Kim cương hình thành hàng trăm ki-lô-mét bên dưới lớp vỏ trái đất dưới sức nóng và áp suất cực lớn. Loại đá quý này được hình thành phần lớn từ nguyên tố carbon. Những viên kim cương càng lẫn vào đó ít tạp chất thì càng tinh khiết, điển hình như kim cương loại IIA.
Phân loại kim cương theo mức độ tinh khiết
Khi mua kim cương, bạn hẳn biết rằng kim cương thường được đánh giá dựa trên tiêu chí 4C (cut, clarity, colour and carat weight), nghĩa là lát cắt, độ trong, màu sắc và trọng lượng carat. Ngoại lệ là kim cương màu fancy, khi giá trị của chúng còn phụ thuộc vào màu sắc chúng sở hữu.
Tuy nhiên, những nhà sưu tầm sành sỏi thường săn lùng những viên kim cương quý hiếm hơn dựa trên phân loại của chúng. Cách phân loại đến từ cấu trúc tinh thể viên kim cương.
Kim cương có cấu trúc tinh thể lập phương có tính đối xứng cao, được cấu thành từ nguyên tử cacbon. Tuy nhiên, lẫn ở giữa là các khoáng chất, tạp chất khác. Tùy thể loại tạp chất và mức độ tinh khiết thì viên tinh thể sẽ được phân loại vào nhóm kim cương loại I và loại II, sau đó phân cấp nhỏ hơn là Ia, Ib, IIa và IIb.
Kim cương loại I – Ia và Ib là gì?
Loại I là loại kim cương phổ biến nhất trong tự nhiên. Những viên kim cương này có lẫn nguyên tử nitơ trong cấu trúc tinh thể.
Loại Ia
Đa số các viên kim cương phổ cập dùng trong trang sức, công nghiệp là kim cương loại Ia. Nguyên tử nitơ được phân bổ đều đặn khắp trong cấu trúc cacbon. Càng nhiều nguyên tử nitơ thì viên kim cương càng ngả vàng.
Loại Ib
Tuy nhiên, nếu hàm lượng nguyên tử nitơ vô cùng nhiều và co cụm trong cấu trúc tinh thể, thay vì tản mát, thì màu vàng sẽ trở nên mãnh liệt. Lúc này, viên tinh thể trở thành kim cương vàng fancy quý hiếm với mức giá cao vượt trội.
Kim cương loại II – IIa và IIb là gì?
Kim cương loại II không chứa nguyên tử nitơ trong cấu trúc hóa học của đá. Vì lẽ đó, kim cương loại II hiếm hơn và cũng cứng hơn loại I.
Loại IIa
Kim cương loại IIa chính là loại kim cương tinh khiết nhất. Toàn bộ tinh thể kim cương loại IIa là 100% carbon, không lẫn bất kỳ tạp chất nào khác. Vì cấu trúc này, kim cương tinh khiết loại IIa dễ dàng đạt đến nước D (cấp độ cao nhất, biểu thị một viên kim cương sáng bóng và trong suốt), hiếm khi có khiếm khuyết, có độ phản chiếu cực kỳ lấp lánh. Những viên tinh thể cao cấp nhất thường được gọi là “kim cương Golconda”, theo mỏ Golconda ở Ấn Độ, bởi đây từng là nguồn cung cấp kim cương tinh khiết loại IIa suốt một thời gian dài.
Những viên kim cương loại IIa được hình thành dưới sức ép cực kỳ lớn của trái đất có thể tiến hóa thành kim cương màu fancy ở nhóm hồng/đỏ/nâu. Mỏ Argyle ở Úc (nay đã đóng cửa) là nơi duy nhất tìm ra kim cương hồng fancy thuộc loại IIa tự nhiên.
Trong khi đó, kim cương loại IIa nhiễm phóng xạ trong lòng đất sẽ được tô điểm với sắc xanh lá cây. Nhẫn đính hôn của Jennifer Lopez chính là một ví dụ điển hình.
Loại IIb
Tương tự như kim cương loại IIa, kim cương loại IIb cũng không chứa nguyên tử nitơ trong cấu trúc. Nhưng chúng lại nhiễm nguyên tố boron. Nguyên tố boron khiến viên đá phản chiếu tông màu xanh lam, tạo ra kim cương fancy màu xanh cũng rất hiếm trong bảng màu kim cương tự nhiên.
Vì sao kim cương loại IIa quý hiếm
Kim cương tự nhiên đạt chuẩn IIa tinh khiết cực kỳ hiếm. Chỉ 1-2% tổng trữ lượng kim cương trên trái đất thuộc cấp độ tinh khiết này. Chúng được kết tinh sâu bên trong lớp vỏ trái đất, ở nhiệt độ và áp suất khắc nghiệt, khiến chúng cực kỳ cứng và thường không màu vì không tiếp cận với các nguyên tử khác.
Vì cấu trúc thuần nguyên tử cacbon, kim cương lại IIa có khả năng dẫn nhiệt tuyệt hảo, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các ứng dụng công nghệ cao, chẳng hạn như trong việc sử dụng các bộ phận quang học hồng ngoại.
Ngoài ứng dụng trong công nghiệp, sự khan hiếm và độ tinh khiết của kim cương IIa càng nâng cao sức hấp dẫn của chúng trên thị trường trang sức. Hơn nữa, kim cương tự nhiên loại IIa có xu hướng hoàn hảo hơn về mặt cấu trúc so với kim cương loại Ia và kim cương tổng hợp. Sự hoàn hảo này cho phép chúng truyền ánh sáng tốt hơn, khiến kim cương IIa rực rỡ và giá trị hơn hẳn các loại kim cương tự nhiên khác.
Kim cương loại IIa có màu gì? Giá trị của kim cương loại IIa
Với độ quý hiếm thì chắc chắn kim cương tự nhiên thuộc loại IIa có mức giá cao tương xứng. Nếu các viên trong suốt không màu đã đắt giá, thì vượt mặt chúng là những viên kim cương màu fancy loại IIa. Cụ thể, đó là kim cương hồng/đỏ/nâu và kim cương xanh lá cây.
Tuy nhiên, bạn lưu ý: Toàn bộ kim cương nhân tạo đều thuộc loại IIa vì môi trường phòng thí nghiệm không lẫn nguyên tử tạp chất. Kim cương tổng hợp chắc chắn sẽ có mức giá vô cùng thấp so với loại tự nhiên. Nếu có ai chào mời bạn mua kim cương loại IIa với mức giá rẻ mạt, chắc chắn nó là sản phẩm nhân tạo. Kim cương và đá quý nhân tạo chỉ phù hợp làm trang sức đeo hàng ngày, không phù hợp để đầu tư, bởi chúng sẽ mất giá theo thời gian khi công nghệ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ngày một được hoàn thiện..
>>> ĐỌC THÊM VỀ KIM CƯƠNG MÀU FANCY: MÀU NÀO QUÝ HIẾM, ĐÁNG ĐẦU TƯ NHẤT?
Một số viên kim cương tự nhiên loại IIa nổi tiếng thế giới
Cullinan là viên kim cương thô lớn nhất thế giới từng được tìm thấy. Sau đó nó được cắt thành nhiều viên đá nhỏ hơn (ảnh trên). Viên đá này cũng là một phần của Vương miện Anh, tượng trưng cho sự cao quý của hoàng gia Anh.
Koh-i-Noor được gắn trên vương miện hoàng gia và từng trải qua nhiều nhà cai trị khác nhau. Viên kim cương này được xem là biểu tượng của sự chinh phục và mưu mô. Hiện Koh-i-Noor đang được trưng bày tại Tháp London ở Luân Đôn, Anh.
Lesedi La Rona được tìm thấy ở mỏ Karowe năm 2015 và là một trong những viên kim cương tự nhiên lớn nhất thế giới. Năm 2017, nhà kim hoàn Graff của nước Anh đã mua lại viên kim cương thô với giá 53 triệu đô-la Mỹ.
Elizabeth Taylor / Krupp Diamond: Viên kim cương này từng được gọi là Krupp Diamond bởi từng trực thuộc gia tộc Krupp ở Đức. Sau đó, nó được Richard Burton mua làm quà cho Elizabeth Taylor ngày 17/5/1968. Nạm nó lên nhẫn, minh tinh huyền thoại gọi nó là món trang sức yêu thích nhất của mình. Từ lúc này, viên kim cương được đổi tên. Sau khi Elizabeth Taylor mất, nó được bán đấu giá và hiện thuộc sở hữu của công ty E-Land tại Hàn Quốc.
Dresden Green Diamond: Viên kim cương xanh lá cây lớn nhất thế giới với kích cỡ lên đến 41 carat, xuất thân từ mỏ Golconda của Ấn Độ. Cứ khi nào nói đến kim cương fancy xanh lá cây thì Dresden Green Diamond lại được nhắc đến.
Pink Legacy Diamond. Viên kim cương hồng nặng 18,96 carat này sở hữu những đặc tính quý hiếm nhất của thiên nhiên kim cương. Vừa là kim cương màu hồng fancy sắc độ vivid pink – sắc độ được săn lùng nhất đối với kim cương màu. Vừa là kim cương thuộc thể loại IIa tinh khiết nhất. Hãng Harry Winston đã chi trả 50,4 triệu đô-la Mỹ để sở hữu Pink Legacy Diamond vào năm 2018.
Vị thế đỉnh cao về chất lượng của loại đá quý này là không thể chối cãi. Việc săn lùng và sở hữu những tinh thể kim cương tự nhiên thuộc loại IIa thể hiện sự sành sỏi của nhà sưu tầm.
Trích dẫn Leibish, American Gem Society
Harper’s Bazaar Việt Nam