Gucci đấu giá nghệ thuật tạo sinh AI giữa giông bão OpenAI

Buổi đấu giá tổ chức giữa bộ đôi Gucci và Christie's có phải là bước đi khôn ngoan giữa làn sóng đầy biến động về Trí tuệ nhân tạo. Gần đây nhất là tin sa thải Sam Altman- cha đẻ của ChatGPT đã thu hút nhiều sự quan tâm.

Gucci là một trong những nhà mốt đẩy mạnh sự hợp tác với công nghệ, từ nền tảng Roblox qua đến nghệ thuật tạo sinh (Generative Art). Ảnh: Minne Atairu/Gucci ArtSpace

Tháng Bảy vừa qua, thương hiệu thời trang cao cấp Gucci cùng Nhà đấu giá Anh quốc Christie’s lần đầu tiên kết hợp để triển lãm và đấu giá tác phẩm nghệ thuật tạo sinh (Generative Art) thực hiện với công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI). Sự kiện đã thành công tạo tiếng vang trong giới thời trang và nghệ thuật. Vì vậy, bộ đôi tiếp tục ra mắt buổi đấu giá tiếp theo trong tháng 11/2023.

Tuy nhiên, triển lãm diễn ra ngay khi cộng đồng AI đang bị khủng hoảng truyền thông giữa những tin tức về OpenAI – công ty đứng đằng sau nền tảng ChatGPT – và cha đẻ Sam Altman. Những thông tin này làm công chúng thêm quan ngại về những sản phẩm từ nghệ thuật tạo sinh sử dụng AI.

Gucci mời các nghệ sỹ sử dụng sản phẩm từ kho lưu trữ cho tác phẩm nghệ thuật tạo sinh (Generative Art)

Nghệ thuật tạo sinh (Generative Art) là thực hành nghệ thuật mà trong đó nghệ sỹ sử dụng hệ thống liên quan đến quy luật ngôn ngữ số, chương trình máy tính hay sử dụng thuật toán. Đa phần các kết quả khá khó đoán, bởi lẽ công nghệ Generative Art chưa thật sự hoàn hảo. Do đó người nghệ sỹ có thể chủ động tinh chỉnh để hoàn thiện tác phẩm.

Ở lần thử nghiệm với nghệ thuật tạo sinh này, Gucci đã mời chín nghệ sỹ tham khảo di sản của thương hiệu, từ đó tạo ra các tác phẩm đậm tinh thần Gucci. Tương tự như lần trước, các tác phẩm được xuất bản dưới định dạng NFTs và được bán đấu giá thông qua nền tảng Christie’s 3.0.

Tác phẩm Ancora Bus sử dụng màu đỏ tía đặc trưng của show Gucci Xuân Hè 2024. Ảnh: Joann/Gucci ArtSpace

Tuy nhiên điều đặc biệt lần này là Gucci đã cho phép các nghệ sỹ được quyền lựa chọn sử dụng tài sản trí tuệ từ kho lưu trữ. Đây có thể được xem như một cột mốc quan trọng của nhà mốt này trong hành trình kết nối nghệ thuật và công nghệ. Bởi Generative Art thường gây nên quan ngại về quyền tác giả và tính sáng tạo. Vì vậy, Gucci là một trong những thương hiệu xa xỉ đầu tiên cấp bản quyền cho các nghệ sỹ tạo nên tác phẩm nghệ thuật với AI, đi ngược lại với xu hướng từ các nhà mốt xa xỉ khác như Hermès.

>>> ĐỌC THÊM: HERMÈS THẮNG KIỆN NGHỆ SỸ NFT METABIRKIN, THÀNH CÔNG BẢO VỆ BẢN QUYỀN

Giữa những vấn đề xoay quanh khúc mắc giữa cha đẻ ChatGPT và hội đồng OpenAI, việc công bố triển lãm AI có phải bước đi phù hợp?

Triển làm và màn đấu giá tác phẩm nghệ thuật tạo sinh Gucci diễn ra ngay trong giai đoạn tranh đấu gay cấn giữa CEO Sam Altman (người tạo ra ChatGPT) và hội đồng quản trị công ty OpenAI do chính anh sáng lập.

Chân dung Sam Altman, cha đẻ ChatGPT và nhà sáng lập OpenAI. Nguồn ảnh: Getty Images

Từ ngày 17/11, hàng loạt các diễn biến gay cấn và “cua xe khét lẹt” ở phút 89 đã khiến giới quan tâm đến công nghệ AI “hít drama no phổi”. Hiện tại, Sam Altman đã quay lại vị trí CEO công ty OpenAI và thành công thay đổi toàn bộ hội đồng quản trị đã đưa ra quyết định sa thải anh. Nhưng nam doanh nhân này vẫn bị đóng mác “người đầu tiên bị AI sa thải dù là cha đẻ AI”.

Dẫu cho lời giật tít từ truyền thông không chính xác, bởi vấn đề lục đục nội bộ mới là nguồn căn, thì vụ việc vừa qua không khỏi khiến cả thế giới hoang mang. Đặc biệt khi mối quan ngại về vấn đề bị mất việc do công nghệ nói chung và AI nói riêng đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều ngành nghề, trong số đó có các họa sỹ.

Lo lắng của các họa sỹ không phải dư thừa. Khi đặt ra câu hỏi, “Nghệ thuật là gì?” (What is art?), đa số các nhà phê bình đưa ra trả lời rằng nghệ thuật hình dáng, là sự biểu hiện hay định nghĩa của lịch sử. Nhưng những định nghĩa không hề nhắc đến vai trò của người sáng tạo nghệ thuật. Vì lẽ đó, khi AI trở nên càng phổ biến, trong khi luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ, kiểm duyệt thông tin thì chưa bắt kịp, thì sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong thời đại 4.o như một con dao hai lưỡi với người nghệ sỹ.

Tác phẩm Becoming Gold đại diện cho sự hòa quyện của nghệ thuật và thời trang qua dòng chảy thời gian. Ảnh: Thomas Lin Pedersen/Gucci ArtSpace

Việc Gucci tổ chức hẳn một buổi đấu giá tranh nghệ thuật tạo sinh (Generative Art) ngay giữa cơn bão AI diễn ra không khỏi khiến mọi người tò mò về việc có phải các thương hiệu đang công khai ủng hộ công nghệ này và tìm cách thay thế sức sáng tạo, lao động của con người. Biết rằng một sự kiện có quy mô lớn do Gucci và Christie’s hợp tác đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng có lẽ đôi bên đã nên cân nhắc về việc dời lại lịch hoạt động để theo dõi diễn biến và phản ứng từ cộng đồng.

Dẫu vậy, đại diện của nền tảng đấu giá tranh số hóa Christie’s, anh Sebastian Sanchez, cho rằng nghệ thuật tạo sinh trên thực tế bổ trợ cho sự sáng tạo của con người. Anh cho rằng con người can thiệp ở mọi khâu, từ suy nghĩ ra câu lệnh đầu vào hay thiết lập thuật toán, cho đến tinh chỉnh tác phẩm do AI tạo ra. Vì lẽ đó, anh cho rằng các nhà sáng tạo nên đón nhận công nghệ mới này.

“Việc sử dụng các hệ thống nghệ thuật tạo sinh, cả mô hình ngôn ngữ lập trình và mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh, đòi hỏi vô số thử nghiệm để đạt được kết quả đáp ứng tầm nhìn của nghệ sỹ. Điều này cho phép các khái niệm và ý tưởng của con người thực sự tỏa sáng.”

TIN LIÊN QUAN VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm