AMÉLIE VINCENT: HÀNH TRÌNH KẾT NỐI CON NGƯỜI

Mục đích của cuộc đời cô không chỉ đơn thuần là tìm một chỗ đứng trong xã hội. Người phụ nữ mang hai dòng máu này mong muốn tự mình dệt nên những mối liên kết trong cuộc sống bằng niềm đam mê ẩm thực

Trong thế giới các đầu bếp với phần đông là phái mạnh, Amélie Vincent nổi bật lên như một nàng thơ với sự sắc sảo đầy quyến rũ.

Lần đầu tôi gặp Amélie Vincent là ở buổi ra mắt sách của cô tại Việt Nam. Đó là một tối thứ Hai, sau một ngày khá dài với những buổi họp mệt nhoài. Tôi định sẽ chỉ ghé qua sự kiện của Amélie Vincent cho phải phép rồi về. Nhưng sự thu hút của vị chủ tiệc đã giữ chân tôi đến tận cuối giờ.

Những bài học về giao tiếp ứng xử luôn nhấn mạnh về ấn tượng của cái bắt tay ban đầu. Tuy nhiên, thay cho một cái bắt tay, cô đã nắm tay tôi… “dung dăng dung dẻ”. Chỉ với hành động này, Amélie lập tức đánh thức và giúp tôi rũ bỏ hết sự mệt mỏi của một ngày làm việc dài. Đó là lần đầu tôi gặp cô gái thú vị này. Nguồn năng lượng tươi vui của Amélie thật dễ lây lan. Cô là người sáng lập của Foodalist Studio, một công ty chuyên cung cấp trải nghiệm 360º về ẩm thực.

Cô đẹp, điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng có nói chuyện với Amélie mới thấy được ở cô còn có một sự quyến rũ của một người phụ nữ trưởng thành và biết mình muốn gì trong sự nghiệp. Đằng sau sự quyết đoán của cô là một tâm hồn nhạy cảm đang tìm cách dệt mối liên hệ của mình với cuộc sống và vạn vật.

Sợi dây liên hệ với một nửa dòng máu Á Đông

Buổi ra tiệc ra mắt sách của cô quá đông người. Vì hai chúng tôi đều muốn nói chuyện thêm với nhau nên cô hẹn tôi gặp riêng vào một buổi khác. Phải làm gì khi một chuyên gia ẩm thực yêu cầu chọn nơi gặp gỡ? Nhà hàng? Quán cà-phê? Lounge khách sạn? Tại sao lại phải múa rìu qua mắt thợ khi tôi có thể rủ cô đi… massage chân? Một tiếng đồng hồ nằm dài cạnh cô trong phòng riêng, mặt phủ kín những lát dưa leo mát lạnh. Tôi nghe Amélie kể về cuộc sống của cô như đang tâm sự với chính mình.

Mẹ cô xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc Việt Nam vô cùng gia giáo. Cha cô người Bỉ, hai người gặp và kết hôn tại Paris. Amélie Vincent sinh ra và lớn lên ở châu Âu với những giá trị Á Đông truyền thống. “Mẹ thương tôi nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Có lần tôi tự hào mang về cho mẹ quyển sổ liên lạc ghi nhận tôi đứng hạng 4 trong lớp học 30 người. Tưởng mẹ sẽ vui, ai ngờ mẹ chỉ hỏi tôi tại sao lại chỉ đứng thứ tư?”

Mẹ luôn mong cô trở thành một người có trí thức. Chính bởi sự ảnh hưởng này, Amélie đã tốt nghiệp trường luật tại Paris. Nơi đây có tỷ lệ đậu chỉ có 30%. Cô đã vì mẹ mà trở thành một luật sư bảo vệ luật bản quyền; – một biểu tượng cho chủ nghĩa cá nhân đặc trưng của phương Tây. Nhưng bài học lớn nhất cô nhận được từ mẹ là cách gắn kết mọi người bằng lòng từ ái. Sợi dây liên kết vô hình với bản thể Á Đông của Amélie được hình tượng hoá bằng niềm đam mê cô dành cho nghệ thuật ẩm thực.

Đã hơn 10 năm sau ngày mất của mẹ Amélie, những ký ức của cô về bà vẫn trọn vẹn và ngọt ngào. Cô kể cho tôi nghe về món phở bò tuyệt khéo mà mẹ nấu những khi cô ốm. “Chính mẹ đã dạy cho tôi rằng có nhiều cách để bộc lộ tình yêu. Một trong những cách đó là qua những món ăn”. Cô tin rằng khi được chuẩn bị bằng tất cả tấm lòng yêu thương, những món ăn sẽ có một hương vị rất khác. Năng lượng tình yêu sẽ được truyền đến người nhận và có khả năng chữa lành cơ thể và tâm hồn.

Khi niềm đam mê trở thành sự nghiệp

“Những bà mẹ Á Đông có cách bày tỏ tình yêu thật kỳ lạ. Tôi chỉ hiểu được tình thương của mẹ dành cho mình vĩ đại như thế nào bởi khoảng trống to lớn bà để lại sau khi bà mất đi”. Cú sốc lớn này đã khiến Amélie có một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của mình. Cô tự hỏi mình về mối liên hệ giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với vạn vật.

Với những câu hỏi đó, cô rời bỏ sự nghiệp luật sư đang trên đà phát triển của mình để trở thành một cây bút phê bình ẩm thực. Từ một luật sư hoạt động trong lĩnh vực luật bản quyền quy củ và có phần cứng nhắc, cô nhanh chóng thu hút được sự chú ý bởi sự sắc sảo và sáng tạo trong cách cô nhìn nhận về ẩm thực.

Đối với Amélie, những món ăn chính là chất keo gắn kết mọi người với nhau. Đó là một mối liên hệ đầy tính nhân bản; vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, tôn giáo hay chính trị. Một món ăn truyền thống có khả năng giới thiệu về một đất nước; một dân tộc tốt hơn bất cứ phương tiện nào. Tương tự như thế, mỗi món ăn cũng là một bản “lý lịch trích ngang” kể về bàn tay đã tạo ra nó. Amélie cho rằng khả năng cảm thụ về giá trị của ẩm thực mà cô có được là từ phần Á Đông trong dòng máu của mình. Cô yêu công việc hiện tại của mình và luôn nói về nó với sự nghiêm túc tràn đầy nhiệt huyết.

Óc sáng tạo của Amélie cuối cùng cũng được phát huy với công việc mới này. Cô hiểu rằng khái niệm “ngon” là một vấn đề rất chủ quan. Vì thế, những bài viết của Amélie không chỉ đơn thuần về món ăn. Cô còn tìm hiểu rất sâu về nhà hàng, người bếp trưởng… Quyển sách 150 Restaurants You Need to Visit Before You Die là thành quả của suốt 10 năm đi đến mọi nơi trên thế giới, gặp gỡ những bếp trưởng và ghé thăm những khu chợ địa phương. Tiêu chí của các nhà hàng được cô lựa chọn luôn nằm ở tính sáng tạo, cũng như yếu tố nguyên bản của những món ăn. Và dĩ nhiêu không thể không nhắc đến những vị bếp trưởng – trái tim và khối óc của bất cứ nhà hàng nào.

Tôi hy vọng rằng những gợi ý trong quyển sách của tôi sẽ giúp bạn đọc tìm được sợi dây liên kết của mình với thế giới qua các món ăn và nhà hàng tiêu biểu của các thành phố lớn.

Amélie chia sẻ về mục đích cho ra đời quyển sách này. Tôi hỏi vui Amélie rằng không hiểu mẹ cô sẽ nghĩ gì nếu biết cô bỏ ngang công việc luật sư. Amélie tư lự một chút rồi cười: “Chắc chắn rằng mẹ sẽ vô cùng hoảng hốt lúc mới nghe tin. Nhưng tôi tin mẹ sẽ hiểu và tôn trọng điều khiến tôi hạnh phúc”.

Những sợi dây kết nối từ gia đình ra thế giới

Có vẻ Amélie Vincent rất thích nói về những bà mẹ Á Đông.  Chúng tôi đã nói về khoảng cách của những thế hệ và tại sao một số cha mẹ ở thế hệ này lại chiều con mình một cách thái quá. Cũng như bất cứ người mẹ nào khác, Amélie Vincent rất thích khoe con mình. Cô cho tôi xem ảnh của hai bé, một trai, một gái rất xinh xắn lai chút nét châu Á. Cô là một người mẹ đơn thân. Hai con của cô luân phiên ở với cha chúng và cô. “Chính công việc và những chuyến đi đã giúp làm vơi đi khoảng trống khi không có hai con bên mình”.

Amélie muốn để hai con được tự chọn con đường mà chúng muốn đi. “Có lẽ đây là cách mà tôi ‘nổi loạn’ với mẹ mình”, cô cười. Tuy vậy, do ảnh hưởng giáo dục từ mẹ. Cô luôn đề cao lòng nhân từ và sự kính trên nhường dưới khi dạy dỗ con. “Tôi không cần các con phải lớn lên làm ông này bà nọ. Tôi chỉ mong chúng khỏe mạnh, hạnh phúc và là những người tốt”, cô trầm ngâm.

Amélie luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tự nấu ăn cho hai con. Cô cho biết đó là cách cô dạy các bé về mối tương quan giữa thực phẩm và cuộc sống. Dù bận rộn đến đâu, cô cũng không bao giờ để con ăn những món ăn nhanh công nghiệp. “Nếu không rõ nguồn gốc của một món ăn thì tôi sẽ từ chối dùng”.

Cũng như mẹ cô ngày xưa, Amélie muốn những đứa con của mình cảm nhận được tình yêu cô dành cho chúng qua những món ăn được chính tay cô chăm chút. “Khi cuộc sống ngày càng trở nên ‘số hóa’, tôi hy vọng rằng những món ăn ngon và ‘thật’ sẽ luôn là một sợi dây để nối kết mọi người lại với nhau”. Amélie mỉm cười trước khi ôm hôn chia tay tôi.

>>>Xem thêm: Tác giả sách 150 Nhà Hàng Cần Đến Một Lần Trong Đời về thăm quê mẹ Việt Nam

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm