Ngọc trai nuôi cấy Mikimoto đã chinh phục Hollywood ra sao?

Ngọc trai bản thân sở hữu hình dáng đẹp nên con người không cần mài giũa, đánh bóng hay vát cạnh tạo hình như với đá quý.

Grace Kelly và chuỗi choker ngọc trai sát cổ yêu thích. Những viên ngọc tròn đều tăm tắp đến từ Mikimoto, thương hiệu đã tiên phong công nghệ ngọc trai nuôi cấy.

Đầu thế kỷ 20, thế giới gần như không còn nguồn cung cấp ngọc trai tự nhiên. Đó là hệ quả của việc con người khai thác quá mức nguồn hàu hoang dã. Thế nhưng, những năm đầu thập niên 1900 đã chứng kiến sự “hồi sinh” của ngọc trai. Lần đầu tiên, ta biết đến khái niệm ngọc trai nuôi cấy từ hàu. Điều này đã thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp ngọc trai trên khắp thế giới.

Sự ra đời của ngọc trai nuôi cấy

Phát minh mang tính bước ngoặt này khởi nguồn từ Nhật Bản. Kokichi Mikimoto đã làm thế giới kinh ngạc vào năm 1893 khi ông thành công trong việc tạo ra viên ngọc trai nuôi cấy đầu tiên.

Sáng kiến của Mikimoto dựa theo cơ chế hình thành tự nhiên của ngọc trong loài nhuyễn thể (con trai, hàu, ngao…) Thông thường, khi ký sinh trùng hoặc một mảnh vỏ vô tình xâm nhập vào bên trong con hàu, cơ thể của nó sẽ tiết ra chất kết tinh bao bọc lấy “dị vật”, gọi là xà cừ. Theo thời gian, lớp xà cừ tích tụ xung quanh ngày càng dày lên. Tương ứng với sự lớn dần của kích cỡ viên ngọc. Dựa theo cách thức ấy, ông đã cấy vào bên trong con hàu một vật thể tròn để kích thích nó phủ xà cừ lên.

Tuy vậy, ngọc trai nuôi cấy được tạo ra khi ấy thường có hình thù không đồng nhất. Thế nên Mikimoto càng quyết tâm tìm cách để trai nhả ra những viên ngọc tròn đều. Bởi chỉ như vậy thì ngọc trai mới có giá trị. Trải dài 12 năm kiên trì thử nghiệm và thất bại, năm 1905, Kokichi Mikimoto tự hào ra mắt những viên ngọc tròn đều.

Kokichi Mikimoto – cha đẻ của ngành công nghiệp ngọc trai nuôi cấy. Photo: Mikimoto.

Cùng khoảng ngọc trai Mikimoto được nghiên cứu một nhà sinh vật học thuộc chính phủ, Tokichi Nishikawa và một thợ mộc, Tatsuhei Mise, cũng đang tìm hiểu về cơ chế hình thành của ngọc trai. Họ đã nuôi cấy thành công loài hàu ngọc trai Akoya. Tên khoa học là Pinctada fucata. Họ đặt tên phương pháp của mình là Mise-Nishikawa.

Mikimoto đã tiến một bước xa hơn bằng cách thêm sáng tạo của riêng mình. Nhờ đó, ông hoàn thiện những viên ngọc Akoya tròn hoàn hảo. Do vậy, bằng sáng chế được thay đổi và thuộc về Mikimoto vào năm 1916.

Ngọc trai Akoya. Photo: Mikimoto.

Đế chế ngọc trai Mikimoto

Đầu những năm 1920, ngọc trai nuôi cấy Mikimoto chính thức được đưa vào thị trường trang sức. Thế nhưng Mikimoto liên tục đứng trước những cáo buộc rằng ngọc trai nuôi cấy không phải là hàng “thật”. May mắn thay, các bằng chứng khoa học đã chứng minh ngọc trai nuôi cấy Akoya của thương hiệu Mikimoto sở hữu đặc tính của ngọc trai tự nhiên.

Trong chuyến công du châu Âu và Mỹ năm 1927, Mikimoto có cơ hội gặp Thomas Edison tại nhà riêng của nhà phát minh ở New York. “Chẳng có điểm gì khác nhau cả, đây là một viên ngọc trai thật,” Edison đã tuyên bố với thế giới về món quà mà “Vua Ngọc trai” đã tặng mình.

Lá thư Thomas Edition gởi Kokichi Mikimoto. Hiện vật được trưng bày tại Mikimoto Pearl Island, Nhật Bản. Photo: Mikimoto.

Cuộc gặp gỡ giữa họ thậm chí đã được đăng tải trên tờ Thời báo New York. ‘Mikimoto và ngọc trai của ông’ lập tức trở thành tâm điểm chỉ sau một đêm. Rất nhiều người đã lên tiếng ủng hộ sản phẩm ngọc trai Akoya bởi nó có giá cả phải chăng để ai cũng có thể sở hữu.

Thiết kế nữ trang Yaguruma Sash Clip huyền thoại đã góp phần đưa thương hiệu Mikimoto được công nhận trên toàn thế giới. Từng được trưng bày tại Triển lãm Thế giới năm 1937 ở Paris. Photo: Mikimoto.

Trong những thập kỷ sau đó, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nuôi cấy ngọc trai Nhật Bản, phương pháp Mise-Nishikawa đã mở rộng sang các quốc gia khác. Nhờ đó mà ta có ngọc trai đủ màu. Màu sắc của viên ngọc phụ thuộc vào màu xà cừ của vỏ ốc mà nhân ngọc được cấy bên trong. Mà màu vỏ ốc này thì đa dạng, thay đổi tuỳ vào vùng biển.

Ngọc đen Tahiti (từ giống trai môi đen Pinctada margaritifera) đến từ quần đảo Polynesia thuộc Pháp. Ngọc trai South Sea (từ giống trai môi vàng Pinctada maxima) được nuôi cấy ở vùng biển ngoài khơi nước Úc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan.

Biểu tượng của sự đài các bất tử nhờ những huyền thoại thời trang

Nếu Kokichi Mikimoto có công mang ngọc trai đến gần hơn với nhân loại; thì Coco Chanel hẳn là người đã tạo nên ảnh hưởng to lớn cho ngọc trai trong ngành công nghiệp thời trang. Vốn là một trong những nhà thiết kế có gu thẩm mỹ tinh tế nhất thế kỷ 20. Coco Chanel luôn xuất hiện với những tràng hạt trai quý phái trên cổ.

Bà yêu chuộng món trang sức này đến mức từng tuyên bố: “Mỗi người phụ nữ cần có nhiều và thật nhiều chuỗi ngọc trai”.

Bức chân dung của Coco Chanel vào năm 1936

Tiếp đến, nhờ những nữ minh tinh màn bạc Hollywood, giai đoạn thăng hoa nhất của ngọc trai là vào thập niên 1950 và 1960.

Mặc dù nổi tiếng với lời hát “kim cương là người bạn thân nhất của mọi cô gái” của nhân vật cô thủ vai trong Gentlemen Prefer Blondes (1953); nhưng ngọc trai mới là món trang sức mà Marilyn Monroe diện khắp nơi. Một trong số đó là một chuỗi ngọc trai Mikimoto 16 inch tinh giản mà Joe DiMaggio tặng cho Marilyn trong tuần trăng mật ở Nhật Bản vào năm 1954.

Chuỗi ngọc trai Mikimoto 16 inch tinh giản mà Joe DiMaggio tặng cho Marilyn trong tuần trăng mật ở Nhật Bản; vào năm 1954.

Và khi Audrey Hepburn hóa thân thành quý cô Holly Golightly trong Breakfast at Tiffany’s (1961). Chiếc váy dạ hội màu đen của Givenchy và mẫu vòng cổ ngọc trai nhiều tầng trở thành “công thức chung” cho phong cách dạ tiệc sang trọng của người phụ nữ.

Hình ảnh quý cô Holly Golightly (do Audrey Hepburn thủ vai) trong Breakfast at Tiffany’s (1961).

Bên cạnh đó, các biểu tượng thời trang của giới hoàng gia và chính khách – Công nương xứ Monaco Grace Kelly, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy hay Công nương Diana, đã góp phần biến ngọc trai thành món trang sức của nữ quyền.

Công nương Diana với choker vòng cổ ngọc trai đính sapphire nổi tiếng

Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy.

“Ngọc trai luôn phù hợp trong mọi hoàn cảnh”. Câu nói nổi tiếng một thời của Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy vẫn đúng ngày nay.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm