Virgil Abloh và thương hiệu Off-White vừa được tập đoàn LVMH nâng tầm. Tập đoàn xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới tuyên bố vừa mua lại 60% thương hiệu này. Virgil Abloh sở hữu 40% còn lại. Như vậy, nhà thiết kế và DJ vừa trở thành một trong những doanh nhân da màu có quyền lực nhất làng thời trang, kể từ hôm thứ Ba, 20/7/2021.
Trò chuyện cùng The New York Times, Virgil Abloh chia sẻ rằng “màn hợp tác sẽ giúp Off-White bành trướng vào các địa hạt khác như mỹ phẩm và nội thất. Nó cũng sẽ giúp chúng tôi mở rộng các phụ kiện da thuộc”. Anh nhấn mạnh, “LVMH giúp mang lại hỏa lực đẩy mạnh sự phát triển của Off-White thành một thương hiệu đa ngành hàng xa xỉ đúng chuẩn”.
Mối quan hệ giữa Virgil Abloh và LVMH
Virgil Abloh bắt đầu làm việc cho tập đoàn LVMH năm 2007, khi anh thực tập ở nhà mốt Fendi. Lúc đó, Kanye West – một nhân viên khác của Fendi – đã đề nghị tuyển Virgil Abloh cho một vài dự án. Bạn có thể tưởng tượng được, hai anh chàng nổi tiếng này từng là thực tập sinh, đi bưng bê rót nước, với đồng lương 500 đô-la Mỹ/tháng!
Sau đó, Virgil Abloh tách ra để khởi nghiệp với thương hiệu cá nhân Off-White năm 2012. Ba năm sau, thương hiệu này bước vào chung kết cuộc thi LVMH Prize cho các nhà thiết kế trẻ. Tài năng của Virgil Abloh được công nhận. Năm 2018, anh trở thành giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam của Louis Vuitton.
Ông Michael Burke, người từng là CEO của Fendi giai đoạn Virgil Abloh thực tập, bây giờ là CEO của Louis Vuitton, cho biết: “Tôi bị ấn tượng trước năng lượng mà [Abloh và West] mang đến cho studio”. Ông cũng nói mình đã theo dõi sự nghiệp của Virgil Abloh từ lúc ấy (2007) đến bây giờ.
>>> Xem thêm: GIÁ TRỊ CỦA VIRGIL ABLOH ĐỐI VỚI LOUIS VUITTON LÀ GÌ?
Mở rộng mối quan hệ hợp tác
Nay, khi LVMH mua lại 60% cổ phần của thương hiệu Off-White, tập đoàn không chỉ đơn giản là đầu tư cho Virgil Abloh. Mà LVMH còn mở rộng quyền lực của Virgil Abloh ở nội bộ tập đoàn.
Ngoài hai cương vị Giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam ở Louis Vuitton và Off-White, Virgil Abloh sẽ tham gia những lĩnh vực khác. Ví dụ như mảng Thực phẩm (các thương hiệu Moet-Chandon, Hennesy, Dom Pérignon) và Khách sạn (LVMH có 50 khách sạn hạng sang toàn cầu). Nhiệm vụ mới của anh là Chief Disruption Officer, có thể hiểu nôm na là tổng giám đốc chiến lược thay đổi – một nhiệm vụ hết sức mơ hồ nhưng nghe rất oách!
Nói về phận sự mới của Virgil Abloh, chủ tịch tập đoàn Bernard Arnault cho biết mình hào hứng “để hợp tác ở hàng loạt địa hạt mới trong ngành xa xỉ phẩm”. Mô hình này hẳn sẽ mới lạ, vì “chúng tôi không muốn lặp lại mô hình đã có sẵn”, trích lời ông Michael Bourke.
Virgil Abloh nhận đãi ngộ khác biệt
Việc mua lại các thương hiệu cá nhân của những nhà thiết kế thời trang làm việc cho mình là “chuyện thường tình ở huyện” đối với LVMH. Khi John Galliano còn là giám đốc sáng tạo cho Dior, LVMH đã đầu tư cho thương hiệu riêng của ông (và khi bị đuổi việc, John Galliano cũng mất quyền kiểm soát thương hiệu cá nhân). Marc Jacobs thời kỳ tại vị với Louis Vuitton, rồi JW Anderson ở Loewe là những cái tên khác.
Tuy nhiên, LVMH không chỉ thâu tóm Off-White và năng lực của Virgil Abloh một cách tương tự. Anh sẽ được hưởng lợi nhuận ở bất kỳ dự án nào tham gia cùng LVMH. Như vậy, Virgil Abloh được LVMH đối đãi như một cán bộ cấp cao, hơn là một nhà thiết kế hay nhân viên đơn thuần.
>>> Xem thêm: LOUIS VUITTON, DIOR LÀ “NGỖNG ĐẺ TRỨNG VÀNG” CỦA TẬP ĐOÀN LVMH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam