Trong thời gian giãn cách xã hội, dường như tôi toàn chỉ đọc thấy những tin tiêu cực. Những khuyến cáo hạn chế ra đường khiến mọi người cảm thấy bồn chồn khi phải ở nhà. Tuy nhiên, tôi nghĩ thực ra có một cái lợi của giãn cách xã hội. Đó là chúng ta có lý do hoàn toàn chính đáng để tránh mặt một số đối tượng, cho dù là vị đồng nghiệp vô duyên, bạn bè không hợp gu hay họ hàng xa chẳng thân thiết.
Xã giao bao nhiêu là đủ?
Harper’s Bazaar từng viết rằng loài người là sinh vật bầy đàn. Nhu cầu giao tiếp xã hội là một phần của cấu trúc tâm sinh lý của não bộ con người. Khi phải sống một mình, con người dễ bị trầm cảm, u uất. Việc quá cô đơn – cho dù vì giãn cách xã hội hay lý do nào khác – đều mang ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe chúng ta. Có bạn bè thân thiết sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người.
>>> Xem thêm: KHI BẠN CÔ ĐƠN QUÁ LÂU, ĐÂY LÀ NHỮNG TÁC HẠI LÊN CƠ THỂ
Tuy vậy, ngược lại, việc giao thiệp rộng cũng không phải lúc nào cũng tốt. Để các buổi xã giao mang lại hiệu quả tốt nhất, chúng ta không nên gặp gỡ nhau quá nhiều! Đây là minh chứng của một nghiên cứu khoa học gần đây.
Hai nhà tâm lý học Olga Stavrova và Dongning Ren đã tổ chức một nghiên cứu nhằm tìm hiểu sự tương quan giữa số lần giao thiệp xã hội cùng chỉ số hạnh phúc. Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 400.000 người tham gia từ 37 quốc gia khác nhau. Các người tham gia phải cho biết số lần giao thiệp xã hội trong tháng (ít hơn 1 lần/tháng, vài lần/tháng, mỗi tuần, mỗi ngày), sau đó đánh giá sự hạnh phúc và sức khỏe của bản thân.
Kết quả cho thấy, gặp gỡ hàng xóm láng giềng, bạn bè và/hoặc người thân khoảng 1-2 lần/tháng được xem là đỉnh điểm mang lại hạnh phúc tối đa. Nhiều hơn thế thì sự giao thiệp xã hội bắt đầu mang lại ảnh hưởng tiêu cực.
Vì sao đôi khi tránh mặt bạn bè, đồng nghiệp hay người thân sẽ mang lại hạnh phúc cho bạn?
Nghiên cứu cho thấy rằng, để nâng cao sức khỏe của cả tinh thần lẫn cơ thể, con người cần sự cân bằng. Như vậy, chúng ta cần cả những bữa tiệc sôi động, lẫn giai đoạn tĩnh lặng để có thể cho thần trí nghỉ ngơi.
Khi gặp gỡ mọi người, chúng ta có thói quen ăn uống vô tội vạ, nhậu không kiềm chế, thức thâu đêm suốt sáng để hát karaoke. Mà những điều này thì không thực sự tốt cho sức khỏe chút nào!
Để gặp gỡ nhau thì ta cũng phải chi tiêu ít nhiều. Nghiên cứu từ tiến sỹ David Dodell-Feder và Laura Germine cho thấy, những người lo lắng về cơm áo gạo tiền sẽ ít cảm nhận được sự vui vẻ trong lúc giao thiệp xã hội, khi so sánh với những người có thu nhập cao hơn. Trong đại dịch toàn cầu, kinh tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nên tình trạng thắt eo buộc bụng hẳn khiến nhiều người không thoải mái, muốn tránh gặp mặt bạn bè, người thân hơn.
Cuối cùng, không phải buổi gặp gỡ nào cũng vui vẻ. Chị hàng xóm tọc mạch, người họ hàng xa chẳng thân quen xin mượn tiền, cha mẹ già nói bóng gió về việc muốn bạn lập gia đình hay có con cái, bạn bè đề nghị góp vốn đầu tư vào một dự án bạn không mấy quan tâm… tất cả những điều này đều chẳng mang lại niềm vui cho bạn.
Vì vậy, đôi khi, tránh gặp mặt bạn bè, người thân cũng là một điều nên làm. Mà nhờ giãn cách xã hội, chẳng phải ta có câu khước từ quá hợp lý mà tế nhị sao!
>>> Xem thêm: KHOA HỌC CHỨNG MINH: DƯỠNG DA ĐỀU ĐẶN HÀNG ĐÊM CÓ THỂ GIẢM STRESS
Trích dẫn Psychological Science, Psychology Today
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam