“Thiết kế thời trang là biến cái không biết thành biết, biến cái không muốn thành muốn, biến cái không thể thành có thể. Từ một ý tưởng trở thành một thiết kế, từ một thiết kế trở thành một biểu tượng”.
Đó chính là triết lý thiết kế của thương hiệu Devon London, do Devon Nguyễn sáng lập.
Mỗi bộ sưu tập của Devon Nguyễn là một chương trong quyển sách mà nhà thiết kế vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Quyển sách ấy không gì khác chính là cuộc hành trình vào thế giới thời trang.
Devon Nguyễn: Nhà thiết kế du học tại Anh nhưng quyết định về Việt Nam lập nghiệp
Sau thời gian học tập tại London College of Fashion và Central St. Martin, Devon Nguyễn quyết định trở về Việt Nam để xây dựng thương hiệu cá nhân. Nhiều câu hỏi được đặt ra tại thời điểm đó. Rằng đang có nhiều cơ hội phát triển ở những sân chơi thời trang lớn, tại sao lại quay về. “Đó là một cái duyên”, Devon nói.
London là nơi rất tốt để học hỏi và bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nhưng Devon lại bị chinh phục bởi kỹ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam. Sự thăng hoa trong sáng tạo khi kết hợp thiết kế hiện đại với những chi tiết thêu đính tỉ mỉ đã giữ chân Devon Nguyễn ở lại với ngành công nghiệp còn non trẻ của nước nhà.
Những ngày đầu phát triển và định hình phong cách
Đặt tên cho thương hiệu là Devon London, như một cách tri ân thành phố nơi mình đã theo học. Devon London được định hướng là một thương hiệu ready-to-wear ngay từ những ngày đầu tiên. Thương hiệu có được sự nhạy bén đối với xu hướng và kiến thức chuyên môn trong thời trang.
Devon London đã làm tròn nhiệm vụ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ qua những thiết kế đầy thú vị. “Ngành công nghiệp thời trang đang trên đà phát triển của Việt nam cần một cú đẩy. Đó chính là sự chuyên môn hóa từng mắt xích trong các công đoạn ra đời của một bộ sưu tập”, chị nói.
Người thợ Việt Nam có đôi bàn tay khéo léo. Nhưng họ lại chưa phát huy được khả năng đó một cách đồng đều. Để cạnh tranh với thời trang các nước bạn, các nhà thiết kế cần đề cao những chi tiết rất nhỏ và tỉ mỉ. Ví dụ như nếp may, đường chỉ, khuy bấm.. Ngoài ra, chất liệu vải cũng là một vấn đề cần được các thương hiệu quan tâm. Đó là yếu tố quan trọng nếu muốn đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm gì khác ngoài thời trang”
Devon Nguyễn trả lời thật đơn giản khi tôi hỏi tại sao chị lại quyết định theo đuổi ngành nghệ thuật đầy mê đắm mà cũng lắm phù du này.
Năm 2011, người mẫu đầu tiên bước ra sàn diễn của một chương trình thời trang mặc trên mình những thiết kế của thương hiệu Devon Nguyễn. Thiết kế đậm chất punk rock quái lạ với cách chơi chất liệu và hình dáng “conceptual”. Giống hệt như những cô ballerina u tối trong bộ phim nổi tiếng Black Swan (Thiên Nga Đen). Chặng đường 6 năm, bản thân nhà thiết kế đã có những thay đổi không nhỏ. Chúng được biểu hiện rõ ràng nhất qua các thiết kế của chị.
Đối với Devon Nguyễn, sự tinh tế của một bộ sưu tập nằm ở những chi tiết rất nhỏ. Chị đã làm việc với thương hiệu sản xuất vải nổi tiếng và lâu đời của Anh Quốc Huddersfield Cloth. Chị mang vào các thiết kế của mình những chất liệu vải được thêu dệt tự nhiên và không nhuộm hóa chất. Những người phụ nữ của Devon Nguyễn được nâng niu bằng chất vải tơ tằm nền nã. Kết hợp cùng lông vũ mềm mỏng, bay bổng như mây qua các thiết kế Xuân Hè 2017 trình diễn tại Paris Fashion Week và Vietnam International Fashion Week vừa qua.
Nguồn cảm hứng chính là cuộc sống của bản thân
Nguồn cảm hứng của bộ sưu tập Wanderlust chính là cuộc sống của bản thân nhà thiết kế, những con người chị từng gặp gỡ, qua những chuyến đi dài. Các thiết kế của chị là hành trình tìm kiếm những mảng màu phong phú cho tâm hồn của kẻ hay đi. Rồi tái hiện qua góc nhìn thời trang. Hình ảnh chiếc máy bay giấy, đám mây bồng bềnh, dấu xuất nhập cảnh trên cuốn hộ chiếu thổi hồn vào bộ sưu tập. Sử dụng kỹ thuật thêu, kết đính đã làm nên tên tuổi của thương hiệu Devon London. Sự khéo léo của những nghệ nhân kết đính chính là một ví dụ tuyệt vời về văn hóa đính kết thủ công Việt Nam.
Devon Nguyễn cho rằng thời trang vốn là một con đường chông chênh
“Làm thời trang áp lực lắm”, Devon chia sẻ. Để có được một bộ sưu tập với những họa tiết ấn tượng là cả một quá trình. Nhà thiết kế phải lên được concept thời trang phù hợp xu hướng, từ màu sắc đến kiểu dáng. Sau đó sẽ là công việc của người thợ thêu tay và đính kết. Kết hợp với sự biến tấu của kĩ thuật đính kết cổ điển áp dụng trên những hình vẽ đặc sắc. Nhiều sản phẩm Devon Nguyễn và thợ phải mất từ 100 đến 300 giờ làm việc cần mẫn.
Chuyện cân bằng cuộc sống là thử thách mà mỗi ngày chị đều phải đối diện. Nhưng không có con đường dẫn đến thành công nào mà không cần sự hy sinh, cố gắng.
Sau khi trình diễn ở Paris Fashion Week, có rất nhiều cánh cửa rộng mở với chị. Những kế hoạch mới cho thương hiệu Devon London cũng đang trong giai đoạn ấp ủ. Điều chị mong muốn chính là sự phát triển mạnh mẽ hơn trong thị trường quốc tế thời gian tới.
Vốn là một người sống bản năng, Devon Nguyễn nói chị không thích bon chen làm gì. Nhưng như vậy không có nghĩa là dậm chân tại chỗ để giữ cho bản thân được an toàn. Sống tỉnh táo là vậy nhưng đôi khi Devon lại bay bổng vô cùng. Chị quan niệm, nếu mình nghĩ cuộc sống phức tạp, nó sẽ trở nên phức tạp còn nghĩ nó đơn giản, ắt nó sẽ đơn giản thôi. “Once you become fearless, life become limitless.”
**Êkíp thực hiện**
Bài: Amy
Fashion Director: Sarah Nguyễn.
Ảnh: Kỳ Anh
Stylist: Emil Vy
Trang điểm: Xi Quan Lê
Người mẫu: Chà Mi.
Trang phục và phụ kiện: Devon London
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam