Thời trang có phải là nghệ thuật?

Mặc cho tất cả những khác biệt, nghệ thuật và thời trang đang hòa quyện, đan xen hơn bao giờ hết

Người mẫu trình diễn trong giai điệu Picasso Baby của Jay Z giữa 75 tác phẩm điêu khắc và tranh do Lagerfeld thai nghén từ những biểu tượng huyền thoại như ngọc trai, chai nước hoa, hoa camellia, logo hai chữ C…

Nhiều người thường tôn vinh sự thưởng thức nghệ thuật là uyên thâm trong khi trớ trêu thay thời trang lại được hiểu là thứ phù phiếm. Thực tế, từ những năm 1930, thời trang đã từng bước đến với miền đất nghệ thuật. Và giờ đây, hơn khi nào hết, khoảng cách giữa hai lĩnh vực này đã trở nên vô cùng nhạt nhòa.

Thời trang là một hình thức nghệ thuật

Nhiều người lạc quan hy vọng rằng không lâu nữa nghệ thuật sẽ thu nạp thêm một bộ môn mới là thời trang.

Nhà thiết kế Zandra Rhodes tin rằng thời trang là một hình thức nghệ thuật. Bà nói:

“Tôi không nghĩ những thứ được thiết kế ra này khá thiết thực nên khác biệt với nghệ thuật. Bạn có thể nói một bức tranh được tạo ra để treo lên tường là nghệ thuật nhưng nếu nó là dạng bích họa, gắn với một phần của bức tường, chẳng lẽ khi ấy nó không phải là nghệ thuật nữa bởi vì nó thực dụng?

Nghệ thuật giờ đây không chỉ liên quan đến cái đẹp. Vậy bạn có thấy thời trang – thứ luôn xoay quanh cái đẹp (dù không phải ai cũng đồng tình về khái niệm cái đẹp) – thích hợp hơn, mang tính nghệ thuật hơn là những thứ vô nghĩa mà người ta coi là ý tưởng nghệ thuật. Nếu bạn nghĩ theo hướng đó, nghệ thuật có thể đứng sang một bên nhường chỗ cho thời trang vẫn luôn nỗ lực tiến lên đảm nhiệm vai trò của nghệ thuật”.

YayoiKusamaForLouis-Vuitton_ConceptStor_SelfridgesLondon

Sau các nghệ sỹ Stephen Sprouse và Takashi Murakami, Louis Vuitton đã có cuộc hợp tác đầy ấn tượng với “nữ hoàng chấm bi” Yayoi Kusama

Sự giao thoa giữa hai lĩnh vực thời trang và nghệ thuật không phải là hiện tượng mới. Năm 1937, nhà tạo mốt trứ danh Elsa Schiaparelli đã cùng họa sỹ tài ba Salvador Dalí làm nên một chiếc đầm dạ tiệc theo phong cách siêu thực in hình con tôm bằng lụa organza và lông ngựa tổng hợp. Ba mươi năm sau, Yves Saint Laurent tạo nên chiếc đầm suôn đi vào lịch sử thời trang với những ô kẻ như trên tranh của Piet Mondrian.

Mối tình giữa nghệ thuật và thời trang

Không thể phủ nhận thời trang may đo cao cấp haute couture đã chuyển tải được những ý tưởng sáng tạo độc đáo lên nền canvas căng trên chiếc khung tuyệt đẹp – cơ thể của phụ nữ. Điều đó ấn tượng không kém bất cứ tác phẩm điêu khắc hay hội họa danh giá nào.

Iris-van-HerpenSS14

Ngoài những thiết kế lấy cảm hứng từ kiến trúc, Iris Van Herpen còn thường có lối trình diễn mang đầy tính nghệ thuật

Thời trang ứng dụng ready-to-wear cũng tỏ ra không hề thua kém. Trong show diễn xuân hè 2014 tại Milan, Miuccia Prada đã hợp tác với sáu nghệ sỹ đương đại để tạo ra bức tranh tường trang trí cho sàn catwalk. Hình ảnh được tạo ra chính là cảm hứng cho những mẫu đầm và túi nổi bật nhưng dễ ứng dụng trong bộ sưu tập của bà. Gần hai tuần sau đó tại Paris, Karl Lagerfeld đã biến sảnh triển lãm ở cung điện Grand Palais thành không gian mang phong cách một hội chợ nghệ thuật cho buổi diễn Spring – Summer 2014 của Chanel. Một số bức vẽ được trang trí bằng những tấm ván theo phong cách của nghệ sỹ John McCracken, một số khác được đóng khung như tác phẩm của các danh họa bậc thầy.

Dolce-Gabbana--iris-van-herpen-Prada

Từ trái sang: thiết kế của Dolce & Gabbana, Iris Van Herpen, Prada

Coco Chanel từng so sánh thời trang với kiến trúc bởi cả hai đều chú trọng đến các tỷ lệ cân xứng. Đó không phải là mối liên quan duy nhất giữa thời trang với môn nghệ thuật này. Tại Tuần lễ Thời trang Milan Xuân Hè 2014, Dolce & Gabbana đã tái hiện hình ảnh kiến trúc của Sicily cổ đại. Những mẫu đầm được in hình những công trình điêu tàn, còn gót giày mô phỏng theo những cây cột của một ngôi đền cổ. Các công trình kiến trúc cũng xuất hiện đầy ấn tượng trên nhiều mẫu in kỹ thuật số của Mary Katrantzou mà gần đây là trong bộ sưu tập Resort 2014 với hình ảnh những tòa chung cư ở Sao Paulo.

Mối tương trợ giữa thời trang và nghệ thuật

Mitchell Oakley Smith, đồng tác giả cuốn sách Art/Fashion in the 21th Century, bình luận: “Những cuộc bắt tay với thời trang chính là cách để các nghệ sỹ đưa danh tiếng ra thế giới. Tôi không nghĩ Murakami sẽ có được tiếng tăm như hiện giờ nếu không phải nhờ cuộc hợp tác với Louis Vuitton”.
Sự kết giao với nghệ thuật đã giúp thời trang tiến gần đến ngưỡng cửa nghệ thuật và ngược lại, Smith cho rằng chính thời trang đã giúp nghệ thuật trở nên hợp mốt hơn.

TheGlamourOfItalianFashion

Triển lãm The Glamour of Italian Fashion 1945–2014

Các tín đồ thời trang mua trang phục lấy ý tưởng từ nghệ thuật như một cách sưu tầm, lưu giữ nghệ thuật. Và như thế, các cửa hàng đang dần trở thành gallery mỹ thuật. Xa hơn nữa, những thiết kế thời trang cũng đã tìm được đường vào các bảo tàng, trưng bày và được chiêm ngưỡng như tác phẩm nghệ thuật thực thụ: những triển lãm như Alexander McQueen và gần đây nhất là Wedding Dresses 1775–2014, The Glamour of Italian Fashion 1945–2014 hay Cartier: Style and History…

Có lẽ những nỗ lực ấy của thời trang đến một lúc nào đó sẽ khiến giới nghệ thuật hàn lâm phải ngả mũ tiếp nhận.

Ngày ấy – Bây Giờ

JIL SANDER: Mẫu áo sợi dệt có chân dung Picasso năm 2012 có giá 1.700 đô-la Mỹ và đang xuất hiện với giá hời 1.100 đô-la trên eBay.

jil-sander

YVES SAINT LAURENT: Năm 1965, bộ đầm Mondrian giá 3.000 – 4.500 franc. Năm 2011, một phiên bản đã bán vơi giá lên tới 30.000 bảng Anh.

yves-saint-laurenr

ISSEY MIYAKE: Áo xếp pli in tranh phụ nữ khỏa thân Pleats Please năm 1996 có giá 175 đô-la Mỹ, còn bây giờ đã lên 2.600 đô-la trên eBay.

Issey-MiyakeBài: Diễm Trinh – Ảnh: Tư liệu

Xem thêm