Lịch sử vải tartan: Từ chất liệu Scotland thành biểu tượng punk

Không chỉ xuất hiện trên chiếc váy kilt nổi tiếng của đàn ông Scotland, vải tartan còn có bề dày lịch sử trong thế giới thời trang

Lịch sử vải tartan: Từ chất liệu Scotland thành biểu tượng punk

Tilda Swinton như bà hoàng xứ Scotland trong ảnh quảng cáo Chanel năm 2013. Đặc điểm giúp nhận dạng văn hóa Scotland là ống tay áo họa tiết tartan và các cài áo mô phỏng huy hiệu hoàng gia. Ảnh: Chanel

Mùa Pre-fall đánh dấu mùa thu đang về. Bỏ qua những gam màu ngọt ngào của xuân và nóng bỏng tươi mát của hè, chúng ta bước vào giai đoạn với những sắc thái trầm tĩnh hơn. Những họa tiết hoa lãng mạn của mùa xuân hè cũng được thay thế với những thiết kế mạnh mẽ hơn. Một trong những mẫu họa tiết được trưng dụng nhiều  nhất mùa chớm thu là họa tiết tartan.

Loại họa tiết này còn được biết đến rộng rãi với cái tên “họa tiết Scotland”. Nhưng giới mê xu hướng cũng biết đến nó như một biểu tượng của punk. Và họa tiết tartan không chỉ có thế. Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu những điều thú vị về nó.

Vải tartan là gì?

Lịch sử vải tartan: Từ chất liệu Scotland thành biểu tượng punk

Họa tiết tartan đa dạng hiện diện trong các thiết kế của Vivienne Westwood

Tartan là một loại họa tiết đan xen giữa những đường kẻ sọc và ô vuông. Các đường kẻ sọc ngang dọc đa sắc đan xen, tạo nên các ô màu với kích thước đa dạng gọi là sett.

Thuở sơ khai, những dải màu của vải tartan đến từ màu nhuộm thiên nhiên. Chủ yếu là trắng ngà (màu tự nhiên của len), và nâu hạt dẻ của màu nhuộm thực vật. Mãi đến thế kỷ 19, khi màu nhuộm tổng hợp được phát minh ra, thì họa tiết tartan mới khoác lên những sắc màu rực rỡ mà chúng ta quen thuộc ngày nay như xanh, đỏ, vàng…

Vải tartan, chất vải của sự xung đột giữa Anh và Scotland

Nhiều bằng chứng cho thấy lối dệt vải kẻ carô và sọc ngang dọc xuất hiện đầu tiên ở nền văn hóa cổ đại. Văn hóa Trung Quốc, La Mã, thậm chí là Viking cổ đại đều có những mẫu vải kẻ họa tiết tương tự. Có lẽ vì lối dệt vải sọc ngang dọc này dễ thực hiện.

Nhưng cuối cùng, nơi được mệnh danh là cái nôi của tartan lại là Scotland. Bởi dấu ấn sâu đậm mà nó tạo nên cùng vùng đất này.

Lịch sử vải tartan: Từ chất liệu Scotland thành biểu tượng punk

Một phong cách ăn mặc truyền thống của Scotland: Đàn ông mặc váy quây (Kilt) bằng vải tartan

Tại Scotland, vào thế kỷ 16, vải tartan được xem là một cách bày tỏ niềm tự hào về thổ nhưỡng của mình. Do lúc này vải được nhuộm với màu thực vật, màu sắc họa tiết tartan của từng vùng đất sẽ khác nhau. Chỉ cần nhìn màu sắc và lối dệt vải là người ta có thể biết người mặc đến từ vùng đất nào.

Vào những năm 1700, hoàng tộc Anh nội chiến. Từ lâu, hoàng tộc Anh đã có nhiều con cái, nhiều phân nhánh, và nhiều cuộc chiến giành ngai vàng. Cuộc nội chiến vào cuối những năm 1680 đến khoảng 1780 là sự đối đầu giữa House of Stuart, phân nhánh theo đạo Công giáo (Roman Catholics), và House of Hanover, phân nhánh đang cầm quyền theo đạo Anh giáo (Anglican). House of Stuart được dân Scotland ủng hộ nhiệt liệt. Và vì vậy nhiều cuộc chiến đẫm máu diễn ra giữa Scotland và Anh Quốc.

Sau khi nhà House of Stuart thất thủ, Anh Quốc muốn dân Scotland hòa nhập văn hóa với Anh Quốc, ngăn chặn cuộc nội chiến tái khởi. Cách dễ nhất là loại bỏ văn hóa cá nhân của họ: chính là vải tartan. Bộ luật Dress Act năm 1746 cấm dân thường dệt và mặc trang phục làm từ vải tartan.

Nhưng rồi, giới thương nhân đã cứu lấy tartan. Căn bản vì họ có thể phá sản khi bị cấm kinh doanh chất liệu vải này.

Bộ luật trên bị hủy bỏ năm 1782. Nhưng tiếc thay, lúc này vải tartan đã bị quên lãng. Những khung cửi đã mục. Cách dệt họa tiết tartan truyền thống của từng khu vực cũng bị mai một. Những người duy nhất còn mặt vải tartan là quân lính hoàng gia.

Năm 1822, vải tartan trỗi dậy nhờ sự trợ giúp của hoàng tộc Anh.

Tương truyền, vua George IV đã mặc trang phục Scotland truyền thống trong chuyến công du đến đây năm 1822. Tranh sơn dầu do ngài David Wilkie thực hiện năm 1829. Nguồn: Royal Collection/Wikipedia

Để hàn cách sự xa cách giữa Scotland và Anh Quốc, vua George IV đã đến Scotland để du ngoạn. Ông là vị vua đầu tiên đặt chân đến vùng đất này sau 171 năm. Khi đến đây, ông đã đề nghị các quan chức mặc đồng phục làm từ vải tartan để thể hiện bản sắc riêng. Hành động của ông chính thức biến vải tartan thành một biểu tượng văn hóa Scotland, làm dấy nên cơn sốt vải tartan.

Để ăn theo xu hướng mới này, các nhà sản xuất đã tìm đến các gia tộc cổ xưa nhất của Scotland. Mỗi gia tộc sẽ thiết kế nên một họa tiết riêng của mình, như một gia huy vậy. Các thành viên sẽ sử dụng vải tartan được dệt riêng cho những sự kiện trang trọng. Và những họa tiết này được đăng tải trong quyển sách Vestiarium Scoticum ra mắt năm 1842. Từ lúc này, vải tartan trở nên được đánh đồng với các dòng dõi quyền quý có gốc gác, thay vì họa tiết của dân nổi loạn của thế kỷ trước.

Lịch sử vải tartan: Từ chất liệu Scotland thành biểu tượng punk

Một số các họa tiết vải tartan được dệt độc quyền của các gia tộc cổ xưa của Scotland. Nguồn: Vestiarum Scoticum/Wikipedia

Vải tartan và thời trang

Dưới thời trị vì của nữ hoàng Victoria (1837–1901) và hoàng đế Edward (1901–1910), vải tartan vô cùng được ưa chuộng và phổ biến. Từ lúc này, chúng trở thành một loại chất liệu thời trang. Họa tiết tartan trở nên được đánh đồng với các thương hiệu Anh, như Burberry và Vivienne Westwood, cũng như xu hướng Punk bắt nguồn từ xứ sở xương mù.

Biểu tượng của nhà mốt Burberry

Logo và họa tiết tartan của Burberry

Họa tiết tartan bắt đầu gắn liền với Burberry trong những năm giữa hai cuộc thế chiến. Năm 1924, họa tiết tartan được Thomas Burberry ưu ái đưa vào những thiết kế của mình. Mẫu thiết kế của Burberry này gồm các gạch màu trắng, đen và màu lông lạc đà, được đặt tên là Nova Check. Ngày nay, những đường kẻ caro nổi tiếng này gần như là thứ nhận diện sản phẩm của Burberry dễ dàng hơn cả.

Linh hồn của phong cách punk

Lịch sử vải tartan: Từ chất liệu Scotland thành biểu tượng punk

Vải tartan, cùng gam màu đen và đỏ, là những biểu tượng của văn hóa punk

Trào lưu punk xuất hiện vào thập niên 1970. Trào lưu này được những giới trẻ bất mãn đối với giai cấp cầm quyền theo đuổi.

Những người theo văn hóa punk đã thể hiện cái tôi cá nhân bằng các biểu tượng gai góc như màu đen, màu đỏ, đinh tán và phụ kiện ảnh hưởng BDSM…cùng họa tiết tartan. Lúc này, vải tartan đã được đánh đồng với văn hóa thượng lưu của giới quý tộc cũ. Dân chơi punk đã làm trang phục làm từ vải tartan xé rách, như một cách thể hiện việc mình muốn xé nát thể chế lúc ấy.

Trào lưu punk đánh dấu một vòng tròn toàn vẹn cho họa tiết tartan. Từ chất liệu vải của giới Scotland nổi loạn, nó được bình thường hóa, rồi sau lại trở lại với biểu tượng cho sự nổi loạn.

Nhà thiết kế Lee Alexander McQueen và nàng thơ Sarah Jessica Parker trên thảm hồng Met Gala 2006

Những nhà thiết kế nổi tiếng với phong cách punk, như Vivienne Westwood hay Lee Alexander McQueen, luôn dùng vải tartan trong các thiết kế của mình. Bà Vivienne Westwood từng cho ra đời chiếc đầm cưới đồ sộ với họa tiết tartan.

Họa tiết của nữ quyền

Vì lịch sử mạnh mẽ và sắc thái mạnh mẽ mà vải tartan, đến ngày nay, vẫn được xem là một họa tiết power dressing của những quý cô hiện đại. Rất nhiều nhà mốt như Dior, Chanel, Gucci…tôn vinh vẻ đẹp nữ quyền thường xuyên sử dụng họa tiết này trong các thiết kế của mình.

Họa tiết tartan trong bộ sưu tập Thu Đông 2019 của Dior do Maria Grazia Chiuri thiết kế

Dù bây giờ họa tiết tartan đã bị một phần nào đó đánh đồng với trào lưu punk xốc nổi, gia đình hoàng gia Anh vẫn trọng dụng nó. Lính canh hoàng gia vẫn mặc trang phục làm từ họa tiết này. Và nữ hoàng Elizabeth II cũng có một mẫu dệt riêng của mình: Mẫu Royal Stewart.

Nữ hoàng Elizabeth II mặc đầm dạ hội với áo khoác bằng vải tartan dệt kiểu Royal Stewart cho vũ hội Gillies tại lâu đài Balmoral năm 1971. Nguồn: Pinterest

Các thành viên gia đình hoàng gia cũng thường xuyên xuất hiện trong mẫu họa tiết này. Quả là cách khéo léo thể hiện tình yêu với vùng đất này. Ảnh: People

>>> Xem thêm: LỊCH SỬ HỌA TIẾT HOA: DÙ SINH RA Ở CHÂU Á, VẪN CHINH PHỤC CẢ THẾ GIỚI

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm