Kim loại, nghệ thuật trang trí nội thất mang dấu ấn thủ công Pháp

Bất kể thời đại, không gian và phong cách nào, nghệ thuật kim loại vẫn góp một phần quan trọng trong sự phát triển của ngành kiến trúc và trang trí nội thất

Nghệ thuật kim loại phong cách Art Nouveau trên cổng chính của ngôi nhà. Ảnh: Brice Godard

Nghệ thuật kim loại đã có mặt từ rất sớm phục vụ đời sống của con người. Trải qua nhiều thời kỳ từ trung cổ, phục hưng… cho đến ngày nay, kim loại đã song hành với con người trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kiến trúc và nội thất. Những công trình trường tồn theo thời gian như Nữ thần Tự do, Mỹ, tháp Eiffel, Pháp, cho thấy kim loại luôn là chất liệu bền vững và dễ sáng tạo, nhất là trong trang trí nội thất.

Thời kỳ nghệ thuật kim loại  của Pháp cuối thế kỷ 19 được gọi là đỉnh cao. Giai đoạn này cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người Việt. Những ngôi nhà Pháp cổ với cổng, hàng rào, lan can… vẫn được yêu thích đến ngày hôm nay.

Một nghệ nhân nghệ thuật kim loại thủ công Pháp chọn Việt Nam

Harper’s Bazaar đã tìm một nghệ nhân người Pháp nổi danh với nghệ thuật kim loại Pháp tại Việt Nam. Đó là nghệ nhân Sebastien Sicot, người luôn tự hào rằng mình là con trai người thợ rèn. Ông có 30 năm cống hiến hết mình cho sáng tạo nội thất nghệ thuật bằng kim loại. Công ty Blacksmith & Design tại Việt Nam của ông đã có gần 10 năm thi công những công trình với thiết kế độc đáo. Sicot là một trong những nhân vật mạnh mẽ đóng góp cho ngành kiến trúc và trang trí nội thất tại Việt Nam.

Cổng nghệ thuật kim loại của nghệ nhân Sebastien Sicot. Ảnh: Brice Godard

BAZAAR: Chào ông Sebastien Sicot, ông có biết người Việt Nam chúng tôi rất thích nghệ thuật kim loại trong kiến trúc Pháp cổ không?

SICOT: Tôi biết chứ. Kim loại có mặt trong mọi thời đại kiến trúc. Ở châu Âu, kiến trúc kim loại tượng trưng cho quyền lực. Mỗi vị vua Pháp áp đặt phong cách riêng trong thời gian tại vị của mình. Giờ đây, bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng điều đó qua cổng chính cung điện Versailles hay lan can của lâu đài Chantilly… Đường nét kim loại đã thay đổi đáng kể từ thời vua Louis 13 đến Louis 16 qua Napoléon đệ tam. Phong cách được thay đổi từ Empire, để đến với Art Nouveau và Art Decor.

Chín năm ở Việt Nam, tôi thấy thẩm mỹ của kiến trúc sư và khách hàng đã hài hòa hơn. Có lẽ là họ đã đi nước ngoài nhiều và mang cảm hứng trở lại với công trình của mình. Đặc biệt trong ứng dụng nghệ thuật kim loại trong kiến trúc.

Nghệ nhân chế tác nghệ thuật kim loại Sebastien Sicot. Ảnh: Brice Godard

BAZAAR: Ông có theo một phong cách nào cụ thể không?

SICOT: Tôi là nghệ nhân chứ không hẳn là nghệ sỹ nên tôi có khả năng thích ứng với nhu cầu khách hàng. Giống như tôi chọn rượu vang dựa trên món ăn vậy. Tuy nhiên, cá nhân tôi có ưu tiên Art Nouveau hơn một chút. Nó có tính tự do trong sáng tạo, trong hình thức và chất liệu. Kế tiếp là Art Deco, dù phát triển trên kết cấu thép và đồng nhưng rất trang nhã, thanh lịch. Xu hướng hiện đại thiên về sự tối giản nhưng rất thú vị.

Thiết kế trần bằng sắt và đèn làm từ thép corten không gỉ. Ảnh: Brice Godard

BAZAAR: Tôi rất ấn tượng với những ngôi nhà được trang trí sắt uốn bên ngoài, nó có giống như đeo trang sức cho một cô gái không?

SICOT: Người Pháp xem khu vườn có vị trí quan trọng trong việc kiến tạo không gian sống. Kim loại là cách điểm tô cho khu vườn. Cổng, mái vòm, hàng rào, ban công mang một bản sắc nhất định của gia chủ. Ngoài ra, phong cách sống còn thể hiện ở những góc thưởng trà ngoài ban công. Những bức tượng đồng, thậm chí là đài phun nước. Tại sao không?

BAZAAR: Tại sao ông chỉ chế tác kim loại?

SICOT: Bởi kim loại có thể biến hóa thành bất cứ hình thức nào mà bạn muốn. Nó đáp ứng mọi nhu cầu chức năng. Điều đó quan trọng với người nghệ nhân, bởi nó dung hòa được yêu cầu khách hàng và sáng tạo cá nhân. Hơn nữa, kim loại rất dễ kết hợp với các loại vật liệu khác.

Nghệ nhân Sebastien Sicot làm mềm không gian hiện đại bằng tượng đồng mô phỏng thân cây uốn mình trong gió. Ảnh: Brice Godard

BAZAAR: Tôi thấy ông có rất nhiều sản phẩm thủ công bằng kim loại nguyên khối?

