Trò chuyện cùng Jenny K Tran: “Tiểu tiết không làm nên chuyện, nhưng mọi chuyện đều từng là tiểu tiết”

“Con đường trở thành một NTK thời trang có thể ví von với hành trình một đàn rùa biển được sinh ra và tìm đường trở về đại dương. Sẽ có những lạc lối, thất bại và rất nhiều thách thức gian khổ, để rồi sau cùng, chỉ những người kiên cường nhất mới làm nên chuyện.” - Jenny K Tran chia sẻ về câu chuyện ‘nghề chọn người’ của bản thân

Người viết có cơ hội gặp mặt và trò chuyện với Jenny K Tran vào một buổi chiều cuối năm, trong một tiếng rảnh rỗi của NTK bận rộn. Sự bận rộn ấy hiển hiện – hiển nhiên: Cô trưng diện chỉn chu, nhưng vẫn đang phải tranh thủ giải quyết từng chút công việc của thương hiệu mang tên mình ngay trước thềm buổi hẹn.

“Ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 7 giờ sáng và hiếm khi kết thúc trước khi ngày mới bắt đầu”, Jenny K Tran chia sẻ về cái sự bận rộn khó tránh khi phải cân bằng cuộc sống cá nhân và sự nghiệp thời trang. “Có lẽ bất cứ ai cũng nên chuẩn bị tinh thần làm việc như vậy trước khi nghĩ về việc theo đuổi nghề thiết kế thời trang.”

Nhìn vào vóc dáng nhỏ nhắn, nhiều người có thể thắc mắc cô lấy đâu ra chừng ấy năng lượng để hoàn thành mỗi ngày làm việc kéo dài tới 17 tiếng. Nhưng, nếu đã biết về Jenny K Tran từ những ngày học tập tại Anh quốc, nguồn năng lượng ấy dường như đã luôn âm ỉ sôi sục bên trong cô suốt nhiều năm qua.

“Thời trang chưa bao giờ là nghề nhàn hạ”

Thương hiệu JENNY K TRAN nổi tiếng với những bộ suit nữ giới và phong cách cải biến womenswear theo hơi hướng menswear mà không đánh mất nét mềm mại, nữ tính tự nhiên. Ngôn ngữ thiết kế này được nhà thiết kế lựa chọn dựa trên quá khứ tu nghiệp thời trang ở Anh Quốc, tại trường Manchester School of Art và sau đó là quá trình làm việc tại thương hiệu thời trang Burberry ở mảng trang phục may mặc sẵn dành cho nam giới. Cốt cách cứng cỏi đã khéo léo ẩn náu trong ‘DNA nữ tính’ của JENNY K TRAN nhiều năm, trước cả khi thương hiệu được thành lập.

“Tôi luôn nhớ về những ngày tháng học thời trang tại Anh Quốc như một cuộc đấu sinh tồn. 250 người bắt đầu theo học cùng nhau, và sau năm thực tập đầu tiên chỉ còn 16 người bám trụ lại. Và trong số 16 người ấy, chỉ 2 người trở thành NTK và được phân vào các nhà mốt lớn để tu nghiệp. Bạn có thể là bất cứ ai trong số đó: Là một trong 250 người, là một trong số 16 người, hoặc là một trong 2 người còn lại sau cùng.”

Sau hai năm, Jenny K Tran trở thành một trong số hai học viên tốt nghiệp và trở thành NTK được chọn tu nghiệp tại London. Không một khoảng lặng ngơi nghỉ, Jenny lập tức lao vào guồng quay bất tận ở Burberry.

“Burberry giống như một tổ kiến khổng lồ”

“Tòa nhà to và rất đẹp, nằm dọc bên bờ sông Thames nhưng chính chúng tôi lại chẳng mấy khi có thời gian ngắm nhìn nó. Bên trong trụ sở của Burberry, thời gian chỉ thực sự hiện hữu khi có ai đó… chậm deadline. Tất cả mọi người đều hối hả như kiến thợ, làm mọi việc như được lập trình, và ngay cả tư duy, sáng tạo cũng cần phải khẩn trương hết sức. 2000 nhân viên ngụ trong tòa nhà Burberry là 2000 bánh răng nòng cốt vận hành thương hiệu, và phần tôi, tôi nằm trong nhóm 30 người phụ trách đội ngũ thiết kế cả menswear, womenswear và accessories.”

Không có thời gian cho bản thân đã trở thành thực tế phũ phàng cần chấp nhận đối với một nhà thiết kế thời trang. Khoảng thời gian vui vẻ nhất của Jenny K Tran do đó cũng đến từ công việc, khi mỗi năm cô có 4 tuần tách biệt để đi thăm thú các “kho archive” (thuật ngữ chỉ những đơn vị lưu trữ các nguyên mẫu thời trang giá trị) nhằm lấy ý tưởng và nghiên cứu chất liệu cho các BST theo mùa. Việc theo đuổi dòng thời trang nam giới khiến Jenny K Tran luôn gây ngạc nhiên tại các kho archive mà cô “lần mò”, và trong số đó có cả những cơ duyên đã thay đổi sự nghiệp của cô.

“Tôi sẽ không bao giờ quên ông ấy, Mr. Ben Dickens. Ông sở hữu một kho archive điển hình ở vùng ven London, là một người rất giỏi truyền cảm hứng cho tôi qua những câu chuyện về lịch sử, thời trang, văn hóa. Ông là một Sartorialist điển hình, và cũng chính ông đã gieo vào tôi tình yêu đối với ngành hàng Tailoring.

Tôi yêu mến Ben Dickens bởi cách ông truyền cảm hứng, bởi gu thời trang vintage của ông. Ben có thể mặc những bộ vest lâu đời chỉn chu, đôi khi lại khoác áo parka to bự rồi cầm tẩu thuốc ôn tồn kể chuyện lịch sử chiến tranh. Vào thời điểm ấy, tôi đang tập sự tại mảng Áo khoác của Burberry – ngành hàng mang rất nhiều duyên nợ với lịch sử chiến tranh thế giới. Chính những câu chuyện của ông đã truyền cảm hứng để tôi học tập và nghiên cứu sâu hơn về những chiếc áo khoác, và sau này là kiêm nhiệm thêm cả mảng Tailoring tại Burberry”.

Jenny K Tran đã nói như vậy về người bạn cao niên tại London. Cho tới tận hôm nay, cô vẫn đang “cố gắng” kiếm tìm thời gian rảnh rỗi để có thể trở về London, thăm lại Burberry và người bạn Ben Dickens, để cùng nhau ôn lại những câu chuyện xưa cũ.

“Lần này, tôi sẽ mặc trang phục do chính mình tạo ra”, cô nháy mắt.

“Dẫu có khó khăn cũng chưa từng ân hận khi rời Burberry”

Khi được hỏi về cảm giác sở hữu một thương hiệu mang tên mình nhưng phải đối phó với muôn vàn khó khăn – so với việc cứ an phận ở lại London và từ từ trở thành một NTK tại Burberry, Jenny K Tran không hề tỏ ra hối hận.

“Đúng là làm thời trang ở Việt Nam thực sự rất khó khăn, nhất là ở cương vị người đứng đầu. Sự khó khăn ấy là điểm chung của các thị trường đang trên đà phát triển: Chúng ta thường thiếu nguồn cung nguyên vật liệu tiêu chuẩn quốc tế, máy móc công nghệ bị giới hạn, và quan trọng nhất là cuộc sống bận rộn đôi khi cũng làm khó cuộc chơi thời trang của các quý cô”, cô chia sẻ.

Những khó khăn ấy được Jenny K Tran khắc phục hoàn toàn… thủ công. Cô đã tỉ mẩn chọn ra những thợ may đáng tin cậy nhất và tập hợp họ thành đội ngũ phát triển sản phẩm nòng cốt, khám phá ra những kỹ thuật may mặc mới để phục vụ sản phẩm và sau cùng là tự tay kiểm soát những chiến dịch hình ảnh của thương hiệu. Nếu ở lại Burberry, cô sẽ chỉ phải làm ⅓ trong số các đầu mục công việc vừa được liệt kê, chưa kể tới những tính toán giá thành, nhân công, lãi lỗ chốn thương trường sẽ là chuyện không cần phải lưu tâm.

Giống như thành công, khó khăn cũng được “bồi đắp” qua từng ngày, từ những tiểu tiết nhỏ nhất. Sau nhiều năm làm thời trang, giờ đây thương hiệu JENNY K TRAN đã hoạt động ổn định với tư duy “lâu dài và bền vững” tới từ người đứng đầu. Nền tảng tailoring được Jenny K Tran thổi vào phần lớn các thiết kế, tạo thành hình ảnh đặc trưng dễ nhận biết và được khách hàng của thương hiệu yêu mến. Cô coi đây là một thành công, nhưng cũng luôn trăn trở với chính những thành công ấy.

“Năm 2022 vừa rồi, thương hiệu đã có cơ hội đồng hành cùng một số dự án khá thú vị, xây dựng hình ảnh cho diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc trong bộ phim Cô Gái Từ Quá Khứ, tài trợ trang phục cho Top 3 Miss Universe 2022. Cho năm 2023, JENNY K TRAN sẽ tiếp tục cho ra mắt 5 BST mới, bắt đầu từ BST Pre-spring sẽ được ra mắt vào đầu tháng 3 tới đây.

Thời trang là vậy, không hề có khoảnh khắc ngơi nghỉ vinh quang. Bạn dừng chân, và bạn sẽ bị đào thải. Ngay lúc này đây, tôi đã bắt đầu suy nghĩ tới những gì cần làm tiếp theo cho nửa cuối năm 2023, và xa xôi hơn nữa là kế hoạch đưa thương hiệu tới Anh Quốc cũng như những thị trường quốc tế trong thời gian tới.”

NTK Jenny K Tran trong buổi công chiếu bộ phim “Cô Gái Từ Quá Khứ”, dự án mà thương hiệu đã đồng hành xây dựng hình ảnh cho nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc

“JENNY K TRAN là cái tôi của mọi phụ nữ Việt”

“Nhiều người lầm tưởng rằng thời trang dành cho phái đẹp chỉ xoay quanh lụa, ren hay nhún bèo. Kỳ thực, mỗi trang phục tôi tạo ra cho JENNY K TRAN hay những người đẹp trong các dự án nghệ thuật mà thương hiệu tham gia đều có nền tảng từ menswear. Các kỹ thuật Archive Warehouse đã bồi đắp nên nền tảng cắt may của thương hiệu ở thời điểm hiện tại, hay nói đơn giản hơn, menswear đã bồi đắp cho tôi tư duy chỉn chu và toàn vẹn hơn để áp dụng vào womenswear.”

Sự thô ráp, nam tính được trung hòa bởi lựa chọn chất liệu cao cấp bao gồm wool blend, tơ tằm, lụa và crepe cao cấp nhập khẩu giúp các thiết kế khéo léo ôm gọn lấy hình thể của người mặc. “Silhouette” – hay “dấu ấn thiết kế” – của JENNY K TRAN cũng thể hiện qua những tiểu tiết biến tấu phom dáng trang phục và rất nhiều sắp đặt chồng lớp (layer) giúp định hình và “điêu khắc” dáng vẻ thanh thoát, mềm mại nhưng vô cùng quyến rũ cho những người phụ nữ của thương hiệu.

Chính cách nhìn nhận thời trang theo tiểu tiết và đại cục khiến Jenny K Tran luôn cảm thấy bất ngờ và “choáng ngợp” trước mỗi khách hàng của mình. Mỗi quý cô tìm tới JENNY K TRAN giống như một “tiểu tiết” nhỏ: Họ có hình thể, tính cách và gu thẩm mỹ riêng biệt, nhưng tất thảy đều tin tưởng tìm tới Jenny K Tran để xây dựng hình ảnh bản thân, và nhiệm vụ của cô là sắp xếp những “tiểu tiết” ấy vào một trật tự lớn hơn, nơi tính thẩm mỹ của thương hiệu đạt tới thái cực hòa hợp cao nhất với cá tính nhân vật.

“JENNY K TRAN không thuộc về tôi, nó thuộc về các quý cô, và được định nghĩa bởi chính các quý cô. Phần tôi, tôi chỉ là một phần tử nhỏ của JENNY K TRAN, được truyền cảm hứng bởi chính những khách hàng tuyệt vời của mình”, cô tự hào chia sẻ.

Hành trình không có điểm kết

Khi buổi phỏng vấn kết thúc, lịch hẹn của Jenny K Tran đã kịp điều hướng tới những cuộc họp khác, và sau đó sẽ là khoảng thời gian dành cho công việc gia đình trước khi bước sang một ngày mới – khi cô lại thức dậy vào 7 giờ sáng và đối mặt với những công việc mới, hướng tới những chặng đường dài hơi hơn, với mục tiêu trước mắt là xây dựng và mở rộng thị trường đến các nước khác tại châu Á và thậm chí là châu Âu.

“Tôi tin rằng bản thân có thể đưa JENNY K TRAN đến với thế giới, tương tự như cách mình đưa những kinh nghiệm về thời trang thế giới về với một thương hiệu Việt Nam”, Jenny K Tran chia sẻ về dự định trong năm 2023 của mình. “JENNY K TRAN sẽ luôn thuộc về các quý cô, dù họ ở bất cứ nơi đâu và ở độ tuổi nào.”

Với Jenny K Tran, niềm vui trong công việc – cũng giống như tư duy thời trang – đến từ thật nhiều, thật nhiều những tiểu tiết. Cô vui khi thức dậy hàng ngày, vui khi đến với cửa hàng của mình, vui khi được làm việc cũng những người thợ thủ công tài giỏi trong đội ngũ do chính tay mình tuyển chọn. Cô vui khi làm đẹp cho những quý cô tìm tới JENNY K TRAN để làm mới hình ảnh bản thân, vui khi khắc phục từng khó khăn để cho ra đời những tạo tác đẹp đẽ và ưng ý nhất.

Sau cùng, cuộc sống của cô lại xoay quanh những tiểu tiết – những tiểu tiết nhỏ được cấp nhiệt bởi đam mê chưa từng phai nhạt với thời trang, trong suốt những năm tháng vật lộn tại Anh Quốc hay thực tại xoay sở với từng khó khăn của làng mốt Việt.

“Khi đã tìm về tới biển, hành trình của chú rùa biển mới thực sự bắt đầu.”

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm