẫu vải có giá thành phải chăng (giảm đến 70% so với giá gốc), chất lượng tốt, lại cho phép các nhà thiết kế trẻ mua với số lượng nhỏ. Đôi khi, nhà thiết kế trẻ chưa bán ra đủ mặt hàng để cần mua hàng trăm mét vải. Với Nona Source, họ có thể đặt mua chỉ từ 4 mét vải, từ đó tiết kiệm chi phí tối đa.

Êkíp tỉ mẩn chụp ảnh của từng loại vải để giúp các nhà thiết kế trẻ hiểu rõ hơn về sản phẩm trước khi mua. Ảnh: Nona Source

Đường hướng phát triển bền vững của tập đoàn LVMH

Nona Source là một phần của những chính sách phát triển bền vững của tập đoàn LVMH. Tập đoàn đã hứa sẽ tăng cường tái chế trang phục và sản phẩm, hạn chế phí phạm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Được biết, Nona Source khai sinh từ quỹ DARE nội bộ của tập đoàn LVMH. Đây là một chiến dịch nâng đỡ những nhân viên có chí khởi nghiệp. Hàng ngàn nhân viên của LVMH sẽ gửi ý tưởng khởi nghiệp đến tập đoàn. Những ý tưởng tốt nhất nhất sẽ được nâng đỡ, đưa vào hoạt động kinh doanh chính quy.

Ba thành viên đằng sau Nona Source đều từng là nhân viên ở những bộ phận khác của tập đoàn LVMH.

Romain Brabo là một nhân viên mua hàng cho Givenchy và Kenzo. Sau khi phát hiện ra lượng hàng tồn đáng kể tại các xưởng, anh đã có ý tưởng tái kinh doanh chúng. Anh gặp gỡ Marie Falguera, một chuyên viên kiểm tra chất lượng vải vóc tại Kenzo, và Anne Prieur du Perray, chuyên gia và công nghệ. Cùng nhau, họ làm nên Nona Source. Quả là một hoạt động kinh doanh gọn, nhẹ và thiết thực.

>>> Xem thêm: NIKE SẼ BẮT ĐẦU BÁN GIÀY THỂ THAO CŨ “NIKE REFURBISHED” Ở MỨC GIÁ GIẢM

Theo LVMH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm