Họa sỹ Nguyễn Quốc Huy, đúng với nghệ danh Huy Sơn Mài, thành danh với chất liệu sơn mài. Vị họa sỹ này vừa công bố triển lãm LEGENDARY, trưng bày hơn 20 bức tranh sơn mài ghi dấu hành trình của anh qua những vùng đất huyền thoại. Triển lãm diễn ra tại House of Fritz Hansen Saigon, Quận 2, TPHCM.
Harper’s Bazaar đã vinh dự có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Nguyễn Quốc Huy để tìm hiểu thêm về phong cách hội họa của anh, cũng như căn nguyên thú vị đằng sau triển lãm LEGENDARY.
Đôi nét về họa sỹ Nguyễn Quốc Huy
Họa sỹ Nguyễn Quốc Huy sinh năm 1971, trong một gia đình làm nghề sơn mài truyền thống. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ đó đến nay, anh đã dành ra 30 năm sáng tạo, đam mê với sơn mài. Anh cũng là họa sỹ đương đại sở hữu kho tàng đồ sộ các tác phẩm sơn mài có thể nói là bậc nhất tại Việt Nam. Các tác phẩm của Nguyễn Quốc Huy từng được trưng bày ở hơn 120 triển lãm trong và ngoài nước, nhận thành tích 27 giải thưởng nghệ thuật quốc gia và quốc tế.
Nguyễn Quốc Huy cũng là họa sỹ đầu tiên “tự làm khó mình” bằng cách bỏ 10 năm nghiên cứu những ký thuật tưởng chừng như không thể thực hiện được trên chất liệu sơn mài để tạo nên những tác phẩm đầy mê hoặc.
Khi được hỏi về chủ đề của triển lãm cá nhân thứ 2 của anh, LEGENDARY, Huy sơn mài bộc bạch: “Bản thân sơn mài đã là một huyền thoại. Khi đặt cái tên này, tôi muốn nhắn nhủ: chúng ta hãy cùng nhau làm giàu thêm di sản văn hoá đó từ hôm nay, đừng để huyền thoại là quá khứ, mà hãy cùng nhau tạo ra huyền thoại bằng những cống hiến cho nghệ thuật bền bỉ mỗi ngày.”
HARPER’S BAZAAR: Chào anh Nguyễn Quốc Huy, anh có thể nói qua về triển lãm cũng như công tác chuẩn bị?
NGUYỄN QUỐC HUY: Tôi chuẩn bị cho triển lãm cũng được một thời gian rồi. Từ khi bắt đầu xây dựng ý tưởng cho buổi triển lãm solo tại House of Fritz Hansen Saigon, tôi đã tập trung sáng tác để có thể dành ra 23 tác phẩm cho triển lãm. Lẽ ra triển lãm phải diễn ra từ đầu năm, nhưng vì vướng dịch bệnh nên phải lui lại đến tận thời điểm này.
HARPER’S BAZAAR: Các tác phẩm trong triển lãm LEGENDARY ghi dấu những vùng đất anh từng đi qua. Từ đâu anh hình thành nên nguồn cảm hứng này?
NGUYỄN QUỐC HUY: Các sáng tác của tôi gồm ba dòng tranh chính. Thứ nhất là dòng tranh với chủ đề về xã hội, con người. Thứ hai là dòng tranh về tôn giáo. Nhưng chiếm phần lớn trong số tranh tôi sáng tác phải là dòng tranh về chủ đề phong cảnh, quê hương Việt Nam.
Tôi có nhiều cảm xúc với những vùng đất mình từng đi qua. Tôi là người rất kỹ tính. Trước khi muốn vẽ về một vùng đất nào, tôi phải tới đó và cảm nhận nó, đắm mình trong không gian đó, hiểu được tinh thần của nó thì mới có cảm xúc để vẽ.
Đối với tôi, họa sỹ phải vẽ được không gian, phong cảnh trong suy nghĩ của mình, bằng cảm nhận của mình chứ không phải vẽ lại phong cảnh mà mắt mình nhìn thấy. Vì nếu anh chỉ vẽ những gì anh nhìn thấy thì anh thua cái máy ảnh mất rồi!
Triển lãm LEGENDARY trưng bày một số tác phẩm tiêu biểu của tôi, chứ không phải là tất cả. Bản thân các địa điểm trong tranh là những vùng đất rất tốt. Có thể là các ngôi chùa, hoặc cũng có thể là những vùng đất địa linh, từng sinh ra những con người tuấn kiệt của Việt Nam. Tôi gọi đó là những nơi hội tụ về mặt phong thuỷ. Xuất phát điểm của tôi đến từ mong muốn mang đến những nguồn năng lượng tốt, những phước lành đến cho bản thân mình và những người đối diện lẫn những ai có điều kiện sưu tập.
HARPER’S BAZAAR: Vì sao anh lại chọn chất liệu sơn mài? Đối với tranh sơn mài, người sử dụng nên bảo quản thế nào?
NGUYỄN QUỐC HUY: Tôi chọn sơn mài vì nó là chất liệu bền vững, phù hợp khí hậu Việt Nam. Khác với sơn dầu dễ mốc, sơn mài thoải mái hơn. Sơn mài có gốc là nguyên liệu từ thiên nhiên (vỏ trứng, sơn ta, bạc, vàng…) vì thế, sơn mài chịu tác động từ thiên nhiên là ít nhất. Các chất liệu như chất hoá học hay những gì con người tạo ra, không làm từ thiên nhiên, sẽ chịu tác động nhiều hơn. Sơn mài truyền thống chịu đựng tốt rất nhiều điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam hanh khô lạnh giá như tại các nước châu Âu nó vẫn chịu được.
Về mặt bảo quản, tôi có thể nói rằng tranh sơn mài truyền thống chịu tác động thiên nhiên rất tốt nên việc bảo quản cũng không cần chú trọng lắm. Tuy nhiên, nếu phải nói về yếu tố tác động thì không phải không có. Nếu bị phơi lâu dưới ánh sáng mặt trời thì dù là tranh sơn mài thì cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đấy là tôi đang nói đến tranh sơn mài truyền thống. Còn ngày nay, nhiều người chọn vẽ tranh sơn mài pha lẫn nhiều thứ khác thì tôi không nhận xét. Riêng tôi vẫn tuân thủ theo cách truyền thống.
HARPER’S BAZAAR: Vì sao anh ví hành trình chinh phục sơn mài của mình như người leo núi muốn chiến thắng bản thân mình?
NGUYỄN QUỐC HUY: Sơn mài là thứ chất liệu mà bất kỳ ai trên đất nước Việt Nam này cũng không dám nói mình đã nắm bắt nó tuyệt đối. Chính vì khó nắm bắt, nên nhiều người đam mê, muốn chinh phục. Tôi ví như người leo núi là vì sau khi leo xong một ngọn núi người ta lại muốn leo tiếp ngọn núi thứ hai. Thậm chí có người bỏ mạng nhưng vẫn leo. Bởi vì đó là hành trình tình yêu, khám phá giới hạn bản thân. Khi ta đạt được một ngưỡng này, ta muốn vượt ngưỡng cao hơn. Tôi nghĩ đó là cách suy nghĩ của người làm nghề chân chính.
Nói về khó khăn, có thể chắc chắn là tôi đang đi một con dường hơi khác với anh em đồng nghiệp. Như bạn biết, sơn mài, theo quan điểm trong giới, dùng để vẽ trang trí, có sự tương phản mạnh. Nhưng tôi lại dùng điểm yếu của chất liệu là để tả chứ không phải trang trí. Các bức tranh tôi vẽ mang độ tương phản nhẹ. Màu sắc đơn sắc và là màu sáng.
Dùng sơn mài để miêu tả các yếu tố như độ ẩm không khí, sương mù,…Tôi dám khẳng định là trước tôi chưa có người nào làm điều ấy bằng chất liệu sơn mài cả. Đấy là thách thức và tôi muốn chinh phục nó. Tôi mất 10 năm để tìm ra một hướng giải pháp có thể thực hiện điều này bằng chất liệu sơn mài và tôi tự hào vì đã tìm thấy.
HARPER’S BAZAAR: Theo người có kinh nghiệm triển lãm ở nhiều quốc gia như anh, so với quốc tế, sơn mài Việt Nam đang ở đâu? Hạn chế và lợi thế là gì?
NGUYỄN QUỐC HUY: Mỗi quốc gia chỉ có một nền văn hoá bản địa. Đó là lợi thế của người nghệ sỹ. Nếu nghệ sỹ nắm được gốc của nền văn hoá mình, thì có thể từ đó mà phát huy. Mỹ thuật Việt Nam không hề kém so với quốc tế, chỉ khác ở cách đặt vấn đề của nghệ sỹ.
Nói riêng về sơn mài, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không phải không có sơn mài, nhưng với họ, sơn mài chỉ dừng lại ở hình thức các sản phẩm mỹ nghệ. Chỉ có ở Việt Nam, qua bao đời nghệ nhân và đặc biệt là các họa sỹ tài danh thế hệ Đông Dương đầu thế kỷ 20, sơn mài đã đi vào hội họa như một thứ rất riêng của Việt Nam. Sơn mài Việt Nam vì thế có phần nhỉnh hơn so với chất liệu khác trên mặt bằng thế giới.
Tôi đã từng bày tranh ở nước ngoài. Họ rất khâm phục. Họ luôn thắc mắc tại sao có thể làm được như thế và bảo là kỳ lạ quá. Tuy nhiên, theo tôi, những cuộc giao lưu ấy vẫn còn nhỏ lẻ, chưa nhiều và chưa mang tầm vóc quốc gia.
Mặt khác, ta không thể mang sơn dầu Việt Nam ra thế giới. Bởi vì dù sao chúng ta mới chỉ có chưa đầy 100 năm trong khi thế giới đã có vài trăm năm, hàng thế kỹ lịch sử cho dòng tranh sơn dầu.
HARPER’S BAZAAR: Các kế hoạch trong tương lai của anh là gì?
NGUYỄN QUỐC HUY: Thật ra, tôi vẽ chậm lắm, mà cũng vẽ không được nhiều. Hai năm mới tích góp đủ tranh làm triển lãm cá nhân một lần mà đối với tôi vẫn là điều không tưởng. Có một sự thật là lần đầu tiên tôi triển lãm tranh cách lần thứ hai đến 17 năm. Tuy vậy, sức người có hạn. Tôi mong muốn làm thật nhiều mang đến công chúng hơn nhưng chưa dám hứa điều gì. Tôi chỉ mong trong tương lai nhiều người đón nhận triển lãm của tôi trong trạng thức vui vẻ.
HARPER’S BAZAAR: Anh có điều gì muốn nhắn nhủ với độc giả của Harper’s Bazaar?
NGUYỄN QUỐC HUY: Tôi luôn nhắn nhủ với công chúng nói chung là hãy cố gắng tìm hiểu những tinh hoa dân tộc. Thật ra, mong muốn này đòi hỏi mỗi cá nhân đều cùng quan tâm đến văn hóa. Chúng ta muốn yêu nó thì chúng ta phải hiểu: không thể yêu một thứ mà không hiểu gì! Tôi cũng thừa nhận sai sót nói chung của nghệ sỹ chúng tôi là chưa trải lòng nhiều, chưa mang những thứ hay ho của mình đến với mọi người để tất cả cùng hiểu và yêu nó.
Mong muốn lớn hơn của tôi là các tổ chức có thể lan toả văn hóa nghệ thuật tới công chúng nhiều hơn. Sơn mài mỹ thuật có tầm ảnh hưởng đối với nghệ thuật Việt Nam chứ không phải đơn thuần là mỹ nghệ như ở các nước. Thậm chí, tôi cho rằng sơn mài mỹ thuật Việt Nam có thể được đưa vào làm hồ sơ di sản, được nhà nước tôn vinh và phát triển.
HARPER’S BAZAAR: Cảm ơn anh Huy đã dành thời gian phỏng vấn. Chúc cho triển lãm Legendary thành công tốt đẹp!
Triển lãm cá nhân của họa sỹ Huy Sơn Mài: LEGENDARYSự kiện diễn ra từ ngày 28 tháng 10 năm 2020 tại Fritz Hansen House Saigon Thời gian: 28/10/2020 – 28/11/2020 Địa điểm: Fritz Hansen House Saigon |
>>> Xem thêm: HIỂU THÊM VỀ TỶ LỆ VÀNG TRONG TREO TRANH TRANG TRÍ NHÀ CỬA
Ảnh: FB Huy Son Mai & brochure
Harper’s Bazaar Vietnam