Stress có thể mang lại nhiều lợi ích, nếu ta học cách sống chung hoà bình với nó

Trong thế giới hiện đại stress chính là một phần của đời sống. Nếu như không thể chạy trốn stress, đã đến lúc chúng ta cần tìm cách chung sống với nó

Gặp gỡ những doanh nhân thành đạt, tôi thường thấy choáng ngợp trước lịch trình làm việc dày đặc của họ. Thế nhưng, điều ngạc nhiên thú vị là đa số những người phụ nữ ấy đều cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Những cơn stress căng thẳng dường như đã được họ chuyển đổi địa chỉ một cách khéo léo.

Khi tìm hiểu cách thức làm chủ cuộc sống của những phụ nữ thành đạt, tôi mới khám phá thêm nhiều điều thú vị của vấn đề thoạt nghe làm ta đau đầu này. Vì, như nhà khoa học Marie Curie đã nói: “Không có gì trong cuộc sống làm chúng ta sợ, chỉ có những gì chúng ta cần phải hiểu rõ mà thôi”.

Nên đối đầu hay đồng hành với những cơn căng thẳng?

Stress bủa vây cuộc sống hiện đại. Chúng gây căng thẳng, sức ép, tác động trực tiếp đến trạng thái tâm lý chúng ta.

Càng ngày, sức lực và mối quan tâm của người phụ nữ bị chia năm xẻ bảy bao giờ hết. Ở văn phòng, chạy đôn đáo hoàn tất yêu cầu của đối tác, ngay lập tức trả lời email hay tin nhắn điện thoại, đối mặt với deadline và cuộc họp khẩn cấp cần tham dự. Ở nhà thì chuyện gia đình cũng có muôn chuyện phải giải quyết.

Đời sống văn minh đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người phụ nữ. Trong nhịp sống gấp gáp ngày nay, với yêu cầu multi-task làm nhiều việc một lúc, nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của cơn bão stress đang được ví như căn bệnh toàn cầu của thế kỷ 21.

Không ai muốn rơi vào tình trạng khủng hoảng stress. Nhưng khó ai tránh được hoàn toàn các tình huống tạo ra stress.

Điều đáng nói là có nhiều phụ nữ đã không chọn đối đầu căng thẳng; mà tìm cách nhẹ nhàng bước đi trong gánh nặng áp lực đó. Họ tìm thấy “động lực” và còn có thể tạo ra “lợi nhuận” từ stress.

Với họ, stress không hoàn toàn tiêu cực. Vẫn có những cách thức thông minh “chuyển địa chỉ của cơn stress”, tận dụng sức mạnh của trạng thái căng thẳng này để đạt được nhiều mục tiêu trong cuộc sống.

Không phải stress nào cũng xấu

Khoa học cho thấy, thật ra có hai loại stress khác nhau.

Stress, chính là loại trạng thái tạo căng thẳng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý và hành vi con người. Còn Eustress lại là loại stress tích cực.

Eustress lần đầu tiên được nhà nội tiết học Hans Selye lần đầu tiên định nghĩa vào những năm 1950. Đây là dạng stress trở thành động lực, thúc đẩy con người hoạt động hiệu quả hơn trong một số tình huống. Eustress phóng thích một lượng endorphin – còn gọi là hormone hạnh phúc – giúp cải thiện tuần hoàn máu và tập trung trí não, mang lại cảm giác hưng phấn, có thể giúp cơ thể quên đi cảm giác đau.

Eustress còn đem lại niềm đam mê, hứng khởi trong cuộc sống. Giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Các nhà khoa học phát hiện rằng trong khi stress mãn tính làm phát triển các mảng bám trong não bộ (một triệu chứng đặc trưng của bệnh Alzheimer) thì eustress cấp tính lại được cho là có khả năng cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng thích nghi.

Stress ngắn hạn giúp tăng hàm lượng oxytocin, được biết đến với tên gọi “hormone âu yếm”. Thực vậy, khi căng thẳng chúng ta thường có xu hướng tìm đến người thân để có sự kết nối và chia sẻ. Theo Tiến sỹ Kathleen Hall, người sáng lập Viện Nghiên cứu Stress tại Mỹ, “Oxytocin ngăn chặn việc sản xuất ra các hormone gây stress như adrenaline và làm hạ huyết áp bằng cách làm giãn nở mạch máu, giúp cơ thể giảm được những ảnh hưởng tiêu cực do lo lắng gây ra”.

Nghiên cứu của Đại học Buffalo trên 2.400 người từng trải qua nhiều bất hạnh như li dị, thiên tai và mất đi người yêu quý, đã nhận ra rằng họ có khả năng thích nghi tốt hơn những người luôn suôn sẻ. Căng thẳng là động lực thúc đẩy bạn vượt qua giới hạn trước kia của mình và đạt tới tiềm năng mới cao hơn. Những người bước qua được thử thách thường có sức mạnh dẻo dai và ứng xử linh hoạt hơn.

Hầu như ở mặt nào đó, stress chính là một phần của đời sống. Vậy nên, nếu như stress là không thể chối bỏ được thì đã đến lúc chúng ta cần tìm cách chung sống với nó.

>>> Xem thêm: ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC HƠN: 4 HOÓC-MÔN VUI VẺ BẠN CẦN BIẾT

Cách sống hòa bình chung với stress

Stress có thể mang lại lợi ích, nếu bạn tìm được cách vượt qua nó và rút ra thêm bài học cho chính mình để tiếp tục đối mặt với những vấn đề tiếp theo.

Từ một nhân viên làm thuê đến chủ doanh nghiệp với hơn 200 nhân viên, chị Nhan Húc Quân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo chia sẻ bí quyết giúp mình vượt qua áp lực căng thẳng trong cơn lốc thị trường: Đó là biết cách sắp xếp, phân bổ và tận dụng quỹ thời gian. Biết ưu tiên việc quan trọng. Biết từ chối và chấp thuận đúng lúc.

Với bà mẹ hai con, nữ doanh nhân Markey Hutchinson, chủ nhân của Công ty Beaufort Bonnet chuyên sản xuất các sản phẩm cao cấp cho trẻ em tại Mỹ, stress dĩ nhiên là khó tránh khỏi trong nỗ lực cân bằng cuộc sống và công việc. Markey Hutchinson chia sẻ cô đã học cách học giao nhiệm vụ và tin tưởng nhân viên: “Tôi phải chấp nhận việc tôi không thể làm tất cả một mình”.

Kể lại hành trình đấu tranh để sinh tồn trong cuốn sách vừa xuất bản: 192 Hours – Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh, Annette Herfkens, nạn nhân sống sót duy nhất trong vụ tai nạn máy bay rơi tại Ô Kha, Khánh Hòa năm 1992 là một minh chứng cho khả năng kiểm soát cảm xúc.

Tám ngày trong khu rừng nguyên sinh, một mình với những vết thương khắp nơi trên cơ thể, sống chung với lũ giòi lúc nhúc, làm sao cô bắt mình quên đi thực tại đau đớn?

Annette Herfkens chia sẻ: “Vì tôi ý thức rất rõ rằng nếu tôi tiếp tục nghĩ về Pasie (người chồng sắp cưới đã tử nạn) và tất cả bọn giòi, vết thương, xác người… thì tôi sẽ khóc. Điều đó sẽ gây ra sự mất nước cho cơ thể và sẽ khiến tôi kiệt sức nhanh hơn. Do đó, tôi biết rất rõ cách duy nhất để tồn tại và chấp nhận sự thật như nó vốn có, và tìm kiếm cơ hội từ điều đó. Tôi đã nghĩ rằng, cả đời tôi, một cô gái thành thị, chưa bao giờ biết đến một khu rừng nguyên sinh. Và đây là cơ hội cho tôi chiêm ngưỡng nó trọn vẹn. Điều đó đã cứu sống tôi”.

BÍ QUYẾT XỬ LÝ CƠN GIẬN DỮ KHI ĐANG MỆT MỎI

Bạn có thể nghĩ rằng mắng chửi té tát, hay ném cái gối, đấm cái bị sẽ giúp bạn giải tỏa stress, thực ra là trái lại. Nó dạy bạn kiểu ứng xử điên khùng và đập phá.

Bình tĩnh lại. Thay vì thế, hãy dùng trí tuệ và ứng xử một cách có kỹ thuật để làm giảm giận dữ và lo lắng.

Nghiên cứu cho thấy rằng nếu với giận dữ mà cứ để mặc nó thì chỉ làm tăng thêm giận dữ và hung hăng. Ngược lại của giận dữ không phải là rút lui hay đả kích mà là tạo một sự cảm thông. (Trích từ sách Bạn mãi trẻ)

>>> Xem thêm: THIỀN CHUÔNG ĐÁ CÓ THẬT SỰ GIÚP GIẢM ĐAU VÀ CHỮA LÀNH TÂM LINH?

Bài: Mỹ Trang
Ảnh: Tim Mcconville/Corbis
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm