7 bước xử lý sơn móng gel bị tróc

Nếu bộ sơn móng gel của bạn bắt đầu bị sứt mẻ, hơi bong tróc, đừng lo lắng! Hãy áp dụng những bước sau đây.

7 bước xử lý sơn móng gel bị tróc

Sơn móng tay gel có thể bị bong tróc nếu không được bảo quản kỹ. Ảnh: Instagram @sundays_studio

Ngày càng nhiều chị em ưa thích sơn móng tay gel, vì độ bền của nó. Thực hiện đúng, sơn món tay gel có thể kéo tuổi họ kéo dài hơn 2 tuần, gấp đôi so với sơn móng tay thường. Và lớp sơn móng tay gel thực sự khiến móng tay của bạn thêm cứng cáp, khi hóa thành lớp màng “bất di bất dịch” trên bề mặt móng tay.

Vì ỷ y rằng sơn móng tay gel rất bền, nhiều người mau lo lắng khi thấy lớp móng gel của mình bị tróc tại nhà. Nhiều chị em ngứa ngáy tay chân, tìm cách xé cái điểm bong tróc ấy đi. Hoặc nhanh nhảu hơn là xóa hẳn bộ móng được đầu tư công phu.

Nếu đây là trường hợp của bạn, đừng lo lắng! Harper’s Bazaar mách bạn những cách xử lý và ngăn ngừa tình trạng này xảy ra.

1. Tuyệt đối không xé lớp sơn móng gel bị bong tróc

7 bước xử lý sơn móng gel bị tróc

Ảnh: Instagram @nail_unistella

Do sơn gel thực chất là một lớp màng nhựa, nó có thể bị hở ra ở những vùng đầu móng hoặc gốc móng, khi bộ móng tay tiếp xúc với nước hay được dùng để cạy mở đồ vật. Tùy thuộc vào độ kỹ lưỡng của chuyên viên làm móng, và thói quen hàng ngày của bạn, mà những điểm bong tróc có thể xuất hiện tại những điểm này.

Khi thấy những điểm bong tróc bắt đầu xuất hiện, bạn tuyệt đối không nên kéo toạc nó ra. Việc xé lớp móng gel (lúc này đã hóa thành lớp nhựa dẻo) khiến móng tay của bạn trông nham nhở, đồng thời còn gây hư hại cho lớp móng tay thật.

Móng tay của chúng ta gồm 25 lớp sừng chồng chéo lên nhau. Khi bạn xé lớp sơn gel ở bên trên đi, nó có thể kéo đi mất vài lớp sừng của móng tay gốc. Hành động này bào mỏng móng tay gốc, khiến bộ móng của bạn trở nên yếu ớt, dễ gãy, và có thể xuất hiện đốm trắng.

2. Phủ một lớp sơn top coat lên để chữa cháy

Nếu lớp sơn gel trên móng tay của bạn bị bong tróc ở phần đầu móng, hãy dùng bấm móng tay cắt đi phần này. Mài dũa lại cho cẩn thận. Sau đó dùng một lớp sơn top coat trong suốt phủ lên. Không nhất thiết phải dùng sơn gel đâu, mà sơn móng thường cũng được. Biện pháp này giúp bạn “chữa cháy” bộ móng, ngăn ngừa nó tiếp tục bong tróc, cho đến khi bạn có thể ra tiệm để chỉnh sửa.

3. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Ảnh: Instagram @sundays_studio

Nếu sơn móng tay gel của bạn bắt đầu bị bong tróc, hãy suy nghĩ về các thói quen sinh hoạt của mình.

Bạn có thường xuyên rửa chén bát hay giặt quần áo bằng tay, mà không dùng đến bao tay nhựa? Việc tiếp xúc với nước khiến bộ móng gel nhanh bị tróc hơn.

Bạn hay dùng móng tay tay cạy nắp chai, hộp? Hoặc có thói quen cắn móng tay? Hành động này cũng gây stress cho bộ móng, khiến phần đầu móng dễ bị sứt.

Chỉ cần chú ý đến các tiểu tiết này, bạn sẽ kéo dài tuổi thọ cho bộ móng sơn gel của mình đáng kể.

4. Tăng cường dưỡng ẩm móng

7 bước xử lý sơn móng gel bị tróc

Ảnh: Instagram @sundays_studio

Bạn có thể hạn chế lớp sơn gel bong tróc khi giữ cho nó mềm mượt, linh hoạt với kem dưỡng da tay hoặc dầu dưỡng móng. Sau khi rửa tay, thoa một ít kem dưỡng da tay là thói quen tốt. Còn khi sử dụng dầu dưỡng móng, bạn có thể dùng dầu dừa, dầu jojoba hay dầu hạnh nhân. Các tinh dầu này nhiều chất axít béo tốt, nuôi dưỡng móng chắc khỏe.

5. Cách sơn móng tay để phòng ngừa bong tróc lớp sơn gel

7 bước xử lý sơn móng gel bị tróc

Có một lý do khác khiến sơn móng gel dễ bị tróc là vì lớp sơn quá dày, lại không kịp khô. Từ đó, nó không hóa nhựa cứng, nên dễ bị sứt mẻ khi va đập mạnh. Cảm giác lớp sơn dày và gồ ghề cũng khiến nhiều chị em ngứa ngáy tay chân, chỉ muốn bóc nó khi rảnh rỗi!

Vì vậy, bạn nên yêu cầu chuyên viên làm móng sơn những lớp thật mảnh. Có thể mất nhiều thời gian hơn khi sơn móng, nhưng sẽ cho bạn kết quả mỹ mãn hơn hẳn.

6. Nếu móng tay hơi dài, đừng vội cắt!

Có thể bộ móng tay gel của bạn đã “sống sót” qua hạn mức 2 tuần. Lúc này, móng tay của bạn đã bắt đầu mọc dài ra. Nhiều chị em hẳn sẽ muốn ngay lập tức cắt cho móng tay ngắn lại để đỡ vướng víu. Nhưng, việc cắt móng tay sẽ làm sứt mẻ lớp sơn móng gel.

Để tránh cho lớp móng gel bị sứt mẻ, chuyên viên làm móng hẳn đã sơn đè ra ngoài rìa đầu móng tay của bạn. Khi bạn cắt móng tay thì sẽ vô tình tạo ra một kẽ hở cho nước thâm nhập vào, từ đó dễ khiến bộ móng gel bị bong tróc.

7. Cho phép móng tay “nghỉ xả hơi” giữa mỗi lần sơn gel

Mỗi khi bạn sơn móng tay (cho dù là sơn gel hay sơn thường), móng tay của bạn cũng dễ bị khô và yếu đi. Lý do vì móng tay cũng như da, cũng cần “thở”, tiếp xúc với không khí và nước. Suốt ngày sơn móng tay – căn bản là một tấm màng nhựa – thì bạn đang ngăn chặn móng tay “thở”.

Vì vậy, bạn nên để gel trên móng tối đa từ hai đến ba tuần. Sau đó, hãy tháo móng gel hoàn toàn. Đến salon để đắp paraffin dưỡng ẩm da tay thật sâu. Sau đó, để bộ móng thông thoáng trong vòng 2 tuần, rồi hẵng sơn móng gel mới.

>>> Xem thêm: CÁCH TẨY MÓNG GEL TẠI NHÀ DỄ LÀM, AN TOÀN

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm