Tạp chất trong đá quý ảnh hưởng đến giá trị viên đá như thế nào?

Người ta luôn đề cao những viên đá quý trong suốt không tạp chất, nhưng tạp chất trong đá quý có thể mang lại những hiệu ứng bất ngờ

Hiểu về tạp chất trong đá quý và những ảnh hưởng đến giá trị viên đá

Đồng hồ có nắp bằng thạch anh tóc (rutilated quartz) thuộc bộ sưu tập trang sức cao cấp Cartier Magnitude. Thạch anh tóc hình thành khi tạp chất rutile lẫn vào trong đá quý quartz, tạo thành những vân tóc óng ánh. Ảnh: Cartier

Làm sao phân biệt giữa đá quý và thủy tinh hay pha lê? Chúng ta phải cần đến tạp chất. Nhiều người cho rằng, những thứ hỗn độn trong viên đá có thể khiến giảm giá trị của chúng. Suy nghĩ này đúng, nhưng chỉ một phần nhỏ thôi. Vậy bạn biết gì về tạp chất trong đá quý?

Tạp chất trong đá quý là gì?

Tạp chất hay bao thể (inclusion) là những vật chất không tinh khiết hoặc không đồng nhất trong đá quý. Chúng có thể ở thể rắn, lỏng hoặc khí. Các vết nứt hoặc đứt gãy cũng được coi là bao thể.

Tạp chất là bằng chứng của sự hình thành tinh thể, vì chúng thường được tạo nên từ sự kết hợp của các thành phần bao quanh viên đá quý, hoặc sự gián đoạn phát triển trong quá trình kết tinh.

Các loài đá quý tự nhiên khác biệt nhau chứa các bao thể khác nhau, và đá nhân tạo cũng vậy. Đá quý tự nhiên chứa tạp chất tự nhiên, trong khi đá nhân tạo chứa tạp chất nhân tạo. Chất lượng của đá quý có thể được xác định bằng việc kiểm tra tạp chất của chúng dưới kính hiển vi.

Tạp chất ảnh hưởng như thế nào đến giá trị đá quý?

Hiểu về tạp chất trong đá quý và những ảnh hưởng đến giá trị viên đá

Ảnh dưới kính lúp của một số tạp chất trong ngọc lục bảo thiên nhiên đến từ Ethiopia. Những tạp chất này có thể là lẫn viên đá khác (A và C), không khí và nước bị kẹt lại trong đá khi nó hình thành (B và D). Ảnh: Viện nghiên cứu khoáng chất Mỹ GIA

Nếu xuất hiện rõ ràng, các tạp chất thường làm giảm vẻ đẹp và giá trị của viên đá quý. Mặc dù vậy, tạp chất vẫn có thể đẹp khi quan sát dưới kính hiển vi.

Trong thương mại, các xếp hạng tinh khiết của đá quý màu chủ yếu là:

1. Hoàn toàn tinh khiết hoặc tinh khiết dưới kính hiển vi (flawless)

2. Tinh khiết đối với mắt thường (eye clean)

3. Ít tạp chất (very slightly included)

4. Chứa tạp chất ở mức vừa

5. Chứa tạp chất ở mức đáng kể (Included)

Cẩn thận: Nếu viên đá trong suốt, không tạp chất, giá lại rẻ, thì khả năng cao nó là thứ hàng dổm được làm bằng thủy tinh hay pha lê!

Nhìn chung, chúng ta luôn muốn chọn viên đá ít tạp chất nhất có thể.

Hiểu về tạp chất trong đá quý và những ảnh hưởng đến giá trị viên đá

Một tinh thể quartz bị kẹt trong kim cương, trở thành tạp chất có thể thấy dưới kính lúp. Ảnh: Global Gemology

Vì màu sắc, độ trong suốt và độ cứng có thể bị giảm đi đáng kể ở những viên đá chứa nhiều tạp chất. Ví dụ như ngọc lục bảo (emerald).

Ngọc lục bảo thường chứa nhiều tạp chất, đặc biệt là các vết nứt, làm tăng khả năng bị sứt mẻ hoặc vỡ khi so với những viên đá tinh khiết hơn như kim cương, sapphire. Vì vậy, khi lau chùi và sửa chữa, trang sức nạm ngọc lục bảo, bạn cũng cần nhẹ tay hơn.

Lý do chúng ta thường dùng ngọc lục bảo để nói về tạp chất trong đá quý, vì đây là loại đá quý bị lẫn tạp chất nhiều nhất. Các nhà buôn đá quý Pháp đã giới thiệu thuật ngữ “jardin”, có nghĩa là khu vườn, khi đề cập đến cảnh quan tạp chất trong long ngọc lục bảo. Đó là cách miêu tả tao nhã để tránh những tiêu cực liên quan đến sự thiếu tinh khiết. Tuy nhiên, thuật ngữ “jardin” nên được giới hạn với các tạp chất thể rắn và thể lỏng bên trong ngọc lục bảo, chứ không nên gộp các vết nứt và gãy.

Do đó, một viên ngọc lục bảo tinh khiết, ít tạp chất, sẽ được giao dịch với một khoản chi trả lớn hơn đáng kể so với một viên ngọc lục bảo kém tinh khiết hơn một chút.

Ngọc lục bảo là viên ngọc duy nhất được chấp nhận khi có nhiều bao thể.

Tinh thể ngọc lục bảo (emerald) khai thác từ mỏ Muzo của Colombia. Ảnh: Roland Schluessel

Do sự khác biệt về cấu trúc và sự hình thành địa chất, một số loại đá quý có nhiều khả năng chứa tạp chất hơn những loại khác.

Ví dụ, hầu hết các viên ngọc lục bảo đều có các khe nứt vì chúng hình thành trong các vùng hoạt động kiến tạo. Ngược lại, aquamarine, cũng là một loại khoáng vật beryl, có thể xuất hiện ở những viên đá tinh khiết cỡ lớn vì nó kết tinh trên các bức tường của “hang đá quý” được gọi là các vân hoặc túi pegmatit.

Vì vậy, giới chơi đá quý đánh giá aquamarine chất lượng tốt phải là viên đá tinh khiết, không nhiều bao thể. Trong khi ngọc lục bảo chất lượng tốt vẫn có thể pha lẫn tạp chất ở một mức độ nhất định.

>>> XEM THÊM: NGỌC LỤC BẢO (EMERALD): TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT ĐỂ CHỌN MUA KHÔN NGOAN

Nhưng, tạp chất cũng có thể giúp nâng tầm vẻ đẹp của đá quý.

Tạp chất giúp tạo nên hiệu ứng ngôi sao sáu cánh trong sapphire và ruby. Trong ảnh là cài áo vintage đầu thế kỷ 20 của Tiffany & Co. Ảnh: Lang Antique

Có một vài trường hợp ngoại lệ khi tạp chất đóng góp vào vẻ đẹp tổng thể của một viên đá quý, và thậm chí được công nhận như một loại đá thương mại mới. Một vài ví dụ là:

  • Các loại đá có tia sáng hình ngôi sao, như sapphire và hồng ngọc
  • Đá quý có hiệu ứng mắt mèo
  • Thạch anh tóc (rutile quartz)
  • Thạch anh tourmaline

Những phương pháp xử lý tạp chất trong đá quý

Hiểu về tạp chất trong đá quý và những ảnh hưởng đến giá trị viên đá

Ảnh kính lúp cho thấy những viên đá đã được xử lý tạp chất. A và B: Đá ngâm dầu, trộn lẫn vào các vết nứt nhỏ. C: Emerald đã xử lý nhiệt, biểu hiện qua ánh sáng xanh dương. D: Đá được củng cố bằng filler resin. Ảnh: GIA

Một số loại đá quý, ví dụ như sapphire và ruby, được xử lý nhiệt để cải thiện độ trong. Đá quá tối được nung nóng để giảm độ tối. Sapphire có màu trắng đục và các viên có màu thứ cấp được nung nóng để cải thiện độ trong suốt, tạo nên màu xanh lam tinh khiết hơn.

Những viên đá có vết rạn, nứt có thể được phủ dầu. Phương pháp phủ dầu ngọc lục bảo là cách tăng cường độ tinh khiết truyền thống, đã được áp dụng từ thời Ai Cập cổ đại cách đây hơn 2.000 năm. Đôi khi, dầu và các chất độn hữu cơ còn được pha màu để tăng độ sẫm màu của đá quý.

Khi mua đá quý, bạn luôn yêu cầu người bán xuất trình giấy tờ về các phương pháp xử lý tạp chất trong đá quý.

VỀ TÁC GIẢ, CHUYÊN GIA ROLAND SCHLUESSEL

Roland Schluessel sinh ra ở Thụy Sỹ và trải qua một phần thời thơ ấu ở Milan, Ý. Sau khi tốt nghiệp các trường Kinh doanh, Quản lý và Tiếp thị ở Thụy Sỹ, ông theo học ngành đá quý ở Đức và London, Anh. Tại Anh, ông nhận giải thưởng Rayner năm 1985.

Trong nhiều chuyến đi đến các trung tâm và địa điểm khai thác đá quý ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á, Roland đã chụp được hơn 200.000 bức ảnh về quá trình khai thác đá quý và các quá trình địa chất như núi lửa phun trào. Các bài thuyết trình của ông về đá quý đã được đánh giá cao ở nhiều nước trên thế giới.

Roland cũng là tác giả của một cuốn sách về hồng ngọc và ngọc bích từ Myanmar. Cùng với vợ là Nata, họ sở hữu công ty bán buôn đá quý Pillar & Stone International, chuyên về đá quý màu và ngọc bích. Roland Schluessel hiện cư trú tại San Francisco.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm