Tháng 10-2013, nhà thiết kế Jil Sander lại một lần nữa rời bỏ thương hiệu do chính mình tạo ra. Đây là lần thứ ba trong sự nghiệp, nhà thiết kế người Đức này rời khỏi thương hiệu mang tên mình.
Trong thập niên 1980, 1990, Jil Sander từng làm nên cách mạng thời trang tối giản. Kỹ thuật cắt may tuyệt vời giúp Jil Sander đưa thương hiệu của mình trở thành đế chế thời trang trị giá 200 triệu đô-la Mỹ.
Tín đồ của trường phái tối giản hẳn không thể không biết đến kiểu trang phục gắn liền với tên tuổi của nhà thiết kế người Đức Jil Sander: pant suit (có thể hiểu là đồ vest đơn sắc). Bộ trang phục tân thời ngay khi vừa ra mắt đã tạo nên tiếng vang không thua kém gì mẫu thiết kế New Look của Christian Dior.
ĐI NGƯỢC LẠI HAY ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI
Sau một thời gian làm biên tập viên thời trang cho một tạp chí phụ nữ ở Đức, năm 1967, cô kỹ sư ngành dệt Jil Sander mở boutique riêng. Lúc ấy, cửa hàng của bà bày bán trang phục Thierry Mugler, Sonia Rykiel và cả của chính mình. Chỉ một năm sau đó, bà quyết định thành lập Công ty thời trang Jil Sander GmbH.
Thế nhưng bộ sưu tập trình diễn tại Paris năm 1975 là một dấu ấn đau thương của nhà thiết kế trẻ Jil Sander. Vào thập niên 1970, cả thế giới chạy theo mốt lấp lánh, phong cách hoàng tộc như của Claude Montana. Phong cách tạo mẫu đơn giản chú trọng vào chất liệu của Jil Sander là khác biệt quá lớn so với thời đại và không được chấp nhận. Mãi đến giữa thập niên 1980, Jil Sander mới gây được tiếng vang. Nhưng trước đó bà đã ra mắt dòng nước hoa đầu tiên vào năm 1978. Tiếp đến còn có thêm kính mát, phụ kiện da, nhiều loại nước hoa khác ra đời.
Tuy nhiên, khi thế giới vẫn còn hờ hững với các thiết kế tối giản sang trọng của Jil Sander, chủ sở hữu Lancaster Cosmetics đã ủng hộ tài chính để bà quảng bá thương hiệu trên các tạp chí cao cấp. Có lẽ họ nhìn ra tiềm năng từ những trang phục cơ bản.
Khi đã khẳng định được tên tuổi với phong cách đi trước thời đại, bà cổ phần hóa công ty để lập nên Jil Sander AG. Năm 1989, Jil Sander còn niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, điều mà chưa có quá nhiều thương hiệu nghĩ đến trong thời điểm đó. Thiết kế của bà còn vươn đến tận châu Á và Nam Mỹ với nhiều cửa hàng lớn mở ra ở Hồng Kông, Tokyo, Đài Loan… Người phụ nữ này không chỉ cẩn trọng từng đường cắt, mũi khâu mà còn giám sát cả việc thiết kế các cửa hàng. Jil Sander đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt dành cho nhân viên bán hàng như việc phải cư xử ra sao và đứng ở đâu trong boutique.
Vào giai đoạn đỉnh cao này, Jil Sander còn mở một cửa hàng bốn tầng rộng khoảng 840m2 tại Paris năm 1993. Cửa hàng chính rộng lớn này là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển và lớn mạnh của nhà mốt Jil Sander.
HAI LẦN RỜI BỎ ĐỨA CON TINH THẦN
Jil Sander là nhà thiết kế thời trang hiếm hoi từng có thời gian dài không gắn bó với nhãn hiệu mình gầy dựng nên.
Sau khi Prada mua lại 75% cổ phần công ty vào năm 1999, Jil Sander nắm chức vụ giám đốc sáng tạo và chủ tịch, đồng quản lý thương hiệu bên cạnh CEO của Prada Patrizio Bertelli, Tuy nhiên năm 2000 bà rời bỏ vị trí tại công ty vì không đồng tình với quyết định giảm chất lượng trang phục để tăng lợi nhuận của Patrizio Bertelli.
Sau sự ra đi của Jil Sander, hầu như các nhân viên thiết kế, sản xuất đều lần lượt nghỉ việc. Dù Bertelli có hùng hồn tuyên bố: “Một thương hiệu mạnh như Jil Sander không cần phải dựa vào tên của nhà thiết kế”, ông đã phải chứng kiến sự sụt giảm doanh thu đến 9,4 triệu đô-la Mỹ vào năm 2001 và thậm chí là 30,4 triệu đô-la nữa vào năm tiếp theo. Phong cách thời trang tối giản đậm nét Jil Sander đã trở thành tiềm thức quen thuộc với mọi tín đồ thời trang. Sự ra đi của bà cũng đồng nghĩa với việc thương hiệu Jil Sander đã đánh mất nét độc đáo của mình. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi không lâu sau đó, Patrizio Bertelli tìm đến Jil Sander để mời bà quay về làm việc.
Năm 2003, bà quay lại làm giám đốc thiết kế, nắm cổ tức từ công ty và có một ghế trong hội đồng chiến lược của Prada. Jil Sander còn được quyền thay đổi toàn bộ phác thảo bộ sưu tập thời trang nam giới đã có sẵn. Sự trở lại này được báo giới vô cùng mong đợi và cả những nhà phê bình cũng không thể hài lòng hơn.
Vẫn trung thành với trang phục kiểu dáng tối giản, nhưng Jil Sander đã mang đến một làn gió mới với các sắc màu pastel nữ tính và những chi tiết trang trí điệu đà như tua rua, kim sa. Kiểu dáng tối giản được cân bằng bởi các gam màu nhạt và những chi tiết tinh tế đã đưa Jil Sander trở thành cơn sốt. Bài toán tối giản được hóa giải giúp tên tuổi thương hiệu ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, chỉ một năm sau (2004), bà lại chấm dứt hợp tác trong yên lặng, lần này vì việc Bertelli muốn chuyển hướng thương hiệu sang kinh doanh phụ kiện hơn là trang phục.
SỰ QUAY LẠI CUỐI CÙNG CỦA JIL SANDER
Sau một thời gian vắng bóng trong làng thời trang, Jil Sander tái xuất với vai trò cố vấn thời trang và chịu trách nhiệm cho các thiết kế của nhãn hiệu Uniqlo, Nhật Bản. Dưới trướng Jil Sander, Uniqlo bắt đầu trình làng các mẫu thiết kế giản tiện.
Những chiếc vest công sở gam màu trầm, áo sơ-mi cổ điển hay quần âu xếp pli luôn là những thiết kế chủ đạo của thương hiệu. Jil Sander áp dụng chất liệu sang trọng và những đường cắt may tỉ mẩn vào trang phục để mang đến sự sang trọng cho người mặc. Ngay lập tức, Uniqlo nhanh chóng được giới công chức văn phòng yêu thời trang chú ý đến. Tôn chỉ tối giản gắn liền với Jil Sander được bà biến hóa khéo léo cho từng trường hợp để tạo nên ấn tượng với giới mộ điệu.
Tạp chí thời trang Vogue cho rằng Jil Sander “đã làm sống lại mối liên kết giữa sự chuyên nghiệp và phong cách”. Tất nhiên, vẻ thanh lịch tối giản ấy của Jil Sander còn là chọn lựa hàng đầu của những phụ nữ quyền lực như cựu đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy hay bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey.
Sau ba năm hợp tác với Uniqlo, Jil Sander quay trở lại nhãn hiệu mang tên mình một lần nữa. Đó là tháng 02–2012 khi nhà thiết kế Raf Simons từ bỏ Jil Sander và chuyển sang vị trí giám đốc sáng tạo của Dior. Sự trở lại lần này được bà ví như “chuyến hồi hương sau một hành trình ngắn”.
Tuy nhiên chuyến hồi hương này lại kết thúc sớm hơn dự định vì năm 2013, Jil Sander lần thứ 3 rời bỏ thương hiệu, tuy lần này vì lý do cá nhân hơn là lý do kinh doanh. Bộ sưu tập cuối cùng của Jil Sander cho nhà mốt này là bộ sưu tập Xuân Hè 2014.
Với những đóng góp lớn cho lịch sử thời trang ấy, Jil Sander đã được nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức tặng huân chương chiến công cao quý. Chưa kể bà còn trở thành một tượng đài thời trang trong lòng những ai đam mê phong cách thời trang tối giản (minimalism).
Bài: Trinh Pak – Ảnh: Reuters, Tư liệu