NẾU KINH DOANH THỜI TRANG, LÀM SAO SỐNG SÓT QUA NẠN DỊCH COVID-19?

Việc kinh doanh thời trang thực chất có độ trường tồn, bền bỉ cao hơn nhiều người nghĩ

Dịch cúm corona ngày càng gây rúng động toàn cầu. Con số người nhiễm đã tăng hơn 1 triệu người. Thị trường chứng khoán phản ảnh tâm trạng hoang mang, lo sợ của người dân.

Ngành thời trang và làm đẹp đặc biệt bị ảnh hưởng nặng. Người tiêu dùng chỉ chăm chăm tích trữ nhu yếu phẩm và lương thực. Họ không còn tâm trạng nào để ăn diện hay mua sắm. Chưa kể là Ý, Pháp bế quan tỏa cảng, ngưng việc sản xuất giày dép, quần áo, đồ da thuộc của nhiều thương hiệu cao cấp.

Trong số những độc giả của Harper’s Bazaar, chắc chắn có nhiều người kinh doanh thời trang. Cho dù bạn là nhà thiết kế, chủ cửa hàng may đo, hay là đơn vị nhập khẩu và bán lẻ thời trang, chắc chắn mọi người đều đang bất an như nhau. Giữa tình cảnh này, mọi người có thể làm gì để đảm toàn cho việc kinh doanh của mình?

Bài học kinh doanh thời trang từ khủng hoảng kinh tế năm 2008

Lịch sử đang lặp lại, chí ít là về mặt tài chính và kinh tế.

Cơn khủng hoảng kinh tế do dịch cúm corona gây ra khiến chúng ta phải nhớ lại khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Nhiều nhà đầu tư từng cho rằng ngành thời trang là ngành bị hủy hoại nhiều nhất.

Nhưng thực tế cho thấy, ngành thời trang xa xỉ hầu như không bị ảnh hưởng trong cơn khủng hoảng kinh tế 2008. Những mặt hàng xa xỉ vẫn mang lại giá trị đầu tư tốt, có giá trị không kém gì cổ phiếu. Chẳng vì thế mà túi xách Hermès, Chanel sang tay hầu như chỉ có tăng chứ không mất giá trị.

Nếu không kinh doanh thời trang xa xỉ, bạn cũng đừng quá sốt vó. Những ông lớn như Zara (của tập đoàn Inditex), Mango (thuộc Punto Fa, S.L)…cũng kinh doanh thời trang tầm trung và đều thành công hậu khủng hoảng 2008.

Tất nhiên, không phải thương hiệu nào cũng sống sót qua cơn khủng hoảng lúc ấy. Vậy, chúng ta học được điều gì từ những thương hiệu trỗi dậy mạnh mẽ hậu 2008?

Thương hiệu Hermès luôn giữ vững trong những cơn khủng hoảng, vì thương hiệu mang lại giá trị to lớn cho khách hàng

Một, các thương hiệu này mang lại giá trị vô hình cho người mặc.

Về mặt căn bản, mục đích của thời trang là làm đẹp. Nhưng nó còn mang lại nhiều giá trị hơn thế cho khách hàng.

Khi chọn một trang phục, khách hàng đang dùng món đồ này để miêu tả nhân sinh quan của mình. Ví dụ, lựa chọn trang phục làm bằng chất liệu vải xanh cho thấy mình là người quan tâm đến môi trường. Ưu tiên thương hiệu của nhà thiết kế Việt cho thấy mình ủng hộ tài năng địa phương. Chọn lựa hàng thời trang mẫu mã vượt thời gian và cao cấp để chứng tỏ mình không vì chạy theo xu hướng mà từ bỏ sản phẩm chất lượng cao. Hoặc mua đồ hiệu vì có giá trị đầu tư cao.

Các yếu tố tăng cường giá trị (added value) này sẽ giúp một thương hiệu giữ vững lượng khách hàng trung thành qua thời kỳ khó khăn.

Hai, các thương hiệu này luôn đổi mới theo thời cuộc.

Họ liên tục khiến khách hàng phải nhớ đến mình. Có thể bằng việc ra mắt phiên bản mới của dòng hàng cổ điển vốn được yêu thích. Hoặc cộng tác với những cái tên gây cảm hứng trong cộng đồng. Khách hàng luôn cảm thấy mới mẻ khi tìm đến sản phẩm của những thương hiệu này.

Ba, họ mang lại chất lượng dịch vụ cao và chu toàn.

Chất lượng dịch vụ ở đây bao hàm nhiều thứ. Vừa là cho phép khách hàng đổi trả sản phẩm nếu chưa vừa ý. Hoặc mang lại dịch vụ may đo để tạo nên sản phẩm vừa vặn nhất cho khách hàng. Có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lịch sự cũng quan trọng.

Những đổi mới cấp thiết hậu dịch cúm COVID-19

Những pha cách ly và bế quan tỏa cảng trong thời dịch cúm đã cho thấy rằng, việc kinh doanh thời trang qua mạng là tất yếu. Một thương hiệu thời trang chỉ có cửa hàng vật lý, mà không cho phép khách mua sắm trực tuyến, đã mất đi cơ hội kinh doanh khi chẳng ai có thể ra đường.

Tại Việt Nam, việc kinh doanh thời trang qua mạng còn ở thuở sơ khai. Hiện tại, nó mới chỉ dừng lại ở việc các thương hiệu hoặc nhà thiết kế tung mẫu mã qua mạng, mời chào khách đến cửa hàng. Khách quen có thể nhắn tin trực tiếp cho nhân viên hoặc chính nhà thiết kế để mua mẫu qua Instagram, Messenger, Zalo hay tin nhắn điện thoại. Hầu như chưa có hình thức mua sắm trực tuyến phổ biến đã có ở các ngành siêu thị và nhu yếu phẩm.

Việt Nam chưa có mô hình kinh doanh thời trang qua mạng bài bản như ở nước ngoài. Ảnh: Net-A-Porter

Trên thế giới, các thương hiệu đã có thêm nhiều công cụ tiên tiến để tăng trưởng doanh thu qua mạng. Bao gồm trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI), theo dõi nhu cầu của khách hàng theo thời gian thực (real time), v.v. Việc thúc đẩy công nghệ kỹ thuật cũng là điều các thương hiệu Việt Nam cần tăng cường để sống sót hậu nạn dịch toàn cầu này.

>>> Xem thêm:  NHÀ SÁNG LẬP LEINNÉ: 4 ĐIỀU CẦN LÀM TRƯỚC KHI KHỞI NGHIỆP THƯƠNG HIỆU CAO CẤP

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm