Tuổi 30 và những điều bạn cần làm để không phải hối tiếc (P2)

Tuổi 30 là một ngã rẽ khác của cuộc đời, khi bạn phải đứng giữa rất nhiều lằn ranh lựa chọn. Nếu như bạn của tuổi 20 có thể tự cho phép mình rong chơi vô tư lự, thì bạn, ở tuổi 30, phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn hơn thế.

Bạn có nên dừng ngay công việc nhàm chán hiện tại, để tìm đến một chân trời mới không? Bạn đã dành nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình riêng chưa; hay cảm thấy mình đối xử chưa tốt với bản thân? Hãy suy nghĩ kỹ và làm những điều sau, nếu bạn không muốn tuổi 30 trôi đi trong nuối tiếc.

Xem lại phần 1 tại đây

6. Bạn sẽ hối hận về những gì chưa làm hơn là điều đã làm

tuổi 30, hầu hết mọi người đều chịu áp lực của xã hội về nhiều thứ. Đó là sự kỳ vọng về công việc ổn định, gia đình lý tưởng, hay cuộc sống đủ đầy. Chính vì thế, đôi lúc ta không dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.

Quy chuẩn xã hội đưa bạn vào khung với những dấu mốc cố định. Cuộc đời rực rỡ được đánh dấu bởi những điều mặc định có sẵn. Đó là những giai đoạn học tập, tốt nghiệp, cưới chồng, đi làm, con cái, chăm sóc gia đình. Đối với đàn ông thì 30 tuổi phải có trong tay sự nghiệp nhất định. Xã hội không cho phép bạn thất bại hay phá vỡ các khuôn khổ. Kỳ vọng không cho phép bạn được thử thách một điều gì mới. Và bạn phải sống trong nỗi sợ hãi và vòng an toàn đó cho đến cuối đời.

Nhiều người khi về già thường hối tiếc những điều mình không dám làm lúc còn trẻ. Bạn không dám rời bỏ công việc buồn tẻ để xây dựng cơ ngơi cho mình. Bạn không dám bắt đầu những hành trình khám phá bạn mơ ước từ lâu. Và đến lúc nhận ra rằng mình chỉ có một cuộc đời để sống. Thì đó là lúc bạn sẽ hối tiếc vì những năm tháng đầy sợ hãi.

“Bạn có quyền quyết định cuộc sống của mình. Đừng sợ rằng mình sẽ xé toạc nó ra khi biết bạn có khả năng xây dựng nó lại từ đầu”.

7. Không ngừng cố gắng và phát triển bản thân

Có hai thứ tài sản quý giá nhất đời người: cơ thể và tâm trí. Hầu hết mọi người thường bỏ lơ điều đó. Ở độ tuổi 30, họ bận rộn và chẳng có thời gian để nghĩ đến việc đầu tư cho chính mình.

Không có độ tuổi nào là giới hạn cho việc học tập và phát triển không ngừng. Nếu bạn cho rằng ở độ tuổi này, bạn sẽ bị giới hạn nhiều thứ, như đầu óc không còn minh mẫn, cuộc sống bận rộn với mối lo cơm áo gạo tiền, hay bào chữa bằng việc không có thời gian, thì vẫn còn nhiều thứ có thể giúp bạn phát triển từng ngày.

Tỉ phú Warren Buffett cho rằng sự đầu tư tốt nhất cho người trẻ là đầu tư cho giáo dục của họ. Tiền thì sẽ đến rồi đi. Những mối quan hệ cũng có thể thay đổi. Nhưng những điều bạn học được sẽ ở lại với bạn mãi.

Đừng ngại đăng ký cho mình một khóa học trực tuyến. Hay mạnh dạn dành chút thời gian buổi sáng đến lớp thiền; hoặc bắt đầu học cách lan tỏa những giá trị bạn có. Đừng nhốt chặt tâm trí của bạn trong khi nó vẫn còn có thể hoạt động tốt.

8. Trân trọng những giá trị trong hiện tại

Trừ khi bạn chết, bạn sẽ không thể dự đoán cuộc sống của bạn trong vòng 5 năm tới. Đôi lúc, nó sẽ đi theo chiều hướng không hoàn toàn như bạn mong đợi. Ngừng mặc định là bạn có thể lên kế hoạch trước cho tất cả mọi thứ.

Điều bạn cần làm là sống hết mình cho giây phút hiện tại. Học cách trân quý những điều xung quanh. Nó sẽ là bậc thang vững chắc cho bạn khi tiến về phía trước. Tập trung vào sống cuộc đời rực rỡ ngay giây phút này, ngay khi mà bạn có thể tận lực và sống hết mình cho nó.

9. Tuổi 30: Lúc để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình

Ở độ tuổi 30, bạn có nhiều thứ phải lo hơn trong mối quan hệ gia đình. Ba mẹ bạn bắt đầu già đi. Bạn phải xoay sở thời gian, công sức để dành nhiều mối quan tâm cho họ hơn. Đôi lúc bạn phải kiên nhẫn hơn, bình tĩnh hơn và học cách yêu thương nhiều hơn. Đó có thể là điều bạn chưa từng làm trước đó.

Ngay lúc này, bạn có thể đã sở hữu một gia đình nhỏ của riêng mình, nơi tràn đầy tiếng cười con trẻ, hay nụ cười ấm áp của vợ hoặc chồng. Nó khiến bạn cảm thấy thư giãn giữa bộn bề công việc. Vì thế, hãy dành nhiều thời gian quý giá hơn cho gia đình.

Nhưng đối với nhiều người, độ tuổi này là lúc phải đối mặt với những quyết định khó khăn khác. Với đàn ông, có thể họ chưa sẵn sàng có được một gia đình nhỏ; vì nghĩ rằng chưa có sự nghiệp riêng. Với nhiều người khác, họ lại chưa muốn có con; vì cho rằng sẽ không có thời gian hoặc không đủ điều kiện chăm sóc chúng. Nhiều người vẫn có mong muốn được khám phá và trải nghiệm điều gì mới.

Dù quyết định có là như thế nào đi chăng nữa, hãy nên nhớ luôn dành thời gian và tâm huyết cho những giá trị xứng đáng.

10. Đối xử tử tế và tôn trọng bản thân

Bạn sẽ đủ chín chắn để nhận ra đâu là nuông chiều bản thân, đâu là yêu thương nó. Bạn nên cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất dành cho nó. Đôi lúc có thể hơi ích kỉ khi bạn nghĩ cho mình nhiều hơn. Nhưng nếu nó xứng đáng, đừng ngần ngại làm điều đó.

Chẳng ai có thể yêu thương chính bản thân bạn ngoài bạn. Tâm trí và thể xác luôn là người bạn đồng hành với bạn suốt cả cuộc đời. Vì thế, không lý do gì khiến bạn có thể bỏ lơ chúng.

Đầu tư cho bản thân là một trong những cách đối xử tử tế với chính mình. Học cách lắng nghe những tâm tư của bản thân. Biết rõ là mình đang mong muốn hay không mong muốn điều gì. Đôi lúc, việc thấu hiểu bản thân còn khó khăn hơn cả những điều khác.

Dành thời gian vun đắp giá trị bản thân.Và đừng để bất cứ ai đánh giá tệ chính bạn. Hãy ngừng việc để người khác không tôn trọng giá trị bản thân bạn. Vì bạn xứng đáng có được nhiều điều tốt đẹp hơn thế.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm