MẠNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: THẾ GIỚI ẢO, HIỂM HỌA THẬT

Không thể phủ nhận mạng xã hội đã mang đến cho nguời dùng vô số những lợi ích nhưng mặt trái của nó cũng vô vàn

BZ000_TalkingPoints_Gocnhin_9_16

Sau cả thập niên hoạt động và có chỗ đứng trong cuộc sống của khoảng 1/3 dân số Việt Nam, câu chuyện văn hóa sử dụng Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung của đa số người Việt vẫn là câu hỏi nhức nhối cho nhiều người.

Không thể phủ nhận mạng xã hội đã mang đến vô số lợi ích nhưng mặt trái của nó cũng vô vàn. Một trong những lợi ích thú vị là mạng xã hội giúp nhiều người xả stress. Ngoài những chia sẻ thú vị, hạnh phúc, thì đây cũng là nơi để nhiều người trút bầu tâm sự hay những chuyện không vui.

Thế nhưng, vượt lên cả việc “trút một bầu trời tâm sự”, có những người biến mạng xã hội thành một mặt trận không tiếng súng. Ở đó, ta có thể thấy những người lính đơn thương độc mã ra trận. Thậm chí còn có cả những trận đánh bài bản với chiến dịch quy mô, lôi kéo nhiều người cùng tham gia, khiến cộng đồng mạng dậy sóng. 

Những chiến binh không mặc giáp

Có lẽ ông chủ của mạng xã hội Facebook không thể ngờ được công cụ này không chỉ thay đổi cách con người giao tiếp, mà còn thay đổi cả cách họ tương tác với nhau. Ở Việt Nam, có một số người khi gặp chuyện không hài lòng, họ lập tức share ngay trên Facebook. Một số viết “tâm thư” nói bóng gió để mọi người đoán già đoán non. Đẳng cấp hơn thì đưa lên mạng xã hội chỉ thẳng tên. Còn đỉnh cao là tạo ra một chiến dịch quy mô với sự tham gia của nhiều người. Giám đốc marketing của một chuỗi nhà hàng tại Việt Nam từng ngán ngẩm nói: “Có điều gì không hài lòng về dịch vụ hay nhân viên phục vụ, họ hù dọa sẽ đưa lên Facebook”.

Bỏ qua cuộc chiến của các bạn tuổi teen trên mạng xã hội, những người tham gia vào chiến trường này đa số là người lớn. Chỉ những người trưởng thành, nằm trong nhóm có ảnh hưởng đến xã hội hoặc có “trình độ văn hóa” mới đủ khả năng viết tâm thư. Ở Việt Nam, kể từ khi ra đời đến nay, tâm thư đã được “nâng cấp không ngừng”. Nó có thể là bức thư chia sẻ tâm trạng của một cá nhân, nhưng một khi cố ý nhắc đến nhân vật thứ hai đầy ẩn ý thì đó là đỉnh cao của nghệ thuật chửi. Viết tâm thư thì phải có lập luận chặt chẽ, dày công hơn thì còn thêm vào vô số những luận điệu về đạo đức, cách làm người và nhiều thứ khác. Lí luận đến mức người đọc có thể dễ dàng nghiêng về phía người viết không mảy may nghi ngờ.

Có người viết status ắt có người đọc, trong số đó chắc chắn có người phụ họa. Họ là những người sẵn sàng nhảy vào hỏi han để đào bới thêm thông tin, để người chửi càng chửi thêm mà chủ nhân status không hề biết rằng họ đã trở thành “con mồi” béo bở để đội quân này mua vui.

Mạng xã hội đã trở thành một cộng đồng đầy sức mạnh khi mọi người có thể dễ dàng kết nối với nhau. Người dùng có thể lan truyền một thông điệp đẹp, chia sẻ những điều thú vị ấm áp. Có rất nhiều mảnh đời không may mắn đã thay đổi tích cực nhờ sự lan truyền của mạng xã hội. Thế nhưng, sức mạnh ấy cũng có dịp phát huy khi người ta lập hội để “đánh hội đồng”. Điển hình nhất có thể kể đến vụ một nhóm antifan lập ra hẳn những fanpage để kêu gọi tẩy chay một cô ca sỹ chỉ vì chuyện cô yêu người đàn ông đã ly thân.

Nói đi thì cũng nói lại, người nổi tiếng cũng chính là những người dùng Facebook để viết tâm thư nhiều nhất. Sở hữu lượng fan riêng, các ngôi sao luôn nghĩ mình sẽ được các fan bảo vệ nên sẵn sàng viết status đá xéo người khác. Rất nhiều người dùng cũng chọn cách đưa lên mạng xã hội để nói xấu, chê bai đối tác, đồng nghiệp và thậm chí là cả bạn bè của mình. Thay vì gặp mặt trực tiếp giải quyết vấn đề, họ lại đưa lên public. Dường như ở thế giới của mạng xã hội, họ đã quên đi cách đối nhân xử thế thông thường.

hbz_fbboxĐừng đùa với mạng xã hội

“Facebook của tôi là nhà tôi. Nhà tôi thì tôi muốn làm gì cũng được”. Đến nay, suy nghĩ này vẫn nằm trong suy nghĩ của số đông người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Việc sử dụng mạng xã hội tùy tiện không chỉ ảnh hưởng xấu đối với bản thân người dùng mà còn đối mặt với nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều nhà tuyển dụng cho biết, họ xem việc “kiểm tra” Facebook cá nhân của người đi xin việc tại Việt Nam cũng quan trọng không kém như xem CV. Những người bị loại thường sở hữu Facebook cá nhân quá thị phi.

Dù luật pháp Việt Nam chưa có chế tài rõ ràng cho người dùng mạng xã hội, nhưng đã có một số trường hợp bị xử phạt. Những trường hợp này không tác động nhiều đến người dùng mạng xã hội nhưng nếu là facebooker, bạn nên nhớ rằng việc dùng mạng xã hội tùy tiện, xúc phạm người khác sẽ được coi là vi phạm pháp luật.

Mới đây, người mẫu Hà Anh trong chuyến đi nghỉ tuần trăng mật đã đưa lên Facebook một số bức ảnh gợi cảm. Ngay lập tức cũng đã có một lực lượng nhảy vào chửi bới cô với những lời lẽ thô tục. Cô đã có ý định tìm luật sư để kiện những người có hành vi phỉ báng mình trên mạng xã hội. Không biết câu chuyện của Hà Anh sẽ đi đến đâu nhưng rất bất cập khi pháp luật vẫn chưa có những quy định rõ ràng.

Trở thành người dùng mạng xã hội nhân văn

Nếu bạn là nạn nhân của một ai đó trên mạng xã hội, điều đầu tiên là hãy tạm rời xa nó vài ngày. Bạn có thể buồn, thất vọng và có cả cảm giác oan uổng nhưng có nhiều thứ khác để bạn quan tâm. Đừng vội vàng viết một status phản bác lại hay phân bua bởi nếu đôi co, cuộc chiến này sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.

Chỉ cần để ý bạn sẽ thấy những chuyện ầm ĩ trên mạng xã hội ở Việt Nam thường sẽ nhanh chóng chìm xuống chỉ trong thời gian ngắn. Vì người dùng mạng xã hội có rất nhiều thứ để quan tâm. Đây cũng là cách mà Taylor Swift áp dụng khi bị “đánh hội đồng” từ người yêu cũ, đồng nghiệp lẫn khán giả. Cô đã im lặng làm việc của mình và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng.

Theo bạn, sau khi viết một “tâm thư” thì người viết sẽ có tâm lý như thế nào? Họ có lo lắng, hồi hộp và sợ hãi không? Một điều chắc chắn rằng những kẻ gây hấn thường e dè với những người giữ thái độ bình tĩnh và “phản pháo” bằng cách sống hạnh phúc và vui vẻ. Nếu thấy status của ai đó với những điều tiêu cực, cách đơn giản nhất là hãy nhấn nút hide.

Dẫu sao, mạng xã hội cũng chỉ là một công cụ và vận hành công cụ đó như thế nào là do bản thân người dùng quyết định. Trong thế giới ảo, học vấn hay địa vị xã hội không nói lên tính cách người dùng mạng xã hội. Những người bận rộn, thông minh và thành đạt thường chọn cách chia sẻ niềm vui sống và truyền cảm hứng. Họ biết điều khiển mạng xã hội để phục vụ bản thân chứ không đôi co trong thế giới ảo. Mạng xã hội vẫn nhiều điều tốt đẹp hơn là những thứ tiêu cực. Những điều khiến chúng ta hạnh phúc, vui vẻ thì luôn lan tỏa mạnh mẽ, còn ngược lại, chỉ như một hòn đá rơi tõm xuống đáy giếng rồi chìm nghỉm mà thôi.

Bài: Thoa Đậu

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm