Yuliia Korienkova: Họa sỹ rô-bốt

Vốn “nghiện” nghệ thuật từ năm 3 tuổi, nữ nghệ sỹ người Ukraine tìm tòi cách mới để biểu đạt suy nghĩ của mình

“Đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Tôi chưa từng tưởng tượng rằng mình có thể trở thành đại diện cho đất nước trong một dịp như vậy”, Yuliia Korienkova vui mừng thốt lên khi cô và những tác phẩm của mình được chọn làm đại diện cho gian hàng Ukraine tại Dubai Expo 2020. Không chỉ là một kỹ sư chuyên nghiệp, Korienkova còn là một họa sỹ danh tiếng tại Trung Đông và châu Âu.

Khi được hỏi cô đã trở thành họa sỹ như thế nào, cô gái trẻ người Ukraine trả lời: “Ít nhất thì tôi cảm thấy con người mình rất nghệ sỹ. Tôi không thể nhớ mình đã trở thành nghệ sỹ khi nào, bởi vì từ rất nhỏ, tôi đã thích vẽ tranh. Tôi vẽ từ khi đi mẫu giáo, trung học, rồi ở trường đại học và suốt thời thanh niên của mình. Ở bất kỳ thời điểm nào, cuộc sống của tôi cũng tràn ngập nghệ thuật dưới mọi hình thức. Mỹ thuật không thể tách rời khỏi cuộc sống của tôi, ngay cả khi tôi không có cơ hội để sáng tạo, tôi vẫn sống trong nghệ thuật”.

Đam mê mỹ thuật mãnh liệt là vậy, nhưng người họa sỹ ấy từng từ bỏ nghệ thuật trong nhiều năm. Đó là khoảng thời gian cô theo học kỹ sư công nghệ và triết học ở Thụy Sĩ và Đức. Korienkova trở lại với đam mê của mình sau khi chuyển đến Abu Dhabi.

Nhưng nhờ khoảng gián đoạn ấy mà Korienkova có được nền tảng về kiến trúc, công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Những yếu tố này ảnh hưởng mạnh mẽ đến sáng tạo của cô sau này.

Đặc biệt, các tác phẩm nghệ thuật của cô được hỗ trợ bởi công nghệ. Nhờ phong cách độc đáo, công chúng đã đặt tên cho Korienkova là họa sĩ robot thời hiện đại.

Tác phẩm Overthinking (2021). Tác phẩm nghệ thuật in 3D này mô tả ý tưởng của Korienkova rằng: “Chúng ta thay đổi quan điểm do quan sát của chúng ta bị ảnh hưởng bởi thế giới xung quanh”.

Korienkova giải thích về phong cách nghệ thuật của mình: “Tôi bị cuốn hút bởi những sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao. Có thể gọi nó là nghệ thuật đương đại. Trước đây, con người thường dùng vải canvas và sơn dầu để vẽ, nhưng giờ đây không gian kỹ thuật số và ảo ảnh cho bạn thực hiện những ý tưởng táo bạo. Ở đó không giới hạn bất kỳ điều gì. Thử tưởng tượng xem, ngày hôm qua chúng ta xem tivi, hôm nay chúng ta có thể tạo ra thế giới thực tế ảo của riêng mình bằng Metaverse và in 3D các thành phố tương lai”.

Ngoài sáng tạo nghệ thuật, Korienkova còn đam mê đọc sách. Cô vừa đọc xong cuốn sách On Dialogue của nhà khoa học lừng danh David Bohm. “Tôi hâm mộ triết lý của Bohm. Tư tưởng quan trọng nhất của cuốn sách là “Suy nghĩ chính là hệ thống khổng lồ quản lý xã hội”. Theo tôi, những ai muốn dẫn dắt xã hội đến một tương lai tốt đẹp và thịnh vượng hơn không thể không đọc cuốn sách này”.  

>>> XEM THÊM: QUANG ĐẠI ĐEM TRIỂN LÃM HOW ARE YOU THESE DAYS? ĐẾN BANGKOK

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm