Giữa muôn trùng sức ép của cuộc sống hiện đại, một tinh thần lạc quan giúp chúng ta vượt qua nhiều khó khăn trở ngại. Nguyên thủ tướng, nhà chính trị – văn hóa người Anh lỗi lạc, Sir Winston Churchill từng nói: “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn”.
Sức mạnh của sự lạc quan
Lạc quan chỉ thái độ sống luôn nhìn vào khía cạnh tích cực của mọi vấn đề. Thậm chí là nhìn thấy niềm tin ở những tình thế hiểm nghèo nhất. Người lạc quan luôn nhận được món quà quý giá của cuộc sống.
Những nghiên cứu trong ngành y cho thấy thái độ sống lạc quan, tích cực sẽ kích thích việc sản sinh hormone endorphin có tác dụng làm giảm đau, và serotonin giúp điều hòa tâm trạng. Đồng thời, hệ miễn dịch được tăng cường dẫn đến tăng sức đề kháng cơ thể. Sự lạc quan là một liều thuốc tự nhiên kỳ diệu.
Loại hormone lạc quan cũng mang đến hưng phấn cho não bộ, thúc đẩy mỗi chúng ta nảy sinh ra những ý tưởng táo bạo, thôi thúc con người hành động cho mục đích của mình.
Ngược lại, thái độ bi quan, tiêu cực sẽ sản sinh cortisol, gây teo tế bào thần kinh và dẫn đến mất trí nhớ; đồng thời kích thích tăng huyết áp và đường huyết, làm cứng động mạch, gây ra bệnh tim mạch. Bi quan tiêu cực thật sự là liều thuốc độc đối với cơ thể.
Ảo tưởng sức mạnh: Mặt trái của sự lạc quan thái quá
Tuy nhiên, không phải lúc nào sự lạc quan cũng mang đến toàn những ích lợi. Lạc quan thái quá khiến ta không chuẩn bị kế hoạch cho những điều không mong đợi.
Có một thực tế hiện nay là những mô hình kinh doanh đang thay đổi ngày càng nhanh và đa dạng hơn. Môi trường kinh doanh khó khăn đòi hỏi sự cạnh tranh và sáng tạo để có những phát triển mới, vượt qua những thay đổi hiện có của ngành công nghiệp. Việc lạc quan quá mức sẽ hạn chế ý chí và khả năng hành động để tạo ra những thay đổi tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, ta dễ dàng nhìn thấy mối quan hệ tương quan giữa người lạc quan cao độ và lối sống thiếu lành mạnh của họ. Họ ít tập thể dục, ăn uống vô bổ và có thói quen ngủ thất thường. Họ tin rằng mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp cả thôi, nên không nhất thiết phải quá giữ kẽ.
Khủng hoảng kinh tế, hệ quả của những ảo tưởng
Có thể thấy việc lạc quan không xét tới những yếu tố khách quan, hoặc lờ đi những phản biện ngược với mong muốn của mình… chính là tiền đề của khủng hoảng.
Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng bong bóng kinh tế, đặc biệt ở lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. Cơ chế của bong bóng kinh tế thường được giải thích bằng một lý thuyết có tên là “lý thuyết về kẻ ngốc hơn”.
Lý thuyết này giải thích hành vi của những người tham gia vào một thị trường với sự lạc quan thái quá (anh ngốc). Bong bóng tiếp tục phình to thêm chừng nào mà anh chàng ngốc này vẫn còn tìm được một kẻ ngốc hơn mình mua những hàng hóa đó, ở mức giá ngày càng cao. Tiến trình này kết thúc khi anh ngốc cuối cùng trở thành “kẻ ngốc nghếch nhất”, người trả giá cao nhất cho loại hàng hóa được định giá quá cao và không tìm được người mua nào khác cho chúng. Lúc đó bóng nổ.
Chỉ có nhìn nhận đúng thực tế và hành động với động lực có cơ sở ta mới tránh được cái nhìn u mê, kỳ vọng ảo tưởng.
Để làm chủ tâm lý bản thân
Có một câu nói khá phổ biến: “Lạc quan thật sự không phải tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp, mà tin rằng không phải mọi việc sẽ tồi tệ” đã truyền cảm hứng hành động cho nhiều người. Luôn luôn có tinh thần phấn đấu, luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan… chúng ta có thể chuyển động cuộc sống theo ý mình.
Sự lạc quan tích cực giúp chúng ta tin tưởng vào bản thân, có khả năng cải thiện mọi hoàn cảnh trong tương lai và biết đặt niềm tin vào mọi người xung quanh. Hãy:
1/ Nhìn thẳng vào thực tế, không than thở
2/ Khoan dung và đòi hỏi ít hơn
3/ Tận hưởng từng khoảnh khắc cuộc sống
4/ Mỉm cười nhiều hơn
5/ Luyện tập thể chất, vận động cơ thể
>>> Xem thêm: HÀ KIỀU ANH: LẠC QUAN LÀ LIỀU THUỐC QUÝ CỦA NHAN SẮC
Bài: Mỹ Trang. Ảnh : Tư liệu
Harper’s Bazaar Việt Nam