Năm 1900, hai anh em này xuất bản và tài trợ một cuốn sách hướng dẫn cho người lái xe hơi ở Pháp. Họ gọi đó là Guide Michelin (tiếng Anh là Michelin Guide). Lần xuất bản đầu tiên có khoảng 35.000 cuốn phát miễn phí. The Guide cung cấp thông tin hữu ích cho người lái xe như bản đồ, nơi sửa xe, bán lốp xe, trạm xăng, khách sạn và các nhà hàng tốt nhất.
Bốn năm sau, Michelin lần lượt giới thiệu sách đến nhiều quốc gia châu Âu và Bắc Phi. Phiên bản tiếng Anh của Michelin Guide cho nước Pháp lần đầu tiên ra mắt vào năm 1909.
Quyết định thay đổi số phận ngôi sao Michelin
Trong Thế chiến I, từ năm 1914 đến 1919, Michelin Guide tạm ngưng xuất bản. Sau chiến tranh, phiên bản sửa đổi được sản xuất miễn phí cho đến năm 1920. Năm đó, André Michelin đến thăm một cửa hàng bán lốp xe; ông thấy The Guide được dùng để kê dưới chân bàn. Dựa trên nguyên tắc “con người chỉ tôn trọng những gì tốn tiền”; Michelin quyết định bán sách với giá khoảng 750 franc một cuốn (khoảng 2,15 USD vào năm 1922). Một số thay đổi bao gồm liệt kê các nhà hàng theo danh mục cụ thể; thêm danh sách khách sạn ngoài Paris và ngừng quảng cáo.
Nhận thấy phần nhà hàng ngày càng được yêu thích, hai anh em nhà Michelin tuyển một đội ngũ “thanh tra” để ghé thăm và đánh giá các nhà hàng. Từ đó đến nay, những thanh tra này rất kỹ lưỡng trong việc ẩn danh và không nhận hối lộ để bảo đảm tối đa uy tín của tổ chức.
Michelin Guide bắt đầu trao sao cho các nhà hàng tốt vào năm 1926. Ban đầu chỉ có một ngôi sao duy nhất. Năm 1931, hệ thống một, hai, ba sao ra đời. Tiêu chuẩn đánh giá các sao được thông cáo vào năm 1936.
• 1 sao: Một nhà hàng rất tốt trong hạng mục
• 2 sao: Tuyệt vời, đáng để vượt đường xa
• 3 sao: Phi thường, đáng vượt ngàn dặm
Ngày nay, “etoile” màu đỏ (“etoile” có nghĩa là ngôi sao trong tiếng Pháp) là một trong những giải thưởng được tìm kiếm nhiều nhất trong thế giới ẩm thực.
Giá trị của những ngôi sao
Trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ảnh hưởng kéo dài của sự thiếu hụt thời chiến đã khiến Michelin áp đặt giới hạn hai sao. Vào năm 1950, ở Pháp có 38 nơi đạt 2 sao. Năm 1974, Michelin Guide đổ bộ đến nước Anh với tổng cộng 25 ngôi sao được trao tặng. Đầu bếp người Pháp Paul Bocuse, một trong những người tiên phong của nouvelle cuisine (ẩm thực Pháp hiện đại, ít dùng chất béo) trong những năm 1960, phát biểu: “Sao Michelin là danh hiệu duy nhất đáng quan tâm”. Ở Pháp, khi sách hướng dẫn được xuất bản mỗi năm, truyền thông bàn tán rất nhiều; không kém gì giải Oscar ở Mỹ.
Năm 2005, Michelin Guide đầu tiên cho nước Mỹ được xuất bản, bao gồm 500 nhà hàng ở thành phố New York và 50 khách sạn ở riêng quận Manhattan. Năm 2007, Michelin Guide của Tokyo ra mắt. Cùng năm đó, Michelin giới thiệu tạp chí Étoile. Ấn bản dành cho Hồng Kông và Ma Cao ra đời năm 2008. Michelin Guide hiện có 28 phiên bản cho 28 thành phố ở 25 nước. Ở châu Á, Michelin Guide có mặt ở Thái Lan, Hồng Kông, Ma Cao, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
Michelin ở Việt Nam?
Michelin Guide hiện chưa đến Việt Nam. Để khắc phục điều này, các nhà hàng, khách sạn cao cấp như Metropole Hà Nội, Park Hyatt Saigon, Hôtel des Arts Saigon, Sofitel Saigon Plaza và Le Corto thường xuyên mời đầu bếp có sao Michelin đến nấu ăn cho các sự kiện đặc biệt.
Khái niệm “đầu bếp sao Michelin khách mời” này rất thành công trong việc nâng cao tiêu chuẩn ẩm thực ở Việt Nam. Một số đầu bếp mang sao trước đó đã đến mở nhà hàng tại đây. Anh em nhà Pourcel từng được trao ba sao Michelin cho nhà hàng Le Jardin des Sens ở Montpellier (Pháp). Họ kết hợp với Sonkim Land để mở Le Jardin des Sens trên đường Điện Biên Phủ, thành phố Hồ Chí Minh. Thực khách Việt Nam không còn cần phải đi du lịch nước ngoài để trải nghiệm sao Michelin.
Kinh đô và ông hoàng ngành ẩm thực
Mặc dù Michelin Guide bắt nguồn từ Pháp, Tokyo mới là kinh đô ẩm thực của thế giới với hơn 225 địa điểm có ít nhất một sao và 12 nhà hàng ba sao. Usuki Fugu Yamadaya với ba sao là nhà hàng được quan tâm nhất ở Tokyo trong thời điểm này. Top 10 thành phố có nhiều sao Michelin nhất bao gồm:
1. Tokyo
2. Kyoto
3. Paris
4. Osaka
5. New York
6. Hồng Kông
7. London
8. San Francisco
9. Chicago
10. Brussels.
Sở hữu nhiều sao Michelin nhất là huyền thoại người Pháp Joel Robuchon, với tổng cộng 31 sao tại các nhà hàng ở Bangkok, Bordeaux, Hồng Kông, Las Vegas, London, Macao, Montreal, Monaco, Paris, Thượng Hải, Singapore, Tokyo và thành phố New York. Với một kỷ lục tuyệt vời như vậy, ông xứng đáng được mệnh danh là “đầu bếp đỉnh nhất thế kỷ”.
Bài: Chris Thompson. Chuyển ngữ: Huy Đặng
Harper’s Bazaar Việt Nam