SICOT: Nếu tôi đặt câu hỏi cho bạn: “Bạn nghĩ gì về trang sức mạ vàng?”. Bạn sẽ nghĩ, một món đồ giả, đúng không? Ưu điểm của đồ mạ chỉ là rẻ hơn và dễ sản xuất hơn. Các cung điện trường tồn theo thời gian không có đồ mạ. Tôi luôn cảm kích những khách hàng thích những thứ authentic.

BAZAAR: Ông để “mặt mộc” cho thiết kế của mình?

SICOT: Tôi thích đánh bóng nhiều loại bề mặt thép thô và ưu tiên giữ nguyên kết cấu tự nhiên của kim loại. Tôi tạo những bề mặt gỉ đồng từ nhiều kim loại màu khác nhau. Chỉ khi nào khách hàng yêu cầu, tôi mới đánh bóng như gương.

Các tác phẩm đồng thau với nhiều bề mặt hoàn thiện khác nhau.

BAZAAR: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

>>> Xem thêm: Cập nhật 8 xu hướng thiết kế phòng khách năm 2019

Một cô gái thích nghệ thuật kim loại công nghiệp

Trái ngược với nghệ nhân Sebastien Sicot, chuyên về thủ công và sáng tạo, Nguyễn Hải Yến lại là một kiến trúc sư trẻ, thiên về thiết kế công nghiệp. Chị là người đã mang nghệ thuật kim loại công nghiệp lên các công trình như Sales Gallery của D’Edge Thảo Điền, Bach Suites Saigon, Five Elements Boutique.

BAZAAR: Chào bạn Yến, có phải kim loại là chất liệu dễ thích ứng với nhiều phong cách không?

HẢI YẾN: Đúng vậy. Phong cách cổ điển sử dụng nhiều chi tiết kim loại có hoa văn cầu kỳ. Ngược lại, phong cách hiện đại thường tiết chế. Kiến trúc sư sẽ thay vào đó những đường nét cơ bản hoặc khối hình học.

Kiến trúc sư nội thất Nguyễn Hải Yến

BAZAAR: Tôi thấy có rất nhiều cách hoàn thiện bề mặt kim loại, bạn có thể chia sẻ các kỹ thuật đó không?

HẢI YẾN: Tùy theo phong cách mà kim loại mạ được đánh bóng như gương, bóng mờ hay đường sọc hairline. Dán thủ công lá vàng công nghiệp của Ý có thể tạo hiệu ứng metallic sang trọng. Năm 2019, mạ kim loại màu vàng đồng, vàng hồng, inox PVD rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, khuyết điểm của đồ mạ lại ở cách bảo quản. Chúng cần được vệ sinh bằng khăn mềm nhúng nước sạch hoặc cồn y tế để tránh cọ xước bề mặt. Bởi một khi sản phẩm mạ bị trầy xước hoặc bay màu, cách duy nhất để khắc phục là nhúng tẩy lại bề mặt, đánh bóng và mạ lại từ đầu.

BAZAAR: Xu hướng trong ngành trang trí nội thất bằng kim loại hiện nay có gì mới?

HẢI YẾN: Bên cạnh chế tác thủ công cổ điển, còn có thiết kế công nghiệp. Chúng tôi ứng dụng máy móc cơ khí tiên tiến như máy cắt laser, fiber, cắt tia nước…để cắt kim loại tấm lên đến 2cm. Do đó, khách hàng có nhiều chọn lựa hoa văn, hình dáng, chất liệu. Thậm chí ai cũng có thể sáng tạo riêng cho phong cách của mình. Trong xã hội đương đại, máy móc giúp mình sáng tạo hơn. 

Tuy nhiên, gần đây tôi thiết kế một vài boutique hotel theo phong cách Đông Dương. Ở khâu hoàn thiện, họ không thích sơn phun, tĩnh điện, xi mạ mà nhuộm sắt. Đây là kỹ thuật xử lý bề mặt bằng hóa chất để làm tôn lên vẻ đẹp chất liệu. Thậm chí, khách hàng thích truy lùng những sản phẩm đã nhuốm màu qua thời gian, chứ không cần xử lý thành giả cổ. Đây cũng là xu hướng của thế giới.

Bàn tiếp khách tại Sales Gallery của D’Edge Thảo Điền

Đôn trang trí sảnh tại D’Edge Thảo Điền

BAZAAR: Quan điểm cá nhân của bạn trong xu hướng ứng dụng nghệ thuật kim loại là gì?

HẢI YẾN: Tôi thích một không gian rộng để khoe hết được những đường nét, hoa văn đẹp đẽ. Giống như chiếc cầu thang có những đường dây leo đang vươn mình lên cao. Đối với những không gian nhỏ, tôi chỉ dùng những chi tiết kim loại để điểm xuyết, trang trí. Nếu căn phòng của bạn có tông màu ấm, bạn nên sử dụng đồng, vàng để trang trí. Nếu căn phòng tông màu lạnh, bạn nên chọn gang hoặc thép không rỉ. Với gam màu trung tính, bạn tự do kết hợp các loại kim loại.

Khung sắt giữ tường rào đá cuội cho không gian ngoài trời.

BAZAAR: Bạn ấn tượng với công trình có ứng dụng nghệ thuật kim loại nào?

HẢI YẾN: Tôi rất thích xem những show diễn của Karl Lagerfeld. Không gian của Grand Palais với mái vòm bằng thép khiến tôi mê đắm. Tình yêu của tôi đối với nghệ thuật kim loại bằt đầu từ đó.

BAZAAR: Cảm ơn những chia sẻ của bạn.

>>> Xem thêm: Thăm không gian sống của Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Kỳ

Ảnh: Brice Godard và nhân vật phỏng vấn cung cấp
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm