Ngày của Mẹ là ngày nào? Ý nghĩa và nguồn gốc ít ai biết về ngày tôn vinh những người mẹ

Ngày của Mẹ năm nay rơi vào ngày Chủ Nhật, ngày 12 tháng 5

Ý nghĩa đằng sau Ngày của Mẹ. Ảnh: @bybeckyamelia / Etsy

Chủ Nhật tuần này, thế giới ăn mừng Ngày của Mẹ, ngày đặc biệt ý nghĩa để tôn vinh những người mẹ trên toàn thế giới. Bạn đã có kế hoạch để tri ân và cảm ơn người phụ nữ đặc biệt trong đời mình chưa?

Ngày của Mẹ (Mother’s Day) rơi vào ngày nào?

Ngày của Mẹ – Mother’s Day được chính phủ Mỹ ấn định vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm hàng năm. Sau khi lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ, ngày lễ này đã lan tỏa đến những quốc gia khác.

Một số quốc gia tổ chức Ngày của mẹ vào những dịp khác. Cụ thể như Vương quốc Anh kỷ niệm Ngày của Mẹ vào tháng 3. Mexico công nhận ngày lễ này vào ngày 10/5 hàng năm. Thái Lan kỷ niệm ngày của mẹ vào ngày 12 tháng 8, cũng là ngày sinh nhật của Nữ hoàng Sirikit.

Tại Việt Nam, Ngày của Mẹ trong tháng Năm chưa thực sự phổ biến, bởi chúng ta có nhiều ngày lễ tôn vinh phụ nữ nói chung và mẹ nói riêng khác, ví dụ ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Vu lan báo hiếu – rằm tháng Bảy, hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Tuy vậy những năm gần đây, giới trẻ bắt đầu quan tâm đến ngày lễ này và xem nó một dịp quan trọng để bày tỏ tình cảm với Mẹ.

Ý nghĩa đằng sau Ngày của Mẹ

Ảnh: Louis Vuitton

Ngày của Mẹ là ngày để tôn vinh những người mẹ thân yêu, để con cái thể hiện sự biết ơn, lòng hiếu thảo đối với ơn nghĩa sinh thành của mẹ.

Ngày của Mẹ đóng vai trò như một lời nhắc nhở đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Đây cũng là dịp để bày tỏ tình yêu, sự trân trọng, ghi nhận sự tận tâm, vị tha và tình yêu vô điều kiện mà các bà mẹ dành cho con trong suốt cuộc đời của họ.

Trong ngày lễ này, các thành viên trong gia đình dù bận rộn đến mấy vẫn cố gắng quây quần bên nhau, bày tỏ tình yêu thương và tạo ra những kỷ niệm đẹp với mẹ. Con cái sẽ mua quà tặng cho mẹ như lời trân trọng, cảm ơn công ơn dưỡng dục của mẹ.

Dần dần, Ngày của mẹ không chỉ dành cho mẹ. Bất kỳ ai đóng vai trò tương tự như mẹ đều có đặc quyền được tôn vinh trong ngày này.

Ngày lễ bắt nguồn từ nước Mỹ

Từ thời cổ đại đã có những ngày lễ để tôn vinh vai trò mà người mẹ đóng trong gia đình. Cụ thể, người Hy Lạp và La Mã cổ đại tổ chức các lễ hội mùa xuân cho các nữ thần mẹ,  như Rhea và Cybele.

Sáng kiến về Ngày của Mẹ bắt nguồn từ nước Mỹ. Nó lần đầu tiên được xướng tên bởi Julia Ward Howe – một nhà hoạt động xã hội, một phụ nữ theo chủ nghĩa bãi nô và người ủng hộ quyền bầu cử. Năm 1870, bà viết “Tuyên ngôn Ngày của Mẹ”, kêu gọi phụ nữ đoàn kết vì hòa bình và bãi trừ vũ khí.

Anna Jarvis – nhà sáng lập Ngày của Mẹ (Ảnh: Historic Germanna

Dù Julia Ward Howe là người ra ý tưởng từ cuối thế kỷ 19, nhưng ngày lễ tháng Năm chỉ chính thức đi vào hiện thực vào thế kỷ 20. Phiên bản hiện đại Ngày của mẹ ra đời tại Mỹ, được khởi nguồn bởi Anna Jarvis – một nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Sau cái chết của mẹ mình vào năm 1905, Anna Jarvis luôn day dứt bởi còn nhiều điều chưa làm cho mẹ. Từ đây cô đã vận động thành lập một ngày lễ trên toàn quốc để tôn vinh các bà mẹ.

Nhờ sự đấu tranh kiên trì và bền bỉ từ Anna Jarvis, năm 1914, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã ký một tuyên bố chỉ định Chủ nhật thứ hai của tháng Năm hàng năm là Ngày của Mẹ ở Hoa Kỳ. Kể từ đó, ngày lễ tôn vinh các bà mẹ cũng trở thành ngày lễ lớn được nhiều quốc gia trên thế giới xem trọng.

Tuy nhiên, ngày lễ này cũng gây ra nhiều tranh cãi

Ngày của Mẹ trở nên bị thương mại hóa với nhiều món quà được ra mắt riêng cho ngày lễ này. Ảnh: thegiftgalashop.com

Ngày nay, Ngày của mẹ là một ngày lễ vô cùng được thương mại hóa. Nhận thấy cơ hội lớn, các thương hiệu ra mắt những bộ sưu tập quà tặng đặc biệt, thúc đẩy con cái mua quà tặng mẹ. Cùng với Lễ tình nhân – Valentine 14/2, Ngày của cha, Giáng sinh… Ngày của mẹ trở thành một trong những ngày lễ gắn liền với quà tặng.

Vì lẽ đó, dù Anna Jarvis đã sáng lập ra ngày lễ này thì bà lại trở thành một người chỉ trích mạnh mẽ tính thương mại hóa của nó. Theo ý tưởng ban đầu của bà, đây là một ngày để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối đấng sinh thành. Những người con sẽ tri ân mẹ bằng tình cảm chân thành, làm những điều ý nghĩa và tử tế cho bà.

Tuy nhiên khi Ngày của Mẹ trở nên phổ biến, Anna Jarvis vỡ mộng khi cảm thấy rằng ý nghĩa thực sự của ngày lễ này đang bị lu mờ bởi việc bán thiệp chúc mừng, hoa và các quà tặng khác. Hậu quả là nhà sáng lập ngày lễ này tẩy chay, đe dọa khởi kiện và lên tiếng phản đối việc lợi dụng ngày lễ để trục lợi. Cô thậm chí còn vận động bãi bỏ hoàn toàn Ngày của Mẹ.

Jarvis được cho là đã dành phần lớn cuộc đời sau này và quỹ cá nhân của mình để đấu tranh chống lại việc thương mại hóa Ngày của Mẹ. Bất chấp những nỗ lực của mình, Jarvis không thể ngăn chặn việc thương mại hóa Ngày của Mẹ. Tuy nhiên, chiến dịch của cô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tình cảm chân thành đằng sau ngày lễ và những cạm bẫy tiềm tàng của việc thương mại hóa quá mức.

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Vietnam 

Xem thêm