Giấc mơ Paris luôn là điểm đến của những con người khát khao được đổi đời. Louis Vuitton cũng mang một ý chí lớn lao như thế. Năm 1835, chàng trai trẻ 13 tuổi bắt đầu hành trình đi bộ để đến Paris. Vượt quãng đường gần 500km suốt 2 năm, Louis Vuitton mới đến được kinh đô ánh sáng của nước Pháp. Đây là những bước đầu tiên lập nên lịch sử Louis Vuitton huy hoàng đến ngày nay.
Năm 1837, Louis Vuitton được Romain Maréchal nhận vào làm công nhân tại xưởng gia công hộp gỗ Monsieur Maréchal. Với sự thông minh và ham học hỏi, ông nhanh chóng trở thành thợ giỏi nhất xưởng Monsieur Maréchal. Tiếng lành đồn xa, người ta biết đến Louis Vuitton như bậc thầy đóng hành lý của thành phố Paris.
Vào những năm 30 của thế kỷ 19, phương tiện di chuyển phổ biến là tàu hỏa hoặc xe hơi. Vì thế, nhu cầu sử dụng những chiếc rương để cất giữ đồ vật giá trị vô cùng thịnh hành. Tại thời điểm đó, nhiều nhà quý tộc thường đặt thợ thủ công làm rương theo ý thích của riêng mình. Vợ của vua Napoleon III – nữ bá tước Eugénie de Montijo, chính là một trong những khách hàng nổi tiếng nhất của Louis Vuitton. Thông qua Eugénie de Montijo, danh sách các khách hàng trong giới thượng lưu của Louis Vuitton ngày một dài thêm.
Sự ra đời của những chiếc rương nắp bằng
Năm 1854, Louis Vuitton chính thức mở cửa hàng đầu tiên trên đường Rue Neuve-des-Capucines ở Paris. Tấm biển để bên ngoài cửa hàng ghi: “Đóng gói an toàn mọi vật dụng dễ vỡ nhất. Chuyên đóng gói thời trang”. Louis Vuitton đã tạo ra cuộc cách mạng cho những chiếc rương vào bốn năm sau.
Bằng con mắt tinh tường của một thợ thủ công giàu kinh nghiệm, ông nhận ra khuyết điểm về cấu tạo và hình dáng của thiết kế rương. Thời đó, hầu hết chúng đều có phần nắp hình vòm – một đặc điểm gây tốn diện tích và khó xếp chồng lên nhau. Năm 1858, Louis Vuitton cho ra đời chiếc rương hình chữ nhật có nắp phẳng đầu tiên. Thay vì sử dụng da thuộc, chiếc rương của Vuitton được thay bằng vải bạt Trianon xám.
Chất liệu vải bạt Trianon (Trianon canvas) có trọng lượng rất nhẹ, chống thấm nước và không gây mùi. Những chi tiết này khiến chiếc rương Trianon trở thành một hiện tượng. Đây là cộc mốc lịch sử quan trọng trong ngành sản xuất rương, vali du lịch.
ART OF TRAVEL – Nghệ thuật du hành đích thực
Du hành bằng tàu biển và tàu hỏa nở rộ trong giai đoạn giữa thế kỷ 19. Điều này mở ra các nhu cầu mới về tính năng của hành lý trong giới nhà giàu. Họ muốn một chiếc rương có thể vận chuyển dễ dàng, song vẫn chứa được những đồ dùng đa dạng theo sở thích. Louis Vuitton tiếp tục trở thành lựa chọn tin cậy hàng đầu. Ông đã tạo ra hàng loạt mẫu rương mới theo yêu cầu, phù hợp với từng loại hàng hóa, như: rương quần áo, rương sách, hộp đựng mũ, hộp trang điểm…
Đối với mỗi chuyến chu du, Maison Louis Vuitton luôn chọn lọc các chất liệu, hình dáng rương có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết hay vùng đất đặc biệt. Đó là chiếc rương bọc kẽm chắc chắn, hoặc rương bằng gỗ quý được vát cạnh bằng đồng/thép phủ sơn mài.. Thế nên, người ta vẫn nói, rương của Louis Vuitton là nghệ thuật du hành đích thực.
Những đơn đặt hàng không tưởng
Có một giai thoại về Louis Vuitton vẫn còn lưu truyền đến thời nay. Chuyện kể về những đơn đặt hàng không tưởng mà các khách hàng thượng lưu gửi đến ông. Họ tin rằng, mọi ý tưởng – dù là điên rồ nhất, vẫn sẽ được hoàn thiện vượt ngoài mong đợi. Tính duy mỹ và linh hoạt này, chỉ có thể được tạo nên dưới bàn tay tài hoa của Louis Vuitton.
Một trong các sáng chế nổi tiếng nhất của Louis Vuitton lúc bấy giờ là rương quần áo di động. Chiếc rương được thiết kế như một tủ quần áo đứng thẳng. Bên trong rương chứa nhiều ngăn nhỏ, cùng khoang treo đồ rộng rãi. Năm 1868, người ta lại kinh ngạc trước phát minh mới của Louis Vuitton: chiếc giường gập trong vali. Đây là đơn đặt hàng riêng được Louis Vuitton làm cho nhà thám hiểm Pierre Savorgnan de Brazza.
Biểu tượng thương hiệu qua thời gian
Ở giai đoạn đầu mới thành lập, rương của Louis Vuitton thường bị các xưởng đóng hòm khác làm nhái. Nhằm chống lại nạn ăn cắp ý tưởng, năm 1872, ông thiết kế chiếc rương đầu tiên có hoa văn. Đó là đường kẻ sọc đỏ trên chất liệu vải bạt màu be. Một trong những vị khách hàng sở hữu mẫu rương này là Abdul Hamid II. Ông là vị hoàng đế thứ 34 của Đế quốc Ottoman.
Đến năm 1876, Louis Vuitton ra mắt rương Rayée canvas steamer bằng vải bạt, có họa tiết kẻ sọc màu be và nâu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh không lành mạnh vẫn tiếp diễn. Louis Vuitton buộc phải tìm phương thức khác biệt, giúp khách hàng dễ dàng nhận biết sản phẩm của mình. Năm 1888, mô típ kẻ tô vuông đan xen hai màu be và đen, với tên gọi Damier, ra đời.
Đến năm 1896, Georges Vuitton – con trai của Louis Vuitton, gây kinh ngạc giới thời trang khi trình làng hoa văn Monogram hoàn toàn mới. Họa tiết này mang hình ảnh các bông hoa, cùng ký tự hai chữ cái L và V được xếp hình họa cạnh nhau. Đậm nét cổ điển và sang trọng, họa tiết Monogram trở thành dấu ấn đặc trưng cho các sản phẩm thủ công của Maison Louis Vuitton.
Quá khứ và hiện tại
Những chiếc rương Louis Vuitton không chỉ mang giá trị nghệ thuật và văn hóa. Chúng còn chứa đựng cả phong cách sống của người sáng lập.
Nhiều thiết kế túi xách Louis Vuitton hiện nay đều lấy cảm hứng từ các phiên bản đời trước. Điển hình là túi Petite Boite Chapeau được Maison Louis Vuitton trình làng vào năm 2018. Trong tiếng Pháp, ‘petite’ có nghĩa là nhỏ, còn ‘boite chapeau’ là từ chỉ chiếc hộp đựng mũ. Túi Petite Boite Chapeau được ví như phiên bản đương đại của món vật dụng từng rất phổ biến ở thế kỷ 19.
Tương tự, túi Petite Malle hay Malle Courrier gợi ta nhớ về chiếc rương nắp bằng từ hơn 160 năm trước. Túi Petite Malle mang hình ảnh chiếc rương nhỏ đầy hiện đại. Còn Malle Courrier lại kế thừa mọi đặc trưng của biểu tượng di sản Maison Louis Vuitton.
>>> Xem thêm: Bí mật quy trình chế tác đồng hồ cao cấp tại La Fabrique du Temps Louis Vuitton
Harper’s Bazaar Việt Nam