Đá moissanite là gì, vì sao được dùng thay thế kim cương trong nhẫn cưới?

Nếu đang đi tìm một chiếc nhẫn cưới hoặc nhẫn đính hôn lấp lánh, nên biết rằng bạn có nhiều lựa chọn hơn chỉ kim cương

Viên đá to lấp lánh này không phải là kim cương, mà là đá moissanite. Vậy đá moissanite là gì? Ảnh: Princess Bride Jewelry

Gần đây, có một viên đá quý đang làm chao đảo địa vị của kim cương trong thị trường nhẫn cưới và nhẫn đính hôn. Nó có độ lấp lánh tương tự, thậm chí còn sáng lóa hơn. Màu sắc và độ cứng, độ bền cũng tương tự. Mà giá thành lại cực kỳ rẻ khi so với kim cương. Mời các bạn cùng khám phá “viên kim cương giả mạo” moissanite. Vậy đá quý moissanite là gì?

Đá moissanite là gì? Nguồn gốc từ đâu?

Viên đá này bắt nguồn từ…một vì sao. Nói chính xác, đá moissanite không phải là một loại đá quý hình thành tự nhiên trên Trái đất.

Năm 1893, nhà khoa học Henri Moissan người Pháp nghiên cứu các mảnh vỡ thiên thạch đến từ Arizona, Mỹ. Ông thấy trong thiên thạch có nhiều mảnh vụn sáng lấp lánh. Ban đầu, ông tưởng rằng tảng thiên thạch này có kim cương. Nhưng khi tìm hiểu bằng máy móc, thì phát hiện ra rằng nó có cấu trúc hoàn toàn khác biệt với kim cương.

Viên đá này được hình thành từ khoáng chất silicon carbide. Trong khi đó, kim cương lại được cấu tạo từ carbon. Vì là một viên đá hoàn toàn mới, nó đã được đặt tên theo họ của nhà khoa học này: Moissanite.

So sánh đá quý moissanite và kim cương: Chúng giống và khác nhau ra sao?

 

View this post on Instagram

 

A post shared by Alexander Sparks (@alexander.sparks) on

Câu chuyện về nguồn gốc của đá moissanite có thể khiến bạn tò mò: Nếu viên đá này không hình thành trên trái đất, làm sao nó có thể được dùng làm nhẫn cưới?

Câu trả lời chính là đá nhân tạo. Silicon carbide là một loại khoáng chất tự nhiên trên Trái đất, chỉ là không hình thành tinh thể moissanite như trên thiên thạch. Nhưng tinh thể silicon carbide có thể được tái tạo trong các phòng lab.

Năm 1998, công ty Charles & Colvard lần đầu tiên giới thiệu đá moissanite trên thị trường kim hoàn. Những viên đá của họ sáng lấp lánh không khác gì kim cương. Đây là thành quả sau hàng nhiều năm nghiên cứu của họ. Nhưng, vì là đá tổng hợp nên giá thành của nó cực rẻ khi so với kim cương. Vì vậy, nó ngay lập tức được ưa chuộng bởi những người đang đi tìm một chiếc nhẫn cưới hoặc nhẫn đính hôn giá hợp lý, nhưng có độ long lanh không kém gì kim cương thật.

Đá quý moissanite là gì? Ngày nay nhẫn đính hôn và nhẫn cưới nạm đá quý moissanite trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết. Kristin Coffin Jewelry.

Vậy, đá moissanite giống và khác với kim cương đến mức độ nào?

Độ cứng: Moissanite gần tương đương kim cương

Kim cương được xem là có độ cứng tuyệt đối, với mức độ 10 trên thang điểm Moh. Moissanite thì có độ cứng là 9,25, cứng hơn khi so với sapphire và ruby. Vì vậy, viên đá này vô cùng phù hợp để làm nữ trang. Nó sẽ khó trầy xước từ các va chạm trong hoạt động hàng ngày.

Độ lấp lánh: Moissanite có chỉ số khúc xạ cao hơn kim cương

Đá moissanite có chỉ số khúc xạ cao hơn hẳn so với kim cương. Điều này có nghĩa rằng nó lấp lánh còn hơn cả kim cương dưới ánh nắng mặt trời. Chiếc nhẫn moissanite sẽ không đục mờ như các loại “kim cương giả”, ví dụ cubic zirconia, topaz trong suốt hay thậm chí là sapphire trong.

Tuy nhiên, điểm yếu là ở điều kiện ánh nắng yếu (dưới bóng râm, trong nhà) thì moissanite trông không giống kim cương lắm do thiếu đi chiều sâu trong viên đá.

Được làm trong phòng thí nghiệm, nên moissanite có thể sở hữu nhiều gam màu hơn chỉ là trắng tinh khiết. Ảnh: Giga Jewelry

Màu sắc: Có thể mô phỏng kim cương màu fancy

Màu sắc là một yếu tố quan trọng trong chỉ số 4C của kim cương (color, clarity, cut, carat). Đây cũng là điểm yếu duy nhất của đá moissanite. Trong khi kim cương hoàn toàn trong suốt, moissanite có ngả màu nhất định. Viên moissanite càng to thì màu càng rõ. Tuy nhiên, moissanite cũng có thể được chế tác với nhiều gam màu khác nhau. Nó có thể được chế tác để mô phỏng kim cương vàng hoặc hồng.

Giá cả: Chỉ bằng một phần so với kim cương

Do được sản xuất trong phòng thí nghiệm, mức giá của moissanite cũng rất mềm khi so sánh với kim cương. Moissanite cũng được xét duyệt dựa trên bảng định giá 4C như kim cương. Tất nhiên thì viên đá càng to, và càng trong suốt, thì sẽ càng cao giá.

So sánh giữa kim cương thiên nhiên, kim cương nhân tạo và đá quý moissanite ở nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau

Kim cương (giữa) so sánh với moissanite hai bên

Từ trái sang: Kim cương thiên nhiên, moissanite và kim cương tổng hợp

Vì sao trang sức nạm đá quý moissanite trở thành xu hướng?

Lý do chính là vì đá moissanite được chế tác hoàn toàn trong phòng thí nghiệm.

Nhiều người e ngại kim cương vì những tác hại môi trường và xã hội nó gây ra. Chẳng vì vậy mà có cả một bộ phim, Kim cương máu (Blood Diamond) do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai chính, nói về những vấn nạn xã hội như nạn bóc lột lao động nghèo và lao động trẻ em, lạm dụng quyền hành và tham nhũng chính quyền tại các quốc gia sở hữu mỏ kim cương.

Trong khi đó, vì được chế tác trong phòng thí nghiệm nên đá moissanite không mang những khía cạnh xã hội tiêu cực. Đồng thời, nó không hao tốn tài nguyên thiên nhiên để khai thác như kim cương. Vì vậy mà moissanite hấp dẫn những người theo đuổi cuộc sống xanh, muốn giảm thiểu gánh nặng xã hội của những sản phẩm mình mua và sở hữu.

Tất nhiên, bạn cũng có thể chọn mua kim cương tổng hợp nếu không thích việc moissanite trông bị nhoè màu trong bóng râm. Tuy nhiên thì kim cương nhân tạo vẫn có giá thành cao hơn moissanite.

>>> XEM THÊM: KIM CƯƠNG TỔNG HỢP, XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TRANG SỨC

Những lưu ý cần biết trước khi mua trang sức moissanite là gì?

 

View this post on Instagram

 

A post shared by KELLY JAY JEWELLERY | Africa ? (@kellyjayjewellery) on

Tóm tắt thì moissanite hội tụ tất cả những ưu điểm của kim cương: yếu tố lấp lánh, độ cứng rắn khó trầy xước. Vì được làm trong phòng thí nghiệm, giá cả hợp lý, dễ sở hữu viên đá to bản, không tì vết. Lại phù hợp với nhu cầu sống xanh. Chẳng vì vậy mà nó đang dần trở thành một viên đá được ưa chuộng cho trang sức nói chung và nhẫn cưới nói riêng.

Tuy nhiên, hãy biết rằng do moissanite là đá nhân tạo nên giá trị đầu tư của nó hầu như bằng không. Nhà giám tuyển đá quý Roland Schluessel, một cộng sự lâu năm của Harper’s Bazaar cho biết: Có thể phán đoán sự sụt giảm giá trị của đá moissanite khi so sánh nó với cubic zirconia (một loại đá quý nhân tạo phổ biến).

Thời ban đầu khi cubic zirconia được chế tác nên, nó là thứ gì đó hấp dẫn và mới lạ. Một carat cubic thời mới được chế tác thành công trong phòng thí nghiệm, vào thập niên 1980, lên đến cả trăm đô-la Mỹ. Bây giờ thì giá trị chỉ còn 1/5, chưa đầy 20 đô-la Mỹ. Lý do vì công nghệ ngày càng phổ biến.

Do đó, nếu bạn là người hậu đậu và có khả năng cao sẽ đánh mất chiếc nhẫn của mình, đá quý moissanite là dành cho bạn. Lỡ có làm rơi chiếc nhẫn thì cũng không quá tiếc. Còn nếu bạn muốn mua một món trang sức để đầu tư lâu dài thì nên bỏ qua viên đá tổng hợp này.

>>> XEM THÊM: NÊN CHỌN NHẪN CƯỚI BẰNG VÀNG, VÀNG TRẮNG HAY VÀNG HỒNG?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm