Khi Gwyneth Paltrow khai trương dòng mỹ phẩm Goop by Juice Beauty năm 2016, nữ diễn viên nhấn mạnh rằng các sản phẩm của cô hoàn toàn thiên nhiên. Cô nói: “Bạn tập thể dục đều đặn và ăn uống khỏe mạnh, chỉ để hấp thu chất độc qua làn da. Thật tồi tệ.” Sau đó, cô xuất hiện trên chương trình truyền hình The Tonight Show để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Gwyneth Paltrow và MC Jimmy Fallon đua nhau chấm khoai tây chiên vào kem dưỡng da của Goop để chứng minh nó đủ sạch và an toàn để ăn.
Thương hiệu Goop của Gwyneth Paltrow bán nhiều sản phẩm kỳ khôi. Nhưng nữ diễn viên luôn là người ủng hộ trào lưu sống sạch, sống xanh. Có thể nói Gwyneth Paltrow đã đầu tư vào mỹ phẩm thiên nhiên từ trước khi nó trở thành một trào lưu lớn.
Đi tìm mỹ phẩm an toàn cho sức khỏe
Năm 2018, thông tin rộ lên rằng mỹ phẩm xuất xứ từ Mỹ chứa hàng ngàn nguyên liệu đã bị cấm ở châu Âu. Đi kèm là các vụ kiện ồn ào. Nổi trội nhất là vụ thua kiện tỷ đô của tập đoàn Johnson & Johnson. Tháng 7-2018, tòa án Missouri yêu cầu Johnson & Johnson phải bồi thường 4,69 tỷ đô-la Mỹ cho 22 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung từ bột talc nhiễm amiăng (asbestos) của hãng.
Chưa kể, trong 2019, các bác sỹ da liễu nhận xét rằng lượng bệnh nhân bị da nhạy cảm tăng đột biến. Nguyên nhân đến từ stress trong công việc, ô nhiễm môi trường, và nhiễm độc từ mỹ phẩm. Theo thông số từ Hiệp hội Môi trường Làm việc (EWG) ở Mỹ, phụ nữ tiếp xúc bình quân với 126 loại hoá chất, từ mỹ phẩm, thực phẩm, chất tẩy rửa và ô nhiễm môi trường.
Trước những thông tin đáng sợ về hóa chất độc trong mỹ phẩm, người tiêu dùng trở nên kỹ tính hơn về các loại mỹ phẩm họ sử dụng. Họ tìm hiểu các nguyên liệu và thành phần in trên bao bì mỹ phẩm trước khi quyết định mua. Trong đó, những mỹ phẩm xanh, sạch, không có hóa chất độc hại đang được ưa chuộng hơn cả.
Nếu bạn muốn chuyển hướng sang sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên, bạn sẽ phải nghiên cứu rất nhiều. Harper’s Bazaar mách bạn một số thông tin hữu ích, ngắn gọn bạn cần biết để bắt đầu.
Mỹ phẩm thiên nhiên là gì?
Định nghĩa: Khó giải thích. Hiện tại, định nghĩa của mỹ phẩm xanh và sạch còn khá mập mờ, do chưa có những luật hướng dẫn cụ thể từ chính quyền.
Ban đầu, khi thị trường mỹ phẩm thiên nhiên còn khá nhỏ và tập hợp những thương hiệu đi đầu, những từ khóa như “thiên nhiên”, “hữu cơ” và “sạch” được dùng để ám chỉ nguyên liệu tinh khiết. Tuy nhiên, khi giới quảng cáo phát hiện ra sự hiệu quả của những từ khóa này, chúng bắt đầu xuất hiện nhan nhản trên bao bì của các mỹ phẩm hoàn toàn không thiên nhiên.
Cách tốt nhất để xác định được mỹ phẩm có tốt cho sức khỏe hay không là bằng cách đọc bao bì. Nếu bảng thành phần chứa hóa chất thuộc các nhóm nguyên liệu không an toàn, bạn không nên tin vào những từ khóa quảng cáo của sản phẩm này.
Những nguyên liệu không đạt chuẩn mỹ phẩm thiên nhiên
Hiện tại, giới khoa học còn đang tranh cãi khá nhiều về những thành phần được cho là nguy hiểm trong mỹ phẩm. Một số nguyên liệu, ví dụ như bột talc nhiễm amiăng, là có nguy hiểm thật vì đã được chứng minh có khả năng gây ung thư. Một số nguyên liệu khác, như phthalate và paraben, được cho rằng có thể gây nguy hiểm nhưng chưa có kết quả nghiên cứu sâu rộng.
Giới làm mỹ phẩm thiên nhiên khẳng định chúng có hại sức khỏe, nhưng thông tin nghiên cứu bị lấp liếm bởi những tập đoàn mỹ phẩm và dược phẩm lớn vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, họ tẩy chay các nhóm sản phẩm này với phương châm “thà an toàn còn hơn phải hối hận”.
Màu tổng hợp: Khiến da trở nên nhạy cảm hơn.
Hương nhân tạo: Có thể gây kích ứng da, đau đầu, nổi mẩn.
Dầu khoáng chất: Một sản phẩm phụ của dầu mỏ, bao gồm petroleum, petrolatum, paraffinum liquidum, có khả năng gây bít lỗ chân lông.
Formaldehyde: Được tìm thấy trong keo xịt tóc, hóa chất này có khả năng gây ung thư.
Sodium Lauryl Sulphate (SLS): Chất tạo bọt có khả năng gây khô và kích ứng da.
Phthalate: Nhóm hóa chất bao gồm DBP, DMP, DEP và DEHP, được cho rằng ảnh hưởng đến gan và hệ nội tiết.
Paraben: Một họ chất bảo quản được cho là gây ung thư vú và có hại đến hệ sinh dục.
Vậy đâu là những nguyên liệu an toàn?
Chúng ta đều có thể tin tưởng vào các loại dầu dưỡng da, ví dụ dầu dừa hay argan, chiết xuất thảo mộc, protein và tinh dầu thiên nhiên. Tuy nhiên, không có cách nào ngắn gọn để nêu lên toàn bộ danh sách nguyên liệu an toàn. Bạn có thể tải về điện thoại các ứng dụng từ điển như Skin Deep của EWG, Skin Ninja, hay Think Dirty, để tiện tra cứu khi mua mỹ phẩm.
Một phương pháp tốt để chọn mỹ phẩm sạch là ưu tiên những loại mỹ phẩm ít thành phần, hoặc những thành phần dễ dàng đọc được. Càng ít thành phần thì bạn càng dễ lựa chọn dưỡng chất phù hợp với da mình, và loại bỏ khả năng gây kích ứng da do nguyên liệu không phù hợp. Lưu ý là một số thương hiệu sử dụng tên khoa học thay vì tên thông dụng – ví dụ, thay vì ghi aloe vera, họ sẽ ghi chú Aloe Barbadensis.
The Ordinary, Herbivore và Drunk Elephant là những thương hiệu đang đi đầu trào lưu làm đẹp xanh, với lượng fan lớn tại các quốc gia phát triển
Pha chế mỹ phẩm thiên nhiên tại gia, trào lưu làm đẹp xanh và sạch
Ở Việt Nam, việc tự pha chế mỹ phẩm thường bị gắn mác là “làm kem trộn”. Một số cá thể đồng hoá hình ảnh mỹ phẩm DIY với các loại mỹ phẩm giả và thấp cấp.
Tuy nhiên, việc tự tay pha chế mỹ phẩm tại nhà mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên, bạn biết được chính xác nguyên liệu nào được sử dụng trong mỹ phẩm của mình, và có thể loại bỏ những thành phần gây kích ứng trong khâu pha chế. Thứ nhì, bạn có thể làm mỹ phẩm chỉ sử dụng dưỡng chất cần thiết cho da của mình. Và cuối cùng, nguyên liệu có thể đến từ vườn nhà bạn, đáng tin cậy và thật sự sạch sẽ.
Từ nước xịt khoáng đến kem dưỡng da, phấn mắt đến son môi, bạn có thể tìm thấy công thức đơn giản để tự làm mỹ phẩm trong các cuốn sách và blog dạy làm đẹp. Nếu muốn thử nghiệm tự pha chế mỹ phẩm, hãy thực hiện ở một môi trường sạch, và đừng quên thêm chất bảo quản.
Mỹ phẩm thiên nhiên cũng cần chất bảo quản?
Chúng ta thường giật mình mỗi khi thấy từ “chất bảo quản”. Tuy nhiên, cần hiểu rằng trong thiên nhiên có sẵn nhiều chất bảo quản lành mạnh. Những hợp chất này sẽ bảo vệ mỹ phẩm không bị mốc hay nhiễm khuẩn.
Đối với sản phẩm gốc nước, như serum hay xịt khoáng, đường, muối, cồn và axít citric trong cam quýt là những chất bảo quản tự nhiên. Còn đối với sản phẩm gốc dầu, như son dưỡng môi và lotion, các chất chống ôxy hóa như vitamin E (tocopherol) hay tinh chất rosemary sẽ giữ cho dầu khó bị hôi mùi.
Tất nhiên, cũng có những loại mỹ phẩm không cần chất bảo quản. Đó chính là mỹ phẩm khô. Ví dụ như phấn mắt hay muối tắm. Định dạng khô không hấp thụ nước, chính vì vậy không cần chất bảo quản.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Thông tin về các nguyên liệu, những khám phá khoa học mới hay các vụ kiện liên quan đến ngành mỹ phẩm luôn luôn được cập nhật trên các trang tin điện tử. Hãy là một người tiêu dùng thông minh và tìm hiểu kỹ trước khi đặt niềm tin vào bất cứ sản phẩm nào. Đây cũng là một tôn chỉ của xu hướng làm đẹp thiên nhiên: ưu tiên bảo vệ sức khỏe hàng đầu, thay vì tin tưởng thái quá vào quảng cáo của các thương hiệu.
>>> Xem thêm: 6 LOẠI MẶT NẠ DƯỠNG DA THIÊN NHIÊN ĐẾN TỪ NGUYÊN LIỆU TRONG BẾP
Harper’s Bazaar Việt Nam