Lịch sử xây dựng nên thương hiệu triệu đô Stuart Weitzman

Lịch sử thương hiệu Stuart Weitzman khiến chúng ta phải ngưỡng mộ sức lao động và cái đầu tuyệt đỉnh của nhà sáng lập Stuart Weitzman.

Ảnh: Instagram Stuart Weitzman

Ảnh: Instagram Stuart Weitzman

Thương hiệu thời trang giày Stuart Weitzman đã làm đẹp cho đôi chân của nhiều ngôi sao nổi tiếng. Ví dụ Taylor Swift, Beyoncé, Kate Middleton, Gisele Bunchen, Gigi Hadid. Thương hiệu có các cửa hàng tọa lạc tại những khu phố mua sắm bậc nhất, như Rodeo Drive ở Beverly Hills, Via Condotti ở Rome, Faubourg Saint Honoré ở Paris. Sự thành công của thương hiệu đến từ tầm nhìn của nhà thiết kế kiêm nhà kinh doanh tài ba, Stuart Weitzman.

Bước khởi đầu làm nên lịch sử thương hiệu Stuart Weitzman

Tuy ra đời vào năm 1986, nhưng lịch sử thương hiệu Stuart Weitzman chân chính bắt đầu sớm hơn rất nhiều.

Stuart Weitzman sinh năm 1942 tại Long Island, Mỹ, trong một gia đình có truyền thống làm nghề đóng giày. Người bố  Seymour Weitzman đã lập nên thương hiệu Mr. Seymour cuối những năm 1950 với một xưởng đóng giày nhỏ ở Haverhill, Massachusett. Hai đứa con trai của ông, Stuart và Warren Weitzman, cùng lớn lên trong xưởng giày. Các cậu học hỏi kỹ thuật đóng giày thủ công từ rất sớm.

Từ nhỏ, Stuart Weitzman đã chứng minh sự nhạy bén về kinh doanh. Cậu cảm thấy muốn lớn mạnh thì phải có nền tảng kinh doanh vững chắc. Chính vì vậy, Stuart Weitzman đã theo học ngành Quản trị kinh doanh tại ngôi trường danh giá Wharton thuộc đại học Pennsylvania.

Một mẫu thiết kế giày của người bố Seymour Weitzman

Một mẫu thiết kế giày của người bố Seymour Weitzman

Vượt qua thập niên 1970 khó khăn

Người bố Seymour mất năm 1965. Để lại xưởng giày cho hai anh em Weitzman tiếp quản. Tuy nhiên, Mỹ lúc ấy tiến vào thời cuộc khó khăn. Thập niên 1970, toàn cầu gặp vấn nạn khan hiếm dầu mỏ. Giá xăng dầu tăng khiến hàng loạt nhu yếu phẩm tăng. Mỹ khủng hoảng tình trạng thất nghiệp. Kinh tế Mỹ đóng băng.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp gia đình Weitzman cũng bị ảnh hưởng. Hai anh em đành phải cầu cứu viện trợ từ Caressa, một công ty Tây Ban Nha. Khi nhớ lại giai đoạn này, Stuart Weitzman trầm ngâm:

“Chẳng ai làm giày tại Mỹ nữa. Khi bố tôi lập nghiệp, thành phố này có khoảng 60 xưởng sản xuất các loại. Còn khi chúng tôi phải đóng cửa, xưởng của chúng tôi là một trong những xưởng cuối cùng.”

“Chúng tôi di dời phải qua châu Âu. Nhưng lúc ấy chúng tôi chẳng có vốn. Việc liên doanh đã cứu chúng tôi. Thực chất, chúng tôi không bán công ty. Chúng tôi chỉ bán cho họ quyền sử dụng thương hiệu mà thôi. Hợp đồng đầu tiên kéo dài 4 năm; tôi muốn thử nghiệm xem hiệu quả kinh doanh thế nào. Thật may là nó thành công. Họ đưa chúng tôi đến châu Âu. Họ mua một nhà xưởng cho chúng tôi điều hành. Xem như họ giúp chúng tôi khởi nghiệp, với vốn đầu tư của họ.”

Stuart Weitzman kéo dài hợp tác với Caressa đến hết năm 1986. Sau đó, ông kết nối với một quỹ đầu tư khác để tiếp tục thiết kế giày. Và trong năm 1992, Stuart Weitzman đã đủ lớn mạnh để mua lại cả doanh nghiệp Caressa.

Chân dung nhà thiết kế giày Stuart Weitzman

Chân dung nhà thiết kế giày Stuart Weitzman

Stuart Weitzman, thương hiệu giày của các minh tinh

Khi lập nghiệp, Stuart Weitzman biết rằng mình cần phải bán được thật nhiều giày. Nhưng ông hiểu rằng mình không có đủ ngân sách để quảng bá lớn.

“Tôi cần sự giúp đỡ từ một ai đó. Họ phải không nhận ra được là họ đang giúp đỡ tôi, vì chắc chắn, tôi không có tiền để trả [chi phí quảng cáo này],” Ông thú nhận.

Cơ hội làm nên lịch sử thương hiệu Stuart Weitzman đến trong năm 2002. Khi Stuart Weitzman thiết kế nên một đôi giày triệu đô. Ông đã kết hợp với một công ty kinh doanh kim cương làm nên một đôi giày đính kim cương. Tổng cộng 464 viên kim cương, với viên trung tâm lên đến 18 carat.

Nữ diễn viên Laura Elena Harring đã đi đôi giày này lên thảm đỏ Oscar năm 2002. Cô thậm chí còn vén chiếc váy dạ hội Giorgio Armani lên để khoe đôi giày lấp lánh. Bài toán kinh doanh của Stuart Weitzman đã thành công. Bức ảnh Harring trong đôi giày kim cương xuất hiện trên hơn 400 mặt báo toàn cầu. Và Stuart Weitzman được biết đến là “thương hiệu của đôi giày triệu đô”.

Đôi giày triệu đô của Stuart Weitzman

Đôi giày triệu đô làm nên lịch sử Stuart Weitzman.

Kể về giai đoạn này, Stuart Weitzman đánh giá: Tất cả là ngẫu nhiên, là may mắn. Tuy nhiên, bạn không thể kinh doanh thành công mà không có yếu tố may mắn, ông thừa nhận.

“Bây giờ ai cũng biết chúng tôi là ai. Tất nhiên, một đôi giày không thể tượng trưng cho toàn bộ sản phẩm của chúng tôi. Nhưng ít nhất, người ta nhớ đến thương hiệu của chúng tôi”.

Sau sự kiện này, Stuart Weitzman đánh mạnh vào việc cung cấp giày cho các minh tinh Hollywood. Ông kết thân với những nữ diễn viên và ca sỹ có tên tuổi. Ví dụ Jennifer Aniston. Cô đào yêu đôi espadrille cao gót của Stuart Weitzman. Sau khi Jennifer Anniston liên tục diện đôi espadrille này xuống phố, sản phẩm trở thành một trong những mẫu giày bán chạy nhất của thương hiệu.

Bí quyết nào giúp Stuart Weitzman giữ mối quan hệ tốt với các minh tinh? Ông khẳng định: Bạn phải có mẫu giày họ cần, trong kích cỡ của họ, lúc họ cần, ngay lập tức. Nếu không theo kịp sự đòi hỏi của họ, bạn sẽ thua trên thương trường. Ông cũng tiết lộ rằng thương hiệu có một kho giày khổng lồ dành riêng cho các minh tinh.

Thành công đến từ chất lượng

Những chiến dịch quảng cáo thông minh của Stuart Weitzman sẽ không thành công nếu những đôi giày của ông dở tệ.

Đặc trưng của giày Stuart Weitzman là sự kết hợp giữa tay nghề thủ công cao cấp, và thiết kế thời thượng. Điều ông đặc biệt tự hào về những đôi giày của mình là: hình dáng của các đôi giày Stuart Weitzman trước sau như một. Cho dù đó là bốt hay giày cao gót.

Nếu khách hàng đã vừa chân một đôi giày số 37 của Stuart Weitzman, thì họ không cần phải thử lại trước khi mua một kiểu giày khác ở kích cỡ này. Niềm tin của khách hàng đã giúp tăng doanh thu bán giày qua mạng của thương hiệu.

Cái hay của Stuart Weitzman là cho dù ông ưu ái giới ngôi sao, ông không hề quên khách hàng cốt lõi của mình. Ví dụ, năm 2015, khi ông thiết kế bốt cho tour lưu diễn 1989 của Taylor Swift. Đôi bốt Taylor Swift đặc trưng vì cao quá gối, có đai đính vào nịt lưng (garter belt). Rất đẹp, nhưng khó sử dụng, và cũng khá đắt (đôi bốt bán lẻ ở mức giá 900 đô-la Mỹ). Chính vì vậy, Stuart Weitzman đã cách tân đôi bốt này thành một phiên bản dễ sử dụng hơn – thấp cổ hơn, co dãn hơn, không nịt. Nó đã trở thành một sản phẩm best-seller của thương hiệu, cho đến tận ngày nay.

Đôi bốt cao cổ kèm nịt garter của Taylor Swift đã dấy lên làn sóng tìm mua bốt Stuart Weitzman.

Đôi bốt cao cổ kèm nịt garter của Taylor Swift đã dấy lên làn sóng tìm mua bốt Stuart Weitzman.

Những chiến dịch quảng cáo độc và lạ

Không chỉ là người thúc đẩy phương thức quảng cáo bằng cách cho minh tinh mượn giày. Stuart Weitzman còn tiên phong nhiều chiến dịch quảng cáo sáng tạo. Ví dụ, khi ông kiên quyết tái thiết kế chuỗi cửa hàng.

“Tôi muốn mở một cửa hàng ở Ý. Bạn biết đấy, thợ thủ công Ý làm nên những đôi giày đẹp nhất thế giới. Prada, Gucci, Cavalli, Armani… đều được làm tại Ý. Thậm chí Dior. Dior là thương hiệu Pháp nhưng giày của họ được sản xuất tại Ý. Còn tôi? Tôi là người Mỹ, giày của tôi được làm tại Tây Ban Nha. Nếu tôi có thể thắng ở thị trường Ý, cả thế giới sẽ phải để ý.”

Stuart Weitzman biết mình cần gì: Một người thiết kế cửa hàng chưa từng…thiết kế cửa hàng. Người ấy phải có con mắt mỹ thuật, nhưng ý tưởng sáng tạo. “Những cửa hàng giày thông thường thật quá chán”, ông nhận xét.

Ông đã tìm đến kiến trúc sư Zaha Hadid. “Ban đầu bà ấy còn không muốn tiếp điện thoại của tôi,” Weitzman cười. “Nhưng tôi phải kiên trì. Có kiên trì thì sự từ chối trở thành sự có thể, và sự có thể trở thành hiện thực.” Năm 2013, cửa hàng đầu tiên do Zaha Hadid thiết kế mở cửa tại Milan. Sau đó là Hồng Kông, Rome và New York. Đúng như ông mong đợi, cả thế giới phải chiêm ngưỡng.

“Tôi muốn cửa hàng như một tác phẩm nghệ thuật hơn chỉ đơn thuần là một cửa hàng. Bạn biết đấy, không thể đạo nhái nghệ thuật.”

Cửa hàng flagship của Stuart Weitzman tại Hồng Kông do Zaha Hadid thiết kế

Cửa hàng flagship của Stuart Weitzman tại Hồng Kông do Zaha Hadid thiết kế

Tương lai của Stuart Weitzman

Điều đặc biệt về thương hiệu Stuart Weitzman đó là: nó luôn thuộc về một nhà đầu tư, và ông Stuart Weitzman chỉ giữ cương vị sáng tạo. Ông đã bán công ty của mình đi nhiều lần. Đầu tiên là liên doanh với Caressa. Sau đó tập đoàn Jones Apparel Group năm 2010. Gần đây nhất, thương hiệu đã về tay Coach.

Nhà thiết kế Stuart Weitzman giữ vai trò giám đốc sáng tạo và chủ tịch danh dự cho đến hết 2018. Sau đó, ông nghỉ hưu. Ông vô cùng tự tin vào sự thành công của thương hiệu dưới điều hành của tập đoàn Coach (nay đã đổi tên thành Tapestry Inc). Và vì vậy mong muốn dành thời gian cho nhiều dự án khác của bản thân hơn.

Thật vậy. Đầu năm 2019, thương hiệu Stuart Weitzman cho ra mắt một bộ sưu tập gây chấn động giới thời trang. Đó là dòng giày Nudist với hơn palette màu da đa dạng. Cho dù làn da bạn có tông nào, Stuart Weitzman cũng có một đôi giày cho bạn. Truyền thống phá vỡ rào cản của Stuart Weitzman tiếp tục được lưu truyền.

>>> Xem thêm: KENDALL JENNER DIỆN BỐT STUART WEITZMAN NHÀO LỘN TRONG VIDEO MỚI

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm