Hận thù hay tha thứ?

Hận thù và tha thứ là hai thái cực nhưng đều hỗ trợ nhau để hình thành nên tính cách của một con người vĩ đại

Bị người lớn xâm hại nhân phẩm lúc còn bé, cô gái trẻ giữ mãi nỗi hận thù. Anh chồng hận vợ vì cô đã bỏ đi theo người đàn ông khác. Bố mẹ của đứa bé bị tử nạn do một tay lái xe say xỉn sẽ nuôi mãi hận thù và cay đắng từ cái chết tức tưởi của con… Tất cả những người như họ đang trải qua một cảm xúc mà ít khi họ phân định được rạch ròi ranh giới giữa tức giận và hận thù. Chỉ khi một hành động nào đó phát tác, người bàng quan mới hiểu và lúc ấy đã quá muộn.

Lòng hận thù đầy tiêu cực, toan tính vẫn thường chiến thắng sự tức giận vốn đầy ý nghĩa bản năng và tích cực. Điều ấy khiến cuộc sống xã hội trở nên nhiễu nhương và thiếu lòng tin.

Sự nuông chiều thái quá của xã hội phong kiến

Lần dở lại lịch sử hình thành xã hội nhân loại, chúng ta đều thấy khuynh hướng trả thù, báo thù như đã tiềm ẩn từ muôn thuở trong lòng con người. Trả được thù từng là chiến công khi hoàn thành xong sứ mệnh thiêng liêng cho một dòng họ, một dân tộc. Việc đó làm con người nguôi ngoai nỗi tức giận khi bị xúc phạm hay bị hãm hại.

Việc trả thù càng ăn rễ sâu vào cộng đồng nhân loại thời hiện đại khi được sách truyện, phim ảnh và phương tiện truyền thông cổ súy. Những câu chuyện xoay quanh chuyện hận nước, thù nhà từng là đề tài lôi cuốn vô số người xem, người nghe với những kết cục hỉ hả rất có hậu là hận đã rửa, thù đã trả, làm hài lòng tất cả tầng lớp công chúng từ già đến trẻ.

Xã hội đã vô tình tiếp tay mơ hồ hóa lằn ranh giữa hận thù và sự tức giận. Cao trào xúc cảm của tinh thần tuy giống nhau nhưng rất khác nhau về ý thức hành sự. Chính vì lằn ranh đã bị xóa đi mà cảm xúc tức giận rất bản năng và tích cực đã bị “con quỷ” hận thù đầy tiêu cực mang tính hủy diệt nội tại lấn lướt, khiến con người không muốn tập tha thứ và chẳng chịu bỏ qua. Sự tức giận và thù hận hoàn toàn khác biệt nhau nhưng người ta cố tình không biết.

Tức giận có thể tiếp nghị lực cho bạn trong khi sự thù hận hoàn toàn đầu độc bạn. Tức giận có ý nghĩa tích cực trong khẳng định bản thân, thể hiện một điều rằng “tôi” không đáng bị xúc phạm, càng rất xứng đáng không phải nhận những chuyện chẳng lành. Trong khi đó, thù hận là sự tự chuốc lấy thất bại của chính chủ nhân đang hằn chứa trong lòng đầy “lửa” giận khao khát trả thù. Khi tức giận một ai đó, những điều chúng ta nghĩ về họ đầu tiên là bực bội, chỉ chăm bẳm soi những mặt tiêu cực, phóng đại càng nhiều càng tốt về những thiệt hại mà đối phương gây ra cho mình.

Tiếp theo đó là công khai lên án hay giáng đòn trả đũa bằng hành động hoặc bằng bất cứ phương tiện nào đang có nhằm trút hết được cơn giận của bản thân và thỏa mãn cái tôi đã bị đối thủ xúc phạm trước đó.

Có dễ dàng “nuốt” cơn đau vào lòng? Điều ấy tùy thuộc vào cảm giác và kinh nghiệm sống về tức giận, trả thù hay tha thứ của mỗi người. Khi thù hận ai, bạn dễ biến thành con rối để người gây tổn thương cho bạn điều khiển. Tâm hồn đang chất chứa hận thù và khi đã trả đuợc thù đều chất chứa sự khổ tâm, giằng co, day dứt mà thôi.

Giải pháp để triệt tiêu liều thuốc độc thù hận

minh-hoa-1

Cây tha thứ chỉ mọc từ mầm bao dung

Đi tìm giải pháp cho vấn đề này, chúng ta nhận ra một điều rằng chỉ có tha thứ là cách tốt nhất để giải thoát những căm giận trong lòng, làm cho tâm mình được thanh thản và bình an. Thật ra, chuyện tha thứ đối với một số người là việc không hề dễ dàng chút nào. Với một số trường hợp, có khi mất cả năm. Tha thứ luôn mang đến lợi ích cho người bị tổn thương nhiều hơn cho người được tha thứ. Nó giải phóng bạn khỏi đau khổ vì những gì xảy ra trong quá khứ, giúp bạn có cái tâm an tịnh để chọn cách tiếp tục sống tốt hơn.

Thù hận dễ, tha thứ khó. Đó là điều không có gì bàn cãi. Nhưng nếu chỉ làm được những việc dễ trong đời, bạn chẳng bao giờ trở thành một người bản lĩnh. Có mất đi sức mạnh hoặc hy sinh một phần tính cách để tha thứ cho kẻ thù, bạn mới nhận được sự đền bù to lớn gấp bội, đó là niềm vui tâm hồn.

Tha thứ là yếu tố quan trọng để được sống lạc quan

Trong quá trình nhân loại tiến hóa bằng sự thải lọc “mạnh sống mống chết”, người ta đã từng hoài công kêu gọi lòng quảng đại, cao thượng của nhau. Nói hoài công là vì chúng khó có thể xoa dịu nỗi đau ở người bị xúc phạm. May ra, chúng chỉ làm giảm bớt tính hung hăng, thô bạo, khiến cho tiếng nói của hận thù tạm lắng xuống, còn triệt tiêu được nó thì khó. Kêu gọi không có sức mạnh bằng hành động. Vì hành động mới chính là tha thứ. Bạn phải có kinh nghiệm về sự yêu thương và lòng vị tha mới biết bỏ qua những nỗi đau khổ trong lòng.

Đừng nhìn vào những so bì thiệt hơn bên ngoài, hãy lắng nghe tiếng nói lương tâm, kể cả tự vấn những lỗi lầm bản thân mình đã va vấp. Cần tự xét đoán bằng câu hỏi “Ta đã được tha thứ mấy lần?”. Chỉ khi biết đã từng sai sót và nhiều lần được tha thứ, may ra bạn mới đủ “dũng cảm” tha cho người.

Ngạn ngữ có câu “Tha thứ là sự trả thù vinh quang”. Còn hơn thế nữa, tha thứ làm người ta trở nên vĩ đại.

Bài: Uyên Minh
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm