Cách định giá kim cương với tiêu chuẩn 4C

Kim cương sở hữu những tính chất cần thiết để xúc tiến kỹ thuật trong nhiều ngành công nghiệp. Nhưng đối với ngành trang sức, tính chất quan trọng nhất là độ cứng và khả năng phản chiếu ánh sáng lung linh

Vòng cổ Coruscant từ BST Sixième Sens par Cartier sử dụng kim cương cắt bằng sáu giác cắt khác nhau: giác con diều, bát giác, giác emerald, tam giác, giác baguette, và giác cắt brilliant, Cartier

Làm sao định giá một viên đá quý? Nó có đáng với giá trị bạn bỏ ra hay không? Đó là câu hỏi nhiều người đề ra khi chọn mua trang sức hay đầu tư vào kim cương.

Riêng đối với kim cương, giá trị của viên ngọc có thể được xác nhận nhờ tiêu chuẩn 4C. Khi mua các trang sức đính kim cương, bạn luôn nên tìm hiểu chính xác các thông số trong tiêu chuẩn 4C.

Vậy bạn đã hiểu cách đọc tiêu chuẩn 4C giúp định giá kim cương*? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.

*Ở đây, tác giả chủ yếu đề cập đến dòng kim cương trong suốt, vì kim cương màu fancy khác biệt đến nỗi chúng cần được đánh giá tách biệt.

Cách đọc tiêu chuẩn 4C trong định giá kim cương

Vòng cổ Akh-Ba-Ka từ BST trang sức cao cấp Beyond the Light, Messika

Có thể bạn chưa biết, nhưng hệ thống 4C đã được sắp xếp theo trình tự từ yếu tố quan trọng nhất đến ít quan trọng bằng khi định giá kim cương. Đó là Color (nước kim cương), Clarity (độ trong), Cut (giác cắt) và Carat (kích cỡ).

Nước kim cương và độ trong là quan trọng nhất, vì cấu trúc của viên đá là yếu tố hình thành bởi mẹ thiên nhiên, không thể can thiệp. Viên đá càng trong và ít tạp chất thì càng quý hiếm. Do đó hai tiêu chí được xếp ở đầu bảng tiêu chuẩn 4C định giá kim cương.

Còn giác cắt và kích cỡ có thể can thiệp bởi bàn tay con người, do đó nằm ở cuối bảng tiêu chuẩn 4C. Hình dáng viên đá quý phải trung hòa giữa ý thích của người mua cùng với dáng cắt cho phép ánh sáng được khuếch tán tối đa. Viên kim cương đắt giá nhất khi cấu trúc ít tạp chất, và nghệ nhân cắt đá quý tìm ra được giác cắt hoàn hảo để tôn lên sự lóng lánh, biến viên đá quý thành một quả cầu ánh sáng.

Dù vậy, khách hàng lại thường có xu hướng lựa chọn viên kim cương dựa trên kích cỡ và hình dáng!

1. Color (nước kim cương)

Nước kim cương không màu được miêu tả qua bảng chữ cái. Cao nhất là nước D, thấp nhất là nước Z.

Vì sao nước kim cương lại dẫn đầu bảng đánh giá 4C? Đó là vì màu kim cương do mẹ thiên nhiên quyết định. Tất nhiên nước kim cương có thể được điều chỉnh cho sáng lên với các công nghệ mới. Tuy nhiên, những viên kim cương có nước sáng tự nhiên, không qua xử lý nhiệt, luôn cao giá nhất và cũng là lựa chọn đầu tư tốt nhất.

2. Clarity (độ sạch)

Những tỳ vết ảnh hưởng đến độ sạch của kim cương có thể bao gồm đường nứt gãy tự nhiên, những khoáng chất bị lẫn vào, hay những bọt bong bóng khí bị kẹt lại trong giai đoạn hình thành.

Những tỳ vết trong suốt hoặc sáng màu nên được ưu tiên hơn là bao thể màu sẫm. Nhiều tỳ vết nhỏ và nhạt màu thì tốt hơn một tỳ vết rõ nét.

Tránh mua những viên kim cương có tỳ vết rõ nét quanh các mặt cắt dưới (pavilion facet), vì vị trí này sẽ khiến chúng trông như bị nhân lên gấp nhiều lần do ảnh hưởng quang học. Tỳ vết cũng là lý do kim cương thường được cắt tròn hơn là cắt kiểu emerald, vì giác cắt tròn khó để lộ những bao thể bên trong viên đá.

Bông tai sử dụng kiểu cắt kim cương lát phẳng để lộ bao thể đen, Manpriya B.

3. Cut (giác cắt)

Nếu như ngân sách không cho phép bạn chọn mua nước kim cương cấp độ cao nhất hoặc trong nhất, thì bạn hay chọn một viên đá được cắt thông minh.

Giác cắt phải giúp viên kim cương trông long lanh nhất có thể, làm phân tán sự tập trung vào nước xấu hay các tỳ vết. Tránh những viên đá có những vùng tối – đó là những khu vực bị tạo ra bởi giác cắt hỏng, khiến ánh sáng không thể được khuếch tán hợp lý.

Khả năng phản chiếu ánh sáng của kim cương đến từ cấu trúc nội tại hình khối lập phương thể dạng bát diện, phô diễn qua giác cắt hoàn hảo. Vì sự sắp xếp của tinh thể carbon ở những góc vuông, ánh sáng được lan tỏa đồng đều từ mọi phương hướng. Nếu được cắt hoàn hảo, viên kim cương không trong vắt, mà sẽ luôn phản chiếu ánh sáng lung linh khi nhìn từ bất kỳ góc độ nào. Còn nếu viên đá trông trong suốt? Hoặc nó bị cắt ẩu, hoặc nó không phải kim cương.

Bên cạnh những giác cắt cổ điển như round brilliant, emerald thì nay còn có nhiều kiểu cắt kim cương lạ mắt, ví dụ kite cut (hình con diều) hay portrait cut. Đối với những hình cắt mới, hãy quan sát sự đối xứng giữa các cạnh.

>>> XEM THÊM: 12 KIỂU DÁNG CẮT ĐÁ QUÝ, KIM CƯƠNG PHỔ THÔNG NGƯỜI PHỤ NỮ NÀO CŨNG CẦN BIẾT

4. Carat (kích cỡ)

Cuối cùng trong bảng tiêu chuẩn 4C là kích cỡ, thể hiện qua cân nặng (carat) thay vì đường kính (milimetres).

Đôi khi viên kim cương giá trị cao nhất lại không có kích cỡ to. Nếu chỉ để duy trì kích cỡ to mà giác cắt của viên đá không phù hợp, thì viên kim cương sẽ không phô diễn được vẻ đẹp nội tại.

Có nên đầu tư vào kim cương tổng hợp?

Như bạn đã thấy trong bảng tiêu chuẩn 4C, nguồn gốc thiên nhiên của viên kim cương là quan trọng nhất trong việc định giá kim cương. Không ngoa khi nói rằng kim cương là loại đá quý gần như hoàn hảo nhất Mẹ thiên nhiên có thể chế tác nên.

Sở dĩ tác giả nhấn mạnh vào hai chữ “tự nhiên” vì một viên kim cương đẹp tự nhiên thì quý hiếm, mà bất cứ vật phẩm nào hễ quý hiếm thì đều giá trị. Do đó đá quý thiên nhiên hoàn hảo là vật phẩm đại diện cho lối sống giàu sang mà thi vị luôn các nhà sưu tầm ao ước.

Lấy ví dụ, một viên kim cương xanh fancy nặng 10 carat có thể trị giá tầm 30 triệu đô-la Mỹ, tương đương khoảng 500 đến 700 kg vàng nguyên chất. Nhưng khác với vàng, viên kim cương xanh ấy có thể được mang theo người một cách dễ dàng, có thể mang lại niềm vui cho người đeo, và cũng biểu lộ cá tính của chủ nhân tốt hơn việc ngồi lên núi vàng!

Bông tai với kim cương dáng quả lê và giác cắt baguette, Shreve & Co.

Quay trở lại với việc định giá kim cương. Nguồn gốc thiên nhiên của một viên đá hoàn hảo là nền tảng quan trọng nhất khiến nó là vật giá trị, tách biệt khỏi những chế phẩm từ phòng thí nghiệm.

Kim cương tổng hợp có thể được chế tạo với số lượng không giới hạn, do đó giá thành ngày càng rẻ đi khi công nghệ trở nên đại trà. Tác giả cho rằng kim cương thiên nhiên sẽ tăng giá khoảng 20% trong vòng 10 năm tới, trong khi viên đá tổng hợp sẽ giảm khoảng 50% giá trị trong cùng kỳ. Điều này đã xảy ra với những loại đá quý được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm khác.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng chọn mua kim cương tổng hợp vì cho rằng nó thân thiện với môi trường hơn, không sử dụng nhân công bị bóc lột, không can hệ vào vấn đề xung đột vũ trang. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nhà sản xuất kim cương tổng hợp bán chế tạo của mình cho các ngành sản xuất vũ khí, hay dùng như nguyên phụ liệu cho quân đội, do đó không thật sự thân thiện như tưởng tượng.

Đừng quên hỏi giấy tờ cho viên kim cương

Nhẫn với viên kim cương 9 carat, giác cắt emerald, Shreve & Co.

Bạn chỉ nên mua kim cương từ đối tác sẵn sàng cấp giấy chứng nhận nguồn gốc, phân loại viên đá từ các viện thẩm định đáng tin cậy. Nên cẩn thận: Có rất nhiều đơn vị hám lợi sẵn sàng cung cấp giấy tờ không đáng tin cậy chỉ nhằm moi tiền người mua. Đáng tin cậy nhất tất nhiên là giấy tờ từ Viện Khoáng học Hoa kỳ (GIA), đặc biệt là cho những viên kim cương hơn một carat. Các lựa chọn khác có thể kể đến Hiệp hội Đá quý Hoa Kỳ (AGS), Khoa học Đá quý Quốc tế (GSI), Viện Ngọc học Quốc tế (IGI). Nếu người bán từ chối không cấp giấy tờ về viên kim cương cho bạn, hãy ngã giá thật thấp để tránh bị lừa.

Những ai có con mắt siêu phàm và kính lúp sẵn sàng có thể kiểm chứng để đảm bảo giấy chứng nhận không phải giả. Trên giấy phải có ghi chú về các địa điểm bị tỳ vết; bạn dùng kính lúp để kiểm tra sơ bộ.

Ngược lại, bạn cũng không nên quá tin vào các loại giấy tờ. Không nên bao giờ mua kim cương chỉ dựa trên giấy tờ mà không kiểm chứng viên đá thật. Có quá nhiều rủi ro mà tác giả không thể liệt kê trọn vẹn trong bài viết này.

Hoa tai với kim cương dáng quả lê, Shreve & Co.

Cuối cùng, tác giả một lần nữa nhấn mạnh rằng kim cương nhân tạo có độ quý hiếm không khác gì mặt sapphire đồng hồ (cũng là một tinh thể tổng hợp). Do đó, bạn phải rất cẩn thận không mua nhầm kim cương tổng hợp trá hình dưới nhãn mác kim cương tự nhiên. May mắn thay, công nghệ tiên tiến nay đã cho phép phân biệt giữa hai loại cụ thể.

VỀ TÁC GIẢ, CHUYÊN GIA ROLAND SCHLUESSEL

Roland Schluessel sinh ra ở Thụy Sĩ và trải qua một phần thời thơ ấu ở Milan, Ý. Sau khi tốt nghiệp các trường Kinh doanh, Quản lý và Tiếp thị ở Thụy Sĩ, ông theo học ngành đá quý ở Đức và London, Anh.

Tại Anh, ông nhận giải thưởng Rayner năm 1985. Trong nhiều chuyến đi đến các trung tâm và địa điểm khai thác đá quý ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á, Roland đã chụp được hơn 200.000 bức ảnh về quá trình khai thác đá quý và các quá trình địa chất như núi lửa phun trào. Các bài thuyết trình của ông về đá quý đã được đánh giá cao ở nhiều nước trên thế giới.

Roland cũng là tác giả của một cuốn sách về hồng ngọc và ngọc bích từ Myanmar. Cùng với vợ là Nata, họ sở hữu công ty bán buôn đá quý Pillar & Stone International, chuyên về đá quý màu và ngọc bích. Roland Schluessel hiện cư trú tại San Francisco.

Vòng cổ với kim cương dáng quả lê, giác cắt baguette, Shreve & Co

ĐỊA CHỈ MUA SẮM: SHREVE & CO

Thành lập vào năm 1852, Shreve & Co. là nhà bán lẻ trang sức lâu đời nhất bang California, Mỹ. Công ty có cửa hàng tại trung tâm San Francisco và Trung tâm mua sắm Stanford tại Palo Alto.

Với tư cách là giám tuyển cho các mặt hàng xa xỉ, Shreve & Co. mang đến những trải nghiệm mua sắm đặc biệt, tạo cơ hội cho quan khách khám phá. Mỗi tuyệt tác trang sức, đồng hồ tại Shreve & Co. đều là hiện thân của nghệ thuật chế tác thủ công đỉnh cao – làm nên vẻ ngoài khác biệt, mới mẻ cho những ai yêu thích các vật phẩm tuyệt đẹp.

Shreve & Co. tự hào là nhà phân phối của nhiều thương hiệu lừng lẫy như Panerai, Tudor, IWC, Vacheron Constantin, Hearts on Fire, Harry Kotlar, Mikimoto và nhiều tên tuổi khác.

Để khám phá thêm về Shreve & Co, bạn có thể truy cập website shreve.com hoặc liên hệ địa chỉ e-mail info@Shreve.com.

>>> XEM THÊM: LƯU Ý GÌ TRƯỚC KHI CHỌN MUA NHẪN SOLITAIRE?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam