“Cô kia má đỏ hồng hồng” thường được cho là câu nói miêu tả gương mặt ửng hồng bẽn lẽn. Nhưng liệu cô ấy đang thực sự e lệ, hay cô ấy đang lạnh, hoặc thậm chí…bị mắc hội chứng đỏ mặt (rosacea)?
Hội chứng đỏ mặt (Rosacea) là gì?
Rosacea là từ gốc Latin, có nghĩa là “nhuốm hồng”. Từ này miêu tả chính xác gương mặt nhẹ thì hơi ửng hồng, nặng thì ửng đỏ. Những vùng da thường bị ảnh hưởng là gò má, cằm, mũi và trán. Những người xem nhẹ trạng thái của mình, về lâu dài, có thể tích tụ mụn hoặc khiến da sần sùi, gồ ghề tại những khu vực này.
Lý do gương mặt nổi đỏ là vì bị kích ứng, viêm nhiễm. Hội chứng đỏ mặt vì vậy mà đặc biệt thường gặp ở người có tuýp da nhạy cảm. Thông thường, phụ nữ từ 30 đến 60 tuổi, làn da trắng và mỏng, dễ bị căn bệnh này nhất, nhưng những người trẻ tuổi hơn cũng có thể xuất hiện triệu chứng.
Làm sao biết mình mắc chứng đỏ mặt?
Những triệu chứng thường thấy bao gồm:
- Dễ bị đỏ mặt, và gương mặt giữ vẻ ửng đỏ trong một thời gian dài
- Những mao mạch hiện rõ trên mặt
- Da mặt cảm thấy hơi căng, ngứa, đau châm chích
- Mũi bị đỏ và gồ ghề (đây là một loại rosacea hiếm gặp, gọi là rhinophyma)
- Mắt đỏ, dễ chảy nước mắt, luôn cảm thấy khô mắt trong thời gian dài (đây là một loại rosacea gọi là ocular rosacea)
Lưu ý: Nhiều người thường nhầm lẫn hội chứng đỏ mặt với việc bị mụn thông thường. Chúng trông khá giống nhau, nhưng nguyên nhân gây nên lại khác nhau. Và sản phẩm để chữa trị mụn cũng có tính năng khác với mỹ phẩm kiểm soát rosacea. Sử dụng sai sản phẩm có thể khiến tình hình da mặt của bạn tệ đi. Vì vậy, bạn nên đến bác sỹ da liễu kiểm tra nếu da mặt bỗng nhiên đỏ bừng bừng mà không có cách lý giải.
Lý do gây nên rosacea
Theo bác sỹ da liễu Tabi Leslie tại London, Anh Quốc, “Chúng tôi hiện tại chưa hiểu rõ lý do chính xác vì sao nhiều người mắc hội chứng đỏ mặt. Điều duy nhất chúng tôi chắc chắn là nó đến từ sự kích ứng, viêm nhiễm dưới da. Từ đó khiến các mao mạch trên mặt giãn nở ra, tạo những mảng đỏ ửng”.
Theo nghiên cứu khoa học thì có một số các tác nhân dễ khiến gương mặt ửng đỏ. Bao gồm gen, stress, sử dụng thức uống có cồn (cả rượu vang lẫn rượu mạnh).
Những điều kiện môi trường khiến nhiệt độ cao, như dùng nhiều món ăn cay, tập thể dục, xông hơi và xông mặt, thậm chí là phơi nắng quá lâu, cũng có thể khiến gương mặt đỏ ửng.
Một số thành phần trong sản phẩm dưỡng da, ví dụ như mùi hương, benzoyl peroxide kháng mụn, chiết xuất từ witch hazel, bạc hà hay tinh dầu bạch đàn (eucalyptus) cũng khiến nhiều người có phản ứng viêm tương tự.
Làm sao để chữa trị hội chứng đỏ mặt?
Thực ra, đến thời điểm này khoa học vẫn chẳng có cách nào trị dứt điểm căn bệnh này. Nếu mắc rosacea, bạn chỉ có thể tìm cách kiểm soát nó, tránh cho gương mặt nổi đỏ, chứ không thể chữa trị như một loại bệnh thông thường.
Đầu tiên, bạn phải tìm hiểu xem nguyên nhân nào khiến gương mặt của mình tệ đi. Do tiếp xúc với ánh nắng? Do ăn cay hay tập thể dục? Hoặc uống thức uống chứa cồn? Có rất nhiều nguyên nhân gây đỏ mặt khác nhau. Và mỗi nguyên nhân sẽ cần được kiểm soát bằng một hình thức khác nhau.
Sau khi đã biết nguyên nhân thì bạn có thể tìm ra phương thức kiểm soát. Có thể là thay đổi thói quen sống (ăn uống, tắm rửa), cũng có thể là sử dụng mỹ phẩm và công nghệ thẩm mỹ để kiềm chế triệu chứng.
Phương pháp sử dụng mỹ phẩm dưỡng da
Vì hội chứng đỏ mặt là một phản ứng viêm của da, bác sỹ da liễu có thể đề nghị bạn sử dụng các loại thuốc kháng viêm. Hoặc kết hợp axít azelaic vào chu trình dưỡng da của bạn. Những hoạt chất kháng viêm sẽ ngăn ngừa làn da phản ứng xấu, từ đó bớt đỏ và ngứa ngáy.
Những người có làn da nhạy cảm cũng nên ưu tiên sử dụng các loại mỹ phẩm không có mùi hương. Vì chất tạo mùi thường là một yếu tố gây kích ứng da.
Những người có làn da dễ bị dị ứng nên chọn một chu trình dưỡng da tối giản. Vì một chu trình phức tạp sẽ khó để tìm ra hoạt chất gây kích ứng làn da. Cuối cùng, đừng quên dùng kem chống nắng.
>>> Xem thêm: XUẤT HIỆN LÀN SÓNG CHỐNG LẠI CHU TRÌNH DƯỠNG DA 10 BƯỚC
Phương pháp sử dụng công nghệ thẩm mỹ
Thế giới cũng sử dụng laser như một phương thức trị triệu chứng đỏ mặt. Phương pháp này được bác sỹ da liễu đề nghị nếu da mặt bạn nổi rõ những mao mạch, hoặc bắt đầu bị sần sùi.
Có nhiều loại laser được đề nghị để kiểm soát triệu chứng rosacea. Ví dụ IPL để giảm độ đỏ của gương mặt, làm đều màu da. Các trị liệu laser xâm lấn được đề nghị để loại bỏ độ sần sùi của lớp da chết bên trên, trả lại bề mặt da mềm mịn và nhẵn nhụi.
>>> Xem thêm: 8 LIỆU PHÁP CHỮA TRỊ DA MẶT BỊ SẦN SÙI TỐT NHẤT, THEO BÁC SỸ DA LIỄU
Khỏa lấp với mỹ phẩm trang điểm
Trong lúc đang điều trị làn da bị ửng đỏ, bạn có thể “chữa cháy” bằng cách sử dụng kem che khuyết điểm và kem hiệu chỉnh màu da để loại bỏ sắc tố đỏ dưới da. Để cân bằng làn da bị ửng đỏ, bạn có thể dùng đến kem hiệu chỉnh màu xanh. Nghiên cứu kỹ lưỡng thêm qua bài viết dưới.
>>> Xem thêm: BẠN ĐÃ BIẾT CÁCH HIỆU CHỈNH MÀU DA ĐỂ CÓ LỚP TRANG ĐIỂM HOÀN HẢO?
ĐIỀU TRỊ CHỨNG ĐỎ MẶT NHƯ RENÉE ZELLWEGERẢnh: ADAM AMENGUAL/Town & Country Một ngôi sao bị mắc chứng rosacea khá nghiêm trọng là Renée Zellweger. Nữ diễn viên sẽ bị đỏ toàn mặt mỗi khi đang stress. Vì vậy, trước khi lên thảm đỏ, Renée Zellweger luôn đi spa. Cô là fan trung thành của liệu pháp Triple Oxygen Facial tại Bliss Spa, một chuỗi spa hạng sang ở Anh và Mỹ. Đầu tiên, da mặt cô sẽ được tẩy tế bào chết. Sau đó được đắp mặt nạ oxy đển giúp da mặt hấp thụ dưỡng chất tinh khiết. Chuyên viên làm đẹp cũng sẽ dành ra khoảng 10-15 phút để nặn mụn. Rồi Renée Zellweger sẽ được xịt khoáng với ôxy tăng cường vitamin A, C và E – các dưỡng chất chống lão hóa da mặt. Cuối cùng, chuyên viên sẽ dùng khoáng aluminum oxide, tẩy đi lớp tế bào chết bên trên mặt cô. Liệu pháp này mạnh bạo không kém gì trị liệu laser xâm lấn. Nó không đau, nhưng vẫn đủ khiến da mặt hơi sưng. Nhưng, nữ diễn viên là tín đồ trung thành của liệu trình này vì nó giúp cô không bị đỏ mặt trên thảm đỏ |
Harper’s Bazaar Việt Nam