Năm nay, bộ sưu tập trang sức cao cấp Blue Book mang tên Out of the Blue của Tiffany & Co. lấy cảm hứng từ các sáng tạo của Jean Schlumberger. Dù đã tạ thế, nhưng tài năng, di sản và tầm nhìn của nhà thiết kế kim hoàn nổi danh người Pháp chưa bao giờ thôi ảnh hưởng đến các thế hệ sau.
Anthony Ledru, Giám đốc Điều hành của Tiffany & Co. chia sẻ: “Những sáng tạo này đều sở hữu chất lượng và bản sắc sáng tạo của Schlumberger, nhưng tất cả lại là những thiết kế hoàn toàn mới. Tôi tin rằng ông cũng sẽ hài lòng với từng kiệt tác hệt như chúng tôi vậy”.
Là một trong những nhà thiết kế kim hoàn tài năng bậc nhất thế kỷ XX, Jean Schlumberger ghi dấu vào lịch sử bởi các sáng tạo kỳ ảo, lấy cảm hứng từ thiên nhiên và di sản gia đình.
Khởi đầu của một thiên tài thiết kế
Jean Schlumberger sinh năm 1907, tại Mulhouse, miền Đông nước Pháp. Khi đó, Mulhouse vẫn còn thuộc đất Alsace của Đức. Gia tộc Schlumberger có lịch sử hơn năm thế kỷ kinh doanh vải và là một thế lực trong vùng. Đến đầu thế kỷ XX, nhà Schlumberger còn mở một ngân hàng.
Jean Schlumberger được cha mẹ gửi đến Berlin để theo học ngành Tài chính. Cậu ba nhà Schlumberger nổi loạn, muốn gầy dựng sự nghiệp riêng chứ không phụ thuộc vào sự sắp đặt gia đình. Thế là, ông bỏ ngang trường Ngân hàng, chuyển đến Paris.
Ở kinh đô ánh sáng, định mệnh đưa Jean Schlumberger gặp gỡ nhà thiết kế Elsa Schiaparelli. Những chiếc trâm cài làm từ sứ Meissen do chính tay Jean Schlumberger chế tác đã hoàn toàn chinh phục Schiaparelli. Ông bắt đầu thiết kế những chiếc cúc áo cho Schiaparelli, sau đó là trang sức.
Giai đoạn tiền chiến, Schiaparelli chính là nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng bậc nhất châu Âu và thế giới. Những thiết kế đậm tính siêu thực, như bộ sưu tập Circus với chiếc cúc áo mô phỏng nghệ sỹ nhào lộn trong rạp xiếc, là thiết kế khuynh đảo thế giới bấy giờ.
>>> XEM THÊM: ELSA SCHIAPARELLI, NGƯỜI MANG SẮC HỒNG RỰC VÀ CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC VÀO THỜI TRANG
Trong Thế chiến Thứ hai, Jean Schlumberger phục vụ cho Quân đội Pháp. Ông sống sót sau Dunkirk, trận chiến thay đổi toàn bộ cục diện chiến tranh Thế giới Thứ hai. Khi chiến tranh qua đi, Schlumberger chuyển đến New York, Mỹ. Tại đất nước cờ hoa, nhà thiết kế người Pháp tiếp tục sự nghiệp thiết kế và mở một tiệm trang sức với đối tác kinh doanh Nicolas Bongard.
Óc sáng tạo thiên tài của Jean Schlumberger làm nên những tác phẩm kỳ ảo. Ông mang vẻ đẹp của thiên nhiên vào từng thiết kế, biến trang sức trở nên sống động, rực rỡ sắc màu. Tại New York, chàng trai người Pháp chinh phục Walter Hoving, Chủ tịch Tiffany & Co.. Tán thưởng tài năng của ông, Hoving mời Schlumberger về làm việc cho Tiffany & Co. vào năm 1956.
Ở Tiffany & Co., Schlumberger có xưởng thủ công và phòng tiếp khách riêng trên tầng lửng của cửa hàng huyền thoại ở Đại lộ số Năm, với lối vào bằng thang máy riêng. Từ đây, những sáng tạo kim hoàn của Jean Schlumberger mở ra kỷ nguyên mới cho thương hiệu Mỹ. “Tôi muốn nắm bắt vẻ đẹp kỳ ảo của vũ trụ”, Jean Schlumberger từng bộc bạch.
Những sáng tạo kim hoàn kinh điển của Jean Schlumberger
Chiếc vòng cổ Ribbon Rosette
Khi mới bắt đầu tại Tiffany & Co., thử thách đầu tiên của Jean Schlumberger là tái thiết kế viên kim cương vàng Tiffany Diamond, bổn mệnh của thương hiệu. Ông đã biến viên kim cương thành chiếc vòng cổ biểu tượng ruy-băng mà Audrey Hepburn diện trong bức ảnh quảng bá Breakfast at Tiffany’s.
Cài áo Bird on a Rock
Lấy cảm hứng từ thiên nhiên tươi đẹp và di sản kinh doanh vải của gia đình, Jean Schlumberger tạo nên chiếc trâm cài Bird on a Rock vào năm 1965. Chiếc trâm với hình ảnh chú chim đậu trên viên đá quý đã trở thành một biểu tượng đến tận ngày nay.
Nguyên bản, Bird on a Rock được thiết kế cho viên kim cương vàng; nhưng sau đó thương hiệu đã biến tấu thiết kế này với nhiều loại đá quý. Năm 1995, thương hiệu đã đặt viên kim cương vàng bản mệnh vào Bird on a Rock, như cách tri ân và tôn vinh những di sản thiết kế của ông.
>>> ĐỌC TIẾP: TIFFANY & CO BIẾN “BIRD ON A ROCK” THÀNH ĐỒNG HỒ ĐEO CỔ CÓ MỘT KHÔNG HAI
Vòng Croisillon tráng men paillonné
Tài năng chế tác của Schlumberger còn hiển hiện qua chiếc vòng tay Croisillon tráng men paillonné. Men paillonné đòi hỏi kỹ thuật cực kỳ cao và là bảo chứng cho một thiết kế trang sức cao cấp. Kỹ thuật tráng men paillonné có giai đoạn gần thất truyền, vì quy trình chế tác siêu phức tạp, đòi hỏi tay nghề thượng thừa. Đây là kỹ thuật hoàn thiện bề mặt với men nền. Sau đó, nghệ nhân đặt các vân hoa vàng (gọi là paillons) lên lớp men nền. Sau đó, họ tiếp tục phủ một lớp men trong lên các paillons.
Năm 1962, Tổng thống John. F. Kennedy đã tặng phu nhân Jackie Kennedy chiếc vòng Croisillon. Đệ nhất phu nhân cực kỳ yêu thích, thường xuyên xuất hiện với chiếc vòng tráng men paillonné và vàng vàng 18k này. Bà diện chúng từ những ngày Hè ở New York; đến cả khi đi nghỉ mát ở Capri. Vòng Croisillon nhanh chóng trở thành thiết kế được khao khát bậc nhất của Jean Schlumberger.
Cống hiến hết mình cho Tiffany & Co. và ngành kim hoàn, Jean Schlumberger là nhà thiết kế trang sức đầu tiên giành được giải thưởng Phê bình Thời trang Mỹ của Coty. Tạ thế vào năm 1987 nhưng các tác phẩm của Schlumberger vẫn còn sống mãi. Chúng vượt qua cuộc khảo nghiệm khắc nghiệt của thời gian để trở thành kinh điển trong ngành này.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam