Khi thiết kế logo, có nhiều tiêu chí được thương hiệu quan tâm. Trước hết là khả năng nhận diện – tránh để thương hiệu của mình bị nhầm lẫn với hãng khác. Độ tin cậy cũng quan trọng – chẳng vì vậy mà nhiều logo ghi chú năm thành lập của thương hiệu để chứng tỏ bề dày lịch sử. Khả năng khai thác thương mại cũng quan trọng – logo quá rối rắm thì khó được kết hợp vào sản phẩm sản xuất đại trà.
Với rất nhiều yêu cầu trên, bạn có thể nghĩ rằng logo càng nhiều chi tiết thì càng tốt. Tuy nhiên, Prada muốn chứng tỏ điều ngược lại. Logo của hãng ngày càng được đơn giản hóa, lược bỏ những chi tiết rườm rà. Nhưng chính vì logo được tối giản hóa mà sức mạnh nhận diện thương hiệu Prada lại càng tăng lên! Dường như đây là một nghịch lý. Vì sao? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.
Logo Prada từng gắn liền với hoàng gia Ý
Prada được thành lập năm 1913 bởi hai anh em Mario và Martino Prada. Cái tên đầu tiên của thương hiệu là Fratelli Prada, có nghĩa là “anh em nhà Prada” trong tiếng Ý.
Trong chỉ 6 năm thành lập, chất lượng sản phẩm Prada đã chinh phục giới quý tộc Ý. Năm 1919, Prada trở thành nhà cung cấp phụ kiện da thuộc cho Vương tộc Savoy (gia đình hoàng tộc trị vì Ý từ năm 1861 đến năm 1946).
Vương tộc Savoy cho phép Prada thêm biểu tượng hoàng gia vào logo của mình. Đó là chiếc khiên có chữ thập cùng những nút thắt dây thừng vòng xung quanh. Biểu tượng hoàng gia Savoy giúp Prada nổi bật trên thị trường, chứng minh cho chất lượng của hãng, đánh bại các đối thủ.
Nhưng rồi, năm 1946, khi Cộng hòa Ý thành lập và lật đổ hoàng gia Savoy, biểu tượng hoàng gia không còn giúp ích gì mấy cho Prada. Dần dần, tất cả những tiểu tiết này bị loại bỏ hoặc thu nhỏ hết mức, chỉ để lại chữ PRADA viết hoa trân trọng.
Sự đơn giản hóa của logo Prada dưới bàn tay Miuccia Prada
Người gắn liền với sự tối giản hóa triệt để của Prada nói chung, cũng như logo Prada nói riêng, chính là Miuccia Prada. Cháu gái của hai nhà sáng lập, Miuccia Prada gia nhập công ty gia đình từ năm 1970 và trở thành nhà điều hành chính thức từ năm 1978.
Miuccia Prada chán ghét thói trưởng giả học làm sang. Bà thích những gì đơn giản và tiện dụng, tối giản và không chạy theo trào lưu. Đây là hướng đi của bà cho công ty gia đình.
Những chiếc túi nylon của Prada là một điển hình. Chúng được làm từ chất liệu bị giới thời trang xem nhẹ, cực tối giản và dễ phối đồ. Logo của hãng cũng vậy, được thiết kế để xuất hiện thật nhỏ trên sản phẩm, thay vì được in to bản và đậm nét. Chúng luôn được làm bằng màu đen hoặc trắng, đôi khi vàng đồng, nhưng chắc chắn không màu mè.
Tuy nhiên, chính phong cách chống lại thói khoe khoang của Prada đã làm nên sức hút cho thương hiệu. Những chiếc túi đen tuyền bằng nylon, gắn bảng hình tam giác nhỏ xíu với dòng chữ PRADA đã trở thành It bag của thập niên 1990.
Và càng hiện đại hóa khi Raf Simons gia nhập nhà mốt Ý
Năm 2020, nhà thiết kế Raf Simons đến với Prada ở cương vị đồng giám đốc sáng tạo cùng Miuccia Prada. Họ là hai tâm hồn đồng điệu ở phong cách thiết kế, khi cùng chuộng phong cách tối giản. Raf Simons đã mang đến những đường nét cứng cáp, mạnh mẽ không chỉ cho trang phục mà cho cả chính logo của Prada.
Sau chỉ một năm đến với thương hiệu, mùa Xuân Hè 2022, Prada debut những trang phục đính một hình tam giác ngược trên ngực.
Dù hình tam giác này không in hay thêu chữ Prada, chúng ta vẫn ngay lập tức biết rằng chúng đến từ thương hiệu Ý. Vì ngoài Prada, không có bất kỳ thương hiệu nào khác sử dụng hình tam giác ngược như vậy. Quả là một cách nhận diện thương hiệu một cách đơn giản đến mức khó tin!
Song song, hãng cũng debut dòng Prada Re-Nylon, sử dụng chất liệu nylon tái chế. Logo tái chế cũng được thiết kế như logo tam giác ngược.
Cơ hội mở rộng sức mạnh thương hiệu với logo tam giác ngược
Lục lọi thư viện xin cấp quyền bảo hộ thương hiệu châu Âu, chúng ta sẽ thấy rằng Prada đã nộp đơn xin được bảo hộ nhận diện của một hình tam giác ngược – tuy không trống trơn, nhưng cũng rất giản lược khi so với logo tam giác truyền thống, và thiếu vắng chính dòng chữ PRADA.
Theo một chuyên gia luật tại tờ The Fashion Law, đây là một nước cờ thông minh từ Prada. Tính đến nay, bảo hộ thương hiệu của Prada luôn bị giới hạn trong hình ảnh logo đầy đủ những tiểu tiết. Khi đăng ký được bảo hộ logo là tam giác trống, Prada đang mở rộng khả năng chống lại hàng nhái – cho dù là hàng thời trang nhanh “tranh thủ” in thêu tam giác ngược lên trang phục, hay là những đồ copy xuất xưởng Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Prada sẽ dễ dàng tiếp cận giới khách hàng không thích khoe khoang với dòng sản phẩm không logo.
Vốn, giới khách hàng thượng lưu đặc biệt chán ghét trào lưu logomania vì cho rằng đó là phong cách của kẻ trưởng giả học làm sang. Prada sẽ không bao giờ hoàn toàn loại bỏ logo ra khỏi dòng sản phẩm của hãng, nhất là khi trào lưu logomania trở lại quá mạnh. Nhưng chí ít, hãng có thể chinh phục giới thượng lưu khó tính với những sản phẩm gắn tam giác ngược đầy tinh tế, ý nhị.
PRADA BIẾN HÓA LOGO TAM GIÁC THÀNH KHÓA TÚI CHO DÒNG SYMBOLE MỚI
SẢN PHẨM THỜI TRANG KHÔNG LOGO, MẬT MÃ CỦA GIỚI THƯỢNG LƯU
THÀNH CÔNG VÌ KHÔNG LOGO: BOTTEGA VENETA VÀ HỌA TIẾT INTRECCIATO WEAVE
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam