Kim cương De Beers đẩy mạnh kinh doanh thương hiệu trang sức riêng khi bị công ty mẹ ruồng bỏ

Trước nguy cơ bị công ty mẹ ruồng bỏ, hãng kim cương De Beers đẩy mạnh kinh doanh thương hiệu trang sức riêng gọi là De Beers Jewellers

Ảnh: De Beers

Thương hiệu đứng đằng sau những màn quảng cáo kim cương nổi tiếng nhất hành tinh đang đối mặt với một tương lai vô cùng bấp bênh.

Từng là thương hiệu kim cương lớn nhất thế giới, De Beers đang mất đi ánh hào quang khi nhu cầu mua kim cương sụt giảm hậu đại dịch, một phần vì lạm phát, phần khác vì kim cương tổng hợp đang dần được ưa chuộng.

Bên cạnh đó, De Beers cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ khi bị chính công ty mẹ ruồng bỏ. Công ty mẹ của De Beers – tập đoàn Anglo American chuyên lĩnh vực khai thác mỏ – đang muốn bán đi thương hiệu này.

Đứng trước hiểm nguy, kế hoạch của De Beers là gì? Đó là tự trở thành một thương hiệu kim hoàn và trang sức riêng, thay vì chỉ cung cấp kim cương cho các đối tác thứ ba như trước.

Kim cương De Beers từng là niềm đam mê của mọi cô gái

Nhẫn kim cương Adonis Rose của thương hiệu De Beers Jewellers. Ảnh: De Beers

Thương hiệu De Beers là một trường hợp đặc biệt của ngành kim hoàn, vì là một thương hiệu bán công. 85% được sở hữu bởi tập đoàn khai thác mỏ đa quốc gia Anglo American plc, 15% thuộc sở hữu của chính phủ Botswana. Sau khi được thành lập vào năm 1888 bởi doanh nhân Cecil Rhodes, De Beers đạt được thành công chói lọi khi được bán cho Anglo American.

Dưới sự quản lý của tập đoàn Anglo American, De Beers đã tạo ra chiến dịch quảng cáo “A Diamond is Forever” (tạm dịch: Chỉ có kim cương là vĩnh viễn). Chiến dịch quảng cáo này đã nâng tầm vị thế của nhẫn kim cương trên toàn cầu, giúp tăng cường tiêu thụ trang sức kim cương trong thế kỷ 20.

>>> CHI TIẾT: VÌ SAO KIM CƯƠNG QUÝ GIÁ? TẤT CẢ LÀ NHỜ CHIẾN DỊCH QUẢNG CÁO CỦA DE BEERS

Kim cương thiên nhiên bị cạnh tranh trong thế kỷ 21

Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, công nghệ tiên tiến cho phép tạo ra các loại kim cương tổng hợp/nhân tạo chất lượng vô cùng tốt, thậm chí có nhiều màu sắc độc đáo như fancy hồng và fancy xanh. Thế giới còn tạo ra cả moissanite, một loại đá màu có độ cứng và ánh lửa không kém kim cương, lại có nhiều màu sắc đa dạng hơn kim cương truyền thống.

Ngành kim cương tự nhiên bắt đầu gặp khó khăn khi nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua kim cương nhân tạo. Một phần vì giá thành kim cương nhân tạo rẻ hơn, dù chất lượng vẫn tương đương. Một bộ phận khách hàng lại chọn kim cương tổng hợp vì không ủng hộ “kim cương máu”, đến từ quặng mỏ bóc lột sức lao động của trẻ em và người nghèo.

>>> TÌM HIỂU: ĐÁ MOISSANITE MÀU FANCY, LỰA CHỌN GIÁ MỀM THAY THẾ KIM CƯƠNG MÀU

Ảnh: Kim cương nhân tạo của Lightbox từ thương hiệu De Beers

Cá nhân De Beers cũng tìm cách thâm nhập vào thị trường kim cương nhân tạo bằng cách tung ra thương hiệu Lightbox. Quyết định năm 2018 của De Beers đã gây sửng sốt ngành kim hoàn bởi không ai ngờ thương hiệu luôn đề cao sự quý giá của kim cương tự nhiên lại có thể đối đầu với chính tôn chỉ của mình.

Hệ quả của việc thiếu suy xét này là De Beers đã tự tước đoạt doanh thu của chính mình, khi doanh thu từ dòng kim cương tổng hợp chiếm mất thị phần của kim cương tự nhiên.

Công nghệ kim cương tổng hợp cho phép tạo ra những viên đá hoàn mỹ với lượng cung vô tận, do đó giá thành cũng phải cạnh tranh. Dù có bán ra số lượng lớn thì doanh thu và biên lợi nhuận của sản vật vẫn thấp hơn kỳ vọng. Mới đầu năm nay, De Beers đã phải giảm giá bán kim cương nhân tạo của mình, từ 800 đô-la Mỹ xuống còn 500 đô-la Mỹ cho một carat. Đồng thời, hãng cũng phải giảm giá bán kim cương thiên nhiên 10% để củng cố sức mua.

Kết quả là vào năm 2023, De Beers có doanh thu thường niên thấp nhất từ 2001 đến nay, khoảng 4,3 tỉ đô-la Mỹ và giảm 35% so với cùng kỳ năm trước (theo Statista thống kê).

De Beers vẫn vững tin vào kim cương thiên nhiên

Dòng trang sức hàng hiệu (fine jewelry) De Beers RVL. Ảnh: De Beers

Tất cả những yếu tố trên khiến việc kinh doanh của De Beers bị ảnh hưởng. Trước tình trạng này, tập đoàn mẹ Anglo American mong muốn bán đứt thương hiệu cho một bên thứ ba, để họ có thể tập trung khai thác các loại quặng mỏ có giá trị hơn.

Chưa rõ ai sẽ quan tâm đến việc mua lại De Beers. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng ban quản lý cấp cao muốn tự tìm chỗ đứng và tự lên sàn chứng khoán dưới thương hiệu De Beers riêng lẻ (spin off). Đồng thời, thương hiệu sẽ củng cố lĩnh vực bán lẻ trang sức thay vì phụ thuộc vào việc chỉ cung cấp kim cương thô và cắt.

“De Beers có lịch sử trải dài 136 năm, và suốt 124 năm thì chúng tôi không phụ thuộc vào Anglo America. Sự kết hợp của đôi bên nhằm hỗ trợ lẫn nhau, và nếu tách ra bây giờ sẽ cho phép cả hai mảng kinh doanh được linh hoạt hơn”, trích lời đại diện của De Beers trong phỏng vấn cùng tờ Fortune.

Pat Dambe, phó chủ tịch mở rộng thị trường của De Beers, tại phòng lab của thương hiệu ở Botswana, nơi kim cương De Beers được khai thác. Ảnh: Molly SJ Lowe / Natural Diamond Council / De Beeers

Song song với việc ra mắt thương hiệu trang sức riêng, De Beers sẽ quay trở lại với tôn chỉ là tôn vinh kim cương thiên nhiên. Hãng sẽ ngừng tuyên truyền cho kim cương tổng hợp trong ngành kim hoàn.

Thương hiệu trang sức Lightbox sẽ tập trung bán nốt hàng tồn kho, còn Element Six – xưởng sản xuất – sẽ tập trung vào chế tác kim cương nhân tạo cho nguồn công nghiệp nặng thay vì mặt hàng kim hoàn. Trong khi đó, các viên kim cương thiên nhiên của De Beers sẽ được tích hợp công nghệ blockchain để có thể truy lùng nguồn gốc sản phẩm và giúp người tiêu dùng phân biệt giữa kim cương tự nhiên và tổng hợp.

“Trong một thời đại mà đầy rẫy sự lừa dối, nơi có trí tuệ nhân tạo, có deep fakes, thì người tiêu dùng muốn sự chân thực. Một viên kim cương thiên nhiên chính là biểu tượng của sự chân thực này. Nó được tạo ra cách đây hàng tỷ năm. Số lượng của chúng ngày càng ít đi. Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để quay lại và kể câu chuyện đó”, trích lời Al Cook, CEO của De Beers.

TIN TRANG SỨC MỚI:

Trích dẫn CNBC, Fortune
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm