Khi con người mới tìm ra kim cương cách đây 3000 năm, dù không có kỹ thuật mài đá thô, họ vẫn biết rằng những viên ngọc này đặc biệt. Vì vậy mà có rất nhiều truyền kỳ xoay quanh kim cương. Nhiều viên kim cương độc đáo cũng được truyền miệng là sở hữu ma thuật, khả năng xoay đổi vận may, v.v.
Trong số những viên kim cương nổi tiếng trong lịch sử, viên kim cương Hy vọng (Hope Diamond) là viên kim cương xanh đặc biệt nhất. Được đặt tên là Hy vọng nhưng nó cũng mang theo những lời nguyền về sự bất hạnh và đau khổ.
Tìm ra viên kim cương xanh đắt giá nhất thế giới
Lịch sử của viên kim cương bắt đầu từ năm 1666. Một thương nhân người Pháp, Jean-Baptiste Tavernier, đã mua được một viên kim cương nặng 112 carat. Khả năng cao là nó đến từ mỏ Kollur, Ấn Độ. Viên ngọc được cắt thô sơ, nhưng sở hữu màu xanh tím tuyệt đẹp khiến người ta phải để ý.
Hai năm sau, Tavernier bán lại viên kim cương xanh cho vua Louis XIV của Pháp. Năm 1673, vua Louis XIV cho cắt lại viên kim cương. Dưới bàn tay của nghệ nhân hoàng gia Sieur Pitau, viên kim cương xanh được mài dũa cho lấp lánh, với trọng lượng 67 1/8 carat. Nó được bọc bởi vàng nguyên chất và đeo như mặt dây chuyền để vua Louis XIV có thể sử dụng trong những dịp lễ lạc quan trọng. Từ đó, nó được đặt tên là “Kim cương xanh nước Pháp” (French Blue).
Viên kim cương của hy vọng… hay tuyệt vọng
Như nhiều viên kim cương nổi tiếng khác trong lịch sử, viên kim cương xanh này dường như cũng mang lại những thảm cảnh cho chủ sở hữu nó.
Sau khi Louis XIV mất, viên kim cương được truyền lại cho vua Louis XV (chắt của Louis XIV), rồi đến Louis XVI (cháu của Louis XV). Ngoại trừ con trai đầu sống đến 50 tuổi, tất cả những người con của Louis XIV đều chết yểu từ nhỏ. Louis XV thì chết vì đậu mùa cùng ba con nhỏ. Louis XVI cùng vợ là hoàng hậu Marie Antoinette bị xử tử chém đầu.
Trong cuộc cách mạng Pháp năm 1791, kho báu hoàng gia bị đánh cướp suốt một tuần lễ liền. Viên kim cương xanh bị mất cắp trong giai đoạn loạn lạc này. Năm 1812, một viên kim cương xanh tái xuất ở London, thuộc sở hữu của thương gia Daniel Eliason. Người ta cho rằng đây chính là viên kim cương xanh của hoàng gia Pháp. Khi nó xuất hiện ở Anh, vua George IV đã ngay lập tức mua nó để đưa vào kho báu hoàng gia. Tuy nhiên, vị vua này đam mê cuộc sống xa hoa, bị nợ nần chồng chất. Năm ông qua đời (1830), viên kim cương xanh bị âm thầm bán đi để trả nợ cho lối sống đắt đỏ của ông.
Người mua lại nó lúc này là Henry Philip Hope – dù không có giấy tờ cho thấy ông đã mua nó bằng cách nào hay chi trả số tiền bao nhiêu. Tên gọi Hy Vọng của nó bắt nguồn từ họ của ông (Hope). Người ta cho rằng gia tộc Hope đã phá sản vì lời nguyền của viên kim cương.
Sau gia tộc Hope, viên kim cương qua tay nhiều chủ nhân giàu có trước khi thuộc về Pierre Cartier của gia tộc kim hoàn nức danh Cartier. Pierre Cartier bán viên kim cương Hy vọng cho phu nhân Evalyn Walsh McLean. Gia tộc McLean hứng chịu nhiều bất hạnh từ khi sở hữu viên kim cương này. Con trai đầu lòng qua đời trong tai nạn xe hơi. Con gái mất ở tuổi 25. Về phần chồng bà, ông Edward mắc bệnh tâm thần và qua đời ở nhà thương điên.
Hóa giải lời nguyền của viên kim cương Hy vọng
Sau khi bà Evalyn Walsh McLean mất năm 1947, Harry Winston đã mua lại toàn bộ trang sức của bà. Trong số đó có những viên kim cương như Star of the East nặng 94.8 carat, Star of the South nặng 15 carat, kim cương McLean nặng 31 carat, và viên kim cương Hy vọng.
Tuy nhiên, Harry Winston lại không tiếp tục bán đi viên kim cương xanh này. Suốt mười năm sau, ông cho trưng bày viên kim cương ở các viện bảo tàng và sự kiện từ thiện khắp Bắc Mỹ. Vào ngày 10/11/1958, ông tặng viên kim cương Hy vọng cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Hoa Kỳ của Viện Smithsonian. Người ta cho rằng đây là cách ông đã hóa giải lời nguyền của viên kim cương Hy vọng.
Vì sao Hy vọng là viên kim cương xanh nổi tiếng nhất?
Sau khi được mài dũa lại, viên kim cương Hy vọng ngày nay nặng 45.52 carat. Chính xác thì nó được liệt kê là một viên kim cương fancy dark xanh xám (grayish blue). Vì vậy, người ta không rõ vì sao khi mới được phát hiện, nó lại được miêu tả là xanh tím.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác từ viện Smithsonian cho thấy, nếu được tắm trong ánh sáng tia cực tím trong thời gian nhất định, viên kim cương Hy vọng sẽ phát lân quang màu đỏ trong vài giây. Qua kính hiển vi, màu xanh của viên đá hé lộ chút sắc tím không thể thấy được bằng mắt thường. Có lẽ, lúc chưa được cắt giũa lại thì màu tím này thể hiện rõ rệt hơn.
Vì cả màu sắc đặc biệt lẫn kích cỡ to lớn, viên kim cương Hy vọng được mệnh danh là viên kim cương xanh đắt giá nhất toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Mức giá ước lượng khoảng 400 triệu đô-la Mỹ.
KIM CƯƠNG MÀU FANCY LÀ GÌ? NHỮNG CÁCH PHÂN LOẠI KIM CƯƠNG MÀU
VÌ SAO KIM CƯƠNG QUÝ GIÁ? TẤT CẢ LÀ NHỜ CHIẾN DỊCH QUẢNG CÁO CỦA DE BEERS
Trích Natural Diamonds, bảo tàng Smithsonian
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam