Gần đây, nữ ca sỹ Thủy Tiên được nhiều người yêu mến vì tấm lòng thành cô dành cho các bà con ở vùng lũ. Hình ảnh Thủy Tiên chân ghẻ, tay nhăn nheo, dầm mưa ở miền Trung khiến nhiều người cảm động. Tuy vậy, vẫn đâu đó có những đối tượng chê bai nữ ca sỹ. Điển hình như một nữ MC soi mói, dè bỉu rằng “Thủy Tiên làm từ thiện nhưng vẫn phải mặc toàn đồ hiệu”.
Cùng dịp này, khi các nghệ sỹ chia sẻ hình ảnh vui vẻ bên gia đình, họ cũng bị cư dân mạng tấn công như vũ bão. Điển hình là khi Đông Nhi–Ông Cao Thắng cập nhật tình hình chuẩn bị sinh nở của nữ ca sỹ, thì cư dân mạng chê trách, vì sao “dám” đi đẻ ở phòng mổ hạng sang mà không dùng số tiền đó quyên góp cho dân miền Trung! “Xưa em đẻ ở xã, con vẫn khỏe đến tận bây giờ nè”, một người viết.
Tất cả những câu nói mỉa mai này thực chất đều có thể quy về một gốc: Sự ghen tị.
Cơn ghen tị từ đâu đến?
Khoa học vẫn chưa thể giải thích được vì sao con người lại có cảm xúc ghen tị. Nhiều nhà nghiên cứu theo thuyết tiến hóa cho rằng cơn ghen hẳn phải có một ưu điểm về mặt sinh học, nếu không thì cảm xúc này đã không tồn tạo. Một nghiên cứu năm 1995 cho rằng, cơn ghen có ưu điểm về mặt tình yêu và duy trì nòi giống. Những cặp đôi có biểu hiện ghen tuông, rồi tìm cách xoa dịu sự bất ổn của nhau, sẽ có tình cảm bền vững hơn khi so với những cặp thờ ơ.
Nhưng, cũng hiện diện cảm xúc ghen tuông chẳng liên quan đến tình yêu. Mà cơn ghen ăn tức ở này thường liên quan đến địa vị xã hội, tiếng tăm…nói chung là các yếu tố về thành công.
Theo các nhà tâm lý học, có hai nguyên nhân chính tạo nên cảm xúc ghen tuông.
Nguyên nhân 1: Sự tự ti
Việc thiếu tự tin về bản thân khi so sánh mình với một người khác luôn là nguyên nhân lớn nhất gây nên sự mất bình tĩnh trong kiểm soát cảm xúc tiêu cực.
Ví dụ, nàng MC lớn tiếng trách mắng Thủy Tiên trên mạng xã hội hẳn cảm thấy vô cùng ghen tức với sự thành đạt, vẻ đẹp, nhân cách của nữ ca sỹ. Thủy Tiên đã thành danh từ lâu. Lại có một gia đình hạnh phúc, êm đẹp. Cô có làm điều gì thì cả thiên hạ đều cùng dõi theo. Những ai mong muốn có được địa vị xã hội của Thủy Tiên, hẳn, sẽ vô cùng ghen tị với cô.
TÓM TẮT: Tuýp người này ghen tị vì họ hiểu rõ họ không đạt được thành công của đối tượng mà họ nhắm đến.
Nguyên nhân 2: Tính cách hoang tưởng (paranoia)
Một nguyên nhân thứ hai cũng thường xuyên tạo nên cảm xúc ghen tị chính là nhân cách hoang thưởng (paranoid personality). Những người này thường có xu hướng suy nghĩ “suy bụng ta ra bụng người”. Một hành động bé như hạt gạo, đối với họ, thực chất tượng trưng cho một âm mưu ghê gớm hơn rất nhiều. Họ cảm thấy những người xung quanh luôn muốn chà đạp, nhục mạ họ, và lấy đi những thành quả vốn thuộc về họ.
Tôi có một cô bạn đồng nghiệp. Bạn tôi khá giỏi giang, có chí hướng, thường xin lĩnh suất các dự án khó nhằn của công ty. Tất nhiên thì cô ấy luôn phải bắt tay với các đồng nghiệp khác. Nhưng một khi dự án kết thúc thì cô ấy bao giờ cũng tự nhận mình mới là nguyên nhân khiến dự án thành công, và tất cả những đồng nghiệp khác đều “dựa hơi” tài cán của cô ấy.
Trường hợp của cô bạn tôi không hiếm. Bạn hẳn cũng sẽ gặp tuýp người này ở văn phòng, khi đi làm ăn hay trong tình yêu. Họ luôn là người lớn tiếng chê bai người khác. Nếu có vấn đề yếu kém gì, họ luôn đổ lỗi cho một người khác trong nhóm, chứ bản thân họ thì hoàn hảo miễn chê. Và trong trường hợp thành công, thì họ luôn cho rằng mình là nguyên nhân mang lại sự thành công ấy.
TÓM TẮT: Tuýp người này ghen tị vì trong thâm tâm họ hiểu rằng họ không chi phối được thành công của người khác, nên “tự thôi miên” bản thân rằng mình mới là kẻ số một.
Làm sao đối mặt với cơn ghen tị?
Nếu người khác đang nói xấu bạn, thì xin chúc mừng! Bạn hẳn là một người rất thành công, có địa vị xã hội, được nhiều người yêu mến. Hãy cứ bỏ ngoài tai mọi sự dè bỉu, thù hằn, vì chắc chắn những người này đang vô cùng ghen ăn tức ở với bạn.
Còn nếu bản thân bạn nhận ra mình đang có những cảm xúc ghen tị với người khác, cũng đừng hoang mang. Chúc mừng bạn đã mau chóng nhận định sáng suốt về tính cách của bản thân. Hiểu rằng mình đang lên cơn GATO, và cần thay đổi cảm xúc, là bước đầu giúp bạn giải quyết vấn đề.
Bước 1: Tự nhủ với bản thân: Bớt ghen tị để sống khỏe hơn
Điều quan trọng là cơn ghen tị có thể khiến tình trạng sức khỏe của bạn trở nên xấu đi. Luôn luôn bị một xúc cảm tiêu cực chi phối, bạn trở nên dễ stress, có thể trầm cảm, tìm đến rượu bia để xoa dịu lòng mình…
Bước 2: Hạn chế tiếp xúc với đối tượng khiến mình nổi cơn ghen
Nếu người khiến bạn ghen tị là một đồng nghiệp tại văn phòng, hãy tránh tiếp cận người ấy trong thời gian rỗi rãi ở công ty. Còn nếu người ấy ở khá xa bạn, và hai bên chỉ liên lạc qua mạng xã hội, thì bạn có thể tạm thời unfollow tài khoản của người ấy. Đúng với câu xa mặt cách lòng, không còn nhìn thấy hình ảnh người ấy thì cơn ghen của bạn sẽ nguôi ngoai ít nhiều.
Bước 3: Cải thiện bản thân nhờ cơn ghen tức
Hãy nhìn cơn ghen qua một góc độ khác. Đây có thể là cơ hội tuyệt vời để bạn cải thiện bản thân.
Những phẩm chất nào ở người bạn đang ghen tị mà bạn ao ước sở hữu? Thay vì chỉ tức tối trong lòng, sao không nâng cấp bản thân để có thể bằng vai phải lứa với người ấy?
Người ấy thông minh, giỏi giang? Vậy bạn hãy học thêm những kỹ năng sống khác giúp mình cũng được toàn vẹn như vậy.
Người ấy được nhiều người yêu mến? Hãy năng nổ đề ra những hoạt động xã hội để khiến mọi người xung quanh thêm vui vẻ.
Người ấy có bề ngoài hoàn hảo? Hãy dành mỗi cuối tuần để đi spa chăm sóc bản thân – năng nổ chăm sóc sắc đẹp và bạn sẽ thấy mình cũng xinh đẹp không khác.
Ảnh: Jon Dinh
Harper’s Bazaar Việt Nam