Bà Dawn Mello, người từng nắm cương vị chủ tịch tập đoàn bán lẻ Bergdorf Goodman và cố vấn kinh doanh cho Gucci, vừa qua đời tại nhà riêng ở New York ngày 16/2/2020. Nữ doanh nhân hưởng thọ 88 tuổi.
Dawn Mello được xem là một trong những gương mặt phụ nữ quyền lực nhất giới thời trang ở New York. Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong giới thời trang, một tay bà giúp thay đổi ngành bán lẻ thời trang tại Mỹ khi vực dậy chuỗi bán lẻ xa xỉ Bergdorf Goodman. Bà cũng giúp một loạt những nhà thiết kế xây dựng cơ nghiệp tại Mỹ. Đồng thời cố vấn cho tập đoàn Gucci dưới giai đoạn điều hành của Maurizio Gucci, cháu trai Guccio Gucci.
Người điều hướng cho Bergdorf Goodman
Ngày nay, Bergdorf Goodman là một trong những chuỗi bán lẻ xa xỉ nổi tiếng nhất nước Mỹ. Danh tiếng của chuỗi này đến từ những công sức của bà Dawn Mello vào thập niên 1980 và 1990.
Ban đầu, Bergdorf Goodman vốn là một cửa hiệu bán hàng giá sỉ, với hình ảnh hơi “cổ lỗ sĩ”. Dawn Mello đã thay đổi hình ảnh này để biến Bergdorf Goodman thành một trung tâm bán hàng xa xỉ bậc nhất New York. Trong quá trình, bà đã tạo điều kiện kinh doanh cho hàng loạt thương hiệu trẻ như Michael Kors, Fendi, Christian Lacroix và Armani. Michael Kors thậm chí ví Dawn Mello với bà tiên đỡ đầu của mình.
“Bà ấy luôn hỗ trợ những nhà thiết kế trẻ từ Mỹ và Ý. Trước khi [Dawn Mello] nhậm chức, ai cũng cho rằng thời trang Mỹ chỉ có hàng thể thao may sẵn, và thời trang châu Âu đồng nghĩa với hàng couture Pháp. Nhưng bà ấy có tầm nhìn xa rộng hơn”.
– Michael Kors
Dawn Mello đã thay đổi Bergdorf Goodman như thế nào?
Bà không chỉ dừng lại ở việc cập nhật hàng hóa. Cùng với chủ tịch bấy giờ, ông Ira Neimark, bà đã thay đổi cả bộ mặt cửa hàng, từ thiết kế nội thất, thêm thang cuốn giữa các lầu, và mở thêm một hướng ra vào mới ở đại lộ số 5.
“Lúc ấy, nhiều nhà thiết kế thậm chí không thèm bán hàng cho Bergdorf Goodman. Đặc biệt là các nhà thiết kế Pháp. Chính vì vậy, chúng tôi phải đổi hướng qua Ý. Thời bấy giờ, tại Mỹ, chưa ai nghe đến những cái tến Ý như Fendi hay Giorgio Armani”, Dawn Mello nhớ lại trong hồi ký.
Tất nhiên, làm việc với những cái tên trẻ luôn mang lại nhiều rủi ro. Như Giorgio Armani, lúc mới khởi nghiệp, hoàn toàn không có tí vốn nào cả. Dawn Mello phải ứng trước tiền để nhà thiết kế có đủ kinh phí làm quần áo bán riêng cho Bergdorf Goodman.
Song song với việc tìm kiếm các nhà thiết kế Ý trẻ, Dawn Mello còn phải tạo sự hưng phấn cho khách hàng khi bước chân vào Bergdorf Goodman. Bà đã phải mua trực tiếp các mẫu thiết kế haute couture từ sàn diễn Pháp, mang trưng bày trong cửa kính Bergdorf Goodman, và bán không lấy lời chỉ để thu hút khách hàng. Nhưng phương thức này khiến cả New York nhận ra, “Ồ, Bergdorf Goodman chỉ toàn mẫu mã mới nhất từ Pháp. Tôi phải đi xem mới được”.
Cơ duyên đến với Gucci
Cuối thập niên 1980, Dawn Mello bắt tay với Gucci. Giai đoạn này, Gucci thuộc quyền quản lý của cháu trai nhà sáng lập, ông Maurizio Gucci.
Lúc bấy giờ, Maurizio Gucci vừa có cuộc tranh cãi nảy lửa với các thành viên gia tộc Gucci khác, dẫn đến nhiều vụ kiện tụng tốn giấy mực báo chí. Ông muốn mau chóng khẳng định bản thân trên thương trường. Và ông tin rằng một nhà quản lý người Mỹ đầy kinh nghiệm có thể giúp mình đạt được điều này.
Khi đến với Gucci, Dawn Mello đã tuyển dụng một loạt tài năng thiết kế trẻ mới: Richard Lambertson làm giám đốc sáng tạo; Tom Ford cho dòng thời trang nữ may sẵn; và Neil Barrett cho dòng thời trang nam. Ba nhà thiết kế người Mỹ, tìm cách vực dậy một thương hiệu Ý.
Tổng cục Gucci tại Florence, Ý không thích những sự thay đổi như vũ bão mà họ mang lại. Tom Ford kể lại, “Có một lần, tôi thiết kế nên một chiếc đầm bằng da thuộc màu hồng. Nhóm thiết kế và lên mẫu tại Florence xì xào bàn tán rằng tôi là kẻ chẳng biết gì”.
>>> Xem thêm: LADY GAGA SẼ ĐÓNG VAI KẺ MƯU SÁT MAURIZIO GUCCI TRONG PHIM MỚI
Tái sinh đôi giày loafer của Gucci
Trong thập niên 1980, Gucci bán đủ thứ thượng vàng hạ cám. Có thể nói không có một sản phẩm nào nhất định quyết định hình tượng của thương hiệu. Thương hiệu vốn muốn bao phủ cả thị trường, nên cho ra mắt từ ví rẻ tiền đến cặp da nam già dặn.
Tuy nhiên, giữa hàng loạt những món đồ này, Dawn Mello nhận ra rằng có một món rất hip được giới fashionista trẻ yêu chuộng: đôi giày loafer. Đây là một mẫu khá cũ, từ lâu không được cập nhật. Nhưng vì dễ sử dụng và thoải mái, nên mặt hàng vintage này vẫn bán chạy.
Bà ngay lập tức yêu cầu team thiết kế ra mắt những mẫu giày loafer Gucci cách tân, cho cả nam lẫn nữ, với 15 gam màu khác nhau bằng da lộn (suede). Món đồ này trở thành một best-seller của Gucci trong nhiều năm sau đó.
“Thậm chí, Michael Kors cũng phải tậu cho mình một đôi. Màu hồng nhé”, Dawn Mello cười.
Giai đoạn hậu Gucci
Sau 5 năm làm việc tại Ý, Dawn Mello đã nhớ nhà. Năm 1994, bà quay lại Bergdorf Goodman ở cương vị chủ tịch hội đồng. Bà tiếp tục cải thiện và bành trướng chuỗi cửa hàng, ví dụ như mở thêm cửa hàng riêng cho thời trang nam.
Năm 1999, Dawn Mello rời Bergdorf Goodman để mở công ty tư vấn riêng của mình. Xuyên suốt quãng thời gian này, bà tiếp tục một công việc khác mà bà luôn ưa thích: Tìm kiếm và nuôi dưỡng tài năng mới. Ví dụ, chính bà là người đã mang lại cơ hội cho Manolo Blahnik trên bờ vực phá sản.
“Điều khiến Dawn Mello thành công là khả năng tìm kiếm tài năng của bà. Món quà Thượng đế đã trao cho bà là con mắt nhận ra nhà thiết kế và xu hướng mới”.
– Tom Ford
Harper’s Bazaar Việt Nam