Nói rằng xu hướng thiết kế nội thất mid-century modern đang quay lại thì chưa đủ. Phải nói rằng nó đang làm mưa làm gió trên thị trường nội thất thì đúng hơn. Từ giới trẻ; đến những người mê nghệ thuật; và những giới hướng đến lối sống tối giản. Mỗi người lại có một cách cảm nhận về xu hướng nội thất này. Vậy thực chất, đâu là phong cách mid-century modern?
Phong cách mid-century modern là gì?
Khó để định nghĩa chính xác thế nào là phong cách mid-century modern. Nói nôm na, đây là một phong cách nghệ thuật, thiết kế nội thất, kiến trúc, và thiết kế đồ họa ở tầm giữa thế kỷ 20. Nó bắt đầu xuất hiện vào những năm 1930, và hết thịnh hành khoảng 1960.
Tuy nhiên, cụm từ mid-century modern lại chỉ xuất hiện năm 1984! Từ quyển sách Midcentury Modern: Furniture of the 1950s, của tác giả Cara Greenberg. Bà vốn “phăng đại” cái tên này ra cho tựa quyển sách. Vậy mà nó khiến bao người phải nhớ.
Hãy thử hình dung thế giới khai sinh nên xu hướng nghệ thuật này.
Những năm 1930, Mỹ rơi vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Đức lại tiến vào thời kỳ đỉnh cao của công nghệ sản xuất dây chuyền hàng loạt. Để rồi dẫn đến Thế chiến II. Như vậy, mid-century modern sẽ sử dụng những kiểu dáng có phong cách công nghiệp; có màu hơi tối, đôi khi u ám; thiết kế sử dụng ít vật liệu nhưng mang lại hiệu quả sử dụng cao.
Phong cách thiết kế này bị lãng quên sau những năm 1960. Tuy nhiên, cuối thập niên 1980, nó bắt đầu quay trở lại, khi thế giới bắt đầu ưa chuộng phong cách hoài cổ. Để rồi trong thế kỷ 21 “bùng nổ” nhờ show truyền hình Mad Men.
Sự biến chuyển của xu hướng mid-century modern
Khi xuất hiện lần đầu tiên những năm 1930, phong cách thiết kế nội thất mid-century modern lấy cảm hứng từ công nghệ; từ những chuỗi sản xuất dây chuyền; từ tên lửa hạt nhân và các phát minh mới của nhân loại. Các đường nét của mid-century modern dùng sắt, gỗ và da thuộc để tạo nên các hình thái hiện đại.
Sau khi Thế Chiến II kết thúc, thế giới tiến vào sự bùng nổ xây dựng. Các thành phố lớn mọc lên. Cư dân đô thị chuyển sang mua căn hộ hơn là sở hữu nhà. Chính vì vậy, diện tích sống nhỏ đi; và các món đồ nội thất cũng phải giúp gia chủ tiết kiệm diện tích tối đa. Ngoài ra, nội thất cũng phải giảm chi phí sản xuất để có thể sản xuất hàng loạt.
Hậu 1960, xu hướng này bắt đầu phai nhạt tại Mỹ. Tuy nhiên, nó lại du nhập sang Bắc Âu. Hòa nhập với lối sống gần gũi thiên nhiên, yêu môi trường và sự tinh giản của người ở vùng đất này. Từ đấy, phong cách mid-century modern phân ra một nhánh nhỏ hơn, gọi là Bắc Âu đương đại (Scandinavian Modern). Phong cách này có màu sắc nhạt hơn, dùng nhiều chất liệu ấm như cotton và len hơn thay vì da thuộc.
Những cái tên làm rạng danh phong cách mid-century modern
Cho dù xuất thân từ thời đại sản xuất hàng loạt, phong cách mid-century modern vẫn “dựa dẫm” vào những tay nghề nghệ nhân. Chẳng vì vậy mà khi nhắc đến thiết kế nội thất mid-century modern là phải nói đến những cái tên như Eero Saarinen, George Nelson, Charles Eames, Harry Bertoia, và Isamu Noguchi.
Họ không tự tạo dựng thương hiệu riêng của mình; mà đầu quân cho các hãng lớn như Knoll và Herman Miller. Chính vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy vì sao tên sản phẩm luôn đi kèm tên người đã thiết kế nên nó.
Vì sao mid-century modern đang quay trở lại mạnh mẽ?
Chúng ta ngày càng phải thu hẹp diện tích sống, trong một thế giới đất chật người đông. Những thiết kế mid-century modern được ưa chuộng vì chúng khá tiết kiệm diện tích.
Ngoài ra, trào lưu trở về với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cũng như sống một cuộc sống tinh giản hơn, đang được nhiều người ủng hộ. Thay vì mua những món đồ nội thất theo trào lưu ngắn hạn, chất lượng kém và mau hư hỏng; thì ngày càng nhiều người tiêu dùng tìmd đến phong cách nội thất mid-century modern, với chất lượng bền bỉ và thiết kế vượt thời gian.
Các thương hiệu mid-century modern ngày nay
Nếu muốn sở hữu các món nội thất mid-century modern ngày nay, bạn có hai lựa chọn. Hoặc tìm đến những nơi bán đồ vintage. Hoặc mua từ những thương hiệu mới toanh nhưng vẫn giữ các thiết kế vượt thời gian này. Cái hay của nội thất mid-century modern là chúng có đầy đủ các mức giá khác nhau, hợp túi tiền của nhiều đối tượng. Từ cao cấp như Knoll và Design Within Reach (DWR). Đến mức giá trung bình như Parachute Home và Serena & Lily. Và giá khá phải chăng từ các thương hiệu West Elm, All Modern, CB2 và Urban Outfitters.
Harper’s Bazaar Việt Nam