Chúng ta biết rằng việc tập luyện để giảm mỡ cần nhiều thời gian để thực hiện. Nhưng sau khi đã giảm mỡ thành công, thì nhiều người ngay lập tức bị tăng cân trở lại rất nhanh. Lý do vì sao?
Để biết được điều này, chúng ta trước hết phải tìm hiểu cấu trúc của mỡ.
Mỡ, căn bản, là năng lượng dư thừa. Cơ thể ta cần năng lượng để nuôi dưỡng cơ bắp, não bộ, các hoạt động của cơ quan nội tạng. Những gì không sử dụng hết thì được chuyển hóa thành mỡ. Cơ thể sẽ tích trữ mỡ như một “kho thực phẩm mùa đông”, để sử dụng khi bạn đói mà chưa có cơ hội ăn uống ngay.
Khi chúng ta cần đến nguồn năng lượng này, cơ thể bắt đầu chuyển hóa mỡ thừa. Quy trình chuyển hóa năng lượng tạo ra hơi nóng, giúp giữ vững nhiệt độ 37ºC tối ưu để cơ thể ta hoạt động trôi chảy nhất. Đồng thời nó cũng tạo ra hai chất thải – đó là nước và CO2.
Đúng vậy. Khi bạn giảm mỡ thành công, mỡ sẽ được biến đổi thành năng lượng, nước và CO2. Nước được bài tiết qua đường mồ hôi, nước tiểu. Còn CO2 được thải ra qua phổi khi chúng ta hít thở. Chứ mỡ không thực sự “tan chảy” như chúng ta vẫn hay đùa cửa miệng.
Làm sao để giảm mỡ thành công?
Căn bản là bạn phải nạp vào ít calorie hơn lượng calorie bạn sử dụng thực tế. Cơ thể nhận ra rằng chúng ta đang không nạp vào đủ năng lượng cần thiết. Do đó sẽ kích hoạt cơ chế chuyển hóa mỡ thành năng lượng.
Khi cơ thể tiến vào trạng thái đốt cháy mỡ, mỡ sẽ được “nhả ra” từ các tế bào mỡ. Chúng di chuyển dọc theo các mạch máu, tiến vào các ty thể – bào quan tạo ra năng lượng cho cơ thể. Từ đó, mỡ được chuyển hóa thành năng lượng, nước và CO2.
Khi bạn tập luyện và ăn uống điều độ để giảm mỡ, lượng mỡ tích trữ trong cơ thể được tiêu thụ dần, các tế bào mỡ sẽ thu nhỏ lại. Đây là lý do vì sao bạn trông thon gọn hơn. Ngược lại, nếu bạn nạp vào quá nhiều năng lượng dư thừa, các tế bào mỡ sẽ phồng to lên để “kết nạp” nguồn năng lượng dư thừa.
Đây cũng là lý do không có bài tập nào giúp đốt cháy mỡ riêng ở từng vùng trong cơ thể.
Vì cơ thể không có cơ chế kiểm soát chỉ tiêu thụ mỡ thừa tại một vùng nhất định như hông hay đùi. Các bài tập chuyên cho vòng eo, mông hay đùi chỉ có tác dụng luyện cơ bắp tại các vùng ấy.
Để tiêu mỡ hiệu quả, bạn phải tập những bài tập cardio hay HIIT để đốt cháy càng nhiều lượng mỡ thừa càng tốt.
>>> Xem thêm: 3 BÀI TẬP CARDIO TẠI NHÀ CHO BẠN CƠ BỤNG SỐ 11 ĐÁNG MƠ ƯỚC
Vì sao giảm cân rồi thì vẫn dễ tích mỡ trở lại?
Như bạn đã thấy, khi cơ thể tiêu thụ mỡ, thì lượng tế bào mỡ trong cơ thể không giảm đi – nó chỉ xẹp xuống. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn nạp dư năng lượng vào cơ thể, các tế bào mỡ này sẽ lại phồng lên để tiếp nhận lượng năng lượng thừa ấy. Một loạt các nghiên cứu đăng tải trên chuyên san khoa học Obesity Review cho thấy đây là lý do lớn nhất vì sao việc giảm cân, giảm mỡ khá khó khăn để duy trì.
Các nhà khoa học cho rằng, cấu tạo tế bào mỡ của cơ thể con người được hình thành sau hàng trăm nghìn năm tiến hóa.
Ngày nay, công nghệ nông nghiệp tân tiến của thế kỷ 20 mang lại những bữa cơm no đủ, ba lần một ngày cho hàng tỷ người toàn cầu. Nhưng ở thời tiền sử, loài người vốn phải chịu cảnh bữa đói bữa no. Cơ thể con người đã thiết lập những tế bào mỡ nhằm tích trữ năng lượng chống chọi với cảnh đói khát lâu ngày. Vì vậy mà một cách giảm cân thiết thực được các chuyên gia dinh dưỡng đề nghị là chế độ nhịn ăn gián đoạn, mô phỏng tình huống chịu đói để đốt cháy mỡ trong cơ thể.
>>> Xem thêm: GIỚI HẠN LƯỢNG CALORIE NẠP VÀO CƠ THỂ KHI THAY CƠM VỚI MIẾN KONJAC
Trích Healthline
Harper’s Bazaar Việt Nam