TÌM VỀ AROMATHERAPY, LIỆU PHÁP THƯ GIÃN ĐÃ BỊ KHOA HỌC LÃNG QUÊN

Tìm về một liệu pháp tốt cho sức khỏe một cách tự nhiên đã bị Tây y lãng quên cả trăm năm nay

Khi nhìn thấy một bông hoa hồng, điều đầu tiên bạn làm là gì?

Tôi, chắc chắn tôi sẽ cúi xuống ngửi nó. Và nếu giống hoa hồng này không có mùi, thì tôi cực kỳ hụt hẫng.

Là một người trồng hoa, tôi biết rằng có rất nhiều giống hồng không tỏa hương do cách lai tạo. Nhưng điều này không thể khiến tôi ngừng tìm kiếm đến những loại thơm ngát. Nó như một tiềm thức đã mọc rễ trong tâm trí tôi, cho dù tôi không cố ý.

Vì sao mùi hương hấp dẫn chúng ta?

Tiềm thức này không phải là không có cơ sở khoa học. Qua lịch sử hàng trăm nghìn năm của loài người, chắc chắn đây là một phản ứng đã giúp nhân loại chúng ta phát triển đến bây giờ. Nó phải có một tác động tốt đến cơ thể, đến trí não chúng ta. Chính tiềm thức này đã làm nền tảng cho bộ môn mà chúng ta bây giờ gọi là liệu pháp hương thơm (aromatherapy).

Con người luôn bị hấp dẫn bởi những mùi hương. Mỗi động tác hít thở của chúng ta kích thích đến 10 triệu tế bào trong cơ thể! Khi gặp một người nào đó, trước khi kịp nhìn thấy hay bắt tay chào họ, bạn đã cảm nhận được mùi hương từ cơ thể họ. Không ngoa khi nói thính giác là một trong những giác quan phát triển đầu tiên của loài người.

Cũng vì vậy, mà việc sử dụng hương thơm đã xuất hiện từ những nền văn hóa cổ đại, chứ không phải là một sáng kiến tân thời.

Những ghi chép đầu tiên về sử dụng mùi hương trong làm đẹp được phát hiện tại Ai Cập cổ đại, khoảng 2000 năm trước Công Nguyên. Nữ hoàng Cleopatra được cho là xông gỗ thơm mỗi ngày để có mùi hương quyến rũ. Người Ai Cập cũng sử dụng thảo mộc và tinh dầu khi ướp xác chết, vì họ đã phát hiện ra rằng chúng có khả năng kháng khuẩn, giúp bảo vệ xác ướp tốt hơn.

Một hình vẽ nói lên sự mê hoặc của hương hoa trong văn hóa Ai Cập cổ đại

Người Trung Quốc cổ đại thì tin rằng các vị thảo mộc, ngoài các tác dụng về mặt Đông Y, còn có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trí. Trung Hoa cổ đại được cho là nơi đầu tiên sử dụng mùi hương như liệu pháp làm thư giãn tinh thần. Từ túi hương, tới nhang thơm, và phấn thơm cho da mặt.

Người Hy Lạp cổ đại thừa hưởng phương pháp trị liệu với hương thơm từ nền văn hóa Ai Cập. Hippocrates, người được xem là cha đẻ của Y học phương Tây, tin vào việc điều trị bệnh tật với các phương pháp từ thiên nhiên. Ông có nhiều ghi chép về tác dụng của các loại thảo dược, như bạc hà, hương thảo, oregano, cũng như cách kết hợp chúng vào mát-xa trị liệu.

Tranh sơn dầu “The Roses of Heligabalus” (vẽ bởi họa sỹ Alma-Tadema) mô tả cảnh ăn tiệc tại La Mã cổ đại, nơi giới quý tộc đắm mình trong biển cánh hoa hồng.

Một lịch sử bị khoa học hiện đại lãng quên

Sự phát triển của liệu pháp mùi hương được nâng tầm trong văn hóa Ả Rập. Vào những năm đầu Công Nguyên, một nhà giả kim Ba Tư tên Avicenna đã tìm ra cách chưng cất hương thảo mộc, làm nên loại tinh dầu sơ khởi. Phương pháp xông hơi trở nên thịnh hành tại các nhà tắm công cộng. Thậm chí, người Ả Rập đã trộn lẫn bột saffron và sữa vào thạch cao khi xây dựng các đền thờ, để đảm bảo hương thơm được lưu giữ từ trong những bức tường thánh.

Avicenna, nhà giả kim người Ả Rập được cho là sáng chế ra lọ tinh dầu đầu tiên

Những lọ tinh dầu tinh xảo làm nên tên tuổi của các lái thương Ba Tư được chuyển về đến châu Âu. Chúng được nhiệt liệt hoan nghênh bởi cả dân thường lẫn giới quý tộc. Đây là vì trong thời kỳ Trung Cổ, đạo Công Giáo cấm cản việc…tắm gội, nên ai ai cũng phải dùng dầu thơm để át đi mùi cơ thể.

>>> Xem thêm: CÁCH SỬ DỤNG LIỆU PHÁP MÙI HƯƠNG CHO KHÔNG GIAN SỐNG

Đến thời kỳ Phục Hưng, khoa học Tây phương tập trung nghiên cứu sự hiệu nghiệm của thảo mộc đối với cơ thể. Quyển The Herball như một cuốn bách khoa toàn thư về các loài cây, xuất bản năm 1597; và The English Physician hướng dẫn cách sử dụng tinh dầu để chữa bệnh, xuất bản năm 1652; là một vài minh chứng cho sự quan tâm của giới bác sỹ với liệu pháp thiên nhiên.

Tuy nhiên, sau thế kỷ 17, y khoa tiên tiến được hình thành tại Tây phương. Dù Đông y vẫn tiếp tục sử dụng thảo mộc và các liệu pháp mùi hương để chữa bệnh; thì Tây y đã bắt đầu hướng sang một con đường khác. Một con đường nghiêng về phẫu thuật và hóa chất. Để rồi phương pháp trị liệu với thảo mộc bị lãng quên cho đến thế kỷ 20.

Thế kỷ 20, y học tìm về thiên nhiên

Tôi nhắc nhiều về liệu pháp mùi hương hay aromatherapy. Thực chất, đây là một từ có nguồn gốc khá mới mẻ. Nó chỉ ra đời năm 1937. Và nó được đặt tên bởi một nhà hóa học người Pháp, ông Rene-Maurice Gattefossé. Một hôm, khi đang làm thí nghiệm, ông bị bỏng khá nặng. Trong cơn đau nhức nhối, ông nhúng bàn tay của mình vào chiếc bình đựng chất lỏng gần nhất, hy vọng nước có thể làm dịu cơn đau. Sau đó, ông phát hiện làn da tay mình lành một cách nhanh chóng, lại không để lại sẹo.

Thật thần kỳ!

Hóa ra, chiếc bình này không đựng nước mà đựng tinh dầu lavender tinh khiết.

Từ lúc ấy, Rene-Maurice Gattefossé bắt đầu hào hứng vì các phương pháp trị liệu với tinh dầu. Ông dùng tinh dầu lavender; húng tây; hương thảo; chanh và đinh hương như một chất khử trùng trong phẫu thuật. Gattefossé phát hiện rằng chúng giúp người bệnh mau lành, lại không để lại các tác động phụ như chất khử trùng bấy giờ.

Giới y học phương Tây cũng nhận ra tinh dầu không chỉ có tác dụng ngoài da, mà còn tốt cho tinh thần. Người đi đầu phong trào này là bà Marguerite Maury, một nhà hóa sinh người Áo đi tìm về nguồn cội chống lão hóa. Bà phát hiện rằng việc mát-xa với tinh dầu hàng ngày có thể giúp giữ gìn nhan sắc thanh xuân. Những nghiên cứu của bà kích thích việc áp dụng liệu pháp hương thơm vào mỹ phẩm thịnh hành ngày nay.

Rene-Maurice Gattefossé được mệnh danh là cha đẻ của ngành aromatherapy, liệu pháp mùi hương hiện đại

Rene-Maurice Gattefossé được mệnh danh là cha đẻ của ngành aromatherapy, liệu pháp mùi hương hiện đại

Liệu pháp mùi hương thực sự có hiệu quả hay không?

Nếu đặt câu hỏi này với các nhà khoa học chỉ vài thập kỷ trước, bạn sẽ nhận được chữ số không tròn trĩnh. Họ sẽ bảo bạn rằng đây là hiệu ứng placebo. Có nghĩa rằng, bạn “cảm giác” cơ thể dường như khỏe hơn hay thư thái hơn khi xông hương, vì bạn tự “thôi miên” bản thân suy nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây phủ định thái độ này.

Các nhà khoa học Nhật Bản và Đức, trong nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau, đã chứng minh rằng hương thơm của hoa thực sự có tác động tốt đến cơ thể nhờ linalool. Đây là một họ cồn thiên nhiên có trong mùi hương của lavender, cam hay hoa nhài. Linalool có tính năng an thần mạnh. Như vậy, việc hít thở hương hoa lavender tạo cảm giác thư giãn không khác gì…các loại thuốc an thần, như benzodiazepines hay valium, lại không gây tác động phụ thường thấy khi dùng thuốc (như chóng mặt, hoa mắt).

Trong khi đó, mùi hương cà phê lại được xác định có khả năng giúp chúng ta hưng phấn. Một nghiên cứu từ Mỹ cho thấy: không cần uống một giọt cà phê; chỉ cần ngửi thoáng qua hương cà phê là bạn sẽ có thể tập trung tinh thần cao độ.

Hiện tại, sự am hiểu của chúng ta về cách tác động chính xác của mùi hương lên cơ thể vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, các công nghệ khoa học mới đang dần vén bức màn bí ẩn của mối liên kết này. Bạn chỉ cần biết: chắc chắn liệu pháp mùi hương có hiệu quả, và chúng ta nên tăng cường sử dụng liệu pháp hàng ngày.

Ảnh: Tư liệu
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm