Những bộ phim, tiểu thuyết kinh dị luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang vì nó là công cụ mạnh mẽ để thể hiện những phần tối tăm trong tâm trí, dồn nén từ những đau khổ, bất công mà ta cảm nhận. Sự kinh hãi trong phim kinh dị được truyền tải trong các bộ sưu tập không chỉ qua quần áo mà còn không gian và cách trình bày, đưa ta vào một thế giới của sự ma quái và bóng tối.
McQueen Thu Đông 1999 – The Shining
Bộ sưu tập của Alexander McQueen được đặt tên dựa trên khách sạn Overlook trong phim kinh dị The Shining (1980). Toàn bộ không gian được phủ đầy tuyết, đá và những cành bạch dương, sau đó được bao bọc bởi một chiếc lồng kính. Bên trong quả cầu tuyết này, bộ sưu tập bắt đầu với những chiếc áo len dệt kim chunky, áo khoác lông cừu ấm áp phong cách Victorian.
Một loạt vũ công mặc toàn bộ váy trắng với váy tutu làm bằng ren và lông vũ đột nhiên xuất hiện, thể hiện một tiết mục trượt băng trên nền nhạc của phim The Shining. Bộ sưu tập tiếp tục trong cơn bão tuyết, với tiếng sói hú và gió thổi cuồn cuộn. Lông mày của tất cả người mẫu được sơn màu trắng để trông như đã đi một mình dưới trời tuyết như hình ảnh của nam chính ở cảnh cuối của phim, đóng băng trong trời tuyết lạnh giá.
The Shining là bộ phim kinh dị – tâm lý, dựa trên tiểu thuyết của Stephen King. Nội dung kể về một gia đình chuyển đến một khách sạn biệt lập giữa mùa đông lạnh giá. Tại đây, người cha dần bị ám ảnh bởi những hồn ma trong khách sạn và dần phát điên đến mức muốn thủ tiêu vợ và con mình. |
Calvin Klein Xuân Hè 2018 – Rosemary’s Baby, Carrie và The Shining
The Shining cũng là một trong những bộ phim kinh dị được Raf Simon nhắc tới trong bộ sưu tập thời trnag thứ hai hợp tác với Calvin Klein. Lấy cảm hứng từ sự đối lập giữa sự lộng lẫy của giấc mơ Mỹ và những mặt tối của chúng. Raf Simon sử dụng những bộ phim kinh dị kinh điển Hollywood để xây dựng mô tuýp những nhân vật rất Mỹ như cao bồi, cheerleader, bồi bàn ở những quán ăn kiểu Mỹ và tắm họ trong máu như Carrie (1979).
Bộ sưu tập trình làng những phong cách cổ điển thập niên 50 ở miền viễn chinh nhưng được tái hiện bằng chất liệu nylon chống nước và da thủ công loang màu. Những chiếc váy xoè, váy ngủ dài mà mẹ bầu Rosemary hay mặc trong Rosemary’s Baby (1968) trông như những chiếc túi đựng xác chết. Áo khoác da kiểu cao bồi được kết hợp với áo sơ mi cao bồi in hình tang chứng và vật chứng, phối với quần kiểu làm từ vài satin nhiều màu. Bộ sưu tập mix match cùng cùng giày cao bồi mũi kim loại, túi đan tua rua hay găng tay cao su để không để lại bất cứ dấu vết nào sau khi gây án.
Thom Browne Xuân 2019 – 13th Friday
Bộ sưu tập thời trang này lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị 13th Friday (1980) và đặc biệt tái hiện hình tượng của kẻ phản diện Jason Voorhees. Với chiếc mặt nạ hockey đặc trưng và một cây rìu sắc lẹm, hắn ta đã trở thành kẻ săn đuổi không ngừng nghỉ, tàn sát bất cứ ai dám đặt chân đến trại hè Crystal Lake vào những ngày thứ Sáu ngày 13.
Thom Browne khéo léo lồng ghép các yếu tố kinh dị của bộ phim vào những bộ trang phục và không gian sàn diễn thời trang với những chi tiết sọc xanh, trắng và đỏ quen thuộc. Người mẫu bước ra từ những túp lều xung quanh là những cứu hộ viên ngồi trên ghế đeo mặt nạ để liên tục quan sát các con mồi bước vào trại hè Crystal Lake.
Bộ sưu tập mang đến sự đối lập giữa một mùa hè thư giãn – với bikini, nón chống nắng, được bao quanh bởi vỏ sò, sao biển, kem ốc quế – và sự kinh dị của đêm kinh hoàng – thể hiện qua mặt nạ sát nhân, những người mẫu bị trói chặt trong tơ lụa và tuyn rách rưới, như thể bị cuốn vào bờ trong những chiếc lưới đánh cá.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
NHỮNG MẪU THIẾT KẾ GÂY SỐC NHẤT CỦA NHÀ THIẾT KẾ ALEXANDER MCQUEEN
ÂM HƯỞNG CỦA VINCENT VAN GOGH TRONG THỜI TRANG
ĐIỆN ẢNH, MỐI TÌNH ĐẦU VÀ DI SẢN BỀN VỮNG CỦA GIORGIO ARMANI
Harper’s Bazaar Việt Nam