Với trào lưu hướng về mỹ phẩm xanh và thiên nhiên, nhiều người tìm cách loại bỏ các sản phẩm họ cho là không tốt cho cơ thể của mình.
Một trong những trào lưu được nhiều người ưa chuộng là sử dụng dầu gội em bé. Các chị em cho rằng, dầu gội em bé không gây cay mắt vì không chứa hóa chất độc hại. Hoặc, dầu gội em bé chứa chất tẩy rửa dịu nhẹ phù hợp cho mái tóc yếu và nhạy cảm.
Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Dầu gội trẻ em sẽ khiến tóc bạn càng dễ hư tổn. Đặc biệt nếu bạn có mái tóc xù bẩm sinh, hoặc tóc nhuộm, tẩy. Câu trả lời chung cho câu hỏi “Có nên dùng dầu gội trẻ em?” là không nên. Hãy cùng Harper’s Bazaar khám phá lý do vì sao.
Hiểu về cấu trúc mái tóc
Một nghiên cứu đăng tải trong thư viện Y khoa Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ về cấu trúc tóc cũng như ảnh hưởng của dầu gội đầu lên mái tóc. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: Nguyên nhân gây rối tóc đến từ tĩnh điện trong tóc. Sợi tóc tích tụ tĩnh điện dễ bị ma-sát, bị rối, quấn vào nhau, thắt nút và kết quả là gãy rụng.
Để tóc không bị tích tĩnh điện, dầu gội đầu và dầu xả phải có độ pH tương tự với mái tóc. Mà sợi tóc chúng ta có tính axít, chỉ 3.67 độ pH. Tóc tẩy có độ pH thấp hơn hẳn. Da đầu thì có độ pH là 5.5, tương tự với làn da toàn thân.
Như vậy, dầu gội đầu và dầu xả tốt nhất để dưỡng tóc mềm mượt phải có tính axít. Chính xác thì phải tương đương với mái tóc, từ 3.67 đến 5.5 độ pH. Chẳng vì vậy mà chúng ta được khuyên detox mái tóc với giấm xả. Vì giấm mang tính chất axít, giúp loại bỏ tĩnh điện trên sợi tóc.
Đồng thời, khi tóc ngả sang tính kiềm, sợi tóc có khả năng hấp thụ nhiều nước hơn. Lúc này, cấu trúc của chất sừng (keratin) tạo nên sợi tóc bị phá vỡ. Kết quả là tóc dễ gãy, đứt khi bạn gội đầu. Việc sử dụng dầu gội đầu, dầu xả có tính axít sẽ ngăn ngừa điều này xảy ra.
Người lớn có nên dùng dầu gội trẻ em?
Nhìn chung, người lớn nên hạn chế dùng dầu gội cho em bé.
Bạn thấy rằng các sản phẩm có độ pH càng cao, càng khiến mái tóc xù xì, tích tĩnh điện và trở nên dễ rối. Ví dụ như nước. Nước có độ pH trung bình là 7. Nước hồ bơi chứa chlorine có độ pH dao động từ 6.5 đến 8.5. Vì vậy, khi mái tóc tiếp xúc với nước, ngay lập tức nó rít lại.
Đây là lý do vì sao khi ngâm bồn, ta nên quấn tóc lên cao. Ảnh GIPHY.
Dầu gội đầu em bé cũng vậy. Để hạn chế gây cay mắt trẻ em, dầu gội em bé thường có độ pH trung tính là 7. Chính vì vậy, khi dùng dầu gội em bé, bạn đang gây stress không cần thiết cho mái tóc của mình.
Chưa kể, tóc trẻ sơ sinh khá sạch và thưa. Dầu gội em bé thường chứa chất tẩy rửa dịu nhẹ phù hợp với mái tóc trẻ sơ sinh. Nhưng hóa chất này lại quá nhẹ để tẩy đi bụi bẩn hàng ngày. Kết quả là bạn không làm sạch mái tóc tối ưu. Những người có tóc dầu, sử dụng keo vuốt tóc, leave-in conditioner sẽ cảm thấy mái tóc vẫn dơ sau khi gội.
LÝ DO VÌ SAO DẦU GỘI ĐẦU GÂY CAY MẮTTất cả là vì độ pH của sản phẩm. Mắt của chúng ta rất nhạy cảm. Độ pH của mắt là 7 đến 7.4. Bất cứ sản phẩm nào mang tính kiềm hay axít, dù chỉ lệch nhẹ so với mức độ này, cũng gây cay mắt. Như Harper’s Bazaar đã chỉ ra, dầu gội đầu tốt cho tóc người lớn phải là loại mang tính axít. Chỉ một giọt nhỏ cũng khiến mắt cay xè. Các tế bào thần kinh ngay khoé mắt lập tức kích hoạt, khiến mắt nhấp nháy, trào nước mắt để ngay lập tức loại bỏ “kẻ tấn công”. |
Tuy nhiên, người có da đầu khô, nhạy cảm có thể dùng dầu gội trẻ em tạm thời
Đa phần các loại dầu gội đầu thường chứa Sodium Laureth Sulphate (SLS), chất tẩy rửa mạnh và dễ gây khô da đầu. Hoạt chất tẩy rửa này rất mạnh và có thể gây khô da đầu nếu bị lạm dụng. Đối với những người có làn da đầu nhạy cảm, dễ bị kích ứng, bạn có thể xen kẽ sử dụng dầu gội cho người lớn và cho em bé. Dầu gội cho trẻ sơ sinh thường không có các hoạt chất tẩy rửa mạnh, do đó sẽ êm ái hơn cho làn da đầu.
Khi gội đầu với dầu gội trẻ em, bạn cần dành nhiều thời gian mát-xa da đầu để dầu gội có đủ thời gian làm sạch chân tóc. Nếu không kỹ thì dầu gội em bé sẽ không tẩy đi hết dầu thừa, bụi bẩn ở gốc tóc, khiến mái tóc bạn vẫn nhờn bết sau khi gội.
Cách chọn dầu gội an toàn cho tóc
Nếu có mái tóc yếu và dễ gãy rụng, bạn nên tìm đến các loại dầu gội đầu không chứa Sodium Laureth Sulphate (SLS), chất tẩy rửa mạnh và dễ gây khô da đầu. Ngoài ra, tìm đến sản phẩm không chứa hương liệu (fragrance) có thể gây ngứa và kích thích da đầu.
THAM KHẢO THÊM CÁC MẸO CHĂM SÓC TÓC:
11 BÍ QUYẾT GIỮ MÀU TÓC NHUỘM LÂU PHAI LẠI VẪN MỀM MẠI
OLAPLEX LÀ GÌ? CÁCH SỬ DỤNG BỘ OLAPLEX CHO TÓC TẨY NHUỘM, HƯ TỔN
BỊ RỤNG TÓC NHIỀU LÀ THIẾU CHẤT GÌ? 4 CHẤT CẦN BỔ SUNG NGAY
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam