Nhà thiết kế Ralph Lauren từng nói: “Nếu muốn tạo ra những điều vĩ đại, bạn phải đầu tư thời gian tạo ra những điều vĩ đại ấy thay vì mong đợi điều đó xảy ra chỉ sau một đêm.” Lấy câu nói của ông làm tôn chỉ, tôi bắt đầu gầy dựng thương hiệu riêng của mình mang tên Betty Tran từ những kinh nghiệm quý giá, những quan niệm về thiết kế cũng như cuộc sống mà mình đúc kết được từ thuở bé. Trong suốt quá trình đó, mẹ tôi và hình ảnh hai mẹ con ngày xưa ngủ gục bên bàn máy may nhiều đêm liền luôn hiện diện trong tâm trí, cho tôi thêm nhiều sức mạnh để quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường đã chọn.
Mẹ là người mai mối cho tôi đến với thời trang.
Hơn 30 năm mẹ tôi theo nghề thợ may cũng là từng ấy năm mối duyên của tôi với thời trang được nuôi dưỡng. Tiếng máy may chạy đều và những đêm bà cố gắng thức để làm nốt đợt hàng gấp đã trở thành một mảng ký ức gắn liền với tuổi thơ tôi bấy lâu. Cùng làm việc với bà bên chiếc máy may tay kiểu cũ hiệu Singer, tôi học được rất nhiều về kỹ thuật và từ đó vun đắp niềm đam mê dành cho công việc may vá. Nhiều khi trời sập tối, dù trễ đến thế nào mẹ tôi cũng gắng thức để làm cho xong những đơn hàng gấp. Gật gà gật gù trên sàn với hàng đống vải chất chồng rồi giật mình thức dậy với gương mặt dính đầy sequin và chỉ sợi, khoảnh khắc ấy đến giờ vẫn luôn gợi nhớ sự gắn kết mạnh mẽ mà tôi và mẹ có được suốt những năm tháng ấy.
Bố tôi ra đi khi tôi mới 4 tuổi. Điều đó đồng nghĩa với viễn cảnh mẹ tôi phải một thân một mình nuôi dạy và chăm sóc con cái trong khi vẫn phải đấu tranh với niềm đam mê dành cho nghề may. Những kỹ năng mà mẹ tôi có được đều là nhờ những tháng ngày bà tự khổ luyện. Nỗ lực không ngừng nghỉ của bà vô hình trung đã tạo cho tôi nguồn động lực để vượt qua những khó khăn mà ngành công nghiệp lúc bấy giờ để lại trong ký ức. Đó cũng là nền tảng mang lại cho tôi những lợi thế nhất định để trụ lại trong bối cảnh đầy cạnh tranh của thế giới thời trang.
Nàng thơ của tôi chính là phụ nữ
Nếu bạn hỏi tôi điều gì đã dẫn dắt tôi theo đuổi con đường thiết kế, câu trả lời thật ra rất đơn giản. Tính tôi vốn thích tự lập, ưa sáng tạo ngay cả trong suy nghĩ và luôn muốn thể hiện những ý tưởng của mình ra ngoài. Thông qua công việc thiết kế, tôi muốn thể hiện phong cách, sức mạnh và sự nữ tính – những điều tạo nên con người tôi. Đó cũng là những đức tính mà tôi cho là cần thiết để giữ được tiếng nói riêng giữa vô vàn các tài năng thiết kế đang xuất hiện ồ ạt.
Với tôi, sự chuyển mình không ngừng của ngành công nghiệp và những người phụ nữ mới chính là nguồn năng lượng giữ cho tôi cái nhiệt huyết dành cho nghề chứ không chỉ là những bộ trang phục chúng ta diện hàng ngày. Những người phụ nữ mà tôi đã tiếp xúc trong suốt cuộc hành trình mang tên thời trang, họ khiến tôi tò mò, họ làm tôi bị cuốn hút và mang lại cho tôi nguồn cảm hứng bất tận. Họ trở thành bạn, thành nàng thơ để tôi tiếp tục sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là khách hàng và người bán hàng nữa.
Sinh ra vào nửa cuối thập niên 80, những ý niệm đầu tiên mà tôi có đối với thời trang lúc bấy giờ rất ngộ nghĩnh. Thời ấy, phụ nữ ra đường ăn diện với rất nhiều loại phụ kiện lấp lánh như một cách thể hiện sự giàu có. Những đôi hoa tai bằng vàng chói lọi, dây chuyền ngọc trai và cả những bộ trang phục lấp lánh sequin cho thấy thời trang khi ấy khá nổi loạn và có phần hơi lố. Nhưng nó cũng cho thấy tinh thần tự do, có chút điên của người phụ nữ đương thời trong việc khẳng định cái tôi của mình. Chứng kiến những điều như thế, tôi nhận ra mình đã bắt đầu phải lòng với thời trang.
Tự mình xây dựng thương hiệu riêng
Phải mất vài năm sau đó, tôi mới thực sự dấn thân vào ngành công nghiệp một cách chính thức với công việc thiết kế chính cho thương hiệu BETTY SUGAR vào năm 2008. Đây là thương hiệu thời trang trẻ dành cho phụ nữ từ 16 đến 25 tuổi, với những thiết kế cổ điển, vượt thời gian và có chất lượng vượt trội. Tuy vậy, ảnh hưởng từ trận lụt ở Queensland (Úc) kèm theo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã đẩy thương hiệu trẻ đến kết cục buồn.
Tôi lại trở về với bản vẽ, với công việc tại xưởng may của các thương hiệu khác. Khoảng thời gian làm việc cho Giorgio Armani giúp tôi nhận thấy khoảng cách lớn trong việc phái đẹp tiếp cận những thương hiệu xa xỉ. Họ luôn tìm kiếm những thương hiệu mới có yếu tố khác biệt và đầu tư nhiều vào những món đồ có chất lượng và độ bền cao. Hiểu được điều đó, tôi bắt tay vào xây dựng thương hiệu Betty Tran của riêng mình.
Thử thách đầu tiên mà Betty Tran trải qua là show diễn Xuân Hè 2013 tại Tuần lễ Thời trang New York vào tháng 9–2012. Kinh nghiệm mà tôi có được từ chuyến đi đến kinh đô thời trang quốc tế này càng củng cố niềm tin trong tôi, giúp tôi tin tưởng hơn vào bản thân và tận hưởng con đường mình đang đi. Sau khi trở về từ New York, tôi khai trương flagship store mang tên Betty Tran tại thành phố Perth nơi tôi sinh sống và bắt tay thực hiện bộ sưu tập La Muse cho Mercedes Benz Fashion Week Australia, diễn ra tại Sydney năm 2013.
Giờ đây, Betty Tran không chỉ là một thương hiệu thời trang, nơi phụ nữ tìm thấy những thiết kế mang tính thẩm mỹ và chất lượng cao mà còn là cách họ kể câu chuyện thành công thông qua những thiết kế mà họ lựa chọn. Là người con đất Việt lớn lên và lập nghiệp ở nước Úc, tôi cảm thấy vô cùng may mắn vì nước Úc không chỉ là mảnh đất nuôi dưỡng con người tôi, mang lại cho tôi cơ hội được phát triển mà còn trao cho tôi một nhiệm vụ lớn lao. Đó chính là việc trở thành Đại sứ Thời trang và Thương mại Việt – Úc. Tôi thấy biết ơn bà Karen Lanyon – Tổng lãnh sự Úc tại TP. HCM, vì đã tin tưởng giao cho mình trọng trách này. Đây chắc chắn là cơ hội hiếm có để tôi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ những người xung quanh tiến gần hơn đến mục tiêu của họ. Cùng nhau, chúng tôi sẽ tạo ra điều khác biệt.
“Điều khiến tôi tự hào nhất là mình không bao giờ bỏ cuộc dù có phải qua muôn vàn khó khăn và thử thách.”
Bazaar: Triết lý thiết kế của Betty là gì?
BETTY TRAN: May mắn được thừa hưởng tinh hoa của các nhà mốt châu Âu và Úc, tôi nuôi dưỡng những gì mà Betty Tran mang đến cho mình cũng như mang đến cho phụ nữ trên thế giới. Tôi muốn bất cứ khách hàng nào đến với Betty Tran cũng có thể chọn cho mình một thiết kế mà họ sẽ nâng niu, lưu giữ qua nhiều thế hệ chứ không chỉ mặc một vài lần rồi để đó.
Bazaar: Cảm hứng thiết kế của chị đến từ đâu? Trong công việc, có khoảnh khắc nào hay cộng sự nào tạo cho chị cảm hứng sáng tạo không?
BETTY TRAN: Nguồn cảm hứng của tôi xuất phát từ cuộc sống và những điều diễn ra xung quanh, kể cả từ phim ảnh và sách vở. Tôi đặt những gì mình nhìn thấy cạnh nhau và dùng ngôn ngữ của chính mình để diễn giải chúng, ngôn ngữ ấy chính là những bộ sưu tập mà tôi làm ra. Quan trọng nhất chính là, tôi thường đặt ra những câu hỏi như “Khách hàng của mình là ai? Họ đang làm gì? Họ ăn vận như thế nào và phong cách sống của họ ra sao?” hay thậm chí “Họ là một nữ doanh nhân hay là một nhà du hành? Điều gì là quan trọng nhất đối với họ?” Tôi cũng là phụ nữ và tôi chỉ có thể thiết kế dựa trên những gì mình thấy và thấu hiểu.
Bazaar: Betty nghĩ thế nào về thị trường thời trang Việt? Chị có dự định mang thương hiệu của mình đến với công chúng Việt không?
BETTY TRAN: Tôi nghĩ Việt Nam là một thị trường mới được chú trọng và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là về thời trang. Tôi cảm thấy tự hào vì Việt Nam đang từng bước chứng minh tiềm lực và vị trí của mình trên bản đồ thời trang thế giới. Thật hào hứng khi thấy ngành công nghiệp thời trang Việt đang đi qua một giai đoạn sôi động với sự đổ bộ của nhiều thương hiệu danh tiếng thông qua những tập đoàn nhất định. Nhất định trong tương lai tôi sẽ mở cửa hàng Betty Tran tại quê hương của mình.
Bazaar: Cảm ơn Betty, chúc chị thành công hơn nữa trên con đường sắp tới.
- “Tôi cảm thấy biết ơn khi được chọn là cầu nối giữa hai đất nước úc và việt nam thông qua ngôn ngữ thời trang”
Bài: Yennie Trần
Ảnh: Kỳ Anh – Make up: Đinh Trần
Model: Hoàng Oanh – Stylist: Emil Vy
Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 11/2016