Gần đây xuất hiện hàng loạt các loại mỹ phẩm dưỡng da đời mới đi kèm các ghi chú như: giúp da chống lại các tác nhân gây stress từ môi trường; chống quá trình ôxy-hóa; tăng sức đề kháng và cải thiện sức khỏe của lớp màng bảo vệ da. Tuy nhiên, bạn có bao giờ tự hỏi, lớp màng bảo vệ da thực chất là gì?
Hiểu thêm về kết cấu làn da
Da chúng ta là bộ phận nội tạng lớn nhất của cơ thể. Chính làn da cũng có nhiều tầng. Tầng ngoài cùng, còn gọi là lớp sừng (stratum corneum), chứa hàng loạt lớp tế bào phẳng corneocytes. Bên ngoài mỗi tế bào này là mỡ lipid, kết nối chúng lại như keo dán.
Bạn có thể hình dung, làn da chúng ta như một bức tường. Các tế bào là mỗi viên gạch. Còn xi-măng xây tường là mỡ lipid. Khi đan xen khỏe mạnh, chúng tạo thành lớp màng bảo vệ các tầng da bên trong. Do lớp màng này chứa nước và mỡ béo, nên nó được gọi là hydrolipid.
Song song với lớp màng hydrolipid, làn da chúng ta còn một lớp màng bảo vệ hóa học nữa. Chúng được cấu tạo từ các vi khuẩn có lợi cho da.
Lớp màng hydrolipid của da
Lớp màng hydrolipid có cấu tạo gồm mồ hôi, bã nhờn và dầu nhờn tiết ra từ trong tuyến bã nhờn của chúng ta. Phần bã nhờn tạo tính chất chống thấm, ngăn các chất dơ bên ngoài thấm ngược vào da. Dầu nhờn tạo độ trơn, ẩm cho da.
Lớp màng hydrolipid này có tính chất axít nhẹ. Độ pH của nó chỉ 5.5, thấp hơn mức độ 7 trung bình. Tính chất axít của lớp màng lipid giúp nó mau chóng loại bỏ các độc tố, virút, vi khuẩn, nấm mốc có thể gây hại cho cơ thể chúng ta.
Có nhiều người lầm tưởng rằng chúng ta phải loại bỏ triệt để tất cả dầu và bã nhờn dưới da. Nhưng điều này không đúng. Làn da cũng cần đủ hàm lượng dầu nhờn và bã nhờn để giữ vững sức khỏe của lớp màng bọc này.
Lớp màng bảo vệ da đến từ vi khuẩn có lợi
Cơ thể chúng ta là một hệ sinh thái thu nhỏ. Tuy chúng ta có 10 nghìn tỷ tế bào, nhưng lại chứa đến 100 nghìn tỷ các loại ký sinh trùng có lợi như vi khuẩn, virút, protozoa nguyên sinh…
Khoa học đã bắt đầu phát hiện ra những lợi ích của các loài vi khuẩn có lợi này đối với hệ tiêu hóa. Nghiên cứu cho thấy chúng ngăn cản các vi khuẩn, virút có hại thâm nhập vào cơ thể bằng cách cạnh tranh, sử dụng hết các chất bổ dư thừa trong cơ thể, không để virút, vi khuẩn có hại có cơ hội tiếp cận.
Hiện tại, ngành khoa học nghiên cứu tác dụng của vi khuẩn có lợi cho làn da còn khá sơ khởi. Các nhà khoa học chỉ mới hiểu rằng, làn da chúng ta được lời nhờ lớp màng cấu tạo từ các vi khuẩn có lợi này, nhưng chưa hiểu chính xác tác dụng của từng loại vi khuẩn ra sao.
Vì vậy, trong bài viết này, Harper’s Bazaar sẽ đề cập chủ yếu đến lớp màng hydrolipid và lý do vì sao chúng ta cần quan tâm đến việc bảo dưỡng lớp màng này.
Điều gì xảy ra khi lớp màng bảo vệ da bị tổn thương?
Các chức năng của lớp màng hydrolipid là giữ ẩm, bảo vệ da khỏi vi khuẩn gây hại và chống lão hóa da từ các gốc tự do.
Khi lớp màng bảo vệ da này bị tổn thương, bạn dễ thấy làn da trở nên sần sùi, mất nước và mau khô. Nó còn khiến làn da dễ bị kích ứng, biến hóa thành da nhạy cảm. Các triệu chứng đi kèm là nổi mụn, chàm eczema, bệnh đỏ mặt rosacea… Thậm chí là ngứa ngáy, bong tróc da và mẩn đỏ.
Vì sao lớp màng hydrolipid bị tổn thương?
Qua năm tháng, lớp màng hydrolipid bị hư hại vì nhiều lý do. Có những nguyên nhân chúng ta khó kiểm soát, như thay đổi thời tiết, ô nhiễm môi trường, và tia cực tím từ ánh mặt trời. Nhưng cũng có nhiều nguyên nhân đến từ thói quen sống của chúng ta. Bao gồm thói quen ăn uống, bệnh tật, cũng như chu trình chăm sóc da.
1. Sử dụng xà bông gây khô da
Để duy trì độ khoẻ mạnh của lớp màng hydrolipid, chúng ta cần giữ độ pH ở mức độ 5.5. Sử dụng các loại xà bông hoặc sữa rửa mặt tính kiềm, có độ sát khuẩn cao, chứa sulfate (đặc biệt là sodium laureth sulfate) sẽ mau chóng làm hư hỏng lớp màng hydrolipid.
Hãy thay thế xà bông rửa mặt với loại kem rửa mặt dịu nhẹ, ví dụ CLÉ DE PEAU BEAUTÉ Cleansing Cream Oil.
2. Lạm dụng việc tẩy tế bào chết
Khi bạn tẩy tế bào chết quá đà, bạn đang loại bỏ các “viên gạch xây tường” tạo nên lớp màng bảo vệ da. Cho dù bạn dùng sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý, hay các loại axít dưỡng da thuộc nhóm AHA/BHA, thì kết quả cũng vậy.
3. Sử dụng liệu pháp dưỡng da quá mạnh bạo
Các dưỡng chất như retinol gây kích ứng da, hoặc các liệu pháp như laser, có thể làm hư tổn lớp màng hydrolipid nếu không được sử dụng điều độ. Những người “ham lời”, lạm dụng chúng, không cho làn da cơ hội để tái tạo lớp sừng ở bên trên, khiến màng bọc bảo vệ da bị hư tổn.
4. Chọn mỹ phẩm dưỡng da chất lượng kém, gây khô da không cần thiết
Các loại mỹ phẩm dưỡng da chứa nhiều hương liệu (fragrance), chất tạo màu hóa học, SLS khiến làn da của bạn dễ bị kích ứng. Đồng thời, chọn quá nhiều các sản phẩm gây khô da, loại bỏ quá đà lượng dầu trên da, khiến da không còn đủ dầu để xây dựng lớp màng bảo vệ da.
>>> Xem thêm: CÁCH ĐỌC THÀNH PHẦN TRONG MỸ PHẨM GIÚP BẠN CHỌN KEM DƯỠNG DA AN TOÀN
5, Không bảo vệ da trước ô nhiễm môi trường và tia UV
Lười không bôi kem chống nắng, không đội nón và đeo khẩu trang khi ra đường? Làn da bạn sẽ chịu hậu quả khó khắc phục về lâu dài.
6. Ăn uống không điều độ
Chế độ ăn thiếu chất béo quan trọng, như Omega 3 và 6, khiến cơ thể bạn không có đủ “nhiên liệu” để sản sinh lipid.
7. Cuộc sống của bạn quá stress
Một chút stress cần thiết để kích hoạt não bộ của chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Nhưng stress kinh niên ảnh hưởng xấu đến toàn bộ các chức năng của cơ thể, trong đó có làn da.
Cách khôi phục và bảo dưỡng lớp màng hydrolipid
Để đảm bảo làn da của bạn luôn khỏe mạnh, bạn cần cung cấp cho lớp mtàng hydrolipid các nguyên liệu cấu tạo nên nó. Đồng thời, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hãy lưu ý sử dụng mỹ phẩm dưỡng da chất lượng tốt để tránh làm hư tổn lớp màng bảo vệ làn da mình.
Một số các nguyên liệu cần thiết để bảo dưỡng lớp màng hydrolipid
Ceramide: Một trong những chất béo chính tạo nên lớp màng lipid.
Axít hyaluronic: Hoạt chất dưỡng ẩm siêu việt.
Urea: Urea có tự nhiên trong mồ hôi, một thành phần giúp tạo nên lớp màng lipid. Hoạt chất này cũng có tác nhân giữ ẩm cho da, đồng thời giúp da hấp thụ dưỡng chất từ mỹ phẩm tốt hơn.
Squalane: Làn da sản xuất dầu squalene tự nhiên. Nhưng với thời gian, lượng squalene sản sinh dưới da giảm dần. Bạn có thể bổ sung bằng dầu squalane, một phiên bản của squalene có tính chất chống ôxy-hóa. Loại dầu dưỡng da này cũng nhẹ và thẩm thấu nhanh, không gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Harper’s Bazaar chọn
Tinh chất dưỡng mắt Ultimune Power Infusing nhận được nhiều lời khen có cánh từ các chị em phụ nữ. Sản phẩm chứa phức hợp Imu Moisture giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây stress.
Tinh chất Prime Advancer Ampoule Serum của O HUI giúp ngăn chặn những dấu hiệu lão hóa sớm. Chiết xuất của sim trắng toàn thảo trong ampoule tạo nên “tấm khiên” protein giữ vững tầng cốt lõi của da.
>>> Xem thêm: VÌ SAO KHÔNG NÊN CHỌN MỸ PHẨM CÓ MÙI HƯƠNG CHO LÀN DA NHẠY CẢM
Harper’s Bazaar Việt Nam